Song Chi.
Khi xảy ra sự kiện Liên Xô và hàng loạt các nước XHCN Đông Âu cũ đổ sụp như những quân bài domino vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ XX, nhiều người Việt trong và ngoài nước hồi hộp mơ có một ngày như vậy sẽ đến với VN.
Hơn 20 năm sau, lại một hiệu ứng dây chuyền domino khác, cuộc “cách mạng hoa nhài” hay “cách mạng màu” lần này bắt đầu từ Tunisia rồi sau đó lan ra các nước Hồi giáo Ả rập ở Bắc Phi và Trung Đông, lật đổ hàng loạt chế độ độc tài tại các quốc gia này. Người Việt khi đó cũng mơ bao giờ cho đến VN.
Và bây giờ là Myanmar (Miến Điện). Sau hơn nửa thập kỷ nằm dưới một chế độ quân phiệt nổi tiếng độc tài, không khoan dung, với thành tích tệ hại về nhân quyền, đàn áp tự do, dân chủ, và sau 25 năm từng có một cuộc bầu cử tự do, người dân đã lại được đi bầu và thể hiện ý nguyện của mình. Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết Phát triển (Union Solitary Development Party), được quân đội hậu thuẫn, đã thừa nhận thất bại.
Hành trình thay đổi vể hướng tự do dân chủ một cách hòa bình này bắt đầu từ trước đó hơn 2 năm, bởi hai con người vĩ đại, Tổng thống đương quyền Thein Sein và lãnh tụ đảng NLD Aung San Suu Kyi.
Người Việt trong và ngoài nước lại nhìn sang Myanmar. Lại vẫn câu hỏi day dứt, lại vẫn giấc mơ cũ: Bao giờ cho đến VN?
Nhưng nếu chỉ mơ không thì chẳng thay đổi được gì. Vẫn còn có rất nhiều lý do làm nên sự khác biệt giữa tình trạng của VN và Myanmar, giữa việc tại sao VN chưa làm được như Myanmar dù cả hai đều là những quốc gia độc tài, đều nằm sát Trung Cộng, đều phải chịu đựng một mối quan hệ bất cân xứng, thiệt thòi và tiềm ẩn đầy rủi ro với Trung Cộng.
Có thể nói vắn tắt như thế này:
1. Dù Myanmar phải chịu đựng một chính quyền quân sự độc tài nhưng không phải do đảng cộng sản lãnh đạo, Myanmar không bị nhiễm độc bởi hệ thống tư tưởng Marxism-Leninism, lịch sử nhân loại cho đến giờ này đã cho thấy chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là hai học thuyết có tác hại lớn nhất mà con người nghĩ ra, và những chế độ được hình thành, xây dựng từ hai học thuyết này là những chế độ tồi tệ nhất cho đất nước, dân tộc đó.
2. Myanmar dù độc tài nhưng các đảng phái chính trị đối lập vẫn có thể ra đời và hoạt động trong một chừng mực nào đó, dù gặp vô vàn khó khăn và bị đàn áp. Từ đó những nhân vật như bà Aung San Suu Kyi đã có cơ hội hoạt động chính trị, cọ xát với thực tế, tiếp xúc với nhân dân và trưởng thành. Ngược lại, trong một môi trường hoàn toàn không có chỗ cho bất cứ một đảng phái chính trị đối lập nào, mọi khuôn mặt bất đồng chính kiến hay chính trị gia có chút tiềm năng đều bị “tiêu diệt” cách này cách khác, mọi hoạt động có tính chính trị dù ôn hòa nhất đều bị ngăn chặn từ trong trứng nước thì làm thế nào mà phong trào dân chủ có thể lớn mạnh nổi và những con người có khả năng có thể xuất hiện?
3. Đảng cộng sản như lời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, là “một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo” (nhân dịp khánh thành đập Đồng Cam, Tuy Hòa 17.9.1955). Chế độ quân phiệt ở Myanmar dù sao đi nữa, cuối cùng đã chọn đặt quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân lên trên quyền lợi của đảng cầm quyền. Nhưng còn đảng cộng sản, dù là đảng cộng sản Bắc Hàn, Trung Quốc hay VN thì luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên tất cả và nhất định nắm quyền đến cùng.
4. Khác với xã hội Myanmar nơi Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống, hướng dẫn con người biết sống cho tử tế, thiện lương, biết sợ nhân quả, chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản đã phá nát xã hội VN, từ cấu trúc xã hội, hình thái gia đình, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, đạo đức, lương tri của con người… đều bị hủy hoại. Con người trở nên thờ ơ với chính trị, vô cảm với vận mệnh của đất nước, không quan tâm đến những khát vọng về tự do dân chủ, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, đến những lợi ích của bản thân và gia đình, mặc kệ đảng cộng sản đưa đất nước này, dân tộc này đi về đâu.
Còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng chỉ trong 4 nguyên nhân trên, thì ngoài cái "tội” của chủ nghĩa cộng sản, của hệ thống sai lầm, yếu tố con người vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể chưa có một Aung San Suu Kyi, cũng chưa nhìn thấy bất cứ ai sẽ là Gorbachev hay Thein Sein trong những nhân vật chính khách thuộc bộ máy đảng và nhà nước cộng sản VN, nhưng ngay trong từng người dân VN, nếu nhu cầu về tự do dân chủ chưa thật bức thiết; hay đứng trước thực tế một Việt Nam lạc hậu, thua kém bao nhiêu nước khác và khoảng cách ngày càng rộng hơn, một hình ảnh VN trong mắt bạn bè quốc tế gắn liền với nhiều tiêu cực hơn tích cực, người Việt ra ngoài đi đâu cũng thấy nước mình, dân mình chịu thiệt thòi hơn nước người ta, dân người ta, nếu cái thực tế ấy vẫn chưa đủ để tạo nên nỗi đau nỗi nhục lớn trong mỗi người, từ đó bùng lên thành khát vọng mãnh liệt muốn thay đổi thể chế chính trị để con cháu sau này có thể sống tốt đẹp hơn, sống đúng là con người hơn…thì đó chỉ có thể là lỗi của chúng ta.
Chiến thắng của người dân Myanmar hôm nay đã phải đổi bằng máu, bằng cái chết của hàng ngàn người và hàng ngàn người khác bị cầm tù, còn người Việt có chịu trả giá như vậy? Và nếu người Việt trong nước chấp nhận xuống đường, gây sức ép với nhà cầm quyền đòi thay đổi, người Việt ở nước ngoài có đồng lòng hỗ trợ như người Ba Lan ở nước ngoài đã dồn tiền, dồn sức cho phong trào đấu tranh của Công đoàn Đoàn Kết đi đến thắng lợi?
Một ví dụ nhỏ, họ Tập sang thăm VN hứa Trung Quốc sẽ viện trợ cho VN một tỷ nhân dân tệ trong 5 năm. Nói như nhà báo Lê Đức Dục:
“1 tỷ nhân dân tệ quy đổi theo tỷ giá USD hiện nay sẽ bằng 154 triệu USD.
154 triệu USD lớn hay nhỏ?
Không nhỏ, nhưng cũng có thể là ...rất nhỏ!
Ngoại hối của người Việt gửi về VN trong năm nay dự kiến là 15 tỷ USD, những năm trước bình quân là 12-14 tỷ USD,
15 tỷ USD chia cho 365 ngày, mỗi ngày người Việt gửi về nước 41 triệu USD
số tiền 154 triệu USD Tập ban ơn mưa móc ấy chưa bằng tiền Việt kiều gửi về nước trong 4 ngày” (facebook Le Duc Duc).
Trong nhiều năm qua, người Việt ở nước ngoài chăm chỉ làm việc, gửi tiền về giúp thân nhân, làm từ thiện, đầu tư kinh doanh rồi lại thường xuyên đi về thăm quê hương, chi tiêu…Số kiều hối này cứ mỗi năm mỗi tăng, góp phần nuôi sống chế độ cộng sản dài dài. Biết rằng người Việt nặng tình với gia đình nhưng nếu mỗi người Việt ở bên ngoài chỉ cần hy sinh không gửi tiền về nước một thời gian mà dành tiền đó cho phong trào dân chủ, giúp người trong nước khi họ chấp nhận xuống đường, chấp nhận trả giá thì mới có thể thành công.
Tuy nhiên, với một quốc gia đã sống quá lâu dưới một chế độ độc tài lại do một đảng cộng sản cầm quyền như VN, mọi sự thay đổi tức thì, đột ngột, từ dưới lên sẽ dẫn đến hỗn loạn và dân chủ thực sự rất khó trở thành hiện thực. Phải có sự phối hợp thay đổi từ cả trên xuống và từ dưới lên, như Myanmar, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã có những bước đi cải cách chính trị, nới lỏng tự do dân chủ trong 2, 3 năm qua, góp phần vào cuộc bầu cử lịch sử của dân Myanmar ngày hôm nay.
Con đường này cũng có thể gọi là tốt đẹp nhất cho đảng cộng sản VN. Thay đổi theo chiều hướng này, chỉ trừ một thiểu số phạm tội phản quốc, bán nước hay tội ác diệt chủng cần phải trả lời trước nhân dân, trước lịch sử, còn lại những người đã từng cộng tác, làm việc cho đảng và nhà nước cộng sản từ trên xuống dưới không những giữ được sinh mạng, tài sản mà nếu có thực tâm thực tài, họ vẫn có thể tiếp tục làm việc với chế độ mới, góp phần xây dựng lại đất nước.
Chỉ có bằng cách thay đổi trong hòa bình, hòa giải hòa hợp, nhưng là một sự thay đổi triệt để, không nửa vời, bắt nguồn từ khát vọng xây dựng lại một đất nước VN tự do dân chủ hùng cường, sánh vai với các nước, người dân VN được sống trong một xã hội ngàn lần tốt đẹp hơn, mới có thể giúp cho đất nước này, dân tộc này thoát khỏi số phận nghiệt ngã cay đắng suốt nhiều thập kỷ qua. Và chỉ có như thế, từ người trong nước cho tới ngoài nước, người từng có liên quan đến chế độ VNCH cũ hay từng làm việc cho chế độ cộng sản mới có thể dốc lòng dốc sức kiến thiết lại quê hương. Và biết đâu lúc đó thế giới lại chứng kiến một dòng thác lũ người Việt tử các nước trở về lại VN, như đã từng chứng kiến một dòng lũ theo chiều ngược lại sau khi VN thống nhất, và cho tới tận bây giờ xu hướng đó vẫn đang diễn ra.
Lịch sử VN đã trải qua quá nhiều bi kịch. Dân tộc này đã quá chậm, quá thua thiệt, dân tộc này lẽ ra phải tỉnh thức mạnh mẽ hơn bất cứ dân nào khác.
Bài bình luận gần đây