You are here

Cụ Hoàng Minh Chính và việc lập Hội Chống tham nhũng (Bài 2 - Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh Cụ Hoàng Minh Chính)

Ảnh của nguyenvubinh

     Sinh thời, trong quá trình đấu tranh dân chủ mấy chục năm, cụ Hoàng Minh Chính rất quan tâm và luôn đau đáu vấn đề tổ chức của phong trào dân chủ. Thực tế, Cụ đã hai lần thực hiện việc lập tổ chức. Sự kiện phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam vào tháng 6/2006,  khi đó tôi còn đang ở trong tù, nên không biết được gì về quá trình chuẩn bị cũng như các diễn biến xảy ra. Nhưng vụ việc chuẩn bị lập tổ chức lần đầu tiên của Cụ Chính, đó là Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và nhà nước Chống tham nhũng (gọi tắt là hội Chống tham nhũng) thì tôi là người được bàn bạc và tham gia từ đầu tới cuối. Có lẽ, có rất ít người tham gia trực tiếp và có thể kể lại một cách khách quan những gì xảy ra của quá trình chuẩn bị thành lập, cũng như việc đàn áp của an ninh thời kỳ đó.

     Bài viết trước (Cụ Hoàng Minh Chính - Người tạo ra những con đường) tôi đã có đề cập, khi tôi đến nhà Cụ Chính, đặt vấn đề lập hội Chống tham nhũng, theo ý tưỏng sẵn có của Cụ Chính và những nhà đấu tranh dân chủ, Cụ Chính đã đồng ý. Tôi nhớ không nhầm thì hôm đó là ngày 20/8/2001, vô tình tôi đã lưu vào đầu một thời điểm quan trọng trong công việc của hai bác cháu. Như vậy, quá trình chuẩn bị tới khi bị bắt giữ, bị đàn áp chỉ trong vòng hai tuần lễ. Cụ Chính mời ông Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê (khi đó đang ở Hà Nội) tới nhà bàn bạc. Các buổi thảo luận thường có 5-7 người tham gia gồm: Cụ Hoàng Minh Chính, Nguyễn Vũ Bình, ông Phạm Quế Dương, ông Trần Khuê, ông Hoàng Tiến, ông Trần Dũng Tiến, thỉnh thoảng có tiến sĩ Nguyễn thanh Giang và một vài người khác. Sau một thời gian bàn bạc sôi nổi và khá vô tư, không hề quan tâm chuyện bảo mật, cả nhóm đã thống nhất được một số vấn đề. Tên gọi của Hội là Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và nhà nước Chống tham nhũng, viết tắt là Hội Chống tham nhũng. Có một lá đơn xin thành lập hội Chống tham nhũng do ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê đứng tên ký. Lá đơn được gửi đi vào ngày 02/9/2001. Nhưng lá đơn chỉ có tính chất thông báo, còn việc tiến hành lập Hội, mọi người tự làm, không cần sự cho phép. Cụ Chính và mọi người thống nhất cử ông Phạm Quế Dương là đại diện cho Hội (có thể gọi là chủ tịch Hội) ở miền Bắc, ông Trần Khuê, phó chủ tịch Hội phụ trách phía Nam. Ban đầu mọi người đều suy tôn Cụ Chính làm chủ tịch, nhưng Cụ từ chối và nói, cần có người ở phía sau để hoạt động cho hiệu quả. Tất cả đều biết rằng, tuy Cụ không làm chủ tịch, hội trưởng nhưng vẫn là người có tiếng nói quyết định sau cùng, không chỉ trong việc lập Hội Chống tham nhũng. Mọi người cũng thống nhất, Hội Chống tham nhũng sẽ có một tập san (tạp chí) Chống tham nhũng, do ông Phạm Quế Dương làm chủ nhiệm kiêm tổng biên tập, ông Hoàng tiến làm phó tổng biên tập, Nguyễn Vũ Bình làm thư ký tòa soạn. Ông Phạm Quế Dương đã đồng ý để Hội có thể lấy một phòng nhỏ nhà ông được chia ở tầng 1, quay mặt ra sân của khu tập thể 37 Lý Nam Đế, để làm văn phòng của Hội Chống tham nhũng. Tất cả mọi công tác chuẩn bị đã xong, theo kế hoạch, ngày 05/9/2001, mọi người đi viếng đám tang cụ Phạm Thị Tề (vợ cụ Vũ Đình Huỳnh, mẹ ông Vũ Thư Hiên) sau đó sẽ quay về nhà Cụ Chính ở 26 Lý Thường Kiệt để làm Lễ thành lập.

     Sáng ngày 03/9/2001, tất cả đã bị bắt, khoảng trên dưới 20 người. Cá nhân tôi nhận được điện thoại, Cụ Chính bị bắt và khám nhà, tôi liền phóng xe ra ngay nhà Cụ. Tới nơi, tôi có gặp cụ Ngọc, vợ cụ Chính và rất nhiều người, có cả công an mặc sắc phục và an ninh mặc thường phục. Bác Ngọc có nói, ông Chính bị bắt rồi Bình ạ. An ninh liền hỏi và bắt tôi ngay, đưa về công an phường Trần Hưng Đạo gần đó vài tiếng, sau đó đưa về sở công an làm việc tiếp. Tôi làm việc đến tối thì được về nhà, hôm sau lên sở công an làm việc tiếp. Liên tục trong ba ngày như vậy, sau đó thêm hai ngày cách quãng nhau, tổng cộng 5 ngày, sáng đi lên sở công an, trưa ăn cơm và nghỉ tại đó, chiều làm việc tiếp đến tối thì về nhà. Cụ Chính ngay từ khi bị bắt đã tuyên bố bất hợp tác và tuyệt thực, tuyệt ẩm ngay. Một cụ già hơn 80 tuổi, bị bệnh tiền liệt tuyến không ăn, không uống ở sở công an là điều không ai đủ can đảm để giữ lại. Chính vì vậy, ngay chiều tối ngày hôm đó (03/9), Cụ Chính đã được về nhà và sau đó cũng không phải làm việc gì nữa. Sau này tôi được biết, có ba người bị sở công an bắt lên làm việc là Cụ Chính, ông Phạm Quế Dương và tôi. Ông Trần Khuê bị ép đưa lên máy bay về Sài Gòn và làm việc với an ninh trong gần một tháng. Trong vụ việc này, có gần chục người bị bắt lên công an quận thẩm vấn, nhưng chỉ kéo dài trong khoảng nửa ngày, một ngày. Một số bị bắt đưa ra các đồn công an phường làm việc, cũng chỉ trong vòng một ngày.

     Trong vụ việc bàn bạc lập Hội Chống tham nhũng, cũng như ứng xử với an ninh khi bị bắt, tạm giữ làm việc, tôi có hai kỷ niệm khá sâu sắc với Cụ Hoàng Minh Chính. Khi đó, mọi người phân công tôi làm thư ký cho tập san Chống tham nhũng, và cũng gần như thư ký của toàn Hội, ông Phạm Quế Dương không đi được xe máy nên mọi người giao cho tôi trách nhiệm đưa ông Phạm Quế Dương đi các nơi giao dịch. Cụ Chính đã quan tâm và nói luôn, tôi làm như vậy cần phải có thù lao, phụ cấp và Cụ đã lấy luôn 100 USD để đưa tôi ngay. Tôi từ chối nhưng không được. Điều này chứng tỏ cụ rất quan tâm tới mọi người, sâu sát và quyết đoán. Khi sự việc không thành công, tôi đã gửi lại Cụ số tiền đó. Một kỷ niệm nữa, Cụ đã nói với mọi người, nếu xảy ra việc gì, tất cả mọi người sẽ nói tôi (Nguyễn Vũ Bình) không tham gia gì cả. Khi gặp Cụ ở sở công an (vô tình đi vệ sinh gặp Cụ), Cụ cũng nói cháu không tham gia gì vào việc này. Cụ rất có ý thức bảo vệ tôi, bảo vệ lớp trẻ.

     Đến giờ phút này, khi ngồi viết lại những sự việc đã xảy ra khi xưa, tôi vẫn còn hình dung ra hình ảnh một cụ già quắc thước, có tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và đầy tình người. Đó chính là người thầy của tôi, Cụ Hoàng Minh Chính./.

Hà nội, ngày 27/11/2015

N.V.B