Song Chi.
Cũng như các quốc gia Bắc Âu khác, tôn giáo chính ở Na Uy là Tin Lành. Vì vậy, Giáng Sinh là một trong những dịp lễ lớn trong năm của người Na Uy, ngoài ngày 17. 5 là ngày Quốc khánh (Nation Day) hay còn gọi là ngày Hiến Pháp Na Uy (Norwegian Constitution Day, tiếng Na Uy: Grunnlovsdag), hoặc Lễ phục Sinh, Năm Mới…Thậm chí nhiều người Na Uy còn nói với tôi rằng họ ăn mừng Giáng Sinh lớn hơn cả mừng Năm Mới.
Thời gian trước Giáng Sinh
Ở Na Uy, Giáng Sinh thường đến khá sớm-từ giữa tháng 11, rải rác nhiều nơi, nhiều thành phố đã tổ chức hội chợ Giáng Sinh. Đi chợ Giáng Sinh cũng là một trong những niềm vui của dịp này. Tùy từng nơi có thể có những đặc điểm khác nhau, bán những thức ăn khác nhau do dân địa phương làm hay sản xuất ra, nhưng nhìn chung, các chợ Giáng Sinh thường bán những món đồ kỷ niệm và những biểu tượng của mùa Giáng Sinh như tượng, thú nhồi bông hình ông già Noel, cây thông, xe tuần lộc…, đồ trang trí trong nhà và trang trí cây thông mùa Giáng Sinh, vòng hoa, lá treo trước cửa, những đồ thủy tinh, đồ trang sức giả cho phụ nữ, mũ, vớ, găng tay, áo len đan tay đủ màu thêu những hoa văn truyền thống của Na Uy, những tấm nệm bằng lông cừu, mũ lông cừu…
Hội chợ Giáng Sinh Spikersuppa, Oslo.
Và những thức ăn từ xúc xích làm bằng thịt rừng xấy khô, pho mát các loại, mật ong, quả ô-liu ngâm chua ngọt, những loại bánh phổ biến của mùa này như peppekaker (gingerbreads), bánh smultringer (donuts), kransekaker (almond cakes), kokosmakroner (coconut macaroons), sandkake (sand cake), ingærnøtter (ginger nuts)…
Thức uống thường thấy trong dịp này là gløgg, có nguồn gốc từ Thụy Điển. Một thứ thức uống cay và nóng, tương tự như Glühwein của người Đức. Nó có thể có cồn, nếu được nấu với rượu vang đỏ hoặc không có cồn. Tại các chợ Giáng Sinh hầu hết đều có bán gløgg, bỏ thêm các “phụ gia” kèm theo như hạnh nhân nghiền, đậu phọng nghiền, nho khô…Uống một ly gløgg nóng bên cạnh bếp lửa đỏ rực tỏa hơi nóng ấm giữa tiết trời mùa đông lạnh giá là một cái thú đặc biệt.
Uống gløgg ngoài trời tại hội chợ Giáng Sinh ở pháo đài Fredriksten, thành phố Halden.
Và nếu muốn ăn nhẹ với gløgg, có thể dùng bánh pepperkaker, một loại bánh bích quy gừng (gingerbread cookie) phổ biến của người Na Uy. Thường ở các siêu thị mùa này, hàng tấn pepperkaker hình trái tim đã được sản xuất và tiêu thụ. Nhưng người Na Uy cũng thường thích làm pepperkaker tại nhà với con cái của họ; nào trộn bột, cán bột, tạo hình từ những cái khuôn có hình trái tim, ngôi sao, cây thông, hình thú, hình người…rồi bỏ vào lò nướng, sau đó trang trí thêm với đủ màu tùy thích. Các bậc cha mẹ cũng thường làm một ngôi nhà bánh gừng (gingerbread house). Đầu tiên dùng như một thứ trang trí, sau đó ăn vào cuối dịp lễ.
Giáng Sinh là mùa của những món ăn nhẹ, bánh và kẹo. Trong các gia đình, thường thấy bày những đĩa chocolate và các loại hạt hạnh nhân, hạt dẻ để ăn vặt. Những món như brente mandler (burnt almonds) tức hạnh nhân nướng ngọt và glaserte epler (glazed apples) táo nhúng xirô giấm đường có màu đỏ đẹp mắt thường ít khi được làm ở nhà, nhưng có thể tìm thấy ở các chợ Giáng Sinh nếu muốn thử.
Ở một số hội chợ Giáng Sinh, còn có tổ chức các chương trình ca vũ nhạc dân gian hoặc biểu diễn kịch.
Biểu diễn ca vũ dân gian, hội chợ Giáng Sinh ở Norwegian Folkmuseum, Oslo.
Ở Oslo, nếu muốn thưởng thức các chương trình ca nhạc kịch opera, ballet, kịch nói, các chương trình ca nhạc từ nhạc pop cho đến nhạc cổ điển, thính phòng…thì đến các địa điểm như Den Norske Opera og Ballett (The Norwegian Opera and Ballet), Oslo Konserthus (Oslo Concert Hall), Nationaltheatret (National Theatre)…Vào thời gian này, thường hay có những chương trình đặc biệt dành cho mùa Giáng Sinh. Những gia đình có con nhỏ có thể cho con đi xem những chương trình biểu diễn kịch búp bê (Puppet show) tại Oslo Nye Trikkestallen, sân khấu dành cho kịch búp bê và là một trong ba nhà hát của Oslo Nye Teater (Oslo New Theatre). Những tín đồ của phim ảnh thì cứ tìm đến các rạp chiếu phim.
Vào khoảng cuối tháng 11, các thành phố, ví dụ như Oslo, bắt đầu trang hoàng chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh. Câu chúc tương tự như “Merry Chrismas” của người Anh người Mỹ, với người Na Uy là “God Jul”, xuất hiện ở khắp nơi. Từ tháng 12, các trung tâm mua sắm phá lệ, đóng cửa trễ hơn vào buổi tối và mở cửa vào ngày Chủ Nhật (bình thường, các công sở, trường học ở Na Uy chỉ làm việc 5 ngày/tuần còn các trung tâm mua sắm, siêu thị và phần lớn nhà hàng, quán xá thì nghỉ ngày Chủ Nhật. Nhưng nhà hàng, siêu thị của dân nhập cư ví dụ như người Việt, Thái hay dân từ các nước Hồi giáo ở Nam Á, Trung Đông…vì ham kiếm tiền, vẫn mở cửa vào ngày Chủ Nhật dù ít giờ hơn). Dân đi làm, kể cả người lĩnh lương hưu sẽ được nhà nước miễn thuế tháng 12 vì tháng này ai cũng tốn tiền mua sắm, ăn uống nhiểu hơn.
Một tháng trước Noel, bắt đầu Mùa Vọng (Advent) những cái giá nến xinh xắn với bốn cây nến màu tím xuất hiện trong ngôi nhà người Na Uy. Cứ mỗi tuần thắp một cây. Lần lượt, đến hết cây nến thứ tư là Noel đến. Người Na Uy chỉ dùng nến tím cho Mùa Vọng, còn vào những ngày Giáng Sinh họ thường dùng nến đỏ. Màu đỏ cũng là màu ưa chuộng của mùa Giáng Sinh, hoặc màu xanh lá cây. Cũng giống như màu vàng tươi, hay vàng hột gà là màu ưa chuộng của mùa Phục Sinh, các màu vàng đất, nâu, xanh rêu…là màu của mùa thu v.v…
Trước Giáng Sinh, chạy xe qua những ngôi nhà của người Na Uy, nhà nào ít nhiều cũng trang trí cho ngôi nhà với vòng hoa, thiên thần, thần lùn, trái tim, ngôi sao, và có thể là một cảnh Chúa giáng sinh hay một ngôi nhà bánh gừng (a gingerbread house). Nhà nào “chịu chơi” hơn còn trang hoàng nhà cửa ở bên ngoài, trong vườn với cây thông, đèn, người tuyết... vào buổi tối, đi từ xa đã thấy sáng rực. Hầu hết các gia đình có một cây Giáng sinh trong phòng khách, được trang trí với những dây kim tuyến, ngôi sao, quả cầu, trái tim, chuông…và chiếu đèn sáng lấp lánh. Những gói quà bọc giấy gói đủ màu rực rỡ được đặt dưới gốc cây.
Những gia đình ở vùng nông thôn hoặc ngoai ô của các thành phố, gần các khu rừng, có thể vào rừng tự tay chọn một cây thông nếu không muốn mua các cây thông bán sẵn. Nếu muốn sử dụng được nhiều năm thì dùng cây thông giả làm bằng nhựa, có đủ màu từ xanh lá cây như thông thật cho tới trắng, bạc, hồng, đỏ…Tự tay trang trí cây thông là một niềm vui, nhất là khi bố mẹ cùng làm với các con.
Trong mùa Vọng, các công ty, cơ quan thường tổ chức những bữa tiệc trước Giáng Sinh cho nhân viên với những món ăn truyền thống của mùa này, gọi là julebord.
Đêm Giáng Sinh 24.12.
Khác với những thành phố lớn đông người như New York, Paris, London, Tokyo, Thượng Hải, Bắc Kinh, Seoul…cho tới Bangkok, Saigon, Hà Nội…; quán xá vẫn mở cửa vào đêm Giáng Sinh và vẫn đông nghẹt khách, người vẫn đi nườm nượp ngoài đường, văn hóa của các quốc gia Bắc Âu trong đó có Na Uy Giáng Sinh là ở nhà, dành cho gia đình. Phố xá, cửa hàng, quán ăn cho đến siêu thị đều đóng cửa từ hôm 24 đến 26.12. Tết Dương lịch cũng đóng cửa hai ngày 31.12 và 1.1. Ngoài đường những ngày này vắng ngắt. Dân nhập cư dù ở xứ nào rồi cũng phải quen với những điều này.
Trong buổi sáng hoặc buổi chiều hai ngày 24, 25.12 người Na Uy có thể đi nhà thờ với gia đình. Tại các nhà thờ ở các thành phố thường có tổ chức những chương trình nhạc cổ điển hoặc thánh ca vào dịp này.
Đêm 24, 25.12 người Na Uy tổ chức ăn uống tại nhà, bố mẹ, anh chị có thể đi đến nhà con em và ngược lại. Những thức ăn phổ biến của người Na Uy trong dịp lễ Giáng Sinh như risengrynsgrøt–bánh pudding gạo nóng ăn với đường, bột quế và bơ, là một món ăn truyền thống cũ, thường được ăn vào buổi chiều hoặc ngày 23.12. Một hạt hạnh nhân được dấu trong bánh, và nếu trong phần ăn của người nào có hạt hạnh nhân này, người đó sẽ giành được phần thưởng là một con lợn bột hạnh nhân và có thể, cả con thú nhồi bông hình ông già Noel. Thường thì người thắng sẽ chia con lợn bột cho những người ngồi chung quanh cùng thưởng thức.
Nếu món risengrynsgrøt này còn thừa, người Na Uy sẽ làm thành món riskrem-bánh gạo lạnh trộn với kem tươi, một món tráng miệng phổ biến mùa Giáng Sinh, dùng với nước sốt đỏ.
Các món ăn cho buổi tối Giáng sinh thường là roast rib hay ribbe (sườn heo nướng), Julepølser (loại xúc xích đặc biệt mùa Giáng Sinh), lutefisk (cá tuyết), pinnekjøtt (xương sườn cừu khô), thịt giăm bông nướng và gà tây cũn8g là những món ăn phổ biến. Hầu hết các nhà hàng với các món ăn đặc sản của Na Uy đều có thực đơn Giáng sinh trong tháng mười một và tháng mười hai. Có thể uống bia, rượu vang hay nước trái cây khi ăn với các món này.
Xương sườn heo nướng, thường được phục vụ với dưa bắp cải và khoai tây luộc là một trong những món ăn phổ biến nhất vào đêm Giáng Sinh ở Na Uy. (Ảnh nguồn: ThorNews, Supplier of Norwegian Culture).
Sau bữa ăn tối, cả gia đình sẽ quây quần bên lò sưởi, trò chuyện, ca hát (phần lớn các ngôi nhà của người Na Uy đều có lò sưởi, và dù vẫn sử dụng máy sưởi bằng điện, người Na Uy thích có lò sưởi củi cháy bập bùng trong mùa đông vì nó tạo vẻ ấm cúng hơn). Và tất nhiên, không thể thiếu nến-những cây nến to nhỏ đủ kích cỡ, hình dáng khác nhau, đặt trên những cái đĩa, cái ly đơn giản cho đến những cái giá nến, đồ đựng nến cầu kỳ các kiểu. Những loại nến tỏa mùi thơm của táo, bạc hà, dâu tây hay hoa hồng làm cho không gian thêm ngọt ngào.
Ánh nến cùng với ánh lửa góp phần tạo nên không khí ấm cúng cho ngôi nhà trong lúc bên ngoài trời lạnh, tuyết phủ trắng xóa khắp nơi. Và đây là lúc dành cho tiết mục không thể thiếu của đêm Giáng Sinh: mở những phần quà mà mọi người dành cho nhau, với những tiếng cười, sự ngạc nhiên, thích thú…
Những ngày giữa đêm Giáng Sinh và đón Năm Mới (Christmas Eve and New Year's Eve) người Na Uy dùng để ăn uống với gia đình và bạn bè. Hoặc có thể đi ra ngoài vào buổi tối.
Bài bình luận gần đây