Song Chi.
Uploaded with ImageShack.us
Nguồn: muctim.com.vn
Từ trước đến nay trong lĩnh vực truyền thông cho đến văn học nghệ thuật ở cả hai phía-chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước năm 1975 hay chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có nhắc đến hình tượng những người vợ, người mẹ của các chiến sĩ, liệt sĩ “phe mình”, những người đã âm thầm hỗ trợ, chịu đựng và hy sinh khi người thân biền biệt ngoài chiến trường hoặc ngã xuống trong chiến tranh. Nhưng có những người vợ, người mẹ khác mà hoàn cảnh của họ cũng đòi hỏi những sự chịu đựng, hy sinh theo kiểu khác-chưa chắc đã nhẹ nhàng hơn, mà báo chí và văn học nghệ thuật ở trong và ngoài nước lâu nay lại bỏ qua. Với báo chí, văn học nghệ thuật trong nước, điều dễ hiểu là hoàn cảnh của họ “nhạy cảm” quá nên khó đề cập, thậm chí trong nhiều trường hợp là hoàn toàn không được nói đến. Đó là những người phụ nữ có chồng, cha hay người thân bị “nạn” chính trị, đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ, trí thức, dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam.
“VỢ NHÂN VĂN”
Tôi muốn nhắc đến trước hết là những người vợ người mẹ của các văn nghệ sĩ trong vụ Nhân văn-Giai phẩm một thời. Thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, tôi không có cơ duyên được gặp gỡ bất cứ ai trong số họ hay những người chồng, người cha của họ. Chỉ đôi khi qua những bài báo, tôi biết được những thông tin về cuộc sống hiện tại của gia đình một số nhà văn nhà thơ một thời bị vướng vào vụ Nhân văn-Giai phẩm, và bên cạnh họ, thường là những người vợ. “Đọc giữa hai hàng chữ”, tôi hình dung ra bao nhiêu năm tháng vô cùng khó khăn đã đi qua cuộc đời những người phụ nữ ấy, khi trót yêu và chia sẻ số phận với những người đàn ông mà tai họa đến từ nghiệp văn chương. Như khi nhà thơ Hữu Loan mất, báo chí kể lại cuộc sống cực khổ gần như cả một đời người của nhà thơ khí khái như “cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời” này (cách ví von của Hữu Loan). Bỏ phố lên rừng, suốt mấy chục năm làm nghề đục đá, rồi kĩu kịt từng chuyến xe cút kít thồ đá ra chợ bán mưu sinh. Gắn bó bên ông suốt 50 năm là bà Phạm Thị Nhu, người đã sinh cho ông 10 người con, đã một đời lam lũ cùng ông, ông đẽo đá còn bà làm bánh, bán bún nuôi con. Nhìn những bức ảnh chụp hai ông bà bên nhau trong ngôi nhà cũ kỹ tuềnh toàng rồi nhìn những bức ảnh bà còn lại một mình, ốm yếu bệnh tật, chạnh nghĩ tới chặng đường dài bà đã chia sẻ với ông, thật không nhẹ nhàng chút nào.
Uploaded with ImageShack.us
Vợ chồng nhà thơ Hữu Loan-Phạm Thị Nhu.
Gần đây tôi được đọc hai bài viết rất xúc động về những người vợ như vậy. Một là bài “Mẹ tôi, vợ Nhân văn” đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị của tác giả Đào Phương Liên (tên thật là Đào Công Đạt) viết về người mẹ của mình, bà Thúy Thúy, vợ nhà thơ Lê Đạt, một diễn viên sân khấu tài sắc một thời. Vì lấy một người chồng bị cái họa “nhân văn” nên phải chịu khổ sở, đắng cay đủ đường. Hãy nghe tác giả kể: “Rồi “cái mới” của bố khiến mẹ tôi, một diễn viên sôlit của đoàn, đang ở mức lương khá cao bị mất gần hết. Mẹ bị đánh tụt hai bậc lương, bị lôi ra kiểm điểm, đấu tố hàng ngày. Không những thế mẹ tôi bị cắt hết vai, chỉ được nhận những vai không ai có thể đóng được và phải làm thêm kịch vụ như nhân viên hậu đài: khuân vác đồ, chuẩn bị cho đêm diễn, thu dọn sau khi kết thúc. Mẹ tôi vốn chịu thương chịu khó nên không lấy thế làm điều. Mẹ còn cảm động vì không bị đuổi!
Năm 1957, mẹ tôi sinh con đầu lòng cũng là lúc bố tôi bị đấu. Sinh con được 15 ngày, vì không trả nổi tiền nhà, mẹ bị đuổi ra đường…” Cuộc sống cả nhà chỉ trong cậy vào suất lương duy nhất của người vợ-người mẹ nên thiếu trước hụt sau. “… mẹ đi nhặt săm lốp người ta vứt đem về đun nấu. Muội đen của cao su bám đầy bếp, bám đầy tay chân mẹ, chui cả vào mũi, mắt mẹ và để lại hậu quả tật bệnh cho mẹ tôi đến tận bây giờ. Mẹ còn chui xuống hầm tăngsê để bắt gián vỗ béo con gà đẻ trứng cho mấy bố con. Mẹ luôn tranh thủ đi chợ vào lúc chiều muộn hy vọng mua được những đồ ế thừa. Mẹ đi xin nước gạo để nuôi lợn... Tay chân mẹ lúc nào cũng đen đúa, nứt nẻ, đến mức mẹ nói với bố trong một bữa cơm khi chúng tôi còn nhỏ: “Em không dám ôm hôn các con vì sợ làm chúng đau”.
Hồi bé, tôi hay phải xếp hàng mua thực phẩm. Bao giờ suất thịt cũng là thịt thủ, thịt rọi còn nếu xương thì mua xương cục hay khúc dưới của chân giò để được nhân đôi vì cả nhà trông vào mỗi suất phiếu của mẹ. Mẹ tôi hầm kỹ để có thể ăn hết, không vứt đi thứ gì. Khi tôi 28 tuổi, lần đầu tiên phải đi chợ cho gia đình riêng, đã đứng ngẩn ra khi được hỏi mua thịt vai hay thịt thăn: sao hồi bé mình không thấy những loại thịt này nhỉ?
Vào bữa, mẹ chỉ nhẩn nha miếng cháy, rồi ăn lại những miếng xương chị em tôi bỏ lại: “Mẹ bị liệt một bên mặt. Nhai để tập thể dục”. Tôi vô tư không biết mẹ không còn gì để ăn!...:
Bài viết thứ hai “Người phụ nữ bất chấp tai ương đã ra đi” của tác giả Ngô Minh viết về bà Bội Trâm, vợ của cố nhà thơ Phùng Quán, vừa mới qua đời. Theo lời tác giả, bà Bội Trâm là con gái Hà Thành, sinh ra trong một gia đình gia giáo, lại là cô giáo dạy Văn của một trường danh giá-trường Chu Văn An, vì tình yêu đã chấp nhận lấy nhà thơ Phùng Quán “Lấy một “phần tử’ Nhân văn Giai phẩm nên không thể tổ chức đám cưới đàng hoàng như mọi cô gái khác, vì không thể đứng tên chú rể Phùng Quán trên thiếp mời. Chị Vũ Bội Trâm có lẽ là người con gái Việt Nam duy nhất lấy chồng không có lễ tơ hồng, không đám cưới, không được mặc áo cưới, không lên xe hoa, không có đưa dâu, không có phòng tân hôn sang trọng, không chụp ảnh, quay phim…Lấy nhau đã có hai đứa con là Phùng Đỗ Quyên (1963) và Phùng Quân (1965), mà 20 năm liền, mẹ con chị Bội Trâm vẫn ở nhà mẹ ở Hàng Cân, còn Phùng Quán thì trú ở nhà bà Tưởng Giơi. Một tuần chị Trâm mới đến thăm chồng một lần. Những năm tháng ấy, Phùng Quán thường xuyên đi cải tạo lao động ở Thái Bình, Thanh Hoá, Việt Trì, rồi đi tăng gia một mình ở rừng núi Thái Nguyên suốt ba năm liền… Vì phải “phấn đấu cải tạo tốt”, nên có khi nửa năm không về gặp vợ cơn. Gay go nhất là tiền mua sữa, mua sắm tã lót cho con. Tất cả trông nhờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chị Trâm và mấy đồng tiền câu trộm cá của Phùng Quán. Những ngày ấy, bạn bè như nhà văn Tuân Nguyễn, Xuân Đài… san sẻ chút tiền lương ít ởi để cho chị Trâm nuôi con. Bao nhiêu cơ cực dồn lên đôi vai của người phụ nữ gầy nhỏ này. Thương chồng, chị Bội Trâm chỉ biết nuốt đau thương để nuôi con. Năm 1981, Trường Chu Văn An thương tình mới cho vợ chồng Quán - Trâm một góc nhỏ phía sau trường vốn là nơi chứa đồ mộc thí nghiệm của trường. Dù khổ, vợ chồng cũng đã được sống bên nhau để cùng nuôi con…”
Trong lời dẫn giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Minh trên blog của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Tôi được quen biết mấy người vợ của các nhà văn trong nhóm Nhân văn Giai phẩm, đó là bà Băng vợ Văn Cao, bà Yến vợ Hoàng Cầm, bà Khuê vợ Trần Dần và bà Bội Trâm vợ Phùng Quán. Có điều thật đáng kính phục các bà là mấy chục năm chồng bị hoạn nạn, bà nào cũng yêu thương chăm sóc chồng con và bảo vệ chồng đến kỳ lạ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tụng xưng các bà là “những hộ pháp” của văn tài…”
ĐẾN MẸ, VỢ CỦA NHỮNG NGƯỜI “XÉT LẠI”, “CHỐNG ĐẢNG”, “PHẢN ĐỘNG”...CÁC THẾ HỆ TRƯỚC
Suốt những năm từ 1954-1975, theo nhà báo Bùi Tín, ở miền Bắc có rất nhiều vụ án chính trị gọi là “chống lại lãnh đạo”, “chống đảng”, “xét lại”, “phản động” …với hàng trăm người bị tù, bị oan ức, gia đình họ thì điêu đứng ngóc đầu không nổi… Một trong những vụ như vậy là vụ án “xét lại chống Đảng” vào những năm 60 ở miền Bắc, mà theo nhà văn Vũ Thư Hiên trong “Đêm giữa ban ngày”: “sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức (1956) thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Đảng ta, xét về quy mô, tính chất”. Mấy chục nhân vật quan trọng đã bị bắt ở Hà Nội vì bị cáo buộc là đã theo đuổi chủ nghĩa xét lại. Đó là những nhân vật lão thành trong đảng, nhiều vị tướng cùng một số những nhà nghiên cứu và nhà báo, như ngoại trưởng kiêm ủy viên trung ương đảng Ung Văn Khiêm, ông Vũ Đình Huỳnh, cựu bí thư của Hồ Chí Minh và con là ông Vũ Thư Hiên, thiếu tướng Đặng Kim Giang, Thứ trưởng bộ văn hóa Lê Liêm, Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh, Phó bí thư thành ủy Hà Nội Trần Minh Việt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Bùi Công Trừng, ông Hoàng Minh Chính-Viện trưởng Viện triết học Mác Lênin, ông Phạm Viết-Phó Tổng biên tập tờ Hà nội mới, ông Phạm Kỳ Vân-Phó Tổng biên tập tạp chí Học tập v.v…Họ bị tra tấn và giam giữ không đưa ra xét xử trong nhiều năm trời, có người biến mất, có lẽ đã bị thủ tiêu.
Tôi được quen biết với một gia đình trong số những người bị bắt này. Đó là gia đình ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của ông Hồ, cả ông Vũ Đình Huỳnh và con ông là nhà văn Vũ Thư Hiên đều bị bắt vào năm 1967, ông Huỳnh bị tù 6 năm, nhà văn Vũ Thư Hiên bị tù 9 năm. Bà Phạm Thị Tề, vợ ông Huỳnh, mẹ nhà văn Vũ Thư Hiên đã phải vừa thăm nuôi chồng, thăm nuôi con, vừa phải thay chồng gánh vác gánh nặng gia đình-khi ông bị bắt, trừ người con đầu là nhà văn Vũ Thư Hiên làm báo, 9 người còn lại chưa ai làm ra tiền. Thời chiến tranh, miền Bắc đã đói khổ, những gia đình bị “nạn” chính trị càng khổ. Có những giai đoạn cả nhà chỉ trông vào nguồn thu nhập từ gánh chè chén bán ngay trước cửa nhà của bà. Cái khổ thứ hai là đồng chí bè bạn người quen hầu hết đều né cho xa, không muốn dây dưa liên hệ với những nhà mang tội chống Đảng. Chỉ có những gia đình cùng hoạn nạn chia sẻ với nhau. Cái khổ thứ ba là con cái những gia đình như vậy, chỉ trừ những người nào đã học xong đại học hoặc “lỡ” đang học thì nhà nước đành để yên, còn lại ai chưa vào đại học thì sẽ không có đường mà vào! Khi chị Vũ Thanh Hương, một người con thứ của ông bà xin thi vào ngành Y hay bất cứ ngành nào cũng không được, bà đã đến gặp tận Lê Đức Thọ để “hỏi cho ra lẽ”, cuối cùng họ phải cho chị Hương nộp đơn thi nhưng chỉ được thi vào ngành…thư viện là một ngành không mấy ai mặn mà!
Uploaded with ImageShack.us
Ông Bà Vũ Đình Huỳnh-Phạm Thị Tề năm 1985.
Trong những năm tháng ấy, như lời nhà văn Vũ Thư Hiên viết trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”, người vợ của ông Vũ Đình Huỳnh, người mẹ của nhà văn “đã là cây cột cái vững chắc gánh toàn bộ sức nặng của ngôi nhà trên vai, quyết không cho nó sụp đổ”. Bà cũng truyền cho các con sự cứng cỏi “sống không cúi đầu”, khi chuyện xảy ra bà nhất định không tìm đến ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh hay ông Phạm Văn Đồng để cầu cứu, sau khi ông được thả nhà cầm quyền có lần cho mời ông rồi mời bà lên hứa hẹn cho làm việc lại trong một cơ quan nhà nước. Ông từ chối, bà cũng từ chối, bảo rằng có xét thì xét cho tất cả những người bị bắt oan chứ không thể chỉ riêng một gia đình ông bà. Một người vợ-người mẹ khác cũng cứng cỏi không kém là bà vợ của tướng Đặng Kim Giang, cũng là một giáo viên như bà Tề. Hai bà luôn kề cận bên nhau. Nhà văn Vũ Thư Hiên kể rằng ông Đặng Kim Giang cũng bị bắt 5, 6 năm. Sau khi ông ra tù cho đến khi ông chết, gia cảnh vẫn nghèo khó. Ông chết trong một căn nhà lá bên cạnh chùa Liên Phái, Hà Nội. Lúc ông sắp chết công an vẫn gác bên ngoài nhà.
Hay như bà Lê Hồng Ngọc vợ ông Hoàng Minh Chính-người bị coi là đứng đầu “nhóm xét lại, một nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng ở Việt Nam. Trong cuộc đời của mình, ông Hoàng Minh Chính đã bị bắt 3 lần, tổng cộng 20 năm tù đày và quản chế. Từ một người đảng viên trung thành với Đảng, lúc đầu còn ngăn cản chồng, dần dần bà Lê Hồng Ngọc hiểu ra và suốt bao nhiêu năm lúc nào bà cũng ở bên chồng, hoàn toàn tin tưởng vào chồng.
Còn với nhà văn Vũ Thư Hiên, sau khi ra tù vào năm 1976, nhà văn làm đủ nghề để sống cho đến khi có cơ hội sang Nga và tìm cách ở lại nước này năm 1993. Từ đó nhà văn sống lưu vong ở nước ngoài và xin tị nạn chính trị tại Pháp từ năm 1996. Người vợ của ông cũng phải chịu cảnh sống có chồng mà như không suốt bao nhiêu năm, cho đến mãi về sau này, thỉnh thoảng bà lại tìm cách đi ra nước ngoài, hai vợ chồng gặp nhau ở một nước trung gian, có khi bà sang được Pháp thăm chồng một thời gian ngắn rồi lại về với con cháu.
…VÀ THẾ HỆ HÔM NAY
Từ trước đến nay, nhà nước Việt Nam không bao giờ thừa nhận có tù chính trị hay tù lương tâm ở Việt Nam. Nhưng sự thật thì không thể che dấu, cho dù họ có gọi những người tù bất đồng chính kiến đó là những người vi phạm pháp luật, bị bắt vì “có âm mưu phá hoại cách mạng, phá hoại chính quyền nhân dân”. Danh sách những con người này cứ tiếp tục nối dài theo năm tháng. Từ thế hệ của ông Hoàng Minh Chính, ông Vũ Đình Huỳnh… cho đến Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Vũ Bình, Lê Nguyên Sang, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Lý, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Anh Kim, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung v.v…
Trong một xã hội bị bưng bít thông tin và tuyên truyền giáo dục theo kiểu một chiều suốt bao nhiêu năm, người dân chỉ biết nghe theo những lời Đảng và nhà nước cộng sản nói. Cho đến bây giờ, mặc dù internet và những thông tin từ báo chí “lề trái” có làm vỡ ra từng mảng sự thật phía sau bức tường bị bưng bít dày đặc và giúp cho đa số người dân được hiểu ra nhiều điều nhưng nỗi sợ hãi thâm căn cố đế vẫn còn trong nhiều người, số khác thì chỉ muốn muốn an thân, kiếm sống, tránh mọi rắc rối với nhà nước…Chính vì vậy, đối với những người bất đồng chính kiến hoặc có hoạt động chính trị đối lập với Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, họ thật sự rất cô đơn. Khi có chuyện gì xảy ra với họ, lập tức bạn bè, người quen cho tới người thân vội vàng quay đi, tránh xa sợ bị vạ lây! Chỗ dựa duy nhất của họ sẽ là gia đình. Nếu người nào có người thân hiểu chuyện, kiên quyết đứng bên cạnh chồng, cha, con…mình, họ sẽ cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng hơn rất nhiều và ngược lại.
Uploaded with ImageShack.us
Bà Trần Thị Lệ và luật sư Lê Thị Công Nhân. Nguồn: thongtinberlin.de
Như bà Trần Thị Lệ, người mẹ của luật sư Lê Thị Công Nhân rất tin tưởng ở con, luôn ủng hộ con, không bao giờ nghĩ là con có tội, không bao giờ khuyên con cúi mình; bà Vũ Thúy Hà vợ bác sĩ Phạm Hồng Sơn là điểm tựa của chồng, suốt những năm chồng đi tù cho đến bây giờ vẫn tiếp tục thay chồng nuôi con và…nuôi cả chồng; bà Lý Thị Tuyết Mai vợ nhà giáo Vũ Hùng, bà Nguyễn Thị Nga vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, v.v...đã hết lòng tin tưởng, hỗ trợ về mặt tinh thần khi người thân của mình phải chịu những bản án nặng nề, phi lý.
Có trường hợp như chị Dương Thị Tân, vợ nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, hai vợ chồng thật ra đã ly dị nhau từ lâu và trước đó thì chị Tân cũng chưa hiểu rõ lắm về việc làm của chồng cũ, nhưng từ sau khi anh Hải bị bắt, trong quá trình đi thăm nuôi cha của các con mình, tiếp xúc với các bạn bè của anh đồng thời bản thân mình và các con cũng bị xách nhiễu, khó dễ đủ điều, chị dần dần hiểu ra và lên tiếng bênh vực người chồng cũ hết lòng.
Rồi những tháng năm đen tối này sẽ qua đi. Khi chế độ này không còn tồn tại nữa, những con người bị coi là “phản động, phản cách mạng” hôm nay sẽ được trả lại tên như những con người dũng cảm, tiến bộ, có lòng với đất nước, và nếu họ có được nhắc đến thì có lẽ, để công bằng, cũng nên nhớ đến những người vợ, người mẹ đã đứng bên họ trong những giai đoạn khó khăn nhất, đã là chỗ dựa tinh thần cho họ tiếp tục trụ vững trong nỗi cô đơn giữa đồng loại!
Bài bình luận
Mày chỉ là một Mọi Vàng cái phản quốc vì bơ thiu mà thôi !