You are here

Điểm tin: Thói bầy đàn và tư duy nô lệ của người dân Việt

Ảnh của nguyenhuuvinh

Đọc những dòng tin vài hôm nay trên báo chí nhà nước, mới thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà chế độ độc tài có thể tồn tại một cách vô lý và lâu dài.

Ai đó đã nói rằng: “Người dân nào, chính phủ đó” hẳn không phải là không có lý. Nhìn vào hiện trạng Việt Nam hôm nay, điều đó càng được chứng minh rõ ràng hơn.


Báo chí đưa tin hàng đoàn người bỏ việc công, bỏ ăn trưa xếp hàng rồng rắn để mua tờ bạc 100 đồng, tờ bạc này không có giá trị tiêu dùng mà chỉ có giá trị kỷ niệm nhân dịp 65 năm thành lập Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Nhiều người đã tập trung đợi chờ, xếp hàng chỉ để mua tờ bạc kỷ niệm, tâm lý bầy đàn đã được kích động qua một số báo chí Việt Nam, kích động sự tò mò và thói a dua, nhiều người cố tình xếp hàng mua cho được đồng tiền này mà chẳng biết sẽ làm gì với nó. Những hiện tượng này không hiếm, người dân Việt Nam đã từng chứng kiến cảnh hàng đoàn thanh, thiếu niên Việt Nam chen lấn, dẫm đạp, khóc lóc thậm chí hôn cả ghế ngồi của ngôi sao nước ngoài sang Việt Nam.

Trong khi đó, hàng loạt các vấn đề trực tiếp đến đời sống, quốc kế, dân sinh, lãnh thổ và niềm tự hào quốc gia… hầu như không được quan tâm.

Báo chí hôm nay đưa tin Trung Quốc đã thực hiện một hành động mới làm leo thang căng thẳng trong khu vực, khi triển khai máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Những thông tin về biển đảo Việt Nam bị xâm lược, bị chiếm đóng hầu như không còn nhận được sự quan tâm của người dân Việt Nam. Thậm chí báo chí Việt Nam gần đây đưa những thông tin về lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của đất nước mình mà như chuyện của ai đó. Nhiều bài viết, khi đọc không thể nén tiếng thở dài xót xa. Họ mặc nhiên coi như chuyện Trung Quốc chiếm lãnh hải, biển đảo là chuyện đương nhiên và chuyện đã rồi.

Khi nhà nước luôn kêu bội chi ngân sách, không vay kịp tiền để trả nợ, mỗi người dân phải gánh 29 triệu đồng tiền nợ nước ngoài… thì cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới được đề nghị chi 3.600 tỷ đồng để chi phí. Nhiều người thắc mắc rằng cả “Bộ tứ” triều đình cộng sản đã được bầu, tuyên thệ, nhậm chức…rầm rộ tốn kém mới đây, lại phải bầu cử lại sau 3 tháng làm gì cho thêm tốn kém? Nếu một trong số đó không trúng cử Đại biểu Quốc hội thì sao?

Đấy là những câu hỏi đặt ra “cho vui” mà thôi, thời đại độc tài, chuyện không trúng mới là chuyện lạ.

Cũng trên báo chí nhà nước, hôm nay có bài viết về các cử tri phường Nam Đồng đã gửi đơn kiến nghị đến Ủy ban bầu cử Quốc hội về việc nghi ngờ gian lận kết quả tín nhiệm của cử tri. Lá đơn cho biết: toàn bộ 36 người ký tên đã tham gia họp lấy tín nhiệm một cử tri trên tổng số 59 người họp. Trong khi đó, số phiếu tín nhiệm chỉ được 26/59 phiếu ủng hộ. Cử tri đã phản ứng nhưng ban tổ chức cuộc họp đã không có động thái gì buộc họ phải gửi đơn kiến nghị.

Về vấn đề ứng cử và tự ứng cử,trên mạng xã hội mấy ngày qua xuất hiện dồn dập nhiều thông tin về việc nhà nước tổ chức những cuộc đấu tố những người tự ứng cử một cách rất bất chấp luật pháp, điều này đã buộc hàng loạt người tẩy chay việc “lấy ý kiến cử tri” bằng các buổi họp đấu tố.

Đây là một màn kịch được diễn lại, có phần thô thiển hơn.

Trên mạng xã hội facebook, nhiều ý kiến về các vấn đề xã hội được đề cập và phản biện nêu ra những sự bất công, thụt lùi của xã hội Việt Nam, một xã hội luôn được nhà nước kêu “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN”.

Ý kiến về việc một Cảnh sát khu vực nhổ nước bọt vào mặt dân phải xin lỗi mà chưa thấy biện pháp pháp luật nào, nhiều facebooker đã phản ứng bằng cách so sánh việc một cô gái bức xúc tát cảnh sát giao thông bị phạt chín tháng tù. Bình luận của Facebooker Pham Ngyuen Truong viết: “Nhổ nước bọt vào dân: Xin lỗi. Tát cảnh sát: 9 tháng tù. Đấy là làm đúng theo hiến pháp của Trại Súc Vật: Tất cả các con vật sinh ra đều mình đẳng, nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác.”

Cũng nên nhớ, sau khi xảy ra vụ việc, Trưởng CA Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã chối phăng: Không có chuyện CSKV nhổ nước bọt vào mặt người dân và clip có thể bị cắt xén.

Mới đây, một Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy định nhiều điều cấm sinh viên, học sinh. Những quy định này hạn chế rất nhiều quyền tự do của sinh viên bày tỏ ý kiến, tham gia nhóm hội…

Về điều này Facebooker Ls Lê Công Định viết: “Sinh viên bây giờ không được thành lập và tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị, không được đăng tải, chia sẻ và bình luận các thông tin chống phá đảng cộng sản và nhà nước, v.v…. Những hành động như vậy sẽ bị trừng phạt nặng, kể cả đuổi học và truy tố hình sự.

Nếu trước năm 1975 tại miền Nam, giới sinh viên cũng bị cấm đoán nghiêm ngặt theo cách đó, thì hẳn đã không có phong trào sinh viên học sinh yêu nước để cộng sản lợi dụng cho mục tiêu cướp chính quyền của mình. Ký ức lịch sử về sự lợi dụng vĩ đại ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Từ đó có thể thấy rằng thể chế chính trị ở miền Nam trước đây tuy mang tiếng quân phiệt, song chắc chắn dân chủ hơn chế độ cộng sản ngày nay. Sinh viên miền Nam vẫn được tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị, vì đó là quyền công dân đương nhiên; chỉ những cuộc biểu tình gây bạo loạn (do cộng sản giật dây) mới bị ngăn cản.

Nhiều thế hệ sinh viên tại các đô thị miền Nam trước 1975 thực sự đã tốn bao công sức tranh đấu cho một nền hoà bình, để rồi cuối cùng đạt được một nền hoà bình mà các thế hệ sinh viên đàn em và con cháu của mình bị tước hết các quyền chính trị như thế này sao?

Hỏi, tức là trả lời, và cũng để thấy rằng: đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!”

Hẳn nhiên, những vấn đề như vậy không được nhiều người Việt Nam quan tâm cho bằng việc mua đồng tiền 100 đồng, hoặc đón sao ca nhạc Hàn Quốc.

Khi người dân không còn quan tâm những vấn đề xã hội, những vấn đề về ngoại xâm, lãnh thổ, nòi giống, khi nạn vô cảm tràn lan xã hội và người dân mang tư duy nô lệ, họ sẽ giống bầy cừu được dẫn dắt không biết sẽ đi về đâu.

Ngày 13/4/2016

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh 
  •