You are here

Phác thảo chân dung blogger Việt

Thanh Châu, thông tín viên RFA
Tại Việt Nam, phong trào chơi blog bắt đầu chỉ trong khoảng 10 năm trở lại, khởi thủy với Y360!

RFA

Giao diện trang blog "quechoa" của nhà văn Nguyễn Quang Lập

Các blog thời ấy đã tận dụng tính kết nối tuyệt vời của Yahoo để chia sẻ nhiều quan điểm và chính kiến khác nhau. Tuy nhiên, Y360! còn nhiều lỗi, chậm chạp. Đó là chưa kể sự nghi ngại về tính bảo mật đối với những tên miền Yahoo có đuôi .vn.

Yahoo 360 đóng cửa, các blogger lục tục “dọn nhà” đi nơi khác. Bên cạnh nhu cầu có một không gian lưu trữ, tính liên thông của blog là một yêu cầu không thể thiếu. Do đó, nhiều blogger đã chọn những mạng xã hội có tính liên kết cao làm ưu tiên “dọn nhà”, mặc dù chưa hẳn đây là những trang mạng hoàn hảo. Có thể kể đến Multiply, Facebook, Blogspot… Wordpress, tuy khá hoàn chỉnh như một trang lưu báo mạng, lại ít được ưa chuộng vì thiếu tính liên thông này.

Vai trò của các blog

Nhưng dù chọn mạng xã hội nào, không thể chối cãi về vai trò và sức nặng của các blog. Tuy không phải là báo chí chính thống, không có bản in, nhưng những ý kiến từ những blogger đã góp phần không nhỏ đến những quyết sách xã hội của chánh phủ. Thậm chí, thay đổi cả hành vi của không ít quan chức cao cấp.

Nhớ lại vụ lụt Hà Nội gây chết người năm nào, từ những ý kiến phản đối gay gắt trên các blog và chưa hề được báo chí chính thống trích dẫn, ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội phải xuất hiện trên truyền thông để xin lỗi dân chúng về thái độ xử trí kém cỏi của chính quyền trong trận lụt đó.

Đó là chưa kể các quyết sách lớn khác như đường sắt cao tốc, khai thác bauxite, sự phung phí trong đại lễ Thăng Long 1000 năm…, không ai có thể phủ nhận các thông tin quí giá từ các blogger đã đăng tải. Từ những vấn đề thuần túy dữ liệu khoa học của đường sắt cao tốc, khai thác bauxite…, cho đến những phản biện xã hội về việc chi tiêu ngân sách…
Rất nhiều vụ việc tương tự cho thấy vai trò không nhỏ của giới blogger đối với hiện trạng đất nước trong thời gian qua. Nhớ đến những việc này, không thể không ghi công họ.

Blogger Việt - họ là ai?

Thứ nhất là các blogger công khai danh tính.

Từ trái qua: Nhà dân chủ Nguyễn Tiến Trung, blogger Điếu Cày, blogger Người Buôn Gió. Họ là những người sử dụng tên thật, hình ảnh thật để bày tỏ chính kiến. Hoặc sử dụng một nickname vui vui nào đó, mặc dù mọi người đều biết rõ họ là ai, làm việc ở đâu. Trong nhóm này, có thể kể đến những blogger nổi tiếng như Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, nhà báo Nguyễn Vạn Phú, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà báo Huy Đức-Osin, nhà báo Đoan Trang, nhà Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, trang bauxite Việt Nam…

Tuy không ẩn danh, nhưng phải thừa nhận những ý kiến từ những blogger này là những ý kiến rất thẳng thắn. Đa phần thuộc giới trí thức, đã tốt nghiệp Đại học, có khả năng ngoại ngữ, đọc được nhiều thông tin…, tiếng nói của họ đã gây nhiều sự chú ý. Có khả năng tiếp cận thông tin từ Internet, họ viết sắc sảo, trực ngôn và không quanh co.

Một điểm đáng chú ý, những blogger công khai này thường biểu lộ quan điểm rất ôn hòa, chừng mực. Trừ phi bị chụp mũ, khó có thể cho rằng họ là những kẻ cực đoan, khủng bố hay chống phá Nhà nước. Ngược lại, ngoài đời thực, họ là những công dân mẫu mực, những trí thức ưu tú, lương thiện.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi thấy điều mâu thuẫn. Một mặt, tiếng nói của họ được lắng nghe, ghi nhận ngấm ngầm từ giới cầm quyền. Mặt khác, giới công an mạng, kiểm duyệt văn hóa… cũng dè chừng họ nhất. Vì rất nhiều khi, những ý kiến phản biện của họ thì đi ngược lại quyền lợi của những cá nhân nhiều bổng lộc trong giới cầm quyền.

Một nhân viên an ninh mạng giấu tên đã tâm sự: “Sau khi được phân công theo dõi blog X, Y, Z…, bản thân tôi đã chuyển biến khá nhiều về mặt tư tưởng. Tôi không còn nhìn họ như những phần tử đáng ghét, nguy hiểm nữa. Ngược lại, tôi quí họ. Giá mà họ biết kiềm chế, để tôi còn được đọc họ, thay cho phải “làm việc” với họ như một công an viên”.

Vừa kính nể, vừa kiêng dè! Đó là thái độ của nhà cầm quyền với những blogger này. Trong khi khó mà “trừng trị” những công dân lương thiện này, người ta đã chọn những phương cách “đánh dưới thắt lưng” để uy hiếp họ. Bêu rếu đời tư, lục soát nhà cửa, quấy rối tại chỗ làm, thậm chí dàn cảnh tai nạn…, là những biện pháp phổ biến.

Thái độ đối phó của nhà chức trách với những tiếng nói này, là biểu hiện tầm nhìn và bản lĩnh văn hóa của chế độ. Chỉ cần một cú trừng phạt quá tay, hình ảnh của chế độ sẽ xấu đi nhanh chóng trước dư luận quốc nội và quốc tế. Những blogger này sẵn sàng phanh phui các trò “bẩn” nhằm vào họ. Đã có lúc, người đưa ra quyết định xử lý có thể bị khiển trách từ cấp trên do sự đàn áp ấu trĩ của mình. Đó là lý do của tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của giới an ninh văn hóa.

Thứ hai là các blogger ẩn danh.

Thật ngạc nhiên vì tuy ẩn danh, những blogger này lại ít có những ý kiến nặng ký như nhóm trên. Họ chọn blog ẩn danh để chửi rủa, lăng mạ… Hoặc tích cực hơn, dẫn link, dẫn bài của những blogger khác như một hình thức ủng hộ gián tiếp.
Với những blogger này, thật khó để kiểm soát vì đông đảo và thay đổi liên tục. Đánh chỗ này, họ nhảy qua chỗ khác, lấy tên khác. Lần theo họ cũng đủ mệt, nói chi đến chuyện phanh phui, truy bắt.

Logo "Ngày Blogger Việt Nam" Do đó, để nhẹ việc, chính các blogger công khai lại là mục tiêu truy xét của công an. Còn những blogger ẩn danh lại được làm ngơ, hay ít bị “chiếu cố” hơn, mặc dù tiếng nói của họ lại “chát chúa” hơn rất nhiều lần. Rõ ràng, lực lượng công an không đủ tài lực để làm việc “bắt cóc bỏ dĩa” này, với một “bầy cóc” quá đông như vậy!

Thứ ba là các “commenter”.

Tuy không trực tiếp viết bài, các commenter cũng là một nhóm đáng chú ý. Ý kiến của họ cho thấy sự ủng hộ, hay chống đối với chủ blog. Nhiều khi, bài viết của chính chủ nhân lại không thú vị bằng cuộc tranh cãi rất thú vị của các commenter. Nếu như tạm coi tác giả entry là người khơi gợi vấn đề hay opinion leader, các commenter được xem là một cuộc tập hợp dư luận (opinon poll) khá chính xác và trung thực.

Tạm phân loại như vậy, để thấy blogger là một dung mạo mới và rất đặc sắc của xã hội Việt Nam đương đại. Bỏ qua những ý kiến quá khích, cực đoan, gây chia rẽ hay thù hằn, không ai có thể phủ nhận tiếng nói tích cực từ blog. Nó đã vượt qua ảnh hưởng của báo chí lề phải, vốn nghèo nàn, ngoan ngoãn và đơn điệu. Nó cần được lắng nghe và tôn trọng.

Hơn hết, nhà cầm quyền phải học cách “sống tử tế” với các blogger . Đó là sự thể hiện bản lĩnh, trí tuệ về một chính sách văn hóa đa chiều, cởi mở. Nó dẫn đến việc “khai dân trí” một cách ôn hòa, không đổ máu.

Ngược lại, đàn áp blogger theo cách đang làm hiện nay, có thể so sánh được với tội ác của Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn nho sĩ.
Căm ghét, trừng phạt những tiếng nói trái chiều là biểu hiện chắc chắn nhất của sợ hãi và diệt vong.

Theo dòng thời sự:
Bài viết khiến Blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt
Phản ứng của giới Bloggers trước hành động đàn áp của chính quyền
Video: Phản ứng của giới bloggers
Vì sao Blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt?

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.