You are here

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không? (I)

Như đã có lần từng nói, phân tích chính trị Việt Nam là một việc khó, chính là vì mọi thứ diễn ra theo cách thức công khai một cách bí mật, hoặc bí mật một cách công khai, vì sự thật bị cất giấu ở đâu đó trong những góc khuất tối tăm, và những thông tin chính xác người dân không được biết. Báo chí thì chỉ đưa tin về các sự kiện với một lượng thông tin tối thiểu. Nếu độc giả sống ở một nước như Pháp hay Mỹ hay ở một nước dân chủ nào đó, sẽ thấy rõ sự khác biệt này : mỗi sự kiện khi được đưa ra bao giờ cũng kèm theo rất nhiều thông tin, và rất nhiều phân tích, bình luận, trong khi ở Việt Nam báo chí chỉ đưa tin về sự kiện chính trị, với một hàm lượng thông tin ít ỏi hết cỡ (dĩ nhiên là những tin được phép đưa), không có phân tích hoặc có rất ít phân tích, hoặc chỉ là các phân tích theo một chiều, cái chiều được chỉ đạo hoặc được cho phép, đây là điểm bất thường của báo chí chính thống Việt Nam. Nhưng điểm bất thường này hoàn toàn có thể giải thích được, và nó chính là một trong những đặc điểm căn bản của báo chí trong các thể chế độc tài.

Lấy một ví dụ về bầu cử cấp địa phương vừa diễn ra ở Pháp : ngay trong ngày chủ nhật (dân Pháp chỉ bỏ phiếu trong một ngày chủ nhật), sau khi có kết quả bỏ phiếu, thường là vào 20h tối cùng ngày, lập tức các đài truyền hình, các đài phát thanh tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến, mời các chuyên gia phân tích, bình luận gần như trực tiếp. Dĩ nhiên, sau đó báo chí tiếp tục phân tích. Đồng thời các nghiên cứu xã hội học về sự kiện cũng được triển khai ngay lập tức. Còn ở Việt Nam, nếu đọc tin về bầu cử cấp địa phương, cũng vừa diễn ra trong thời gian gần đây, ta sẽ thấy chỉ có tin và tin : ai được bầu, ở đâu, ai thôi chức vụ. Chỉ có vậy, hầu như không có phân tích, không có bình luận.

Tuy nhiên, dù khó khăn vẫn phải tiến hành các phân tích chính trị, hay nói cách khác, càng khó khăn càng cần học cách phân tích chính trị. Phân tích chứ không phải là chỉ trích hay ca tụng theo cảm tính. Việt Nam cần hình thành một tầng lớp những người có chuyên môn trong nghề phân tích chính trị. Điều này sẽ giúp ích không nhỏ cho chính phủ. Khi những người làm việc trong chính quyền hiểu rằng, dù muốn hay không, mọi hành động, mọi phát ngôn của họ đều được đưa ra phân tích thì có thể họ sẽ phải thận trọng hơn và có trách nhiệm hơn đối với hành động và phát ngôn của mình.

Dĩ nhiên, nếu chúng ta không muốn chính chúng ta bị người khác chỉ trích rằng « dân nào chính phủ ấy », thì cần chứng tỏ cho chính quyền biết dân trí của Việt Nam không thấp như chính quyền cố tình tuyên truyền, và những người dân bình thường trong xã hội có khả năng đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng những yêu cầu rất cao của mình. Và nếu những người đứng ở vị trí lãnh đạo không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của người dân thì cần nhường chỗ cho những người có đủ năng lực để làm việc đó.

Trong bài này, tôi thử làm một phân tích để trả lời câu hỏi : liệu Việt Nam có thể có cải cách chính trị hay không, và ai là người có thể thực hiện cải cách chính trị, trong thời điểm này ?

Trước khi đi vào những câu hỏi này, tôi trở lại với trường hợp Gorbatchev, để minh định một điều : những người có khả năng tiến hành cải cách cần có một số phẩm chất nhất định.

Tháng 3 năm 1985 Ban Bí thư trung ương và Bộ chính trị Liên Xô đã chọn Mikhail Gorbatchev làm Tổng bí thư của đảng cộng sản Liên Xô, lúc ông chỉ mới 54 tuổi. Sự lựa chọn này được thúc đẩy bởi ý thức trách nhiệm đối với đất nước của ban lãnh đạo cũ. Gorbatchev sau khi nắm quyền đã tiến hành chương trình cải tổ perestroika. Chương trình không thành công như ông dự định, nhưng nó đã góp phần đưa nước Nga và Liên bang Xô viết thoát khỏi hệ thống toàn trị, mở ra một chương mới cho các sức mạnh Nga được phát triển.

Đã có nhiều sách viết về con người Gorbatchev để lý giải vì sao ông ta trở thành một huyền thoại. Ở đây xin giới thiệu một số nét trong chân dung của Gorbatchev, do Andreï Serafimovitch Gratchev miêu tả trong cuốn «Bí ẩn Gorbatchev : đất và số phận » (Le mystère Gorbatchev: la terre et le destin). Andreï Serafimovitch Gratchev là tiến sĩ lịch sử, có bằng đại học về ngành quan hệ quốc tế, từng là trợ lý và người phát ngôn của Gorbatchev.

Khi giữ chức vụ trong hàng lãnh đạo cao nhất ở địa phương, Gorbatchev đi bộ đến nơi làm việc. Ông không dùng đến xe công vụ. Ông gặp và tiếp chuyện người dân ngay trên đường phố. Vợ ông, bà Raissa, mua hàng trong những cửa hàng bình dân, tránh những nơi dành riêng cho những đảng viên có thế lực. Họ cho con đi học một trường bình thường trong khu phố chứ không chọn những trường mà giới lãnh đạo thường gửi con đến học.

Trong khi thực hiện tận tụy mọi công việc được giao, làm hết trách nhiệm với một thái độ trung thực và lương thiện, Gorbatchev đã gặp phải vô số vấn đề khiến ông cảm thấy khó hiểu và không đồng tình, một trong số những vấn đề đó là « sự kiêu căng và thụ động của những vị lãnh đạo bất tài ». Gorbatchev đã nung nấu suy nghĩ và tìm phương hướng giải quyết khi càng ngày ông càng lên cao trong bậc thang quyền lực.

Về phương diện trí tuệ, từ cuối 1978, khi chuyển lên Moscou, Gorbatchev đã đọc rất nhiều sách lúc bấy giờ bị cấm đối với đại chúng, cả những tác giả mac-xít lẫn những tác giả chống mac-xit, các triết gia mới như Sartre, Heidegger, Marcuse, những triết gia của trường phái Francfort. Gorbatchev cũng luôn tìm cách tận hưởng các hoạt động văn hóa. Và khi đứng ở vị trí lãnh đạo cao nhất, ông đã thường xuyên tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau ở Moscou. Ông hiểu rõ giá trị của văn hóa và khoa học. Điều này được nhấn mạnh trong nhiều diễn văn của ông, trong cả cuốn sách dày do chính ông viết ra để giải thích về khái niệm và chương trình perestroika.

Và những chuyến đi công du nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, cho phép ông mở ra sự so sánh cần thiết. Vợ ông là người đã đặt cho ông câu hỏi : « Vì sao họ sống tốt hơn chúng ta? » Và ông sẽ tìm cách trả lời câu hỏi đó khi nhìn thấy tình trạng tù hãm, đình trệ của đất nước ông.

Sau khi được bầu vào vị trí quyền lực cao nhất, ông đã tiến hành những cải cách, như chúng ta biết, không chỉ làm thay đổi nước Nga, mà là cả cục diện thế giới. Điều cần nói ở đây là, những cải cách đó, không chỉ là mong muốn riêng của Gorbatchev, không chỉ là chương trình riêng của Gorbatchev. Những cải cách đó là sự thực hiện mong muốn chung của đa số những người dân Nga, nhất là của giới trẻ, những người, vào thời điểm đó, cảm thấy rằng « chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này nữa », cảm thấy rằng không thể tiếp tục sống trong dối trá, trong sự băng hoại đạo đức và tinh thần. Ý nghĩa sâu xa và căn bản của chương trình Perestroika, như Gorbatchev nhấn mạnh, đó là « xây dựng đời sống tinh thần cho các cá nhân, trong khi tôn trọng đời sống nội tâm của họ và trao cho họ sức mạnh đạo đức. Chúng ta tìm cách khởi động tất cả mọi tiềm năng trí tuệ của xã hội chúng ta, tất cả mọi tiềm năng văn hoá, để tạo ra các cá nhân năng động về mặt xã hội, phong phú về tinh thần, công chính và có lương tâm. ». Nghĩa là cải cách chính trị được tiến hành, đáp ứng nguyện vọng của người dân, nhằm trả lại phẩm giá, đạo đức và các giá trị tinh thần cho các công dân trong xã hội, trả lại cho cuộc sống những giá trị nhân văn. Cuộc sống đúng nghĩa không thể chỉ là sự tồn tại vật lý trong một bầu khí quyển lừa dối và bạo lực. Và luôn biết rằng một chương trình cải cách như vậy sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng ông đã cương quyết thực hiện.

Giới thiệu về con người Gorbatchev để thấy rằng cải cách thực sự phải gắn liền với những khát vọng nhân bản, nó được thực hiện bởi những người có hoài bão lớn, không vụ lợi cá nhân mà nghĩ tới các giá trị chung và các mục đích chung.

Vấn đề của Việt Nam chúng ta là : trong bộ máy lãnh đạo của chúng ta hiện nay, có những người như vậy hay không ? Liệu có ai trong số các lãnh đạo còn nghĩ đến đạo đức và các giá trị tinh thần ?

Barcelona, 29/12/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

 

Bài bình luận

Tác giả nhận định đúng, cải cách phụ thuộc vào những hành động dũng cảm có tính đột phá của các cá nhân có quyền lực. Là những người "có hoài bão lớn, không vụ lợi cá nhân mà nghĩ tới các giá trị chung và mục đích chung". Có được người ở vĩ trí lãnh đạo như vậy thì đương nhiên là sự máy mắn cho mối quốc gia rồi. Và ở Liên Xô thời đó, phải chăng đó là Gorbatchev, mặc dù sau này vẫn có các ý kiến ngoài nghi rằng liệu ông ta đã hành động vì các động cơ cá nhân hay dân tộc ? Tôi cho rằng ngoài động cơ thì tính cách, bao hàm cả tâm lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi đã có quyền lực rồi, người ta sẽ cảm thấy có tự do để làm mọi thứ mình muốn và khi đó tính cách thật sự của con người họ sẽ phát huy. Với Gorbatchev, sâu thẳm bên trong tôi tin rằng ông ta là con người hướng thiện, có sự trung thực bản năng và khát vọng vươn lên tầng cao về văn hoá. Trong khi đó, những người xung quanh đã muốn và dám đưa ông ta lên vị trí quyền lực tối cao thì có lẽ lại được chi phối bởi môt tâm lý chung, rất Nga, đó là tâm lý cường quốc. Đã đến lúc người Nga thấy thua kém với bên ngoài và cảm thấy xấu hổ. Cả hai yếu tố đó đã giúp cho Gorbatchev có với tay đến quyền lực và có cơ hội thực hiện nó theo cách của mình. Còn Việt Nam, dường như vẫn đang còn thiếu cả hai yếu tố nói trên. Một đội ngũ nắm quyền lực vẫn chưa thoát được tâm lý tiểu nông tích tụ từ bao đời, vốn thích tư duy ngắn hạn, vụ lợi, hẹp hòi và hay dễ tự mãn. Đám đông đó khó có thể đưa lên một con người có phẩm chất khác với họ. Ngoài ra, một cách ngẫu nhiên, Việt Nam cũng chưa có may mắn để có được một người lãnh đạo với tính cách và phẩm chất của Gorbatchev.

Hiện nay, không riêng gì trong đảng cs Việt nam mà phần lớn nhiều người dân quan tâm đến thời cuộc của đất nước đều muốn có một ông "thần thánh" nào đó xuất hiện gánh vác công cuộc cải cách của đất nước. Người đó có thể gọi là minh quân. Nhưng tiếc thay, dân tộc Việt không đủ "đặc sắc", "khỏe" để có thể thức tỉnh và vực dậy sau hàng chục năm bị nhiều thứ đè nén. Làm sao có được nhiều người nào trong giới lãnh đạo đọc những truyện kiểu như "Bên Thua Cuộc", "Bên Thắng cuộc" hay Trần Đức Thảo, Trại Súc Vật... Những đảng viên từ già đến trẻ đều quán triệt tư tưởng lập trường chính trị mác-xít nên chắc không giám đọc những tài liệu về dân chủ, đấu tranh bất bạo động, về con đường giành độc lập của hơn 10 nước thuộc Liên Xô cũ sau 1990. Điều đó cho thấy cuộc thay máu lần này trong ban lãnh đạo đảng cs VN rất khó tìm ra một gương mặt mới.

VN không có truyền thống tư duy, không phân tích, truy tìm đến tận cùng chân lý. Chúng ta dễ dãi với hiểu biết nông cạn, chỉ dừng lại ở hiện tượng rồi đúc rút kinh nghiệm. Bạn đọc bậc Nho học để lại nhiều tác phẩm nhất là Lê Quý Đôn sẽ thấy ông chỉ ghi chép đủ những gì đọc được, thấy được và nghe kể được, đơn giản vậy thôi. Nhìn rộng ra bạn sẽ thấy Khoa học và Công nghệ không bắt nguồn từ những nước Đông Á cùng chia nhau Đạo Khổng. Nổi bật trong cái truyền thống ấy là sự suy tôn cái lòng Trung thành cho những Đức Tin, những Triều đại cho dù những điều đó phản khoa học hay hết thời/trở thành phản động. Tầm nhìn và tư tưởng của đương kim TBT NP Trọng thể hiện trong sọan thảo Hiến pháp 2013 và bài discours ở Cu Ba là thí dụ điển hình. Không có sự phản biện đối với sự vật, hiện tượng thì không thể có khoa học! Cuộc cách mạng do HCM và những người Cộng sản đã nhận thấy những cản trở của truyền thống đối với việc hiện đại hóa, tuy nhiên bất hạnh là nó đã chuyển cái mong muốn thay đổi thành thái độ và hành xử cực đoan và ngạo mạn, chuyển từ Đức tin cũ sang cái Đức tin mới đầy năng lực hủy hoại. Đừng nghĩ cái hậu quả này chỉ là ngẫu nhiên do một đêm mất ngủ nào đó khi đọc được Luận cương của Lê Nin. Nó có nguồn gốc từ những ADN/mã di truyền văn hóa trong không chỉ con người HCM. Đất nước đang đứng trước những thách thức sống còn: xã hội khủng hoảng, lệ thuộc kinh tế-chính trị/tư tưởng vào Trung quốc, toàn vẹn quốc gia bị xâm hại cả trên đất liền (các nhượng địa như ở Kỳ Anh có diện tích và thời gian dài so sánh được với Hongkong, Macao,...) và ngoài biển đảo. Mọi người có học đều hiểu phải Dân chủ hóa đất nước, phải hòa nhập với các xã hội văn minh để Hiện đại hóa dân tộc và thoát khỏi cái lưới Hán hóa đang vây chặt. Đọc kỹ những thông tin chính thưc về hội nghị 14 của đảng CS có thể thấy rằng thực sự đã có sự nhất trí của những người CS về việc tìm cách thoát Hán hóa. Con đường duy nhất- may mắn cho dân tộc VN- là TPP. Quá trình chuyển đổi chưa bao giờ dễ dàng, nhưng rõ ràng- dù ai sẽ lên cầm quyền ở cái đảng CS chưa bao giờ dân chủ ngay cho chính đồng chí mình- thì đa nguyên chính trị, dân chủ đang là xu thế không thể cưỡng, trì khi những kẻ đó muốn tổ tiên mình, con cháu dòng họ mình chịu mang nhục như những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đời mới. https://anhbasam.wordpress.com/2016/01/13/6522-y-kien-cua-giao-su-carl-thayer-viet-nam-sau-dai-hoi-thu-12-cua-dang-cong-san/#more-158908 https://www.facebook.com/notes/l%C6%B0u-tr%E1%BB%8Dng-v%C4%83n/se%CC%83-nh%C6%B0-phim-ha%CC%80nh-%C4%91%C3%B4%CC%A3ng-cu%CC%89a-hollywood/1552314568427108