Hôm nay là ngày xử anh Nguyễn Hữu Vinh - thường được gọi là Anh Ba Sàm, lấy theo tên của sản phẩm để đời của anh, blog Anh Ba Sàm.
Những ai sống ở Việt Nam giai đoạn 2009-2011 hẳn có thể cảm nhận được sự bí bách của không gian công (public sphere) không những trong đời thực mà cả trên Internet, trong khi blog đi vào thoái trào, còn Facebook chỉ mới ngấp nghé những bước đầu tiên vào thị trường Việt Nam.
Ngay lúc ấy nổi lên blog Anh Ba Sàm, cung cấp một xa lộ thông tin nhiều nguồn khác nhau với những bình luận thâm thúy của người duyệt tin, cùng lối sắp xếp theo chủ đề một cách hệ thống (nhóm các bài mới, cũ vào từng chủ đề) đã vượt lên trở thành một tụ điểm (hub) cho những người yêu chuộng tự do thông tin - những người tiêu dùng tin tức muốn có quyền lựa chọn, mà tôi là một trong số đó.
Đây cũng chính là lý do khi quyết định làm Đơn Tự thú phản đối Điều 88 và việc bắt giam bất công đối với Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, địa chỉ đầu tiên tôi nghĩ đến để công khai sự việc chính là blog Anh Ba Sàm.
Hơn ai hết lúc đó, tôi thừa hiểu chỉ khi thông tin về việc tự thú của mình được đưa đến nhiều người nhất có thể, nó mới vớt vát lại chút gì đó có giá trị, trong trường hợp giới cầm quyền đưa ra quyết định khởi tố.
Vậy là, ngay khi gửi Đơn Tự thú đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tôi viết vội một email đến chủ trang blog Anh Ba Sàm, người mà tôi chưa hề gặp mặt trước đó, đính kèm toàn bộ hồ sơ, hình ảnh của vụ việc.
Nghĩ là câu chuyện của mình sẽ nhanh chóng được đăng tải, vì sau 2-3 năm là bạn đọc thân thiết, tôi biết sự nhanh nhạy của những người đứng sau blog, nên tôi đã khá ngạc nhiên khi sau đó hàng tiếng đồng hồ blog của anh vẫn chưa đưa tin.
Khá là sốt ruột, tôi vào lại hộp thư, định bụng sẽ gửi thêm một email nữa hối thúc. Ngay lúc đó tôi nhận ra anh Vinh đã trả lời tôi ngay sau khi email của tôi được gửi đến.
Anh viết, bằng giọng ân cần của một bậc đàn anh, khuyên tôi nên nghĩ lại, nếu trong trường hợp Đơn Tự thú vẫn chưa được gửi đi. "Khoan đã, Tuấn ơi...", anh muốn tôi đợi thêm một thời gian nữa vì lo 3 năm học Đại học trước đó của tôi sẽ đổ sông đổ bể.
Đấy là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi trong đời tôi xúc động thật sự. Anh Ba Sàm, người nổi tiếng với khả năng săn tin, nhạy bén cập nhật tin tức mới từng phút từng giây đến với độc giả, nhưng vẫn quan tâm đến việc học hành và tương lai của một sinh viên không tuổi không tên như tôi.
Với anh, trở thành nơi đăng tải thông tin đầu tiên của một sự việc có khả năng thu hút được sự chú ý, được đặt dưới mối quan tâm lo lắng anh dành cho tôi - một bạn đọc vô danh, một thanh niên chưa hề ai biết đến.
Dĩ nhiên lúc đó tôi vẫn đề nghị anh đăng tải, với lý do Đơn Tự thú đã được gửi đi. Anh sau đó ngay lập tức đã đưa tin nhưng vẫn khuyên tôi phải cẩn trọng, ngó trước nhìn sau để đảm bảo an toàn cá nhân.
Mọi chuyện thế nào thì sau đó ai theo dõi cũng biết, song quả tình câu nói "Khoan đã, Tuấn ơi..." của anh vẫn là điều vang lên đầu tiên bất cứ khi nào tôi nghĩ về anh trong suốt 2 năm anh bị giam cầm vừa qua.
Roger Simpson đã từng nói, qua hết những tiêu chuẩn tác nghiệp, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đối với một nhà báo, cuối cùng "nó luôn là vấn đề lương tâm" (It's always a matter of conscience) mà mỗi cá nhân nhà báo phải lựa chọn.
Anh Vinh đã lựa chọn theo một lương tâm như vậy. Chúng ta, bạn đọc thân thiết của anh, chúc anh - một nhà báo lương tâm - hôm nay quay trở về với gia đình bè bạn.
Và về với nước Việt mà anh luôn đau đáu muốn phá vòng nô lệ để giải phóng - một sự giải phóng đích thực, đến từ nhận thức của mỗi công dân được tiếp nhận thông tin tự do đa chiều.
Bài bình luận gần đây