You are here

Thánh lễ cầu cho nguyện công lý và hòa bình tháng 8 năm 2015: Cầu nguyện cho nền giáo dục Việt Nam

Ảnh của nguyenhuuvinh

Trước những vấn nạn của ngành giáo dục Việt Nam nỏi riêng và tình trạng xã hội đất nước nói chung, Giáo xứ Thái Hà đã dâng Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho nền Giáo dục Việt Nam vào đêm 30/8/2015, tại Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội.

Một số hình ảnh:

Bài giảng trong Thánh lễ:

 

 

Một năm học mới đã lại bắt đầu.

Những ngày vừa qua, trên các trang thông tin truyền thông, vấn đề giáo dục tiếp tục được đặt ra, như môt lời cật vấn tất cả những ai có lương tri, những ai mong cho tiền đồ của dân tộc, của đất nước được khai sáng. Nhiều người vì quá bức xúc đã yêu cầu ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải từ chức vì sự tác trách của ông trong trách nhiệm lãnh đạo Bộ giáo dục. Sở dĩ, có sự kiện ấy là bởi vì, càng ngày, người ta càng nhận thấy, nền giáo dục hiện nay của Việt Nam, đã vô cùng lạc hậu và lạc hướng.

Chúng ta tự hỏi: Đâu là lý do khiến nền giáo dục Việt Nam năm này qua năm khác hô hào cải cách giáo dục, nhưng “càng cải càng lùi”, “càng cải cách càng lạc hậu và lạc hướng?” Đâu là lý do khiến nhiều bạn trẻ sau khi ra trường với tấm bằng Đại học trên tay lại không thể kiếm ra việc làm hoặc khi sang các nước tư bản đều không được các nước sở tại chấp nhận những tấm bằng đại học ấy?

Nguyên nhân thì nhiều, có người cho rằng nền giáo dục của Việt Nam là phi thực tế, phi tự nhiên hay chúng ta đang sở hữu một nền giáo dục phi giáo dục. Người khác thì cho rằng nền giáo dục của Việt Nam hiện nay bị lỗi hệ thống từ gốc tới ngọn: lỗi từ việc tuyển sinh – lớp một cũng tuyển sinh, chương trình học, cho tới việc bảo đảm đồng lương cho những thầy cô giáo, từ sách giáo khoa cho đến phương pháp giảng dạy, khiến nền giáo dục đi vào bế tắc, tạo ra cho xã hội những con người què quặt, thiếu óc sáng tạo…

Trong bối cảnh của thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng tôi chỉ xin nêu ra đây hai nguyên nhân chính yếu làm cho nền giáo dục Việt Nam xuống cấp.

1. Nguyên nhân trước hết và là nguyên nhân đầu hết làm cho nền giáo dục Việt Nam xuống cấp, đó là: nhà cầm quyền Việt Nam, kể từ ngày “cướp chính quyền” từ tay các đảng phái chính trị khác, đã áp dụng một thứ triết lý giáo dục “biến con người thành công cụ”. Họ chính trị hóa giáo dục, biến giáo dục trở thành phương tiện tuyên truyền cho chế độ.

Về điều này, Ủy ban Công lý và Hòa bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong “Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay”, ngày 1/11/2012, đã đưa ra một nhận định rất xác đáng:

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, con người dễ bị tha hóa trở thành công cụ, hay bị coi là công cụ để phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế hơn là một nhân vị, chủ thể của các thực tại xã hội. Lý do có thể giải thích là vì nền giáo dục Việt Nam hiện nay không những lạc hậu, mà còn lạc hướng, chạy theo hình thức và phô trương thành tích nhằm tạo ra những con người chỉ có khả năng phục vụ cho những mục tiêu chính trị chứ không nhằm đào tạo con người có nhân cách, phát triển tâm và trí toàn diện. Nói cách khác, hệ thống giáo dục đang đào tạo con người công cụ hơn là con người nhân vị có tự do, có khả năng chịu trách nhiệm và sáng tạo” (hết trích).

Trong thực tế, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về một chính sách giáo dục triệt tiêu nhân bản, đề cao chủ nghĩa cách mạng, lòng căm thù, một lòng đấu tranh giai cấp…của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Những bạn trẻ đang ở đây, những ai đang và đã từng học tại các trường đại học, cao đẳng thì đều biết: mọi sinh viên đều bị bắt buộc học môn triết học Mác- Lênin và tư tưởng HCM, thứ tư tưởng mà cả nhân loại đã vứt vào sọt rác, trong khi có rất nhiều những nền triết lý đề cao các giá trị nhân bản, nhân sinh, những nền triết học có khả năng khai sáng, chấn hưng đạo đức con người, thì con em chúng ta lại không bao giờ được học và được tiếp xúc dù chỉ là trên sách vở. Điều đáng báo động, đó là chính quyền Việt Nam luôn lợi dụng việc học của các học sinh tại các trường đại học để tuyên truyền đường lối, chính sách xã hội, đặc biệt là qua ban tuyên giáo, công khai xuyên tạc về các tôn giáo, phân biệt đối xử các sinh viên công giáo với các sinh viên khác.

Một nền giáo dục áp đặt những thứ tư tưởng lạc hậu, xa lạ với thế giới văn minh hiện đại như vậy, một nền giáo dục lấy tư tưởng Mác-Lê làm kim chỉ nan, coi trọng đảng phái chính trị hơn nhân vị con người, thì làm sao có thể sản sinh ra được những con người nhân bản, những con người yêu chuộng tự do và công ích. Một nền giáo dục như thế, chắc chắn sẽ gây nên những hậu quả khôn lường, như “Bản Nhận định về tình hình hiện nay” của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã nêu:

Trong mấy thập niên qua, nền giáo dục của chúng ta có quá nhiều bất cập về nội dung, phương pháp dạy và học… Việt Nam đã có nhiều nỗ lực “cải cách giáo dục” nhưng không đi đến những đột phá thực chất. Vì sao? Phải đau đớn mà nói rằng vì chúng ta thiếu hẳn một triết lý giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu dài. Hậu quả thê thảm của thực trạng trên là những gì chúng ta đang nhìn thấy trước mắt: Gia tăng các tệ nạn khủng khiếp trong học đường, tội phạm tuổi học sinh sinh viên ngày càng nhiều,  gian dối trong thi cử trở thành bình thường, bằng cấp giả hay nguy hiểm hơn nữa, bằng cấp thật mà kiến thức giả. Kết quả cay đắng là Đất nước có nguy cơ bị tụt hậu về nhiều phương diện.” (hết trích)

2. Nguyên nhân thứ hai khiến cho nền giáo dục của chúng ta lạc hậu và lạc hướng, đó là: thay vì xã hội hóa giáo dục, chính quyền Việt Nam đã bất chấp tương lai của đất nước ra sao, họ cố tình trì hoãn sự phát triển của đất nước, bằng việc “độc quyền giáo dục”.

Trong thực tế, cho tới tận hôm nay, các tôn giáo nói chung, cách riêng Giáo hội Công giáo, chỉ được phép mở các trường mầm non, không được phép mở các trường tư thục từ cấp I cho tới Đại học. Đây là một thực tế đáng buồn, bởi vì, một nền giáo dục mà không để các tôn giáo tham gia sẽ chỉ là một nền giáo dục què quặt, không thể phát triển được, trong khi giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính yếu vốn thuộc về bản chất của các tôn giáo. Tại các quốc gia văn minh, các tổ chức tôn giáo, cách riêng Giáo hội Công giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực giáo dục con người.

Chính quyền Việt Nam không phải không thấy điều này, bằng chứng là hầu hết các cán bộ cộng sản hiện nay, nhờ tham nhũng có tiền bạc, đều đã gửi con cái sang các nước văn minh du học. Họ biết rõ nền giáo dục Việt nam lạc hậu. Vấn đề chính yếu vẫn là họ luôn chủ chương một “chính sách ngu dân” để dễ bề cai trị. Họ không muốn các tôn giáo tham gia vào công tác giáo dục, vì họ sợ các tôn giáo sẽ đào tạo ra những con người tốt, những con người nhân bản, những con người yêu chuộng tự do không chấp nhận một chính thể độc tài, những con người có khả năng phê phán, vạch trần những yếu kém, những bất hợp lý của họ. Chúng ta biết, bản chất của cộng sản là giả dối, họ không muốn người dân vạch trần sự giả dối ấy. họ chỉ muốn người dân mãi là đàn cừu, ngoan ngoãn theo lối đi sai lầm của họ.

3. Trước tình trạng một nền giáo dục lạc hậu và lệch hướng như vậy, chúng ta phải làm gì?

Công đồng Vatican II, trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô Giáo, sau khi nói về “quyền được hưởng một nền giáo dục xứng hợp” – một quyền bất khả nhượng, đã nêu rõ vai trò giáo dục của các bậc làm cha mẹ trong các gia đình. Công đồng khẳng định “gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết” và “cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” (số 3). Chính tại gia đình mà “con trẻ có được kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh”, nhờ đó, chúng có thể dễ dàng hội nhập vào đời sống xã hội để góp phần canh tân xã hội mỗi ngày lành mạnh hơn.

Bên cạnh đó, trong vai trò là những thành viên của Giáo hội, trong tư cách là “Người Mẹ”, với bổn phận và trách nhiệm giáo dục nên những công dân tốt, “Giáo hội có nhiệm vụ bảo đảm cho con cái một nền giáo dục, đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần đời sống chúng; đồng thời, cổ võ mọi dân tộc phát triển sự toàn vẹn của con người, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một xã hội nhân bản hơn”.

Như vậy, bổn phận của Giáo hội không chỉ đòi cho mình được quyền giáo dục – một quyền bất khả nhượng, Giáo hội còn phải “bảo đảm cho con cái một nền giáo dục” thích đáng, quân bình, một nền giáo dục nhân bản hướng thiện, phá thế độc quyền trong giáo dục của các chính thể độc tài. Công đồng viết: “Chính quyền phải bảo đảm cho thanh thiếu niên một nền giáo dục học đường đầy đủ, phải quan tâm tới các khả năng của nhà giáo và trình độ học vấn của học sinh cũng như phải chăm sóc tới sức khỏe của chúng… Do đó, phải loại trừ mọi chế độ độc quyền trong lãnh vực giáo dục, vì tất cả mọi chế độ độc quyền thuộc loại này đều trái với quyền tự nhiên của con người, cản trở sự tiến bộ và phổ biến văn hóa, làm tan loãng bầu khí hòa thuận giữa các công dân và nghịch với “thuyết đa dạng trong khác biệt” đang rất thịnh hành ngày nay” (số 6).

Đối với các phụ huynh, với bổn phận và trách nhiệm giáo dục con cái – một quyền bất khả nhượng, Công đồng khẳng định các bậc cha mẹ “phải được thực sự tự do chọn lựa trường học cho con” (số 6), phải yêu cầu chính quyền chu cấp cho con cái mình một nền giáo dục toàn diện, nhất là “qua các hội phụ huynh học sinh, phải theo dõi và nâng đỡ mọi công việc của nhà trường, đặc biệt là việc giáo dục luân lý dạy nơi đó” (số 6).

Chúng ta đã làm gì để thực hiện sứ mạng giáo dục này? Chúng ta có biết nhà trường dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đang dạy cho con em chúng ta điều gì không? Chúng ta có biết chính quyền Việt Nam đang áp đặt lên con cái chúng ta một nền giáo dục bị chính trị hóa hay không? Chúng ta có biết tất cả con em chúng ta đang bị nhồi sọ một chủ thuyết duy vật, một ý thức hệ vô thần, một thứ chủ nghĩa hoang dại, lầm lạc từ bản chất hay không? Chúng ta bỏ tiền ra tạm gọi là “mua chữ cho con”, chúng ta có biết người ta đang bắt con cái chúng ta mua một thứ hàng dỏm hay không? Chúng ta có biết tại sao, đạo đức xã hội càng ngày càng xuống cấp hay không? Chúng ta có biết nguyên nhân tại sao, bao nhiêu sinh viên học sinh ra trường, với tấm bằng đại học trên tay, nhưng vẫn không kiếm nổi một công ăn việc làm ổn định hay không?

Đó là những câu hỏi mà chúng tôi muốn gửi tới mọi người trong ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay.

Để kết thúc, xin mượn lại đây lời của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm đã viết: “Người dân tại mọi quốc gia phát huy chiều kích xã hội của cuộc sống họ bằng cách hành động như những công dân dấn thân và có trách nhiệm, chứ không phải như một đám đông đu đưa theo bất cứ thế lực nào. Chúng ta không được quên rằng “tư cách công dân có trách nhiệm là một nhân đức, và sự tham gia đời sống chính trị là một bổn phận đạo đức” (HĐGM CÔNG GIÁO HOA KỲ, Thư Mục Vụ Forming Conscience for Faithful Citizenship (Tháng 11-2007), 13.) (220).

Hà  Nội, ngày 30/8/2015
Linh mục: Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong CSSr.

 

Video: