You are here

17/2/1979 và cuộc chiến trong tôi thời trưởng thành - Phần II

Ảnh của nguyenhuuvinh

Từ võ mồm...

Từ cuộc chiến tranh miệng, đến chiến tranh bằng súng đạn chỉ là một khoảng cách. Khoảng cách ngày càng gần khi thông tin chiến sự ngày càng dồn dập về những tội ác của bọn diệt chúng Polpot - Iengxary ở biên giới phía Nam nước ta với bao đồng bào bị thảm sát. Tương tự, trên biên giới phía Bắc, những thông tin về quân đội Trung Quốc gây tội ác, về những tấm gương như của Lê Đình Chinh và những chiến sĩ khác đã liên tục được đưa lên truyền thông. Thật giả không ai tường, chỉ biết là nhịp độ ngày càng đậm đặc.

Và người dân phỏng đoán, hồi hộp qua các thông tin về một bọn diệt chủng tàn bạo và khát máu nhất trong lịch sử, về một bọn bành trướng bá quyền đã từng có âm mưu lâu dài và là kẻ thù truyền kiếp từ ngàn đời của dân tộc ta mà "đảng ta đã biết từ lâu"... ( Hình: Lê Duẩn và Polpot tại Moscow năm 1975)

Những tin tức qua báo chí làm người ta ngỡ ngàng không thể tin được khi trước đó chưa lâu, "đồng chí" Polpot vẫn là "người bạn chiến đấu keo sơn gắn bó" của Lãnh đạo Việt Nam trong thế trận "Ba nước Đông Dương đánh Mỹ" còn "đồng chí Đặng Tiểu Bình" trước đó vẫn còn ôm vai, bá cổ Hồ Chí Minh như anh em một nhà.

Mới đây, tại Tòa án xét xử Khmer Đỏ, Nhà sử học Philip Short đã nói trước tòa án có sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam có một vai trò không thể chối cãi là đã xen vào công việc của Khmer Đỏ. Đảng Cộng sản Việt Nam có một vai trò không thể chối cãi là đã chịu trách nhiệm chính trong việc trang bị và huấn luyện cho Khmer Đỏ.”

Hệ thống truyền thông Việt Nam còn cho biết, trước đó "đảng ta" đã xác định rất rõ việc bọn bành trướng Trung Quốc là chuyên gia sử dụng Hoa kiều làm đội quân thứ 6 ở các nước xung quanh rất hiệu quả. Và vì thế chuyện "nạn kiều" là chuyện hiển nhiên... (Hình: Đặng Tiểu Bình và Hồ  Chí Minh)

Trong khi đó, tình hình kinh tế đất nước lúc bấy giờ hết sức khó khăn, nạn đói kém, lụt lội xảy ra triền miên. Lương thực thực phẩm và hàng hóa khan hiếm đến kiệt cùng. Người dân sống trong cảnh đói rét bần hàn. Phong trào Hợp tác hóa, Hợp tác xã Nông nghiệp ở miền Bắc và "Cải tạo Công thương nghiệp, cải tạo Tư sản ở miền Nam" những năm trước đó đã đem đến kết quả là cả nước lâm vào trình trạng "xin viện trợ lương thực" và mọi thứ hàng hóa không có để mà phân phối.

Nạn vượt biển tìm chân trời mới xảy ra triền miên và ngày càng dồn dập. Người ta tìm mọi cách trốn chạy khỏi "Thiên đường XHCN". Tình cảnh hết sức bi đát.

 Giữa lúc đó, Việt Nam sau khi "đánh đuổi" được một "Tên đến quốc to" là Mỹ liền mời một "tên XHCN" không to lắm vào Việt Nam. Mọi mặt, hết từ lương thực, công nghiệp và quốc phòng đều lệ thuộc vào Liên Xô và vài nước XHCN một cách thụ động.

Ngày 3/11/1978 tại Moscow, đại diện nhà nước Liên bang Xô Viết và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước hữu nghị Xô-Việt.

Thế rồi chỉ gần một tháng sau, ngày 2/12/1978,  Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Và chỉ hơn 1 tháng sau - chính xác là 1 tháng 5 ngày - 7/1/1979, cái Mặt trận này đã "lãnh đạo nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Polpot, giải phóng Campuchia".

Thực tế, không ai không biết cái Mặt trận này được thành lập do đâu và vì sao đã nhanh chóng đánh đổ được chế độ Polpot lúc bấy giờ, cho dù Việt Nam có lý luận rằng thì là "chính Mặt trận này đã nhanh chóng phát triển và giải phóng Campuchia, vì sức ép càng mạnh thì sức bật càng tăng". Cũng chính điều này đã đưa Việt Nam sa lầy vào trận chiến này dai dẳng đến tận sau này tại đất nước Chùa Tháp. Đã không biết bao nhiêu tính mạng, tài sản và của cải của người dân Việt Nam đổ vào đây để cuối cùng thì lợi đâu không thấy, chỉ thấy tác hại là vô cùng to lớn cho đất nước này bởi cái gọi là "Chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng" được áp dụng triệt để.

Thế nhưng, người dân chỉ được biết là tình hình Việt - Trung căng thẳng ngày càng đến điểm cực độ.

Tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ (72 trong số 111 công trình viện trợ) không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút bớt chuyên gia về nước. Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước. Ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc ngừng tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam. Đầu tháng 1 năm 1979, đường bay Bắc Kinh - Hà Nội cũng bị cắt.

Ở miền Bắc Việt Nam, không khí chống Trung Quốc bành trướng được nung nóng đến mức cao nhất. Mọi người dân từ già đến trẻ, từ gái đến trai, hầu như ai cũng chán ghét chiến tranh,  nhưng đều nói rằng: "Chống Mỹ, thì còn suy nghĩ lại, nhưng chống Tàu, thì tất cả sẽ lên đường. Bởi sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chết, hoặc chiến đấu".

Khí thế sùng sục, công sự, hầm hố được xây dựng khắp nơi, từ các ngã ba, ngã tư đường phố đến nông thôn... Khí thế khẩn trương cho chiến tranh được huy động tối đa và người ta tâm niệm rằng một cuộc chiến là không thể tránh khỏi.

Nhiều lượt nhập ngũ, tòng quân được ráo riết tiến hành, học sinh cấp 3 được huy động bằng cách đến tận trường gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Nhiều bạn tôi đã bỏ dở bút nghiên để ra chiến trường khi chỉ còn vài ba tháng nữa là thi Tốt nghiệp.

Đến võ... súng đạn

Đêm 17/2/1979, tôi chưa tròn 17 tuổi, trong những ngày cuối cùng cấp PTTH, khoảng hơn 22 giờ, tôi bước ra cửa, bỗng nghe tiếng radio từ hàng xóm với lời lẽ đanh thép của cô phát thanh viên với bản tin về cuộc chiến trên biên giới phía Bắc đã nổ ra sáng hôm đó. Bản tin cho biết, sáng 17/2/1979, bọn bá quyền Trung Cộng đã xua hơn nửa triệu quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Những thông tin ban đầu là những thông tin về tội ác của bọn xâm lược và những kháng cự của quân dân 6 tỉnh biên giới. (Hình: Lạng Sơn sau cuộc tấn công xâm lược 1979)

Tôi đứng lặng người trước ngõ. Vậy là cuộc chiến đã thực sự diễn ra và đất nước vào tình trạng lưỡng đầu thọ địch.

Cả đất nước sục sôi, cả dân tộc nổi giận và uất hận trước bè lũ xâm lăng đang tấn công lãnh thổ của Tổ Quốc. Lớp lớp những thanh niên lại lên đường dù cái đói, cái rét đang đè nặng người dân.

Trường cấp 3 chúng tôi đang học những năm cuối cấp cũng không yên. Nhiều bạn bè chúng tôi đã lên đường và nhiều đứa không hề trở lại sau đó. Khắp nơi, hừng hực khí thế chuẩn bị nghênh tiếp quân giặc. Những đám dân quân tự vệ được cấp súng đạn suốt ngày tập tành. Công sự khắp thông làng, xóm phố.

Cạn "tình anh em"!

Thời đó, không internet hay điện thoại, thông tin chính qua hệ thống loa công cộng và báo chí nhà nước là chủ yếu. Những thông tin qua hệ thống báo chí tuyên truyền đến người dân là những bản tin chiến thắng, những bản tin về tội ác quân xâm lược.

Ở những bản tin đó, cả nước nghe tường thuật về những trận thảm sát người dân như ở Tổng Chúp, Cao Bằng, 43 người dân vô tội là đàn bà, trẻ em chân yếu tay mềm không kịp chạy đã bị thảm sát rồi quẳng xuống giếng nước bởi lính Trung Quốc - Một đội quân trâu bò, man rợ và tàn ác.

Những trận thảm sát bằng thuốc nổ và thuốc độc tại Pháo đài Đồng Đăng, giết một lúc hơn 700 người.

Ở những bản tin đó, người dân cũng nghe được những chiến thắng lớn lao mà chỉ toàn bởi những lực lượng địa phương quân chiến đấu và chiến thắng... Ngay trong hai ngày đầu tiên, các bản tin cho biết, đã tiêu diệt 3.500 tên giặc và phá hủy 80 xe tăng (?).  

Đến khi đó, niềm tin của không chỉ người dân Việt Nam mà cả đảng CSVN cũng tiêu tan về cái gọi là "tình đoàn kết anh em trong Phe XHCN" được đảng bao năm tô lục chuốc hồng giờ chỉ còn là bánh vẽ.

Có lẽ, những cuộc chiến tranh dữ dội nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử là những trận đánh cắn lẫn nhau giữa "các nước anh em trong phe XHCN".

Bên cạnh đó là những bản tin làm nức lòng nhân dân rằng cả thế giới đứng bên cạnh Việt Nam chống Trung Cộng xâm lược. (Mãi đến sau này, chúng tôi mới hiểu sự ủng hộ đó đến mức độ nào). Liên Xô tuyên bố: "Các bạn Việt Nam hãy yên tâm, Liên Xô luôn trung thành với Hiệp ước Hữu nghị Xô - Việt". Cuba thì "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hy sinh cả máu của mình"... với bao ngôn từ tốt đẹp và mạnh mẽ khác. Nhưng thực tế, thì trên chiến trường, máu xương con em người dân cứ vậy mà đổ xuống. Liên Xô ngoài việc cung cấp viện trợ thì chấm hết. Cuba đứng nhìn, Mỹ là kẻ thù số 1 của Việt Nam như đảng vẫn luôn xác định thì giữ vai trò "trung lập".

Cả nước oằn lưng chống quân bành trướng như không còn con đường sống nào khác. Với sự gồng mình của cả đất nước, câu hăm dọa mà các nhà tuyên truyền của Việt Nam cho là của Đặng Tiểu Bình rằng: "Sáng ăn cơm Lạng Sơn, chiều ăn cơm Hà Nội" đã không thành công.  

Ngày 5/3, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên toàn quốc cho cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược. Cũng ngày hôm đó, phía Trung Cộng tuyên bố "Hoàn thành việc dạy cho Việt Nam một bài học" và tuyên bố rút quân. Nhưng cuộc chiến Biên giới còn dai dẳng và tồn tại mãi đến nhiều năm sau đó.

Sau cuộc chiến, người dân Việt Nam mới nhận thấy nhiều điều từ người bạn mà chính phủ Hồ Chí Minh mới ca ngợi chưa rời khỏi mồm rằng thì là "Vừa là đồng chí, vừa là anh em" là "môi hở răng lạnh", rằng thì là "Bên kia biên giới là nhà. Bên ni biên giới cũng là quê hương"... một dã tâm xâm lược từ bao đời vẫn còn nguyên vẹn.

Hà Nội, 23/2/2016. Những ngày kỷ niệm 37 năm cuộc xâm lược phía Bắc 1979.

J.B Nguyễn Hữu Vinh