Như vậy, dù phải vất vả, gò gẵng mãi, bộ phận ngoại giao hoạt động hết công suất, cuối cùng thì Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CSVN cũng đặt chân được lên đến nước Mỹ vào ngày hôm nay.
Thiếu logic
Có lẽ, đây là điều mà nói theo giới trẻ Việt Nam đang học cách quảng cáo của một nhà bán điện thoại rằng: "Không thể tin nổi". Sở dĩ không thể tin nổi một sự kiện, dù đang diễn ra thực tế, đó chỉ là vì một TBT Đảng CS vốn là tiến sĩ xây dựng đảng, lại đặt chân đi thăm một đất nước mà cái Đảng CS Mỹ chỉ còn lại lèo tèo mấy mống trên danh nghĩa. Lẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng có thể đến thăm cái đảng này và huấn luyện cho họ cách "xây dựng đảng" theo mô hình Việt Nam thì hẳn là hợp lý và hợp tình vì ông đang thực hiện cái gọi là "Nghĩa vụ quốc tế vô sản".
Nhưng không, ở chuyến thăm này ông đến thăm đất nước, chính phủ Hoa Kỳ, có kế hoạch gặp cả Tổng thống Obama, một thể chế chính trị mà mới cách đây 6 ngày, trong buổi kỷ niệm Nguyễn Văn Linh, ông ta vẫn "kiên định" rằng đây vẫn là một "đế quốc Mỹ xâm lược".
Nhiều bạn trẻ, vốn được giáo dục từ bé về Đế quốc Mỹ tàn bạo, nguy hiểm, về chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, về "sự sáng suốt và kiên định chống đế quốc, thực dân của đảng ta mấy chục năm qua, góp phần công lao lớn cho phong trào Cộng sản quốc tế" đã thắc mắc rằng: Vậy ông Nguyễn Phú Trọng lại đến thăm Mỹ làm gì?
Thông thường, cha ông ta dạy rằng "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", vậy lẽ nào một thủ lĩnh cộng sản luôn tự cho mình là người "chống đế quốc xâm lược, thực dân, giải phóng thế giới" lại đi thăm và bắt tay với "bọn đế quốc xâm lược" có phải là điều tréo ngoe? Chẳng lẽ đảng ta từ chỗ vinh quang, kiêu hãnh đến thế giờ hạ mình chơi với những kẻ "không đội trời chung"? Thậm chí còn hy vọng rằng ông Tổng Bí thư có thể sang đó với sứ mệnh "phân hóa nội bộ Obama" - tiếp tục sự nghiệp mà Nguyễn Minh Triết trước đây đã làm dang dở mà chưa có kết quả chăng?
Những câu hỏi đó của các bạn trẻ, thật khó để trả lời trong thời điểm, giai đoạn hiện nay. Bởi việc "đảng ta" chuyển thù thành bạn, chuyển bạn thành thù là chuyện như trở bàn tay. Bởi trong thực tế, sau hai phần ba thế kỷ, cướp được chính quyền và "lãnh đạo tuyệt đối" đối với đất nước này, ngoảng đi ngoảnh lại Việt Nam chúng ta làm gì còn bạn? Đến như đàn em Campuchia, biết bao xương máu người dân đổ xuống trên đất nước họ, giờ cũng trở mặt cắn đàn anh không thương tiếc thì hòng gì chơi được với ai. Đến như ông anh họ Bành ở phương Bắc, ngon ngọt, thơn thớt vậy vẫn hoặc âm thầm, hoặc dùng súng đạn "thăn" dần của thằng em từng miếng đất, từng hòn đảo một và giờ thì ngang nhiên vẫy vùng trong ao nhà thằng em mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn phải nở những nụ cười như mếu ca ngợi 4 tốt và 16 chữ vàng. Đến như ông bạn vàng Cuba kia, đã từng thề nguyền "Cuba thức cho Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ" - Nguyễn Minh Triết - giờ cũng bỏ gác luôn, kệ mẹ thằng Việt Nam ôm súng "canh giữ hòa bình cho thế giới" đấy thôi.
Dù sao, thì Nguyễn Phú Trọng cũng đã đặt chân đến nước Mỹ. Chúng ta chúc cho chuyến đi của ông thành công. Có thể ông ta học được điều gì ở đó ngoài việc xây dựng đảng CS là chuyên nghề của ông ta thì đất nước Mỹ, điển hình của Chủ nghĩa tư bản giãy chết sẽ để lại cho ông ấn tượng nào đó về cái "giãy chết" của nó mà rút cho mình vài bài học, ít nhất là trong lời ăn tiếng nói trước bàn dân thiên hạ, để cái danh hiệu "Lú" không được thường xuyên người dân sử dụng mỗi khi thấy ông mở miệng.
Đôi điều lo ngại
Khi nghe tin Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, nhiều người tỏ ra e ngại, dù nói ra hay không, nhưng những người dân Việt Nam có tự trọng và biết xấu hổ vẫn có những điều e ngại với chuyến đi này. Sở dĩ như vậy, là vì dù sao, ông ta cũng mang danh là người Việt Nam, lại còn tự xưng là một "Đại đầy tớ" của nhân dân. Mà cha ông ta đã dặn chẳng hay ho gì khi "Người dại để... thì người khôn xấu mặt".
Những e ngại của họ, bắt đầu từ những chuyến đi, những lời nói của ông Tiến sĩ xây dựng đảng này ở trong và ngoài nước thời gian qua. Không chỉ qua những chuyến đi của chính ông, mà cả những chuyến đi của đồng chí, đồng bọn của ông đến nước ngoài, cũng đã là những điều mà ông cần rút kinh nghiệm trong chuyến đi này.
Vốn tự cho mình cái quyền được "phán" nên nhiều khi ông chẳng phân biệt được trong hay ngoài nước, thần dân của mình hay quan khách ngoại giao... cứ vậy là ông vung tay chém gió để lại nhiều điều trong dư luận mà nhiều khi nghe, thấy thì là người Việt Nam, ai cũng thấy xấu hổ.
Chẳng hạn, cách đây 3 năm, khi trong nước mùa giáp hạt, người dân trong nước đang đói rã họng, ông mang theo 5.000 tấn gạo của dân sang cho Cuba để rồi ông phán về Chủ Nghĩa Xã hội. Thế rồi ở đó ông thả sức phóng miệng bạt mạng chẳng biết sờ gáy mình đã đành, nhưng cũng chẳng kiêng nể gì chủ nhà chút nào. Trong lúc Cuba đang đói xiêu vẹo và kinh tế thảm hại, ông phát biểu như thế này thì có như đấm vào mặt chủ nhà hay không: "Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Những tình huống "phát triển xấu", những nghịch lý "phản phát triển", từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn vào lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế".
Hoặc ông nói về Chủ nghĩa Tư bản, nhưng người nghe chẳng khác gì ông đang nói chuyện nhà mình, rằng: " Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội".
Những động tác "chém gió" của ông tại Cuba đã gây nên sự tai hại, Tổng Thống Brazil Dilma Rousseff đã phải không ngần ngại cấm cửa ông, không cho ông vào đất nước họ, dù đã có một quá trình sắp xếp công phu và tốn kém và nhất là sĩ diện của một đất nước. Không rõ, khi đó ông nghĩ gì, vì sau đó khi được Vatican chấp nhận ông đến thăm, ông tự hào rằng thì là: "Mình có thế nào thì người ta mới đón mình như thế".
Vậy nên, điều lo ngại rằng không biết ông có rút ra được "bài học kinh nghiệm" như cái đảng của ông vẫn thường xuyên "rút" ở Việt Nam, cho chuyến thăm nước Mỹ này của ông hay không?
Còn nhớ, khi đến Mỹ mới đây, Phạm Quang Nghị đã mang tặng ngài Thượng nghị sĩ J.McCain hai tấm hình chụp chiếc bia, ghi hình ảnh ông là phi công đang giơ tay đầu hàng. Quả thật, quà tặng nói lên tư cách của người tặng. Món quà này, chẳng khác gì một cái tát và một sự chế diễu, thể hiện sự thô lỗ thiếu văn hóa của người tặng.
Người ta lo ngại với tư duy và cái đà này, Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ tặng Obama tấm ảnh chụp những tấm Bia Căm thù đế quốc Mỹ gắn ở Nhà thờ Tam Tòa, hoặc hình ảnh chiếc trực thăng cuối cùng trên nóc nhà ĐSQ Mỹ tại Sài Gòn năm 1975 hay tấm hình những người lính Mỹ cuốn cờ về nước.
Cũng hy vọng rằng, ở Mỹ, Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhìn thấy phần nào cái cơ chế, thể chế "nhà nước pháp quyền" được vận hành ra sao mà không cần cái đuôi XHCN. Để rồi không phải đưa ra những lời biện bạch cho nạn tham nhũng, hối lộ dưới sự "lãnh đạo sáng suốt của ĐCSVN" rằng thì là: "Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ". Bởi những lời nói đó trước quan khách quốc tế, chẳng khác nào sự cổ vũ cho nạn hối lộ, tham nhũng thành không chỉ là quốc nạn, mà là quốc tế nạn.
Điều đáng lo ngại nữa, là khi ông Nguyễn Minh Triết sang Mỹ trước đây, phát biểu với báo chí nước ngoài một nẻo, về trong nước báo chí cắt xén thành đi một đàng. Nên lưu ý ông Trọng, thời này đã có internet, mà Internet thì người dân khắp nơi trên địa cầu đều có thể theo dõi và truy cập được từng động tác của ông, chứ không như thời rừng rú xưa kia muốn cắt là cắt, muốn xén là xén.
Một điều nữa, cần lưu ý ông Nguyễn Phú Trọng rằng, ở nước ngoài Mỹ, là đất nước đa nguyên, đa đảng, nếu theo quan điểm của ông thì đó là "suy thoái" thì cũng đừng nên lo "diễn biến nội bộ" của họ, mà trước hết hãy lo cho tư cách và vị thế của mình.
Và điều cuối cùng, xin ông dù có thất vọng, thì cũng không nên nói với Obama rằng: "Không biết đến cuối thế kỷ này, ở Việt Nam đã có Chủ nghĩa xã hội phát triển hay chưa" mà làm nản lòng ngay cả các thế lực thù địch.
Bởi, các thế lực thù địch" của đảng, đang mong ngày mong đêm, mong sao cho cái Chủ nghĩa xã hội kia càng sớm thành công, thì họ càng sớm nhìn thấy ngày tàn của Đảng Cộng sản.
Đó phải chăng cũng là ước mơ của cả đất nước, cả dân tộc.
Hà Nội, 7/7/2015, Ngày Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm Mỹ
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây