Song Chi.
Những ngày này, giữa cái nóng như đổ lửa của mùa hè xứ nhiệt đới, hàng triệu học sinh VN bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây cũng là lần đầu tiên, VN bỏ thi tuyển vào đại học và kết hợp thành kỳ thi “hai trong một”, các trường đại học sẽ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình các năm ở bậc trung học phổ thông của học sinh mà tuyển chọn sinh viên. Và tất nhiên, những trường đại học càng có tiếng, những ngành học càng được xã hội xem là ngon lành, có giá thì điểm tuyển càng cao.
Đó là điều đáng mừng của ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa VN khi đi theo cách mà đa số các nước trên thế giới (và ngay cả chế độ VNCH) đều thực hiện từ lâu, sau bao nhiêu năm tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển vào đại học vừa tốn kém tiền bạc, tiền thuế của nhân dân, vừa khiến học sinh mệt mỏi vì phải trải qua hai kỳ thi cách nhau không lâu.
Báo chí trong nước mấy ngày này đều có những bài viết đưa tin xung quanh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2015, cũng giống như trước kia, mỗi năm cứ đến kỳ thi tuyển vào đại học là chuyện thi cử lại tràn ngập các trang báo. Lướt qua rất nhiều bài báo, người đọc như cũng cảm nhận được không khí thi cử “nóng hầm hập” chẳng khác gì thời tiết 38, 40 độ C ngoài trời, cảm nhận được cái khổ của học sinh VN.
Thí sinh ở các thành phố lớn, nhà gần, khổ vì áp lực thi cử, vì thi vào mùa nóng, nhưng thí sinh từ các tỉnh lẻ, làng quê, vùng sâu vùng xa phải khăn gói lên các thành phố lớn dự thi, ăn ngủ trong nhà trọ, giá cả đắt đỏ, chỗ thuê chật hẹp, càng khổ gấp bội. Đến phút cuối các em vẫn còn miệt mài lo ôn lại bài vở “Sĩ tử khổ sở học thi trong cái nóng đến 40 độ” (VietnamNet), “Sĩ tử “giam” mình trong phòng trọ ôn bài” (VNExpress)…
Thí sinh cực khổ đã đành, các bậc phụ huynh cũng khổ. Báo chí đăng tải hình ảnh những ông bố bà mẹ từ dưới quê lặn lội đưa con lên thành phố thi, con vào địa điểm thi xong, bố mẹ ở bên ngoài đứng ngồi vạ vật giữa cái nóng, người thì mắc võng nằm đọc báo, người ngồi bó gối trên vỉa hè chuyện gẫu với phụ huynh khác, người ngủ gục tựa đầu vào xe máy…“Đưa con đi thi, phụ huynh chật vật tìm chỗ trốn cái nắng 40 độ”, (Pháp luật T.HCM), “Phụ huynh đưa con đi thi chui vào ống cống trốn nắng nóng” (VNExpress). Một bài báo viết, đến nỗi môt số các em khi chứng kiến cảnh cha mẹ ngồi chờ mệt mỏi dưới nắng, đã phải “đuổi” ba mẹ về “Nghịch lý sĩ tử đi thi đuổi bố mẹ về nhà” (VietnamNet).
Từ lâu, chuyện học hành thi cử không chỉ là nỗi lo âu đến ám ảnh của các em học sinh, mà cả của gia đình. Trong gia đình có một đứa con đi thi, cả nhà cùng lo lắng, hỗ trợ “Con thi lo một, cha mẹ lo mười” (Tuổi Trẻ), “Thí sinh được bà và mẹ hộ tống đi thi” (Thanh Niên)…
Và rồi, dưới áp lực thi cử, tâm trạng căng thẳng nhiều ngày cộng với việc lo học ôn quá sức, thời tiết quá nóng hoặc do thể trạng yếu, có mầm bệnh sẵn, đã khiến một số em đổ bệnh ngay trong ngày thi “Đang làm bài thi môn văn, thí sinh nữ ngất xỉu” (Người Lao Động), “Nộp bài thi xong, thí sinh bất ngờ ngất xỉu” (Người Lao Động), “Xe cấp cứu đưa thí sinh mổ ruột thừa đến trường thi” (Tuổi Trẻ)…
Không chỉ nhiều em bị bệnh, mà cả phụ huynh cũng bị bệnh hoặc bị tai nạn trong những ngày đưa con đi thi “Một phụ huynh tử vong do đột quỵ khi đưa con đi thi” (VietnamNet), “Đưa con đi thi, cha rơi từ tầng hai nhập viện” (Người Lao Động) và em nữ sinh này sau khi đưa cha đến bệnh viện cấp cứu, đã phải cố gắng lấy lại tinh thần để tiếp tục tham dự kỳ thi.
Thí sinh và các bậc phụ huynh lo âu khổ sở, xã hội như cũng bấn theo những kỳ thi. Năm nào báo chí cũng đều đưa tin về những đội quân tình nguyện giúp đỡ các thí sinh và gia đình từ quê ra tỉnh thi, nhiều người dân thành phố thì nấu cơm đem phát miễn phí trước các cổng trường cho thí sinh, hoặc cho các em ở xa về nhà trọ không lấy tiền…Năm nay cũng vậy. Một loạt bài trên báo Thanh Niên: “Thanh niên tình nguyện đội nắng 40 độ C tiếp sức mùa thi”, “Khắp nơi tiếp sức mùa thi”, “Ở nơi 5 năm được dân làng tiếp sức mùa thi”, “ Thanh Hóa huy động 5.000 thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi”…, “Lực lượng tiếp sức mùa thi giăng mình làm “dải phân cách” (Pháp luật TP.HCM) v.v…
Bên cạnh việc khai thác những câu chuyện cảm động về các bậc cha mẹ sát cánh bên con cái trong mùa thi, những hoàn cảnh khó khăn chật vật vẫn cố gắng cho con ăn học, đi thi, như câu chuyện người cha làm nghề đánh giày, vừa đưa con đi thi vừa tranh thủ mời mọi người xung quanh đánh giày để không bị mất thu nhập một ngày “Chuyện đưa con đi thi của người cha 20 năm đánh giày” (VietnamNet)…Là những câu chuyện cũng cảm động không kém về tình người khi chung tay tiếp sức mùa thi…
Nhưng sau khi đọc xong tất cả những tin tức, câu chuyện về mùa thi cử quan trọng này-trước đây là kỳ thi tuyển vào đại học, năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT “hai trong một”, lòng bỗng thấy băn khoăn. Sao những kỳ thi như vậy ở VN nó quan trọng quá, khổ sở quá từ các em học sinh, gia đình cho đến xã hội. Đó là chưa nói đến quá trình ít nhất là cả năm học miệt mài trước đó để chuẩn bị cho kỳ thi.
Trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu hay Hoa Kỳ, chuyện thi tốt nghiệp THPT có vẻ nhẹ nhàng hơn nhiều. Ở Na Uy, quốc gia Bắc Âu mà tôi đang sống cũng vậy. Không phải ở các nước này chuyện thi cử không quan trọng. Từ lâu, nhiều quốc gia ở châu Âu hay Hoa Kỳ đã áp dụng một kỳ thi duy nhất vừa tốt nghiệp THPT vừa lấy đó là cơ sở để các trường đại học tuyển chọn sinh viên, nên các em cũng phải cố gắng hết sức, và chương trình học ở các nước thì cũng chẳng hề nhẹ nhàng gì. Nhưng vẫn có rất nhiều điều khác biệt khiến cho việc thi cử ở VN trở nên nặng nề, khổ sở hơn.
Ở các nước phương Tây, khi đã học đến bậc cuối trung học, hầu hết các em đều tự đi thi một mình, hiếm khi thấy bố mẹ, ông bà cùng kéo nhau đi kèm rồi ngồi chờ vạ vật bên ngoài trong thời gian con cháu thi như ở VN. Cũng không có chuyện các thí sinh thuộc nhiều nơi khác nhau phải tập trung tại một số địa điểm thi đại học, chủ yếu ở các thành phố lớn, khiến những gia đình ở vùng quê phải lặn lội lên thành phố thi. Tất cả các thành phố, các trường, dù lớn dù nhỏ, đều tổ chức thi cùng ngày, và có những đợt cho thi lại, giúp cho các thí sinh gặp những sự cố ngoài ý muốn như bị ngất xỉu, bệnh, cấp cứu…và muôn vàn lý do khác, có thể thi lại, chứ không phải vừa mổ ruột thừa xong cả xe cứu thương, và y bác sĩ phải đi kèm thí sinh đến trường thi như câu chuyện ở VN.
Ở VN, các em dù đã học hết lớp 12, thậm chí rất nhiều trường hợp đã học xong đại học, ra đi làm, đã xấp xỉ 30, nhưng gia đình cha mẹ vẫn lo hết từ A đến Z như còn bé lắm, nên không lạ gì chuyện một đứa con đi thi trở thành nỗi lo chung của cả gia đình.
Thứ hai là quan điểm, cái nhìn của xã hội. Xã hội VN là một xã hội coi nặng bằng cấp, và muốn có bằng cấp thì phải vào đại học từ đó học lên Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ…Vào được đại học gần như trở thành mục tiêu duy nhất trong đời của rất nhiều học sinh và gia đình.
Đã từng có rất nhiều câu chuyện về những ông bố bà mẹ nghèo, làm lụng vất vả, chắt bóp từng xu đề nuôi con ăn học, mong cho con vào được đại học, thành ông này bà kia. Cha mẹ càng nghèo khổ, càng ít học thì càng khao khát cho con học để thoát khỏi cái nghèo, hơn được đời ông bà cha mẹ nó. Chuyện học hành, điểm số, thi cử vì vậy trở thành một áp lực cho bản thân các em học sinh, các em không chỉ học cho mình mà còn phải học thay cho bố mẹ, thực hiện thay bố mẹ những mơ ước mà cả đời họ không làm được. Với những em nhà nghèo, sự hy sinh của bố mẹ nhiều khi lại càng trở thành một gánh nặng, dù cha mẹ không nói nhưng các em luôn nghĩ phải làm gì đó để đáp lại, tức là phải học giỏi, phải đỗ đạt vào những trường đại học danh giá.
Cho đến bây giờ hệ thống giáo dục của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN đã bớt đi một phần nào áp lực cho học sinh và các bậc phụ huynh khi bỏ dần những kỳ thi vào cấp hai, thi từ cấp hai lên cấp ba và thi tuyển vào đại học, nhưng cái nhìn, quan điểm của xã hội vê việc coi trọng bằng cấp vẫn thế. Nên các em gần như không có quyền rớt. Có những em học sinh vì bị áp lực từ cha mẹ, trường lớp mà học sa sút rồi bị trầm cảm, thậm chí tự tử khi bị điểm kém, bị thầy cô la, cha mẹ mắng, bị thua sút bạn bè…
Trong một xã hội mà ai cũng muốn làm kỹ sư, bác sĩ, luật sư, doanh nhân…, hơn là những công việc bình thường như công nhân, hộ lý trong bệnh viện, người phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, tài xế…, ai cũng muốn làm “thầy”, không ai muốn làm “thợ”. Hệ quả là các trường đại học công lẫn bán công, trường tư, năm nào cũng đào tạo ra cả đống Cử nhân, Thạc sĩ đủ các ngành nhưng không tìm được việc làm, vì được dạy theo kiểu “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, cuối cùng thất nghiệp lại phải đi làm đủ thứ việc lao động bình thường, vừa bỏ phí mấy năm học tốn tiền của cha mẹ, chẳng thà ngay từ đầu học làm thợ. Nhưng như đã nói do quan điểm, sự đánh giá của xã hội nên tỷ lệ chọn học nghề ngay từ đầu rất ít.
Một lý do rất quan trọng nữa là hệ thống trường dạy nghề ở VN không có danh tiếng và sự thu hút về môi trường học tập, chất lượng đào tạo…đối với học sinh. Các em và gia đình vẫn cứ muốn vào đại học, dù là đại học công hay tư, đại học có tiếng hay không có tiếng, vẫn cứ muốn ít nhất là Cử nhân rồi sau đó thất nghiệp còn hơn là đi làm công nhân, làm những công việc lao động khác. Trong xã hội do vậy có sự chênh lệch, thợ giỏi trong mọi lĩnh vực lúc nào cũng thiếu, Cử nhân, Thạc sĩ dở thì đầy mà lại không làm được việc của thợ nên không nhận được.
Hệ thống giáo dục ở VN phải thay đổi từ trong gốc rễ. Nhà nước và cả ngành giáo dục phải làm sao thay đổi được từ cái nhìn, quan điểm của xã hội về việc học hành, thi cử, bằng cấp. Với ngành giáo dục là xây dựng một triết lý giáo dục-học không chỉ để có bằng, không phải chỉ để ra làm “thầy”, làm quan; với nhà nước là hàng loạt những chính sách, biện pháp nhằm rút ngắn khoảng cách về thu nhập, điều kiện làm việc giữa các ngành nghề, thay đổi mức ưu đãi, lương bổng…cho các ngành lao động không có bằng cấp cao để đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất, là mục tiêu duy nhất của việc học. Khi đó các em và gia đình sẽ đi thi với tâm trạng nhẹ nhàng hơn.
Việc thi cử cũng nên tính lại làm thế nào các trường từ thành phố lớn, nhỏ, vùng nông thôn đều tổ chức thi để các em không phải gồng gánh đi thi xa nhà, tổ chức ít nhất hai đợt thi-một kỳ thi lại cho các em không bị nhỡ mất một năm v.v…
Làm sao để học hành thi cử không trở thành gánh nặng đòi hỏi sự hy sinh phần lớn thời gian sống, thời gian chơi suốt 12 năm học của các em học sinh như lâu nay và sự hy sinh cũng không kém hơn, của các bậc cha mẹ.
Bài bình luận gần đây