Chị Phạm Thị Lộc viết “Cáo trạng và di thư tuyệt mệnh của một công dân Việt Nam”
Những dân oan đi khiếu kiện về đất đai nếu tích cực quá dễ bị bỏ tù mặc dù họ cố né tránh những hành vi có thể bị qui kết vào một tội danh nào đó. Tuy nhiên, việc họ bắt bỏ tù nhiều khi chỉ là việc cần phải bắt, nhất là những người được coi là đi đầu hay nòng cốt có ảnh hưởng tới những dân oan khác để dẹp hoặc rút bớt tinh thần đấu tranh của dân oan. Ví dụ chị Cấn Thị Thêu ở Dương Nội bị bắt khi đang ngồi trên cái chòi để ghi hình nhưng cũng bị kết tội “chống người thi hành công vụ”. Thông thường, họ bị quy kết vào tội “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ”.
Thế nhưng chị Phạm Thị Lộc, Hồ Thị Bích Khương… lại trong số ít dân oan bị tù theo điều 88 “Tuyên truyền chống nhà nước…”
Chỉ ít ngày sau khi ra tù, chị Phạm Thị Lộc đến thăm tôi. Chị cho biết, chị đang làm đơn kiện về bản án mà tòa án Bắc Giang đã áp đặt cho chị. Chị đưa cho tôi xem mấy tài liệu , bảo bản án sai đến 80%. Mặc dù vậy, anh cứ đọc thì sẽ thấy những điều vô lý, họ cố tình gán gép tội cho tôi để bắt tôi đi tù.
Về hành vi gọi là soạn thảo, tàng trữ và lưu hành các tài liệu chống nhà nước
Tòa án Bắc Giang cho rằng Lộc có hành vi soạn thảo, tàng trữ và lưu hành các tài liệu chống nhà nước. Nói thì có vẻ nghiêm trọng lắm nhưng đó là những đơn kiếu nại, tố cáo do chị viết (mà họ gọi là “soạn thảo”), một số bài viết mà chị lấy ở đâu đó mang về nhà (mà họ gọi là “tàng trữ”). Cả những lá đơn chị viết xong, chưa kịp gửi đi hoặc là bản lưu cũng được coi là “tàng trữ”.
Một số bài viết (có cả thơ) mà chị Lộc lấy ở đâu đó được coi là có nội dung chống nhà nước. Trong đó có cả những bài viết quen thuộc và tác giả quen thuộc như cụ Hoàng Minh Chính, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang… Cụ Hoàng Minh Chính thì đã qua đời còn Ts Nguyễn Thanh Giang hàng ngày vẫn hiện hữu tại số 5 ngõ 341, đường Trung Văn, Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Như vậy, tác giả (người soạn thảo) thì không hỏi đến còn người giữ (tàng trữ) những bài viết ấy thì bị kết tội là tuyên truyền chống nhà nước?
Những đơn thư mà tòa án Bắc Giang cho rằng chị Phạm Thị Lộc đã tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhưng bản án không thấy dẫn ra một câu nào để chứng minh mà chỉ dẫn ra đầu các đơn thư tài liệu. Tôi hỏi chị khi ra tòa, họ có chỉ ra chị có câu nào mà họ cho là tuyên truyền chống nhà nước không? Chị Lộc cho biết, họ chỉ khép cho tôi dùng ngôn từ dùng mạnh quá. Trong đơn giúp cho bà con dân oan cả nước tôi cũng nói đấy là suy nghĩ của tôi. Tôi nói phải xuống đường như bà con Thái Hà mới đòi được quyền lợi. Hay là câu “những tên giặc nội xâm trong lực lượng công an”. Chỉ thế thôi còn họ chỉ nói chung chung.
Chị Lộc là người rất quyết liệt trong việc khiếu kiện, làm cái gì là làm đến cùng trong tâm trạng rất bức xúc nên trong các đơn thư không khỏi có câu chữ phê phán, chỉ trích với thái độ phẫn nộ. Đó cũng là tâm lý chung của những người dân oan đi khiếu kiện nhiều năm. Nhưng, điều đó không thể đánh đồng với hành vi tuyên truyền chống nhà nước.
Chị Lộc “tuyền truyền chống nhà nước” tới ai?
Theo bản án thì chị Lộc gửi đơn thư của mình và của người khác đến những người có chức quyền giải quyết đơn như Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, Bộ trưởng công an, Giám đốc công an Bắc Giang, Trưởng công an huyện Lạng Giang, Ủy ban tỉnh Bắc Giang, Sở tài nguyên môi trường, các cơ quan của tỉnh Đắk Nông…
Như vậy, phải chăng, những lá đơn gửi đến các cơ quan nhà nước được coi là tài liệu tuyên truyền chống nhà nước và như vậy, chị Lộc tuyên truyền cho chính các ông lãnh đạo các cơ quan nhà nước? Chẳng lẽ, cán bộ kể cả cán bộ cao cấp lại là đối tượng tuyên truyền của một người văn hóa mới lớp 7 như chị Phạm Thị Lộc?
Ngoài ra, bản án cũng nói tới chị gửi đơn thư ấy cho một số người. Đơn thư đã gửi đến nơi cần nhận thì việc chia sẻ cho người khác là một việc làm quá bình thường, đâu phải là tuyên truyền chống phá.
“Khai và thừa nhận”?
Trong bản án có nói tới việc chị Lộc “khai và thừa nhận” những đơn thư và chữ viết trên phong bì là của mình. Rồi “kết luận giám định” của “Phòng kỹ thuật hình sự” “mẫu so sánh” là “do “cùng một người viết ra”. Kiểu diễn đạt này thường thấy trong các bản án, bản cáo trạng đã gây nên sự lập lờ rằng đối tượng rất ngoan cố, không chịu khai, chỉ khi cơ quan điều tra phải “đấu tranh với đối tượng”, phải dùng đến các “biện pháp nghiệp vụ”, phải qua “giám định” bằng “kỹ thuật hình sự” thì đối tượng mới “thừa nhận” hoặc “cúi đầu nhận tội”.
Hỏi về việc này, chị Lộc cho biết: Hoàn toàn không phải như thế. Đây là họ dựng nên, họ bịa ra những chuyện này. Khi điều tra hỏi tôi tất cả những phong bì này có phải của chị không, tôi nói ngay là phải. Cái chuyện này tôi nhận ngay từ đầu. Đơn thư của tôi là chính xác, chính đạo và đúng luật việc gì tôi phải chối. Đến khi nhận bản án, tôi mới biết họ pha những ngôn từ như thế này… Đấy là thủ đoạn của họ không chỉ vụ án của tôi mà rất nhiều vụ án oan sai họ dùng những thủ đoạn hèn hạ như thế.
Trả lời đài nước ngoài:
Ngoài những hành vi viết và gửi đơn, chị Phạm Thị Lộc còn bị qui kết hành vi trả lời đài nước ngoài. Trả lời đài nước ngoài thì có gì mà ghê gớm đến cả những cán bộ cấp cao cũng đã từng. Vấn đề là ở chỗ, nội dung trả lời như thế nào, có đúng sự thật không, Thế nhưng cũng như nói về đơn thư, bản án không dẫn ra được một câu nào để chứng tỏ chị Phạm Thị Lộc xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, nói xấu chế độ mà chỉ áp đặt chung chung như thế. Rồi lại bày ra chuyện giám định giọng nói này nọ cho tăng phần nghiêm trọng và tăng sự “ngoan cố” của “đối tượng” Ngay cả chuyện nhận tiền nong chung chung chẳng nói lên được điều gì cũng được tòa án Bắc Giang tận dụng triệt để.
Nhờ phô tô gửi đơn đi cũng là một tội?
Nói về việc chị Phạm Thị Lộc giúp những người dân oan khác, bản án còn nêu một loạt những người đưa đơn nhờ chị Lộc photo và gửi đi nhưng do “thường xuyên vắng mặt tại địa phương”, hoặc “không biết địa chỉ quê quán” nên “tách hồ sơ tài liệu để điều tra xử lý sau”. Như vậy, với tòa án Bắc Giang thì hành vi nhờ phô tô gửi đơn đi cũng là một tội?
Tiêu hủy cả báo của nhà nước:
Điều khó hiểu hơn nữa là ngay cả những bài báo của Nhà nước viết về vụ kiện việc hủy đăng ký kết hôn của chị Phạm Thị Lộc. Vụ này cũng được nhắc tới bản án và chị Lộc đã thắng kiện. Cuối cùng chị được đền bù một lô đất tại thành phố Bắc Giang kèm theo 29 triệu đồng. Đó là những bài báo của các tờ báo: Nông nghiệp, Đời sống Pháp luật, Công luận, Nông thôn ngày nay, Công an ND Tp HCM, Công an ND, Giáo dục thời đại, Tiền Phong, Đại đoàn kết.
Thực ra, không chỉ bản án của chị Phạm Thị Lộc mà những bản án cố tình khép tội cho các tù nhân lương tâm, họ đều vẽ ra như thế. Và tại sao trong khi phân tích, tôi không nhắc đến cáo trạng. Vì bản án chỉ là sao chép lại cáo trạng chứ xét hỏi gì, cho nên chỉ cần nhắc đến một văn bản là đủ.
Giúp bà con dân oan khiếu kiện: Nội dung này tất nhiên họ lờ đi, không có trong cáo trạng cũng như bản án. Trong quá trình đi khiếu kiện, chị Lộc cho biết chị đã giúp nhiều bà con dân oan ở các tỉnh thành khác. Một số vụ oan sai của tập thể, cá nhân đã được giải quyết. Đó là những vụ:
1. Vụ trộm cắp cổ vật tại tỉnh Bắc Giang – 8 người dân.
2. Bà con Sài Đồng, Giam Lâm, Hà Nội – 13 người dân.
3. Bà con xã Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang – 12 người dân.
4. Bà con xã Nhân Hòa, Phủ Lý, Hà Nam – 98 người dân.
5. Bà Tày, bà Giấm ở Lý Nhân, Hà Nam – 2 người dân.
6. Tập thể bà con xã Đắc Ngo, Tuy Đức, Đắc Nông – 1.000 người dân.
Những vụ việc ấy được nhắc đến trong những lá đơn có liên quan mà bản án đã nêu ra cho là có nội dung tuyên truyền chống nhà nước. Như vậy, những đơn thư nêu lên việc làm sai trái là có thật, nỗi oan của bà con là có thật vì đã được giải quyết. Nếu không có những đơn thư ấy thì bao nhiêu việc làm sai của chính quyền không được sửa, bao nhiêu người dân lâm vào cảnh oan ức kéo dài? Thế mà những đơn thư ấy lại gọi là tài liệu chống nhà nước ư?
Trong suốt 3 giờ nói chuyện với tôi, ngoài việc nói về nỗi oan ức, chị Phạm Thị Lộc dành nhiều thời gian nói về nỗi cơ cực của cuộc đời chị. Hạnh phúc gia đình đến với chị khá muộn mằn. Năm 37 tuổi, chị mới lấy chồng nhưng rồi nhanh chóng tan vỡ sau 5 năm do sự non kém về nghiệp vụ của cán bộ tư pháp. Vụ tòa án hủy đăng ký kết hôn đã được nhiều tờ báo nhắc tới như tôi vừa nói ở trên. Đứa con gái duy nhất của chị nay mới 16 tuổi (khi chị đi tù năm 2011, cháu 12 tuổi).
Ra tù, chị viết một văn bản mà chị đặt tên là “Cáo trạng và di thư tuyệt mệnh của một công dân Việt Nam” dài tới 18 trang giấy A4. Trong đó, chị kể về nỗi khổ hạnh của cuộc đời chị trong khi đi khiếu kiện, đi tù, chế độ nhà tù, nỗi thống khổ của những người dân, về hiện tình đất nước… Tiếp xúc và đọc những bài viết về chị, tôi thấy chị là người rất quyết liệt, làm gì cũng theo đuổi đến cùng. Chị đi khiếu kiện không chỉ vì quyền lợi riêng của mình mà vì quyền lợi của tất cả những người dân oan khác. Chính vì vậy, chị đã nếm trải 3 năm 6 tháng trong lao tù. Sau khi ra tù chị tiếp tục bị quản chế 3 năm nữa. Tuy nhiên, do chưa bao giờ chấp nhận bản án nên việc quản chế đối với chị không có ý nghĩa gì.
Ngoài cảm phục chị về tinh thần đấu tranh, tôi còn trân trọng sự giúp đỡ vô tư của chị đối với những người dân oan khác. Chính nhờ sự giúp đỡ của chị mà rất nhiều người dân oan đòi được quyền lợi, buộc chính quyền phải sửa sai. Đó là công lao của chị đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Thiết nghĩ về việc này, nhà cầm quyền cũng nên cảm ơn chị vì nhờ có chị mà họ đã sửa được những sai lầm. Nếu không, biết bao nhiêu người dân phải chịu cảnh oan ức.
Ra tù, chị Lộc gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. 58 tuổi, chị vỏn vẹn được 5 năm sống có chồng nhưng lại liên tục xa nhau. Hiện giờ chỉ có 2 mẹ con nhưng chắc thời gian bên con sẽ vẫn rất ít vì chị sẽ tiếp tục lao vào con đường đấu tranh đòi công bằng, lẽ phải cho mình và cho những người cùng cảnh ngộ. Chị rất cần sự giúp đỡ, động viên của đồng bào yêu chuộng tự do, công bằng, lẽ phải trong và ngoài nước.
8/10/2015
NTT
Bài bình luận gần đây