You are here

WE ARE ONE – nhanquyen2015.net

Ảnh của nguyenvubinh

“Chiến dịch Nhân quyền 2015” chính thức được phát động ngày 10.3.2015 bởi 27 hội nhóm xã hội dân sự độc lập và 163 cá nhân trong và ngoài nước chủ xướng. Với tinh thần Chúng ta là một- We Are One, đặt quyền lợi và sự tồn vong của Tổ quốc Việt Nam lên trên hết, tính đến nay, đã có hàng chục ngàn người ký tên vào “Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc” cũng như ủng hộ và tham gia cuộc vận động Nhân quyền 2015. Chiến dịch Nhân quyền 2015 có bốn bước, với các nội dung cụ thể cho từng bước một.

 

Một trong những mục tiêu của chiến dịch này là đề nghị Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, các cơ chế nhân quyền Quốc tế cần tái cứu xét tư cách thành viên của Việt Nam, có phản ứng mạnh mẽ hơn với các biện pháp chế tài cụ thể đối với nhà cầm quyền Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng.

 

Để làm được việc đó, người Việt Nam trong và ngoài nước đồng lòng cùng ký tên vào "Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các Cơ chế Nhân quyền Quốc Tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và chiến dịch Vận Động Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015 cho Việt Nam". Mục tiêu nhắm đến là 100.000 chữ ký, từ khi khởi xướng cho đến ngày 10/12/2015. Trang web để ký tên tham gia chiến dịch là: nhanquyen2015.net

Những người chủ trương chiến dịch và đồng bào biết rõ những giới hạn của Liên Hiệp Quốc trong khả năng kiểm soát và chế tài các thành viên về những vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bước đầu tiên của chiến dịch này là nhằm mở rộng lãnh vực hoạt động đến với quốc tế, buộc họ trở thành một thành phần trong tiến trình tranh đấu của người Việt Nam. Những đối tác này bao gồm Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên đã có những khuyến nghị UPR đối với nhà nước Việt Nam. Đồng minh của chúng ta là những tổ chức, cơ quan Quốc tế Nhân quyền. Hành động ký tên cũng là bước đầu tiên để huy động được sự tham gia của cá nhân, tạo được SỐ ĐÔNG làm nền tảng cho một chiến dịch tranh đấu lâu dài từ trong ra ngoài nước đến cộng đồng quốc tế.

Bước thứ hai của cuộc vận động, tất cả những người ủng hộ chiến dịch sẽ cùng tổ chức một cuộc tuyệt thực, thắp nến, và nhiều hình thức tranh đấu khác nhau, để tranh đấu cho những người đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã bị bắt giam. Điển hình trong số những tù nhân lương tâm là bà Tạ Phong Tần, ông Việt Khang tức Võ Minh Trí, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Vũ Anh Bình, bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, ông Nguyễn Văn Minh, ông Đinh Nguyên Kha, ông Nguyễn Văn Lía, bà Nguyễn Minh Thuý, ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Đoàn Huy Chương, Linh mục Nguyễn Văn Lý, cô Hồ Thị Bích Khương, bà Cấn Thị Thêu, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, ông Đặng Xuân Diệu, Luật sư Lê Quốc Quân, ông Nguyễn Hữu Vinh, ông Ngô Hào, bà Lê Thị Phương Anh, ông Phạm Minh Vũ, ông Đỗ Nam Trung, bà Mai Thị Dung, bà Nguyễn Thị Bé Hai, ông Hồ Đức Hòa, ông Nguyễn Đình Ngọc...

Tất cả cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia, cùng nhau đồng loạt tổ chức những cuộc tọa kháng, tuyệt thực, thắp nến trong cùng một khoảng thời gian tại những thành phố ở Việt Nam và những thành phố lớn trên thế giới để tranh đấu cho tự do của những công dân yêu nước đang bị cầm tù; yêu cầu các quốc gia thành viên và HĐNQ-LHQ lượng giá kết quả của việc đáp ứng những cam kết của nước thành viên Việt Nam đối với những khuyến nghị UPR (kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền), có những biện pháp thích ứng cho những vi phạm và đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải hủy bỏ những Điều 79, 88, và 258 là những điều luật vi phạm Hiến pháp do chính đảng CSVN dựng ra và những Công ước Quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Bước thứ ba của chiến dịch, những cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước tự thành lập những ủy ban, phái đoàn để thực hiện những buổi gặp gỡ với các Đại sứ quán tại Việt Nam, văn phòng HĐNQ-LHQ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các dân biểu, nghị sĩ tại các quốc gia đang định cư và các tổ chức Nhân quyền quốc tế để tranh đấu cho những Tù nhân Lương tâm đang bị giam cầm, đặt việc trả tự do cho các Tù nhân Lương tâm Việt Nam như là những điều kiện tiên quyết trong bang giao chính trị và các hợp tác kinh tế với Việt Nam.

Trong tinh thần tất cả chúng ta là một, không phân biệt tổ chức, đảng phái và đặt quyền lợi và sự tồn vong của Tổ quốc lên trên hết, cần có sự chủ động và tự phát tranh đấu của nhiều cá nhân, nhóm, hội, tổ chức cho mục tiêu chung và xem đây là những đóng góp vào một nỗ lực kết hợp. Làm thế nào để trong bước này chúng ta có những cuộc tiếp xúc từ Sài Gòn đến Hà Nội, từ Bangkok đến Washington DC, từ Paris đến Geneva và hình ảnh sau cùng mà chúng ta muốn có là một cuộc vận động rộng lớn vì Tự do - Dân chủ - Nhân quyền của người Việt Nam.

Bước cuối cùng của chiến dịch, tất cả những người tham gia sẽ có một ngày mặc áo trắng xuống đường - từ trong ra ngoài nước - với những khẩu hiệu về Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và Toàn vẹn Lãnh thổ.

Ngày đó sẽ là ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12, năm 2015, là cao điểm của Chiến dịch Tranh đấu cho Tự do - Dân chủ - Nhân quyền 2015. Đó là ngày đánh dấu cho một cuộc tranh đấu của người Việt Nam không phân biệt ở trong hay ngoài nước, không phân biệt cá nhân độc lập hay thành viên của tổ chức, đảng phái nào. Đó là ngày mà hình ảnh của những người Việt Nam từ Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Hà Nội... đến Paris, London, Oslo, Berlin, Sydney, Melbourne, Washington DC, New York, Los Angeles, San Francisco, San Jose, Houston, Dallas, Ottawa, Toronto... khắp nơi đều đồng lòng cùng nhau, tạm rời khỏi bàn phím của máy vi tính - bằng hành động trên đường phố - bày tỏ khát vọng và ý chí tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Độc Lập của đất nước…

Có thể nói, “Chiến dịch Nhân Quyền 2015” là một chiến dịch đấu tranh quy mô nhất từ trước tới nay của phong trào dân chủ Việt Nam, từ Nam tới Bắc, từ trong đến ngoài nước và trên khắp thế giới. Các hình thức đấu tranh đa dạng, phong phú, kết hợp hầu như tất cả các hình thức đấu tranh từ trước tới nay của phong trào dân chủ Việt Nam. Đó là việc ký tên tập thể tham gia phong trào, việc vận động quốc tế trên nhiều phương diện: vận động quốc tế can thiệp trả tự do cho tù nhân lương tâm, vận động quốc tế hủy bỏ các điều luật vi phạm nhân quyền, vận động quốc tế xem xét lại tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc… Đó là việc các cá nhân tham gia vừa tuyệt thực ủng hộ, đấu tranh cho người tù nhân lương tâm, vừa xuống đường để ủng hộ tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Những người tham gia chiến dịch, vừa với tư cách cá nhân, lại với tư cách các tổ chức xã hội dân sự…Chiến dịch Nhân quyền 2015, với tinh thần tất cả chúng ta là một, đã huy động sức mạnh đấu tranh của tất cả các cá nhân, vừa đề cao tinh thần tập thể trong các hoạt động đấu tranh chung, vừa khuyến khích sự chủ động, tính sáng tạo trong các hoạt động đấu tranh cá nhân.

Chúng ta thật vui mừng khi phong trào dân chủ đã phát triển, và trưởng thành vượt bậc thông qua nhiều hoạt động chung, nhiều chiến dịch của các cá nhân, hội đoàn, các tổ chức xã hội dân sự. Nhưng chúng ta đặc biệt hãnh diện và tự hào khi phong trào dân chủ Việt Nam làm được một chiến dịch rộng lớn, với rất nhiều nội dung ý nghĩa, trải trên phạm vi rộng khắp Việt Nam và khắp toàn cầu, với một thời gian kéo dài thông qua tất cả các hình thức, phương thức đấu tranh. Không có lý do gì, để những người Việt Nam, thao thức trăn trở với vận mệnh dân tộc, và những người có cảm tình với phong trào dân chủ không tham gia vào Chiến dịch Nhân Quyền 2015, một chiến dịch vĩ đại và rộng lớn nhất của phong trào dân chủ Việt nam từ trước tới nay./.

Hà Nội, ngày 27/6/2015

N.V.B