Từ trước đến nay, các chế độ độc tài luôn sợ dư luận. Bất cứ cuộc tranh luận nào có chiều hướng xoay sang công kích vào chế độ thì lập tức phải được can thiệp. Nhẹ thì cho bồi bút đăng đàn chửi rủa đe nẹt, nặng thì tóm luôn những người đang tích cực thảo luận hòng dẹp ngòi nổ có thể làm bùng phát sự phản kháng.
Theo thời gian, cách thức tác động vào dư luận ngày càng tinh vi xảo quyệt. Người ta thống kê ra được 10 cách để thao túng dư luận, các bạn có thể dùng google tìm hiểu kỹ, còn chế độ độc tài thuộc nằm lòng chúng và áp dụng nhuần nhuyễn đến mức "xã hội đồng tình, nhân dân hưởng ứng".
Nhưng thao túng cách sao thì tồn tại xã hội vẫn còn nguyên đó. Bức xúc xã hội vẫn còn nguyên đó. Nông dân thì mất đất. Công nhân thì bị bóc lột. Đô thị bị ô nhiễm trầm trọng. Tài nguyên bị huỷ hoại. Nguồn nước bị chặn lại. Bờ cõi bị xâm lăng. Người ta có thể tạm quên trong chốc lát, nhưng với sự ảnh hưởng ghê gớm của truyền thông xã hội bây giờ thì khó mà dập tắt được tiếng vọng ai oán của những con người còn có lương tri.
Với sức mạnh của nòng súng và nhà tù trong tay, họ đã bất chấp tất cả. Họ tuyên bố hiến pháp còn đứng sau nghị quyết đảng. Họ bỏ tù những người cất thay tiếng nói của triệu người dân. Họ trơ tráo vẩy mắm tôm vào cả những cử tri muốn giám sát công việc bầu cử có đúng hiến pháp mà họ áp đặt hay không. Chẳng có thủ đoạn bẩn thỉu nào mà họ không dám giở ra, vì quyền lực độc tôn của mình, vì sự sống còn của một băng đảng mafia.
Hôm nay họ có thể thắng. Ngày mai họ có thể vẫn thắng, như hàng chục năm qua họ vẫn thắng nhân dân. Nhưng nhân dân đã mở mắt. Dù đa số còn sợ không dám bật lại, dù buộc phải vì miếng cơm manh áo hàng ngày mà nhịn nhục hợp tác, nhưng hệ quả tai hại vì sự độc tôn, độc tài, toàn trị đã đánh trực tiếp vào nồi cơm, vào lá phổi và sự an nguy của con trẻ mỗi gia đình, đã làm nhân dân không còn im lặng. Từ khắp nông thôn đến thành thị, từ nhà máy đến bến tàu, dân người ta thẳng tưng phỉ nhổ vào những kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, bắt tay với giặc. Dân thì nhiều như nước, nhà cầm quyền và những kẻ tay sai thì không thể mua chuộc được hết 90 triệu người dân. Còn đàn áp ư... Càng đàn áp dân càng phẫn uất. Sự bất chấp dư luận của những kẻ cầm quyền là liều thuốc nổ nhồi sâu vào lòng quần chúng, chỉ chực chờ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Nước mà đã loạn thì dân khổ trước. Nhưng e là lúc đó những kẻ cầm quyền không thoát được đâu. Hãy mở mắt nhìn kỹ Myanma dân chủ. Hãy nhìn gương những kẻ độc tài chết thảm ở Đông Âu. Càng cố cưỡng lại bánh xe lịch sử, thảm hoạ sẽ càng lớn với những kẻ chống lại nhân dân.
Cổ ngôn có câu: Buông đao thành Phật... Xin các ông cứ tin như vậy, dù không thành Phật, nhưng buông đao các ông sẽ thành người tự do. Để chúng ta cùng xây dựng lại một thể chế công bằng, một xã hội tôn trọng con người, một đất nước tươi đẹp tự do.
Bài bình luận gần đây