Quan sát chính trị Việt Nam đôi khi có cảm giác chẳng khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám dang dở, chưa đến hồi cuối, nghĩa là mọi bí mật còn ở phía trước, và mọi khả năng đều có thể xảy ra, dù rằng xảy ra trong một phạm vi có thể tiên liệu được.
Vì thế mà phân tích chính trị Việt Nam, trong rất nhiều trường hợp, chỉ là những suy đoán mang tính giả định, dựa trên những thông tin mà phần lớn không thể đảm bảo về mức độ chính xác.
Vậy, nếu định thử làm công việc phân tích chính trị Việt Nam thì có lẽ cần chọn theo một số nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc này : phân tích các sự kiện và nhân vật chính trị theo phương pháp phân tích tiểu thuyết trinh thám. Nghĩa là bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, cần có thêm một ít tưởng tượng,và luôn ý thức về tính chất phức tạp, khó nắm bắt của tình hình và ý thức về sự bấp bênh của các kết luận. Đồng thời không nên bỏ qua các chi tiết tưởng chừng như là nhỏ nhặt. Tương tự như khi tác giả tiểu thuyết trinh thám để cho một ly nước xuất hiện trên bàn, đừng bỏ qua nó, bởi trong đó có thể có độc và nó sẽ được dùng đến vào thời điểm cần thiết. Và luôn cần ý thức rằng mình đang bị tác giả lừa, đang bị đặt vào bẫy của tác giả. Trong trường hợp ta phân tích chính trị Việt Nam, tác giả chính là các nhân vật chính trị. Cuốn tiểu thuyết chính trị do họ viết ra đồng thời họ đóng vai các nhân vật trong đó. Các thông tin nổi trôi trên mạng, được đưa ra bởi bút danh đủ các loại có thể là chủ ý của họ để làm rối loạn thông tin và để hạ bệ các đối thủ chính trị của họ. Chỉ cần nhớ lại vụ tin đồn nhảm về cái chết của Phùng Quang Thanh, ta sẽ thấy rõ điều này. Đến cả báo chí quốc tế còn dính đòn lừa của họ. Tuy nhiên, những người thận trọng sẽ thấy rằng, không một báo nào ở Pháp lên tiếng về sự kiện này, dù rằng câu chuyện liên quan đến khoảng thời gian Phùng Quang Thanh ở Pháp. Như vậy, việc của họ là lũng đoạn thông tin để điều khiển dư luận. Còn chúng ta có ngây thơ để cho họ điều khiển hay không, đó là việc của chúng ta. Muốn không bị điều khiển, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất : phát triển khả năng phân tích và khả năng tư duy độc lập của mình. Việc tư duy độc lập của mỗi người trở nên đủ mạnh là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của một thể chế dân chủ. Giả định rằng nếu có khoảng 50% dân số có khả năng tư duy độc lập và có khả năng vạch ra sự ngụy biện hay lừa dối của chính phủ, và không chấp các biện pháp lừa dối và ngụy biện ấy nữa, thì chính phủ sẽ không còn dễ dàng điều khiển và nô dịch hóa các công dân của mình nữa.
Còn hồi kết của màn kịch hay tiểu thuyết trinh thám chính trị này ? Hồi kết chỉ diễn ra lúc nào thể chế chính trị hiện tại kết thúc để cho phép mở ra một hình thái chính trị khác, hình thái dân chủ, trong đó sự minh bạch được đưa lên làm tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động chính trị cũng như trong vận hành xã hội.
Vậy, chúng ta xác định với nhau rằng cuốn tiểu thuyết trinh thám-chính trị mà chúng ta đang đọc hàng ngày hiện đang được các tác giả của nó viết nên và chưa biết lúc nào mới kết thúc.
Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?
Để trả lời câu hỏi này, cần trả lời nhiều câu hỏi khác, dĩ nhiên.
Trở lại với câu hỏi ở cuối bài trước : « trong bộ máy lãnh đạo của chúng ta hiện nay có những người có hoài bão lớn, không vụ lợi cá nhân mà nghĩ tới các giá trị chung và các mục đích chung, như Gorbatchev hay không ? Liệu có ai trong số đó còn nghĩ đến các giá trị đạo đức và tinh thần ? »
Hoài bão về một Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu từng thể hiện ở một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu (với tất cả những sai lầm mà họ đã không tránh khỏi thì họ vẫn là những người có hoài bão lớn), như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, hay thậm chí Lê Duẩn (cho dù Lê Duẩn không đưa được Việt Nam thoát nghèo do không có kiến thức và kinh nghiệm xây dựng kinh tế, và do bị cột chặt vào mô hình kinh tế kế hoạch hóa và tập thể hóa thời Liên Xô, nhưng ông ta có cái khát vọng về một Việt Nam hùng mạnh, và ông ta đã không ngại tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, trong vị thế là lãnh đạo của một quốc gia bình đẳng với Trung Quốc. Chúng ta cũng đừng quên rằng đến năm 1988 Việt Nam vẫn còn đánh nhau với Trung Quốc).
Cái hoài bão lớn ấy giờ đây không còn xuất hiện trong các diễn văn của các lãnh đạo đương nhiệm. Vì thế, dĩ nhiên, cũng không còn xuất hiện trong các hành động của các lãnh đạo đương nhiệm. Đến một hành động tối thiểu là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế mà cả bộ máy lãnh đạo còn không dám, trong khi một nước nhỏ như Philippines đã làm việc đó từ lâu, và người dân Việt đã thúc ép từ lâu.
Trong hành ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện hành, không có người nào bộc lộ một hoài bão chính trị lớn về tương lai của dân tộc và về vị thế của dân tộc. Điều này có thể kiểm chứng trên các phát ngôn, các chính sách và cách hành động của họ. Câu trả lời mà tôi tìm thấy hiện nay là như vậy. Điều này không ngăn cản việc, trong số họ tiềm ẩn những người chưa tiện bộc lộ tư tưởng của mình, những người chờ đến khi được đứng vào vị thế quyền lực cao nhất mới hành động. Nhưng giả định này cũng có thể là rất viển vông.
Tuy nhiên trong đội ngũ lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm, có một người có thể xem là muốn giữ đạo đức, và có quan tâm tới vấn đề đạo đức. Đó là ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao tôi nói như vậy ?
Quý độc giả hãy đọc những phân tích dưới đây của tôi một cách hết sức thận trọng và tỉnh táo.
Bởi những phân tích của tôi dựa trên những thông tin ít ỏi mà chúng ta có thể có được, từ các nguồn mà chúng ta cho rằng có thể tin cậy, trong khi đó, sự thật rất có thể nằm ở những thông tin vẫn còn bị giấu kín trong bóng tối. Vì thế tôi ý thức được rằng toàn bộ phân tích của tôi ở đây có thể bị sụp đổ, nếu một ngày nào đó các thông tin xác thực được công bố. Đồng thời xin quý độc giả kiên nhẫn chờ đọc hết loạt bài này trước khi đánh giá về động cơ cá nhân của tôi khi quyết định viết ra chúng.
Câu hỏi về việc ông TBT có quan tâm đến đạo đức không liên quan đến một câu hỏi khác , có lẽ quan trọng hơn rất nhiều: TBT đương nhiệm có để cho Trung Quốc chi phối (dường như xu hướng chung đang thiên về giả định này) không ? Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc chi phối nhiều hơn hay ít hơn nếu Việt Nam bị đặt dưới sự lãnh đạo của những người khác ?
Cũng xin hiểu rằng, những phân tích dưới đây của tôi là một nỗ lực diễn giải các sự kiện và các nhân vật chính trị, một nỗ lực diễn giải khách quan, chỉ dựa vào những thông tin hoặc có thể kiểm chứng được, hoặc trực tiếp chứng kiến, trong một mục đích duy nhất : đi tới nhận thức về những sự thật khả dĩ của những gì đang diễn ra sau tấm màn sắt của sân khấu chính trị. Và tôi cũng biết rằng những phân tích này hoàn toàn chẳng có tác động gì tới vở kịch hay tới cuốn tiểu thuyết chính trị mà họ (các lãnh đạo đương nhiệm hay các lãnh đạo tương lai) đang viết ra trên xứ sở này, họ tự giành độc quyền đó cho mình, trong khi tuyệt đối gạt bỏ vai trò của toàn bộ dân tộc. Đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, với tư cách là một người làm nghiên cứu, trong hành trình tìm hiểu lịch sử đang diễn ra của đất nước.
Trước tiên, phân tích đầu tiên của tôi dựa vào một sự kiện mà thông tin về sự kiện đó đã phần nào được minh bạch : Hội nghị Trung Ương (HNTW) 6, tháng 10/2012. Và tôi sẽ đặc biệt tập trung vào một văn bản mà tất cả chúng ta đều có thể kiểm chứng được : Diễn văn bế mạc của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/10/2015.
Bắt đầu nhiệm kỳ TBT của mình từ năm 2011, ông Trọng xác định sứ mạng của mình là phải làm trong sạch Đảng, điều này xuất hiện thường xuyên trong các diễn văn của ông, và dường như ông cho rằng để làm trong sạch đảng phải chống tham nhũng, và chống tham nhũng thực sự. Kết quả của mục tiêu này là chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu từ trên xuống, để lại dấu ấn khó phai là HNTW 6 .
Thời điểm đó, 2012, không ai nhìn cuộc chiến của TBT là một cuộc chiến tranh giành quyền lực (như xu hướng chung hiện nay đang nhìn nhận). Trái lại, thời điểm đó, cuộc đấu tranh của ông được nhìn nhận như là cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Và ông Trọng nhận được sự ủng hộ của những người còn có lương tri và hiểu biết trong Đảng (ví dụ đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đề nghị thủ tướng từ chức, và đấy là lần đầu tiên ở Quốc hội Việt Nam có một đề nghị thẳng thắn và có thể xem là can đảm như vậy. Sự thẳng thắn và can đảm đó có thể bắt nguồn từ không khí chống tham nhũng thật sự do TBT phát động ?)
Ông TBT có thực sự muốn làm trong sạch Đảng, có thực sự muốn chống tham nhũng ?
(Còn tiếp)
Paris, 18/1/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây