You are here

Gạc Ma, Biên giới - Bài học lịch sử cho ai?

"Ai khống chế quá khứ sẽ kiểm soát tương lai, ai khống chế hiện tại sẽ kiểm soát quá khứ" - Văn hào nổi tiếng với các tác phẩm về chủ nghĩa toàn trị Geogre Orwell đã từng viết như vậy. 

Lịch sử là những điều xảy ra trong quá khứ, chỉ có một, song rất tiếc nó không thể tự mình lên tiếng. Thế là, những ai đang nắm giữ quyền lực chính trị đồng nghĩa là độc quyền về truyền thông sẽ buộc lịch sử phải lên tiếng theo cách mà họ muốn. 

Và đôi khi, trong nhiều trường hợp, họ còn có thể khiến lịch sử im bặt.

Lịch sử về các cuộc chiến nửa cuối thế kỷ XX của Việt Nam chống lại quân Trung Quốc xâm lược cả trên bộ lẫn trên biển là một thứ lịch sử bị tắt tiếng như thế, trong suốt hàng chục năm kể từ nó kết thúc, vì tình hòa hiếu ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản đang nắm quyền lực độc tôn ở hai quốc gia.

Nay thì tình hòa hiếu đó đang dần bị vứt vào sọt rác vì những diễn biến hung hăn trên biển Đông của quốc gia phương Bắc, vốn chưa từng từ bỏ tham vọng kiểm soát người làng giềng phương Nam.

Những người nắm quyền Việt Nam, trước tình thế mới, cùng với áp lực từ phía số đông quần chúng đang đòi hỏi những biện pháp cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đã buộc phải tháo vòi kìm kẹp đối với báo chí trong dịp kỷ niệm thảm sát Gạc Ma 1988 và chiến tranh biên giới 1979 lần này.

Tuy nhiên họ cũng đã kịp có những động thái trốn tránh trách nhiệm đối với việc tại sao phần lịch sử về hai sự kiện bi thương kia bị câm lặng quá lâu. 

Bằng cách nào? Thật dễ dàng, họ đổ hết lỗi cho giới trẻ đã thiếu quan tâm tới lịch sử. Họ nhấn mạnh rằng “Ngày 17/2/1979 mãi là bài học cho các thế hệ trẻ” [1]  và kêu gọi người trẻ hãy học bài học lịch sử từ “vòng tròn bất tử Gạc Ma” để “bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.” 

Nếu thực sự có một bài học nào đó từ chuyện Gạc Ma cho người trẻ chúng tôi, đó sẽ không phải là ba cái câu sáo rỗng như văn mẫu: "góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước"

Mà đó nên là bài học về sự phản bội của những người lớn nắm quyền - những kẻ sẵn lòng vì chiếc ghế của họ và thứ tình đồng chí ý thức hệ viển vông mà vài chục năm qua đã bán đứng máu xương của các chiến sĩ Hải quân.

Những kẻ đã triệt để ràng buộc dư luận báo chí, không cho bàn về cuộc chiến, để người lớn tuổi thì dần dần lãng quên, người nhỏ tuổi thì không hề biết đến.

Những kẻ đã thẳng tay xóa sạch mọi thông tin cuộc chiến trong sách giáo khoa, khiến những người đã nằm xuống và gia đình của họ sống trong tủi hờn đến hàng chục năm, khi mà xương máu cha, anh, chồng, con của họ bị coi như bọt biển, chẳng hề được công nhận.

Những kẻ đã công nhiên sai quân quấy phá lễ tưởng niệm, tổ chức múa hát tưng bừng tại nơi làm lễ, giẫm đạp hương hoa mà nhân dân thành kính dâng lên để tri ân những bậc tử sĩ.

Những kẻ như thế, lấy tư cách gì để dạy cho người trẻ chúng tôi bất kỳ bài học gì về lịch sử?

[1]:Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Ngày 17/2/1979 mãi là bài học cho các thế hệ trẻ”
URL: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tuong-Thuoc-Ngay-1721979-mai-la-bai-hoc-cho...
[2]: Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma và bài học cho người trẻ, URL: http://news.zing.vn/Vong-tron-bat-tu-o-Gac-Ma-va-bai-hoc-cho-nguoi-tre-p...