You are here

Nhân tai bắt nguồn từ sự coi thường sinh mạng con người (P.1)

Ảnh của songchi

Song Chi.

Những ngày này đọc báo trong nước toàn chuyện tai họa liên tiếp xảy ra, nào bom nổ ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) ngày 19.3, sập cầu Ghềnh (bắc qua sông Đồng Nai) ngày 20.3; cháy chợ Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai) ngày 20.3, cháy nhà máy gạch men Viglacera Thăng Long (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) ngày 20.3, cháy ở khu vực phía sau tòa nhà CT Plaza, đối diện cổng nội địa sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22.3, cháy chợ Ngã Tư Sòng (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) ngày 22.3 …

Trừ vụ bom nổ ở khu đô thị Văn Phú tổng cộng có 5 người chết, 10 người bị thương, các vụ còn lại tuy may mắn không có thiệt hại về người nhưng mức độ thiệt hại về vật chất, tài sản là rất lớn. Vụ sâp cầu Ghềnh chẳng hạn, cần khoảng 300 tỷ VNĐ để khôi phục, vụ cháy chợ ở Quảng Trị thiệt hại hàng tỷ đồng, báo chí đưa tin nhiều tiểu thương thấy hàng hóa của mình bị cháy rụi đã ngất xỉu tại chỗ (“Cháy chợ ở Quảng Trị: Nhiều tiểu thương ngất xỉu”, Dân Việt), vụ bom nổ tổng cộng 94 căn nhà bị hư hỏng, hiện vẫn chưa có con số cụ thể về mức độ thiệt hại (“94 căn nhà bị hư hỏng sau vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú”, (Dân Trí) v.v…

Điều đáng nói là nhà cầm quyền đang phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 18 (diễn ra từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 3 năm 2016), nhưng các vụ cháy nổ nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Mà nếu nhìn lại thì các vụ tai họa trên đều do con người chứ chẳng phải do ông Trời nào gây ra cả.

VÔ TƯ CƯA BOM, MUA BÁN, TÀNG TRỮ CHẤT NỔ TRONG NHÀ, GIỮA KHU DÂN CƯ

Như vụ bom nổ ở khu đô thị Văn Phú là do anh Phạm Văn Cường, cũng là nạn nhân của vụ nổ, dùng đèn khò phá quả bom với mục đích lấy sắt vụn bán, trong quá trình cắt phá nhiệt lượng đã kích nổ gây ra vụ nổ lớn. Theo báo chí, anh Phạm Văn Cường thuê một căn nhà ở khu đô thị này đề hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh mang về nơi ở trọ cất giữ và hàng ngày mang phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà đề dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.

Ở nước ta, thu mua phế liệu trong đó có cả những vật liệu gây cháy nổ là một công việc để mưu sinh của một số người, và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ cưa bom, đạn để lấy sắt và thuốc nổ đem bán nhưng bom phát nổ làm bị thương hoặc chết người. Nhưng tại sao cái “nghề” nguy hiểm này lại vẫn tồn tại, dù đã có những cái chết, dù báo chí dư luận đã lên tiếng? (“Kinh hoàng những vụ…cưa bom lấy sắt vụn”, Tiền Phong, “Cưa bom là hành động chỉ có ở VN!”, Pháp Luật Số…)

Có nơi còn hình thành cả “chợ bom”, “làng cưa bom” như “chợ bom” xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An mà sau vụ nổ ở Văn Phú, người ta mới biết sợ (“Chợ bom” đã bớt cưa bom”, Tuổi Trẻ, “Làng cưa bom” ở Quảng Trị”, Zing.vn , “Lái buôn 'bom đạn' ở đất lửa Quảng Trị”, VNExpress, “Kinh hãi 'bom nổ chậm' phế liệu giữa Thủ đô”, VietnamNet…). Càng đọc càng thấy sợ. Ngay giữa những ngôi làng cho tới một số khu dân cư đông đúc giữa Thủ đô, vẫn có những khu buôn bán phế liệu chất đầy những vật dễ gây cháy nổ, nếu lỡ xảy ra cháy, nổ thì hậu quả sẽ như thế nào?

Người dân vì thiếu hiểu biết, vì túng quá nên cứ làm liều đã đành, chính quyền địa phương chắc chắn phải biết tới những chợ bom, làng cưa bom, khu mua phế liệu này, cũng như chính quyền địa phương, cư dân lối xóm chắc chắn phải biết đến công việc thu mua phế liệu của anh Phạm Văn Cường nhưng vẫn không ai có biện pháp ngăn chặn triệt để. Cho đến khi xảy ra chuyện chết người thì Giám đốc Công an Hà Nội mới “yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và công an cơ sở thực hiện rà soát, thu hồi cũng như vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng.” (“Vụ nổ ở Hà Đông: Yêu cầu không thu mua vật liệu có nguy cơ nổ”, 24 giờ).

Mặc dù vậy, chuyện mua bán, cưa cắt bom, đạn cũ lấy sắt vụn chắc chắn vẫn sẽ còn tiếp diễn, không chỗ này thì chỗ khác.

Tại sao vậy? Tại dân ta nghèo, thiếu hiểu biết, coi thường sinh mạng của mình và của người khác? Tại nhà cầm quyền không giám sát chặt chẽ, không có những biện pháp ngăn cấm triệt để cũng như xử lý thật nặng những hiện tượng vi phạm để làm gương?

Còn nhớ ngày 25.2.2013 một vụ nổ lớn kéo sập 3 căn nhà liền kề trong một con hẻm ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận, TP.HCM, 10 người thiệt mạng, trong đó có cả một gia đình gồm toàn bộ 6 người của ông Lê Minh Phương, chuyên viên khói lửa của ngành điện ảnh, chưa kể hàng xóm người dưng cũng bị thiệt mạng theo. Nguyên nhân là do ông Phương trong khi pha chế thuốc nổ bị phát nổ.

Từ đó, dư luận mới bàng hoàng khi báo chí nêu ra những chi tiết về sự “vô tư” của nạn nhân khi chứa cả kho thuốc nổ tại nhà, cho tới những người hàng xóm không rõ có biết là ông Phương làm nghề khói lửa và chứa thuốc nổ tại nhà không và nếu biết thì có trình báo với chính quyền địa phương và đấu tranh đến cùng không hay là cứ chấp nhận sống chung với mối nguy hiểm, và chính quyền địa phương có hay biết, có làm bất cứ hành động gì để khuyến cáo hay không v.v…Nạn nhân đã quá mạo hiểm khi “đánh cược” mạng sống của mình và của cả gia đình đã đành, nhưng việc quản lý của chính quyền địa phương đối với việc lưu trữ, sử dụng chất nổ là quá lỏng lẻo, họ cũng phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn thương tâm này.

Ở các quốc gia mà mạng sống con người là điều quý giá nhất, trước hết, những người làm nghề tạo khói lửa, cháy nổ cho phim ảnh phải có bằng cấp, chứng chỉ chứng tỏ có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này chứ không phải như ở VN hầu hết là cứ làm rồi nghề dạy nghề, và sẽ không bao giờ lại có chuyện cho phép người làm nghề được cất giữ, pha chế thuốc nổ tại nhà trong một con hẻm chật chội, nhà này sát nhà kia như vậy. Chính quyền địa phương sẽ bắt buộc họ phải có một cơ sở chứa vật liệu, tàng trữ các chất cháy nổ ở một khu vực cách xa nhà dân.

Đó là chưa nói đến thực tế ở nhiều nước, trong lĩnh vực phim ảnh, các chuyên gia đã tạo ra một loại thuốc nổ không gây sát thương, còn Việt Nam mình chưa có công nghệ này mà vẫn dùng chất nổ thật nên rất nguy hiểm.

Đối với cái “nghề” thu mua phế liệu đặc biệt phế liệu chiến tranh, các vựa phế liệu chiến tranh, chính quyền địa phương phải tuyệt đối cấm nếu ở ngay giữa làng giữa phố, phải có biện pháp di dời ra khỏi khu vực dân cư.