Song Chi.
Mới đây khi một diễn viên hài của VN bị bắt tại Mỹ với các cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, dư luận ở VN có rất nhiều luồng ý kiến chê trách, bênh vực khác nhau nhưng nhìn chung đều thống nhất rằng nếu thực sự có tội, diễn viên này sẽ phải chịu một án tù nặng vì ở Mỹ các tội danh lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp trẻ em thường bị phạt rất nặng. Và thứ hai, nếu thực sự có tội, không ai có thể cứu được anh ta vì ở Mỹ khó mà làm những trò như lo lót, “chạy cửa sau” hay trưng ra một cái giấy giám định tâm thần giả mạo, điều hoàn toàn có thể xảy ra ở VN. Nghĩa là mọi người đều thống nhất về tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp nước Mỹ. Rằng tại Mỹ cũng như các quốc gia có thể chế tự do, dân chủ, tam quyền phân lập, pháp trị khác, luật pháp được tôn trọng tối đa, không ai có thể đứng trên/ngoài luật pháp, kể cả Nhà Vua, Tổng Thống hay Thủ tướng.
Tất nhiên trong thực tế, nước nào cũng sẽ có những cá nhân lạm dụng quyền lực, tự cho mình vượt quá ranh giới của luật pháp hoặc có những trường hợp oan sai. Nhưng cuối cùng ở những quốc gia như vậy công lý vẫn sẽ được thực thi, cho dù phải mất bao nhiêu lâu đi nữa.
Trong khi đó ở VN dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản, luật pháp đã trở thành trò đùa. Khi cương lĩnh của đảng cộng sản đứng trên cả Hiến pháp còn quyền hành của đảng thì bao trùm từ các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp cho tới truyền thông, khi tự do dân chủ cho đến quyền con người đều bị bóp nghẹt, chà đạp, thì làm sao công lý có thể được bảo đảm?
Trước hết, ở VN, con người không được đối xử công bằng từ trong xã hội cho đến trước tòa án. Bản án của quan tòa dành cho bị cáo sẽ tùy thuộc vào bị cáo là ai, là dân đen hay quan chức, đảng viên đảng cộng sản, công an, cán bộ nhà nước…
Vừa qua dư luận xôn xao về 2 vụ việc, một trung úy cảnh sát khu vực ở phường Trung Liệt quận Đống Đa, Hà Nội nhổ nước bọt vào mặt dân (một cô gái), và một thượng sĩ công an đánh một người bán hàng rong gần khu vực chợ Bình Tiên (phường 4, quận 6, TP HCM) bị ngã chấn thương sọ não. Trong cả hai trường hợp đều có video clip và trước sức ép của dư luận, viên trung úy cảnh sát khu vực nói trên đã phải công khai xin lỗi người bị nhổ nước bọt tại trụ sở công an phường Trung Liệt. Còn viên thượng sĩ đánh dân thì bước đầu đã bị đình chỉ công tác, và đã đến gặp vợ chồng người bán hàng rong đề nghị chịu phí tổn bệnh viện và bồi thường, nhưng cả hai vợ chồng không chấp nhận.
Rất nhiều người vào comment trên các trang báo, trang mạng xã hội đã đặt câu hỏi nếu không có các video clip làm bằng chứng và dư luận lên tiếng thì liệu hai nhân vật công an kia có chịu “xuống nước” như vậy không. Bởi vì tình trạng công an xách nhiễu, hành hung hay đối xử với dân như cỏ rác không còn là chuyện lạ, và rất ít khi họ chịu thừa nhận cái sai hay phải lãnh hậu quả về việc làm của mình.
Từ đó người dân so sánh với những trường hợp dân đụng tới công an thì bị xử khác hẳn, như vụ một cô gái ở quận 12 TP.HCM vì tát CSGT giữa phố vào tháng 7.2011 đã bị phạt 9 tháng tù sau đó giảm còn 6 tháng.
Một quan chức, Chánh Thanh tra Sở Y tế bổ cuốc vào đầu người dân ở Kontum hồi tháng 10.2013 khiến người phụ nữ này phải đi cấp cứu, chỉ bị phạt 750.000 VNĐ tức chưa đến 40 USD. (“Chánh thanh tra bổ cuốc vào đầu dân bị phạt 750.000 đồng”, Zing.vn). Nhưng cũng vào khoảng tháng 10.2013, vì cãi vã và tạt một ly bia vào một cán bộ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Định Quán, Đồng Nai mà 3 người phải vào tù, một người 12 tháng, 2 người 6 tháng (“Tạt bia vào cán bộ thuế, ba người đi tù”, Dân Trí).
Phi lý hơn nữa là vụ ba thanh niên nông dân bị TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xử 13 năm tù vì ăn trộm 2 con vịt, năm 2008.
Bài báo “Miếng thịt vịt oan nghiệt” (báo Gia đình) viết:
“Vụ việc gây xôn xao dư luận đến mức đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đưa ra làm một ví dụ so sánh trong phiên họp Quốc hội. Trước nghị trường, ông Thuyết nói: “Vụ án đối tượng Huỳnh Ngọc Sĩ lợi dụng quyền hạn chức vụ để tham nhũng làm thất thoát cả bạc tỷ, Tòa xử 3 năm tù. Người dân so sánh với vụ một vài ông nông dân ít học lấy 2 con vịt nhậu với nhau, Tòa xử mỗi anh 4 năm, thậm chí có anh 5 năm. Vậy sự công bằng trong xét xử thế nào?”
Cuối cùng trước sức ép của dư luận, gần 2 năm sau ngày vụ việc diễn ra, cơ quan chức năng cũng đã có một phán quyết thỏa đáng: Miễn trách nhiệm hình sự cho các thanh niên!
Đó là chưa nói đến hàng loạt vụ công an bạo hành, đánh chết người dân khi chỉ mới đang trong giai đoạn tạm giữ, điều tra nhưng chỉ có vài trường hợp bị xét xử và bản án cũng chưa thỏa đáng.
Chẳng hạn, trong vụ 5 công an của TP. Tuy Hòa đánh chết anh Ngô Thanh Kiều, nghi can tham gia một vụ trộm, vào ngày 13. 5.2012, người bị mức án nặng nhất là 8 năm tù, nhẹ nhất 1 năm cho hưởng án treo, còn sếp của 5 người, nguyên thượng tá, Phó Công an TP Tuy Hòa, mặc dù để cấp dưới dùng nhục hình làm anh Kiều tử vong, nhưng chỉ bị mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo (“Sếp của 5 công an đánh chết người lĩnh án treo”, VNExpress).
Vụ nguyên trung tá công an phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ngày 28.2.2011 vì không đội mũ bảo hiểm, nhưng chỉ bị 4 năm tù (“Y án 4 năm tù cho công an 'đánh chết dân', BBC).
Vụ các công an viên xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đánh chết em học sinh Tu Ngọc Thạch ngày 31.12.2013, một người bị 8 năm 6 tháng tù, một người bị 3 năm tù, một người bị 1 năm tù treo. (“Công an viên đánh chết học sinh lớp 9 lĩnh án”, Tin tức VN). Nhưng chưa dừng lại ở đó, bác và cậu của nạn nhân “Chỉ vì đau xót, la lối công an xã đánh chết cháu mình, 2 người bị quy tội “Gây rối trật tự công cộng” với mức án 1 năm 3 tháng tù giam” (“Cháu bị đánh chết, cậu và bác mang án tù”, Người Lao Động) v.v…
Đó là những vụ được đưa ra xử, còn rất nhiều vụ bị “chìm xuồng” hoặc nạn nhân bị đánh chết nhưng công an dàn cảnh rồi tuyên bố là người bị giam đã tự tử. Như vụ anh Nguyễn Công Nhựt (nguyên trưởng Phòng Quản lý sản phẩm Công ty Kumho-chuyên sản xuất lốp ô tô) chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Bến Cát ngày 25.4.2011, phía công an tuyên bố anh Nhựt tự tử ("Anh Nguyễn Công Nhựt treo cổ do ân hận", Tuổi Trẻ). Người vợ của nạn nhân sau này đã ròng rã đi từ Nam ra Bắc để mong đòi lại công lý cho chồng nhưng cũng không được gì.
Nghi can Trần Giang Nam “tự tử” tại phòng giam giữ Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ngày 5.8.2014. (“Tự tử tại đồn công an sau khi bị bắt vì trộm gà”, (Dân Trí)..
Nghi can Nguyễn Đức Duân tử vong sau gần 1 tháng bị tạm giam tại phòng tạm giam công an huyện Khoái Châu, Hưng Yên, ngày 8.4.2015 (“Nghi can tử vong bất thường tại trụ sở công an huyện” (VietnamNet).
“Thiếu niên chết bất thường sau hai tuần bị công an huyện tạm giam” (Phụ Nữ TP.HCM). Đó là em Trịnh Xuân Quyền, 16 tuổi, ngụ xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.…
Đến mức cụm từ “chết tại đồn công an” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân!
Còn nếu so sánh mức án dành cho các quan chức tham nhũng làm thất thoát hàng triệu, hàng chục triệu đô la Mỹ, gây hậu quả nặng nề cho đất nước, người ta càng thấy chua chát hơn. Chỉ một thiểu số cấp dưới bị lộ và bị xét xử, còn những ông to thì chả bị gì. Ngay cả ông Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mới đây nhất tiếp nối các quan chức cộng sản tiền bối hạ cánh an toàn sau bao nhiêu năm ngồi trên ghế Thủ tướng, gây ra bao nhiêu tai họa cho nền kinh tế nói riêng và cho đất nước nói chung.
Trong một xã hội như vậy, không có gì lạ khi niềm tin của người dân vào luật pháp, vào nhà cầm quyền đã tụt xuống tận đáy. Và khi không còn có niềm tin, người ta hành xử thế nào?
Sự coi thường luật pháp được thể hiện với rất nhiều cách: Hoặc là cũng “vô tư” làm bậy từ những chuyện nhỏ như xả rác ra đường, vi phạm luật giao thông rồi sau đó khi bị “thổi” thì hối lộ, làm cái gì cũng hối lộ, từ “chạy” trường, “chạy” chỗ làm, mua bằng, mua chức, rồi nạn vi phạm bản quyền, “đạo” văn, gian dối, trộm cắp…
Hoặc là người dân “tự xử” tức “tự làm luật” với nhau và với chính quyền. Ví dụ như những vụ người dân hè nhau đánh đập, có khi tới chết, một kẻ bắt trộm chó. Hoặc có những bệnh nhân, sản phụ bị tử vong do cung cách làm việc tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế, khiến người nhà nạn nhân tức giận, xông vào bệnh viện đập phá đồ đạc, đuổi đánh y bác sĩ, hoặc mang xác nạn nhân tới bệnh viện để đòi làm ra lẽ.
Có những vụ người dân khiếu nại mãi nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết, buộc họ phải cùng nhau “làm luật” như vụ hàng ngàn người xuống đường phản đối việc khai thác cát gây sạt lở nặng cửa biển Cửa Ðại của sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi năm 2013 (“Dân xuống đường, phản đối khai thác cát,” Người Lao Ðộng). Hay hàng trăm người dân bao vây công ty cổ phần Nicotex Thành Thái để ngăn chặn không cho tẩu tán khối lượng lớn hóa chất độc hại đã được đào lên, cho đến khi chính quyền địa phương, các ban ngành phải vào cuộc xử lý, cũng năm 2013 (“Hàng trăm người vây hiện trường DN chôn giấu thuốc trừ sâu,” Người Lao Ðộng), “Dân vây nhà máy phân bón gây ô nhiễm” ở Thanh Hóa năm 2016…
Có những khi vì phẫn uất, tuyệt vọng quá, người dân quay lại dùng bạo lực và chính sinh mạng mình để phản kháng nhà cầm quyền, như vụ hai anh em ông Đoàn Văn Vươn nã súng vào lực lượng cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng tháng 1.2012; hay vụ anh Đặng Ngọc Viết xả súng bắn 4 cán bộ nhà đất tại trụ sở UBND TP Thái Bình sau đó tự sát vào tháng 9.2013….
Và một khi người dân đã coi nhẹ cả sinh mạng của mình và đứng lên phản kháng lại nhà cầm quyền thì cũng có nghĩa là chế độ này đến ngày mạt vận rồi.
Nhưng, còn gì bi thảm hơn trong một xã hội mà từ nhà cầm quyền cho tới người dân đều sẵn sàng xài luật "'rừng" với nhau?
Bài bình luận gần đây