You are here

Tự ứng cử ĐBQH: Liệu chính quyền có thành tâm?

Cho dù về cơ bản, cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 5/2016, vẫn theo nguyên tắc “Đảng cử Dân bầu”. Song có lẽ không có kỳ bầu cử Quốc Hội nào được dư luận chú ý như cuộc bầu cử ĐBQH lần này. Sự đóng góp của internet cũng như mạng xã hội, đã giúp cho người dân rất nhiều trong việc tìm hiểu và nhận thức được quyền của mình, đặc việc là việc tham gia tự ứng cử. Nếu như cách đây 5 năm, tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa 13 số người tự ứng cử ĐBQH chỉ là rát ít, thì lần này đã trở thành một phong trào khá rầm rộ. Mọi hành vi cản trở hay gây khó dễ của phía chính quyền trong cuộc bầu cử lần này, đã nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội và truyền thông quốc tế đã khiến nhà nước phải thận trọng hơn. Chính vì thế, không chỉ có những người tự ứng cử đã tự tin hơn trước rất nhiều, mà ngay cả các cơ quan nhà nước cũng có sự thay đổi về quan điểm.

Sẽ cởi mở hơn?

Bầu cử Quốc hội năm 2016, dường như có vẻ được phía chính quyền cởi mở và tôn trọng luật pháp hơn. Theo RFI, trong một bài trả lời phỏng vấn, TS. Nguyễn Quang A cho biết: "Họ nói với chúng tôi là chúng tôi có quyền ứng cử và nói chế độ hiện nay rất dân chủ… Hãy chờ xem họ biến lời nói thành hiện thực".

Theo VOV ngày 31/12/2015, ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương lên tiếng yêu cầu rằng: "Mặt trận cần nêu cao vai trò, quyền dân chủ của dân để khắc phục tình trạng "đảng cử dân bầu", hiệp thương chỉ để hợp pháp hóa.”. Dưới nhan đề "Phân biệt đối xử với người tự ứng cử là phạm luật", báo Tuổi trẻ ngày 3/3/2016 cho biết, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định rằng: các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử không được phân biệt đối xử, cố tình gây trở ngại cho những người tự ứng cử. Hồ sơ của những người tự ứng cử, cùng với những người ứng cử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu được gửi đến MTTQ VN để tiến hành hiệp thương một cách bình đẳng, không phân biệt. Theo ông Pha, việc không quy định cơ cấu tỷ lệ người tự ứng cử trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không ảnh hưởng gì tới việc tự ứng cử và cơ cấu, thành phần quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ cấu định hướng chứ không phải cơ cấu bắt buộc. Các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử không được phân biệt đối xử, không được để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử. Bất cứ hành vi phân biệt đối xử nào đều vi phạm pháp luật. 

Ngay cả Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng cũng đã lên tiếng, lưu ý các cơ quan nhà nước phải đối xử bình đẳng đối với người tự ứng cử. Theo đó, cần hướng dẫn cụ thể, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, tránh để xảy ra những vướng mắc không đáng có.

Tuy vậy, bài báo "Bôi nhọ người tự ứng cử là tiếp tay cho sự xuyên tạc" mới đây trên VNN viết rằng "Bầu cử là sản phẩm tuyệt vời nhất của nền dân chủ khi nó huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội để cùng nhau xây dựng một mô hình vận hành cho quốc gia. Nó đòi hỏi không chỉ các nhà lãnh đạo phải tin tưởng vào nhân dân như một điều tất yếu của một quốc gia hiện đại, mà còn đòi hỏi từng thành viên trong xã hội phải tin tưởng lẫn nhau. Bầu cử là một hoạt động tự do và công bằng, không ai có quyền hoặc khả năng định hướng cử tri phải bầu thế này hay thế khác.". Việc bài báo nói trên đã bị gỡ bỏ, đã khiến chúng ta không thể không nghi ngờ về lập trường và chính sách của chính quyền trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14. Đó là họ luôn nói một đằng và làm một nẻo.

Có sách nhiễu đồng loạt?

Trong bài viết dưới nhan đề "Ứng viên độc lập 'bị sách nhiễu đồng loạt'", tác giả Đoan Trang nhận xét rằng "Trong vài ngày đầu tuần qua, gần như tất cả các ứng viên độc lập vào Quốc hội khóa 14 đều đã và đang bị chính quyền cản phá quyết liệt bằng nhiều hình thức, từ gây khó khăn ở khâu hồ sơ đến viết bài bôi nhọ trên báo chí chính thống, từ đe dọa tại địa phương đến quay clip xâm hại uy tín trên mạng xã hội.". Điều đó cho thấy, những phát biểu của các quan chức nhà nước kể trên hoàn toàn chỉ mang tính mị dân và nhằm để đánh bóng cho một sự giả dối, đó là cái gọi là quyền tự ứng cử của công dân ở Việt nam.

Tuy vậy, khi xem xét những trường hợp được cho là sách nhiễu hay cản phá quyết liệt từ phía chính quyền thì thấy, họ đã gặp nhiều trở ngại và phải giải quyết nhiều thủ tục lòng vòng, thiếu thống nhất. Nhưng sau 4-5 ngày thì mọi việc về hồ sơ của những người tự ứng cử cũng xong xuôi cả. Theo nhận xét của TS. Nguyễn Quang A thì "Để xác nhận một sơ yếu lý lịch tôi đã cần đến gần 4 ngày, một việc có thể làm trong 10 phút. Theo ông, bộ máy hành chính hiện nay là bộ máy “hành” là “chính” chứ không phải là phục vụ dân. Nhân chuyện nộp hồ sơ đăng ký ứng cử vào Quốc hội, với kinh nghiệm của chính mình, tôi nghĩ cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính nói chung và thủ tục đăng ký ứng cử nói riêng.".

Điều đó cho thấy, đây là hệ quả từ một bộ máy hành chính quan liêu, thiếu tận tụy đang tồn tại ở Việt nam. Đây là những điều mà bất kỳ người dân nào cũng bị đối xử tương tự như vậy khi tiếp xúc với cơ quan công quyền. Cũng như sự "hào phóng" của một số chính quyền địa phương trong quá trình xác nhận lý lịch cho một vài người tự ứng có "thêm" những dòng nhận xét ngoài quy định và không đáng có, thì cũng nên nên hiểu đó là sự nhắc nhở từ phía chính quyền với thông điệp "Các anh đang làm gì, chúng tôi đều biết hết".

Cần hiểu rằng, trong một thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo, khi chính trị là sân chơi riêng của một nhóm người trong đảng và tâm lý xã hội vẫn chưa thật sự cởi mở cho các cá nhân tự ứng cử, thì có lẽ đây không phải là chủ trương chung, mà chỉ là sự lạm quyền cũng như phản ứng của một bộ phận bảo thủ trong chính quyền hiện nay. Các bước cản trở sẽ xuất hiện rõ nét trong các vòng hiệp thương tiếp theo chứ không phải ở khâu làm hồ sơ ứng cử. Việc báo chí, hay các tổ chức, cá nhân bới móc đời tư là chuyện thường tình trong mọi cuộc bầu cử, ở đâu cũng vậy. Nếu cá nhân mình thực sự trong sạch thì chả việc gì phải ngại. Và nếu họ vu khống thì người tự ứng cử hãy khởi kiện họ trước pháp luật, thay vì kêu ca. Đây là một đòi hỏi cũng như việc cần phải làm của một ứng viên của cơ quan lập pháp.

Chính quyền buộc phải cởi mở?

Cũng như vạn vật đều vận động chính trị Việt nam không thể dẫm chân tại chỗ. Dưới các tác động của các chính sách kinh tế, quan hệ đối ngoại, áp lực của phe cải cách trong đảng và một phần rất nhỏ của áp lực xã hội đã buộc Đảng CSVN phải tỏ ra cởi mở hơn. Nhất là vào thời điểm như hiện nay, khi trong nước uy tín của Đảng CSVN trong dân đã giảm sút nghiêm trọng; quan hệ đối ngoại đang chịu nhiều tác động của quốc tế. 

Trong bối cảnh quan hệ đối ngoại của Việt nam với cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng, phia Việt nam đã hội nhập sâu và có nhiều cam kết trong vấn đề tôn trọng và cải thiện quyền con người. Đặc biệt là mối quan hệ Việt - Mỹ đang tiếp tục tiến triển tốt với nhiều hứa hẹn, nhất là trong bối cảnh áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Với việc phía Mỹ đã tỏ ý có thể bỏ hẳn việc cấm vận mọi vũ khí sát thương cho Việt Nam một khi quan hệ chiến lược được củng cố vững chắc, cũng như việc Việt nam gia nhập Hiệp ước TPP đang mở ra nhiều triển vọng cho Việt Nam, trong vấn đề phát triển mọi mặt là thời cơ không thể bỏ qua. Đặc biệt là sau chuyến thăm Mỹ chính thức của TBT Nguyễn Phú Trọng trong năm 2015 và sắp tới đây, tháng 5/2016 Tổng thống Mỹ B. Obama sẽ thăm chính thức Việt nam. Đây là điều được đánh gia là "sẽ càng góp phần làm nồng ấm hơn mối quan hệ của hai quốc gia cự thù".

Như lời Đại sứ Mỹ ông Ted Osius khẳng định rằng "Thời gian đã chín muồi để chúng ta thảo luận một số phương thức cụ thể nhằm tăng cường lòng tin và cùng nhau xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh và thịnh vượng hơn, tăng cường ổn định khu vực, và góp phần vào những nỗ lực toàn cầu nhằm hướng tới một tương lai sạch hơn và lành mạnh hơn cho thế giới."

Vì thế, việc nới lỏng cho những người tự ứng cử sẽ giúp cho chính quyền trong việc cải thiện bộ mặt độc tài của họ, mà họ không hề mất mát điều gì. Họ vẫn luôn luôn làm chủ cuộc chơi, cũng như việc những người tự ứng cử được đi tiếp hay ở lại vẫn do họ quyết định. Đúng như RFI dẫn nguồn từ hãng tin Reutersngày ngày 4/3/2016 khi cho rằng: "...  việc cho phép các ứng viên độc lập ra tranh chức đại biểu Quốc hội sẽ giúp Đảng Cộng sản cải thiện hình ảnh của mình, vì trong thời gian 40 năm độc quyền lãnh đạo toàn thể nước Việt Nam vừa qua, đảng đã bị mang tiếng xa rời quần chúng, đặc biệt trong số một nửa cư dân ở độ tuổi dưới 30. Đây là một cách ĐCSVN thể hiện những gì họ viết trong Hiến pháp CHXHVN."

Sự bất đồng trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN, mà phần thắng đã thuộc về phe Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng, với đỉnh cao là việc hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội 12 cũng là một vấn đề mà người ta cho rằng, ban lãnh đạo Việt nam khó có thể đồng nhất trong việc triệt tiêu những người tự ứng cử. Việc khi tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, hôm 8/3, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói bóng nói gió rằng: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước những phần tử thế này thế khác” đã cho thấy điều đó. Vì nếu thực sự có quyền lực thì ông Tổng Bí thư sẽ nói thẳng là kiên quyết cấm người tự ứng cử. Điều đó cho thấy, việc cấm đoán hay hạn chế người tự ứng cử khó có thể là một chủ trương nhất quán từ trên cấp cao nhất xuống, mà nếu có chỉ là hành động của quan chức cấp địa phương.

Kết

Trong một thể chế chính trị độc đảng như ở Việt nam, kết quả của các cuộc bầu cử ĐBQH có một ý nghĩa to lớn đối với chính quyền, thông qua cái đó khẳng định niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN, sự điều hành quản lý của Nhà nước vào đường lối đổi mới của Đảng. Chính vì thế, tại các cuộc bầu cử Quốc hội từ trước tới nay được công bố với số lượng cử tri đi bầu luôn đạt hơn 99%. Với những số liệu đó, chính quyền đã khẳng định tính chính danh của mình và kết quả bầu cử đã phản ánh "ý nguyện và sức mạnh toàn dân". Điều đó cho thấy, việc người tham gia ứng cử ĐBQH là một việc làm cần khuyến khích và ủng hộ. Đây là bước khởi đầu cho công cuộc vận động lấy lại quyền lực chính trị của người dân, trong việc quyết định vận mệnh của quốc gia.

Vì thế, những người tham gia hoạt động chính trị cũng như những nhà báo, bloggers cần nhìn nhận vấn đề một cách thật khách quan. Khi bắt tay vào mọi công việc đều vấp phải những khó khăn, việc tự ứng cử ĐBQH sẽ còn khó khăn gấp bội, mà đây chỉ là bước khởi đầu và tiếp sau đây các khó khăn, thử thách sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Để tự khẳng định mình, những người tự ứng cử hãy học tập TS. Nguyễn Quang A bằng cách, xin chữ ký ủng hộ của cử tri. Song sẽ khác ở chỗ là chỉ xin trong phạm vi địa bàn mình cư trú (tổ dân phố, Xã, Phường) để xem có bao nhiêu người ủng hộ mình?

Ngày 12/03/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.