Song Chi.
5. Nhiều nhân vật trong đảng cộng sản đã biết sử dụng vũ khí truyền thông phi chính thống/ ngoài luồng.
Không chỉ lợi dụng truyền thông ngoài luồng bằng cách dựng lên những trang blog, trang web mới hay gửi tin, bài đến những trang báo "lề dân" vốn đã có lượng người đọc khá cao để tố cáo, triệt hạ nhau hoặc dựa vào dư luận để nghe ngóng tình hình, tâm tư của nhân dân mà nhiều cá nhân, phe nhóm còn tìm cách lèo lái, hướng dẫn dư luận theo hướng có lợi cho cá nhân đó, phe nhóm đó. Việc có những thông tin nội bộ, thông tin mật mà phải là người trong cuộc tuồn ra, việc có những bài viết phải do người trong cuộc viết ra, chỉ trích, hạ bệ ông này, nâng ông kia…là những bằng chứng.
Và càng về sau, khi những thông tin rò rỉ cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại thêm nửa nhiệm kỳ và ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải ra đi thì càng thấy rõ “bàn tay” của phe ông Nguyễn Tấn Dũng tích cực tìm cách hướng dẫn, tác động đến dư luận, tác động đến việc bỏ phiếu, chọn lựa của các đại biểu bằng cách đưa ra những hình ảnh, thông tin bất lợi cho ông Trọng và tô vẽ cho ông Dũng-tạo hình ảnh ông Trọng thì bảo thủ, thân Tàu, ông Trọng mà còn ngồi đó thì đất nước này chắc chắn rơi vào tay Tàu trong khi ông Dũng là người cấp tiến, thân Mỹ, thân phương Tây, chống Tàu, ông Dũng mà lên thì hứa hẹn sẽ có nhiều cải cách v.v…
6. Điều quan trọng nhất, thông qua thái độ, ý kiến, bài viết, những cuộc tranh luận của những người dân VN có quan tâm đến tình hình chính trị nói chung và những nhà báo, blogger, nhà hoạt động dân chủ…nói riêng xung quanh đại hội đảng XII, chúng ta nhận ra một số vấn đề đáng suy nghĩ.
Như nhà phê bình văn học, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc có nhận xét trong bài “Khi lòng yêu nước bị từ khước” đăng trên blog VOA, thái độ quan tâm theo dõi tình hình đại hội đảng chứng tỏ người Việt có tinh thần yêu nước, lo lắng đến vận mệnh đất nước (dù biết rằng có lo cũng chả làm được gì); nhưng bên cạnh đó những khía cạnh đáng buồn, đáng lo cũng bộc lộ ra.
Thứ nhất trong sự trông chờ, hy vọng vào một điều gì đó sẽ thay đổi của đám đông có cái gì đó rất ngây thơ, viển vông. Hết trông chờ, hy vọng đại hội sẽ chọn ra được những khuôn mặt xuất sắc vì dân vì nước (ở đâu ra?), đại hội sẽ vạch ra những đường hướng mới, bước đi mới cho đất nước, sau đó lại gửi gắm hy vọng vào ông này ông kia lên làm Tổng Bí thư sẽ thay đổi. Trong đó đáng nói nhất là hy vọng vào ông Nguyễn Tấn Dũng.
Như một sự thay đổi ngoạn mục trong suy nghĩ của mọi người, ông Nguyễn Tấn Dũng từ một nhân vật bị chĩa mũi dùi chỉ trích nặng nề vì thao túng quyền lực, cực kỳ tham nhũng, với những chính sách gây tác hại kinh khủng cho nền kinh tế của đất nước trong thời gian dài nắm quyền, đồng thời đẩy đất nước lún sâu trong sự lệ thuộc vào nền kinh tế của Trung Cộng, nợ công nợ xấu ngập đầu, từng suýt bị kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, và bị đồng chí cho tới nhân dân gọi bằng biệt danh “đồng chí X”, nay bỗng trở thành biểu tượng của sự cấp tiến, cải cách, chống Tàu, là niềm hy vọng của nhiều người.
Phải chăng đây phần nào là ảnh hưởng, là kết quả của sự tác động do phe của ông Nguyễn Tấn Dũng đã biết sử dụng truyền thông ngoài luồng để nâng hình ảnh ông Dũng lên? Nếu so sánh thì phe nào cũng có những bài viết bênh vực người của mình và triệt hạ người của phe kia, nhưng xem ra phe của ông Nguyễn Tấn Dũng hoạt động mạnh hơn, có lượng bài vở, thông tin nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, có lẽ do tâm lý khát khao thay đổi, nhưng tuyệt vọng, bế tắc vì không nhìn thấy một đường hướng nào, một khuôn mặt nào vừa nổi trội vừa có quyền có thế lực nên nhiều người đặt hy vọng vào ông Dũng?
Có những người còn tin rằng nếu ông Dũng ngồi vào ghế Tổng Bí thư, sẽ giải tán đảng cộng sản, tuyên bố thành lập một nước cộng hòa, dù không/chưa phải là một nước dân chủ thật sự nhưng trước mắt là xóa sổ đảng cộng sản, và lên làm Tổng thống. VN sẽ trở thành mô hình kiểu như nước Nga hậu cộng sản, thậm chí có bài báo bên ngoài đã gọi ông Dũng là “Putin của Việt Nam”. Có người lập luận rằng dù sao độc tài cá nhân còn dễ đối phó hơn độc tài tập thể hoặc mô hình kiểu như Nga vẫn cứ tốt hơn mô hình hiện nay với đảng cộng sản cầm quyền.
Tất cả những điều đó phản ánh một thực tế là người dân chúng ta không có quyền gì trong việc chọn lựa ai sẽ là người lãnh đạo đất nước, đất nước này sẽ phát triển theo mô hình nào, sẽ đi về đâu, chúng ta chỉ biết hy vọng và ước mơ. Và hành động duy nhất mà chúng ta làm, đó là hoặc gửi kiến nghị cho…đảng cộng sản đề nghị đổi tên đảng, đổi tên nước, và những thứ đại loại như vậy, hoặc viết bài, hy vọng tác động được đến những suy nghĩ của đám đại biểu đang dự đại hội, tác động được đến nhà cầm quyền.
Mặt khác, trong sự tuyệt vọng, dường như chúng ta rất dễ bị tác động. Không chỉ các phe nhóm đấu đá nhau mà trên mạng, người ta cũng nhận thấy sự tranh cãi giữa người ủng hộ ông này với người ủng hộ ông khác, người viết bài chỉ trích ông X bênh ông Y và ngược lại…Và trong lúc cố gắng chứng minh lập luận của mình trong việc ủng hộ hay chỉ trích một ông nào đó, nhiều người dường như đã không còn giữ được sự tỉnh táo, khách quan cần thiết, sẵn sàng “ném đá”, “chụp mũ” ai đó không đồng quan điểm với mình. Chưa kể những người có tâm lý “ăn theo”, thấy dư luận hy vọng, ca ngợi ông X nhiều thì cũng đồng ý theo, chẳng hạn.
Mà những thông tin mọi người dựa vào thì hầu hết là thông tin “gián tiếp”, hoặc do chính các phe nhóm tung ra để triệt nhau và không dễ kiểm chứng thực hư, hoặc từ việc đọc “giữa hai hàng chữ” những thông tin trên báo chính thức và suy luận. Có thể nói hầu như chẳng có mấy ai có được những thông tin trực tiếp, do chính mình tham dự đại hội hoặc phỏng vấn những người đang tham dự, phỏng vấn các ứng viên…
Chính những nhà báo, blogger độc lập có xu hướng tiến bộ, những nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ…cần phải tỉnh táo hơn nữa, để tránh bị tác động và ngược lại, mình cũng tác động đến tâm lý chung của người dân.
Và một điều mà ai cũng biết, nếu chỉ trông mong, hy vọng vào sự thay đổi của đảng và nhà nước cộng sản thì chẳng bao giờ sự thay đổi ấy đến, bởi đối với một đảng cầm quyền đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong tay hàng chục năm nay tha hồ muốn làm gì thì làm, tại sao họ lại phải nhường bước, chia sẻ quyền lực, thậm chí rút lui? Sự thay đổi ấy chỉ có thể diễn ra khi chính người dân gây sức ép cho họ bằng hành động. Lâu nay chúng ta đã hành động bằng những bài viết, ý kiến, kiến nghị, thư gửi ông này ông kia…nhưng điều đó rõ ràng là chưa đủ. Một ví dụ gần đây nhất, sự thay đổi của Miến Điện là kết quả của cả từ hai phía: nhận thức, tự giác thay đổi vì đã nhận ra nguy cơ cũng như triển vọng phát triển của đất nước từ phía chính quyền, và sự tranh đấu không mệt mỏi của người dân.
Bài bình luận gần đây