You are here

Góp ý với Đảng

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

2010-11-28

Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia vừa phổ biến biên bản ghi lại nội dung tổng quát của những góp ý từ 22 cán bộ cao cấp thuộc đảng cộng sản Việt Nam, đối với các văn kiện sẽ được trình bày trong kỳ đại hội đảng sang năm.

AFP Photo
Đại hội đảng CSVN lần X tại Hà Nội

Đài chúng tôi hỏi chuyện cựu đại tá Bùi Tín, cựu phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam và được ông dành cho cuộc trao đổi sau đây.
Đỗ Hiếu: Trước hết xin ông sơ lược về kỳ họp Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ được tổ chức vào tháng giêng của năm 2011.
Ông Bùi Tín: Trong năm nay thì người ta đã tiến hành đại hội đảng ở cơ sở, tức là ở các chi bộ, ở các đảng bộ của xã, của huyện và của quận, và mấy tháng trước đây thì đã mở đại hội ở các tỉnh và thành phố. Tháng này sẽ mở đại hội đảng của toàn quân, và để đi đến Tháng Giêng là đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11.
Thế mà chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ 11 này thì Bộ Chính Trị có công bố công khai 3 văn kiện, mà quan trọng nhất là Báo Cáo Chính Trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 10 sẽ trình bày ở Đại Hội Đảng XI. Văn kiện thứ hai là "Cương lĩnh quá độ của đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ", và dự thảo thứ ba là "Kế hoạch 5 năm và 10 năm". Đó là 3 văn kiện chính.
Và vừa rồi Bộ Chính Trị, sau công bố đó thì có kêu gọi toàn dân và toàn đảng, mọi người góp ý vào 3 văn kiện dự thảo đó, và thời hạn cuối cùng là còn vài ngày nữa thôi, tức là 30-11-2010 sẽ kết thúc đợt góp ý và Bộ Chính Trị sẽ tổng kết lại để tiếp thu những ý kiến đó.
Không đảng phái
Đỗ Hiếu: Thưa ông, việc góp ý mà Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam mới mở ra cho toàn dân thì ông có nhận định gì về sự việc đó?
Ông Bùi Tín: Tôi theo dõi những ý kiến đó thì thấy báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, và các báo khác đều có mở ra mục góp ý với những văn kiện của Đại Hội. Nhưng trong tất cả các góp ý đó tôi có chú ý đặc biệt đến một cuộc hội luận của 22 nhà trí thức đều là đảng viên cao cấp của Đảng để góp ý cho các văn kiện đại hội và cuộc họp này đã diễn ra vào đầu tháng 10, mùng 7 tháng 10 tại Hà Nội.
Tôi cũng xin nói là cuộc góp ý đó rất quan trọng bởi vì trong hơn 20 nhân vật đó có những ông như phó thủ tướng Trần Phương, các nhà học giả như ông Việt Phương mà trước kia là thư ký cho ông Phạm Văn Đồng, như ông Nguyễn Quang A, như ông Phan Văn Tiệm, và rất nhiều nhân vật khác, có thể nói là những nhân vật trí thức được đào tạo rất bài bản của đảng cộng sản.

... họ không có dính dáng gì đến chức vụ hiện nay và do đó họ cũng không có
tham quyền cố vị, không có dính vào các nhóm lợi ích đương quyền hiện
nay.
Ô Bùi Tín

Có thể gọi đây là phần tinh hoa của họ, phần lớn đã về hưu nhưng họ giữ thái độ tự do góp ý và họ không có dính dáng gì đến chức vụ hiện nay và do đó họ cũng không có tham quyền cố vị, không có dính vào các nhóm lợi ích đương quyền hiện nay.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, như vậy thì ông đánh giá ra sao về cuộc hội thảo mà ông vừa mới trình bày tổng quát với sự tham gia của hơn 20 đảng viên cấp cao của Đảng CSVN?
Ông Bùi Tín: Tôi đánh giá cao bởi vì tôi cho rằng hiện nay họ là những người không còn dính đến quyền lợi riêng tư cho nên họ có thể nói là thật lòng vì dân vì nước, và họ lại có kinh nghiệm cầm quyền, họ lại được đào tạo bài bản.
Tất cả những người đó tôi đều quen và họ đều am hiểu về ngoại ngữ, đọc nhiều nghĩ nhiều, họ biết tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp, v.v… Họ hiểu rộng, và tôi nghĩ là những góp ý của họ rất xác đáng; và tôi cũng thấy Bộ Chính Trị nên nghe những ý kiến đúng của họ.
Bác bỏ đường lối cơ bản dự thảo văn kiện
Đỗ Hiếu: Thưa ông, ông từng sinh hoạt lâu năm với Đảng CSVN đồng thời cũng là một nhà báo, một sĩ quan cao cấp của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, ông nghĩ là Đảng CSVN có thể nào tiếp thu được những góp ý cụ thể mà ông mới vừa nhắc tới đó không?
Ông Bùi Tín: Điều này thì tôi phân vân lắm, bởi vì các góp ý ngay thật thì các nội dung của nó đáng chú ý như thế này, là cả 22 vị đó gần như là nhất trí với nhau, người phát biểu sau thì đều tán thành những người phát biểu trước. Thế mà điểm đáng chú ý hết sức là gần như tất cả những quan điểm, đường lối cơ bản của 3 bản dự thảo (báo cáo chính trị, cương lĩnh, kế hoạch 10 năm) đều bị họ bác bỏ một cách triệt để.

Bộ ba lãnh đạo VN, các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nông Ðức Mạnh (từ trái sang) tại phiên họp Quốc hội hôm 20-5-2009 ở Hà Nội. AFP photo

Tôi lấy thí dụ, có 6 vị phát biểu là nên bỏ hẳn chủ nghĩa Mác-Lênin đi bởi vì chủ nghĩa đó chứa đựng nhiều sai lầm quá, mà sai lầm nhất là cổ võ đấu tranh giai cấp, thù hằn đối với quyền tư hữu, tiêu diệt chế độ tư hữu, sùng bái chế độ quốc doanh, thì tất cả những điều đó họ đánh giá là rất nguy hiểm, rất tệ hại, đã được chứng minh là bị phá sản ở Liên Xô và Đông Ấu, cho nên không nên nhắc đến nữa.
Thế rồi nào là kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên trì chủ nghĩa xã hội, có thể nói là 80% phát biểu là nên bỏ hẳn chủ nghĩa xã hội đi, bởi vì chủ nghĩa xã hội về mặt lý luận thì còn viễn vông xa vời, chủ nghĩa cộng sản còn rất xa vời, còn chủ nghĩa xã hội thực tiễn đã thực hiện nửa thế kỷ nay ở Liên Xô với Đông Âu và ngay ở Trung Quốc và Việt Nam thì cũng đều đã phá sản triệt để, thế còn chủ nghĩa xã hội trong tương lai thì chưa biết hình dung ra sao, cho nên nếu mà ghi vào đấy thì là một sự ảo tưởng, mạo hiểm, cho nên họ bác bỏ triệt để cái gọi là "định hướng quá độ lên chủ nghĩa xã hội".
Và thứ ba nữa là mục tiêu mà các văn kiện đề ra là "xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng" mà lại không có một biện pháp thực tế nào để thực hiện cả, do đó đấy là mị dân, đấy là lừa dân. Cho nên họ kết luận là cả 3 văn kiện dự thảo đều xa rời cuộc sống, xa rời nhân dân, chứa đựng quá nhiều sai lầm và quá nhiều lệch lạc, và không thể nào chấp nhận được trước sánh sáng của khoa học, trước ánh sáng của sự thật, trước tình hình cụ thể của đất nước.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, trước khi tạm biệt xin ông thêm một câu hỏi nữa là theo dự kiến thì Đại Hội Đảng CSVN vào đầu năm tới có mang lại kết quả cụ thể nào không?
Ông Bùi Tín: Tôi thấy vấn đề này vẫn để ngỏ, để xem họ tiếp thu những góp ý như thế nào, vì theo 20 vị trí thức vừa nói thì tất cả cương lĩnh bị hoàn toàn sụp đổ, các văn kiện phải được viết lại hoàn toàn, không thể nào sửa chữa được, không thể nào uốn nắn được trong một thời gian ngắn, bởi vì có thể nói tất cả rường cột của tòa nhà đều bị cưa đổ gãy hết, cho nên bây giờ phải viết lại một cương lĩnh mới, mà viết lại cương lĩnh mới thì phải có thời gian và tôi nghĩ là phải có người mới, chứ vẫn người cũ thì họ sẽ giữ lại cương lĩnh cũ, mà giữ lại cương lĩnh cũ thì 20 vị trí thức cao cấp của đảng này nói rằng là cực kỳ nguy hiểm cho đất nước.

Cho nên họ kết luận là cả 3 văn kiện dự thảo đều xa rời cuộc sống, xa
rời nhân dân, chứa đựng quá nhiều sai lầm và quá nhiều lệch lạc, và
không thể nào chấp nhận được ...
Ô Bùi Tín

Nếu thực hiện đúng như thế thì đất nước sẽ lâm vào tình trạng trì trệ, tệ hại, cực kỳ nguy hiểm, và nhân dân sẽ gánh chịu tất cả những thất bại mới.
Tôi thì tôi không chắc Bộ Chính Trị hiện nay có dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào quyền lợi chung của đất nước, tiếp thu các ý kiến hay mà họ đã mời góp ý, hay là sẽ vẫn lại như các đại hội trước thôi, tức là hàng triệu ý kiến họ đều bỏ ngoài tai hết, họ cứ giữ nguyên những điều mà họ đã chuẩn bị. Và nếu mà họ vẫn giữ nguyên 3 văn kiện mà họ đã chuẩn bị để đọc trước Đại Hội lần thứ 11 vào Tháng Giêng tới thì tôi nghĩ sẽ là một bi hài kịch lớn, tức là xã hội không chấp nhận được nữa.
Hiện nay trong Đảng cũng vậy, không chấp nhận được cái lạc hậu, cái thủ cựu, cái quay lưng với nhân dân, quay lưng với sự thât. Mà lỗ hổng về đối ngoại của các văn kiện này là không dám nói gì đến cái tai họa bành trướng, không dám nói gì đến thái độ cần có của Việt Nam đối với nước lớn Trung Quốc đang hiếp đáp, đang lấn đất, lấn đảo, lấn biển của nước ta.
Đỗ Hiếu: Chúng tôi xin cảm ơn nhà báo Bùi Tín đã dành cho Đài Á Châu Tự Do chúng tôi cuộc trao đổi vừa rồi.
Ông Bùi Tín: Cảm ơn anh. Xin chào.