NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh đọc diễn văn khai mạc. Ảnh NTT
Một trăm người có mặt: Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền năm nay được tổ chức sớm hơn mọi năm. Ở Hà Nội là 5/12 còn ở Sài Gòn sau đó 1 ngày. Các địa phương cũng tổ chức kỷ niệm ngày này với nhiều hình thức khác nhau.
Tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm do Hội Anh em Dân chủ phối hợp với Trung tâm nhân quyền Việt Nam tổ chức tại Nhà thờ Thái Hà. Khoảng một trăm anh chị em hoạt động trong các hội nhóm và cả những người chưa tham gia vào Hội nhóm nào đã đến tham dự. Gương mặt ai cũng rạng rỡ. Mọi người hỏi han nhau, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh và đều chung một ý nguyện thúc đẩy xã hội dân sự phát triển mong sớm có một nền dân chủ thực sự cho Việt Nam.
Mặc dù những nhân vật chủ chốt trong Ban tổ chức bị công an ngăn chặn như Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc, Ms Nguyễn Trung Tôn… nhưng các phương án dự phòng đã được chuẩn bị và phối hợp với nhau rất ăn ý: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy khai mạc, Tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Hùng dẫn chương trình, Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh đọc diễn văn.
Tìm cách tham gia bằng được: Có lẽ bất ngờ nhất là sự có mặt của Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông ở Hải Phòng, bị án 6 năm tù giam và mới ra tù ngày 11/9/2014. Trở về nhà, ông tiếp tục bị tù tại gia (quản chế) 3 năm nữa. Ông kể, ông phải trốn đi từ đêm hôm trước, nhằm vào lúc công an sơ hở nhất nên thoát được về Hà Nội. Không chỉ lần này, ông đã từng “trốn” đi như vậy và được công an Hải Phòng về tận Hà Nội bắt đem về. Việc bác Đỗ Văn Tuyển (Hải Dương) có mặt trong buổi lễ cũng là một điều bất ngờ. Bác sinh năm 1938, là tù chính trị từ năm 1964 do “can tội” thành lập Việt nam liên minh phục quốc vào năm 1962. Nhóm này bị truy tố 6 người, bác lĩnh án cao nhất là 15 năm nhưng ở tù được 10 năm thì họ thả bác ra. Tôi tình cờ gặp bác lần đầu tiên tại nhà Phạm Văn Trội hồi tháng 8/2015, định viết bài giới thiệu về bác nhưng chưa có điều kiện.
Xã hội dân sự đang phát triển. Các tổ chức Xã hội dân sự tại Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị xã hội tại Việt Nam. Cho đến nay đã có hơn 30 tổ chức xã hội dân sự độc lập đã ra đời (ở đây không nói đến các tổ chức XHDS giả hiệu do nhà nước thành lập, vì đó không phải là xã hội dân sự mà là… đảng sự), cũng như không nhắc đến các tổ chức đời thường với hàng nghìn hội nhóm như cây cá cảnh, đồng niên, đồng hương...).
Diễn văn do Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh đọc nêu bật tình trang vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng ở Việt Nam (mời xem clip dưới đây).
Với sự giới thiệu rất có duyên của Tù nhân lương tâm Vũ Hùng, đại diện các Hội nhóm xã hội dân sự cùng các anh chị em khác lần lượt phát biểu: Trần Thị Nga (Hội Phụ nữ nhân quyền), Vũ Quốc Ngữ (Hội Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền, Trương Thị Quang Tiền Giang (Dân oan ba miền), Cấn Thị Thêu (Dân oan Dương Nội), Ngô Duy Quyền (Hội Bầu bí tương thân), Nguyễn Anh Tuấn (Vì một Hà Nội xanh), Bạch Hồng Quyền (Con đường Việt nam), Luật sư Lê Quốc Quân, Ls Trần Thu Nam, Ls Hà Huy Sơn, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhà văn Phạm Đình Trọng, Nghệ sĩ Nguyễn Kim Chi, chị Nguyễn Thị Loan (mẹ tử tù Hồ Duy Hải), anh Lã Việt Dũng (NO-U) … Các phát biểu xoay xung quanh tình hình vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng ở Việt Nam, giới thiệu hoạt động của Hội nhóm mình. Mọi người không khỏi chua chát khi thấy Việt Nam là ủy viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp quốc, vừa có những cam kết về cải thiện nhân quyền trong quá trình thương thảo TPP nhưng tình trạng vi phạm nhân quyền không hề giảm, những vụ đánh người hoạt động dân chủ có xu hướng tàn khốc hơn.
Tôi đặc biệt xúc động bởi lời phát biểu của Ls Lê Quốc Quân. Anh diễn đạt lưu loát, mạnh mẽ, dứt khoát, toát ra từ một bầu máu nóng, Mỗi lời nói của anh như dứt ra từ máu thịt mình. Phát biểu của Nhà văn Phạm Đình Trọng, chị Cấn Thị Thêu… cũng đã để lại cho cử tọa những ấn tượng sâu sắc. Đến khi chị Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải phát biểu thì tất cả máy quay đều chen đến chĩa vào chị. Chị nói về nỗi oan của con chị, về những nỗi khổ của chị trong quá trình đi kêu oan cho con. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị chắp tay cám ơn mọi người đã đồng hành cùng chị, chắp tay xin mọi người tiếp tục lên tiếng để giải oan cho Hồ Duy Hải.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam: Hội NBĐLVN được thành lập ngày 4/ 7/2014 tại Sài Gòn. Tôi thay mặt Hội Nhà báo độc lập Việt Nam phát biểu. Hội NBĐLVN có mặt 5 người tham gia dự lễ kỷ niệm: Nhà văn Phạm Đình Trọng, các nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường Thụy, Vũ Quốc Ngữ và Lê Anh Hùng. Ban đầu có 40 hội viên, nay đã phát triển thành 88 hội viên. Hội quy tụ nhiều cây bút giàu chất chiến đấu, trong đó có nhiều cây bút trước đây từng công tác cho các tờ báo hoặc trong các tổ chức của đảng và nhà nước.
Sự ra đời của Hội là tất yếu qua nhiều tháng năm trăn trở của những người sáng lập. Hội đã duy trì đều đặn một trang web Việt Nam Thời Báo, một trang facebook. Hiện nay VNTB đã có trang phát thanh và tiến tới sẽ cho ra đời trang phát hình.
Ngay từ khi mới ra đời, Việt Nam Thời báo đã thu hút được rất đông bạn đọc, thời kỳ cao điểm lên tới 135 nghìn lượt đọc/ngày.
VNTB là diễn đàn của Hội NBĐLVN. Bản thân chữ độc lập nói lên Hội không chịu sự chi phối của bất cứ thế lực nào. Các bài viết tôn trong tiêu chí hàng đầu của báo chí là sự thật, là những viên đạn bắn vào bức màn bí mật, bưng bít do nhà cầm quyền dựng lên, hướng dư luận đi thẳng vào bản chất sự việc, bác bỏ, cải chính những thông tin bị xuyên tạc bóp méo.
Với những người viết báo tự do nói chung, tuy vũ khí chỉ là ngòi bút, những người viết báo tự do cũng đã phải trả giá rất đắt. Các nhà báo bị bắt, bị án tù chiếm một tỉ lệ khá cao: Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Vi Đức Hồi, Phan Thanh Hải, Trương Duy Nhất,Phạm Viết Đào, Nguyễn Ngọc Già (Trần Đình Ngọc), Lê Hồng Thọ, Nguyễn Hữu Vinh (Ba sàm)…
Với Hội NBĐLVN, nhiều nhà báo bị sách nhiễu, cản trở quyền đi lại, bị cấm xuất cảnh. Có Hội viên bị đe dọa phải rút tên ra khỏi Hội. Có những hội viên của Hội NBĐL bị đánh đập dã man khi tham gia các hoạt động xã hội như JB Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường Thụy.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các nhà báo độc lập chùn bước. Hội NBĐL vẫn tiếp tục phát triển và theo đúng tiêu chí được ghi trong điều lệ là cổ vũ cho một nền chính trị đa nguyên, cho tự do báo chí ở Việt Nam.
Một chút chia sẻ: Thời gian không cho phép nói dài. Sau khi giới thiệu về Hội NBĐL, tôi xin phép dành thêm mấy phút chia sẻ: Một là, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, cho toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, với công an dù thái độ ôn hòa nhưng nên dứt khoát, rõ ràng. Đừng để họ nghĩ mình đi hàng đôi hàng ba. Việc này có thể đã gây phiền phức hoặc thiệt hại cho anh em nào đó. Hai là, cần giữ mối đoàn kết, không nên bài xích cá nhân trên mạng nhất là khi sự việc chưa rõ ràng (điều này tôi nói chưa đủ, có lẽ cần phải trừ ra các trường hợp cần tự vệ tức là quyền giải thích khi bị áp đặt những điều không có, hoặc đối với những người có động cơ không tốt, có nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến phong trào). Ba là không nên tuyên truyền theo giọng nhà cầm quyền như bài xích Việt Tân hay Việt nam Cộng Hòa. Tôi tôn trọng quan điểm, sự yêu ghét của mỗi người nhưng khi nói xấu họ phải có bằng chứng, có lý do, có lập luận. Nếu ghét Việt nam Cộng Hòa chỉ vì họ… thua trận thì không nên (phòng họp cười ồ).
Bữa ăn trưa bị phá: Chuẩn bị bữa ăn cho bằng ấy cử tọa đã được đặt ra trong cuộc họp của Ban tổ chức. BTC đã liên hệ với một nhà hàng ở Thái Hà. Tuy nhiên, đến gần cuối buổi lễ, nhà hàng gọi điện cho biết an ninh đã vào ngồi kín các bàn trống và yêu cầu nhà hàng không được phục vụ. Đành chấp nhận và không thể trách được nhà hàng vì ai cũng biết, họ cũng tiếc nuối khi lỡ cơ hội được phục vụ số khách lớn như thế. Số tiền thất thu đối với họ không hề nhỏ.
Tuy nhiên, việc chính lúc này đã xong.
Tất cả đành chia ra thành các nhóm và “tùy nghi di tản”. Tôi theo nhóm vào một nhà hàng trên phố Lê Trọng Tấn. Nhóm này vào một dãy 3 bàn, sau kê thêm 2 bàn nữa. Lúc này, Ls Nguyễn Văn Đài đã thoát ra được khỏi nhà và có mặt (có lẽ đã hết giờ bị canh) trong tiếng reo của mọi người. Những câu chuyện bàn thảo về nhân quyền nhóm 5 người, 7 người lại tiếp tục mặn mà.
Đánh giá chung kết quả rất tốt đẹp: Trong buổi họp rút kinh nghiệm trên trên skype, Ban tổ chức đánh giá Lễ kỷ niệm quốc tế nhân quyền năm nay ở Hà Nội đã thành công ngoài mong muốn. Không chỉ ở số lượng tham gia, mà còn ở sự nhiệt tình, tâm huyết của mỗi người đến tham dự, ở nhận thức được nâng cao về nhân quyền, ở sự quyết tâm chấp nhận khó khăn, nguy hiểm trên con đường đấu tranh cho quyền con người thông qua mỗi lời phát biểu.
Tổ chức thành công một sự kiện lớn tại Hà Nội cũng nhờ có sự bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng của Ban tổ chức. Vì vậy, mặc dù các nhân vật chủ chốt bị ngăn chặn nhưng Ban tổ chức dự phòng đã điều hành rất tốt buổi lễ.
Luật sư Lê Quốc Quân. Ảnh NTT
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Cô Trần Thị Nga. Ảnh NTT
Chị Trương Thị Quang. Ảnh NTT
Chị Nguyễn Thị Loan. Ảnh NTT
Ls Trần Thu Nam. Ảnh NTT
11/12/2015
NTT
Bài bình luận gần đây