Quan hệ giữa Trung quốc và Myanmar trước đây vốn là một mối quan hệ truyền thống, song đến nay đã ngày càng xấu đi rõ rệt. Điều đó xảy ra kể từ khi chính quyền quân sự Myanmar tiến hành cải cách chính trị và có nhiều biểu hiện thân phương Tây hơn. Chính vì thế, chuyến thăm TQ trong 05 ngày (từ 10-14/6/2015) của bà Aung San Suu Kyi được giới quan sát hết sức quan tâm và theo dõi.
Đây là chuyến thăm chính thức của một lãnh tụ đối lập, lâu nay vốn ủng hộ các tiêu chí tự do dân chủ của phương Tây đến thăm Trung quốc một cường quốc cộng sản. Chính vì vậy dư luận cho rằng đây là một chuyện hết sức tế nhị và sẽ có nhiều điểm nảy sinh trong chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi. Được biết, bà Aung San Suu Kyi đến Bắc kinh để gặp và thảo luận với các lãnh tụ Trung quốc, là Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tuy vậy, chuyến thăm này của bà Aung San Suu Kyi, chỉ là chuyến thăm với quan hệ giữa hai đảng, theo lời mời của đảng CSTQ.
Các nhà phân tích và bình luận chính trị quốc tế hầu hết cho rằng, trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm nay ở Myanmar sẽ diễn ra vào tháng 11/2015, cơ hội thắng cử của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo là rất cao. Chính vì thế, chuyến thăm Trung quốc của bà Aung San Suu Kyi sẽ giúp cho việc nâng vai trò của Trung quốc ở Myanmar trong thời gian này. Đồng thời đây cũng là dấu hiệu cho thấy rằng, Trung quốc đang muốn thông qua chuyến thăm Trung quốc của bà Aung San Suu Kyi để gửi một thông điệp tới chính quyền Myanmar rằng, cần phải duy trì một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung quốc. Trong bối cảnh chính quyền Myanmar tỏ ra có những quan hệ chặt chẽ hơn với EU và Hoa kỳ, kể từ khi khi Myanmar tiến hành cải cách chính trị và chấp nhận việc bầu cử bổ xung dành chỗ cho phe đối lập trong Quốc hội.
Ngoài ra, việc quyết định tới thăm Trung quốc của bà Aung San Suu Kyi lần này còn nhằm chứng tỏ cho thấy rằng, bà Aung San Suu Kyi dẫu có tư tưởng thân phương Tây như đã thấy từ trước đến nay, song bà ta cũng sẵn sàng bắt tay với tất cả mọi phía. Không những thế, việc bày tỏ lập trường một cách cụ thể như vậy còn nhằm chứng tỏ cho toàn thế giới thấy rằng bà Aung San Suu Kyi đã sẵn sàng trở thành một nhân vật quan trọng của chính trường Myanmar trong những năm tiếp theo đây, dù rằng bà không đủ điều kiện để trở thành Tổng thống trong dịp bấu cử Quốc hội Myanmar sẽ diễn ra vào tháng11/ 2015.
Tuy vậy, lịch trình làm việc cũng như nội dung của việc đàm phán của chuyến thăm 05 ngày của bà Aung San Suu Kyi tại Trung quốc vẫn được giữ kín và không được tiết lộ. Tuy vậy, theo báo chí Trung quốc trong những ngày này nhận định cho rằng, bà Aung San Suu Kyi sẽ trở thành người bạn thân thiết của TQ trong một tương lai không xa.
Trong chuyến thăm Trung quốc của bà Aung San Suu Kyi, có hai vấn đề rất nhậy cảm, tế nhị mà các nhà bình luận chính trị của Myanmar cũng như quốc tế trông đợi và thấy rằng, nếu như bà Aung San Suu Kyi xử lý không khéo những vấn đề này thì nó sẽ trở thành vấn đề mà bà Aung San Suu Kyi sẽ không tránh khỏi việc bị công kích mạnh mẽ từ trong nước sau chuyến thăm này. Đó là:
Tái khởi công đập thủy điện Myitsone?
Việc tái khởi công đập thủy điện Myitsone, một đập thủy điện khổng lồ ở bang Kaschin giáp với biên giới TQ về phía Đông bắc của Myanmar. Đây là một đập thủy điện với công suất 6.000 MW, chắn ngang dòng sông Irrawaddy theo hiệp định hợp tác giữa Myanmar và TQ vào tháng 4/2005. Đây là giai đoạn mà quan hệ ngoại giao giữa Myanmar và Trung Quốc hết sức mặn nồng, khi ấy Myanmar vẫn là một quốc gia theo chủ nghĩa độc tài quân phiệt hà khắc, chỉ dựa vào một đồng minh lớn là Trung Quốc. Trong lúc châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế trên Miến Điện, để phản đối việc tập đoàn quân sự giam giữ bà Aung San Suu Kyi.
Đập Myitsone đã được khởi công xây dựng từ tháng 11/2009 và dự kiến sẽ hoàn tất năm 2017. Đến lúc hoàn thành, nhà máy thủy điện Myitsone có thể sản sinh một nguồn điện lên đến 29.400 KWH/năm. Đập thủy điện Myitsone được xem là đập nước lớn thứ 15 trên thế giới. Chi phí xây dựng cho dự án này tương đương 3,6 tỷ USD. Đập Myitsone là một trong bảy đập thủy điện trên đầu nguồn sông Irrawaddy với tổng công suất điện năng lên đến 13.360 MW. Toàn bộ chi phí xây dựng chuỗi đập nước này đều do Trung Quốc đầu tư, với tổng kinh phí ước tính lên đến 20 tỷ USD. Và việc cai quản nhà máy thủy điện Myitsone sẽ được giao lại toàn bộ cho chính quyền Myanmar sau 50 năm nhưng sẽ do người Trung Quốc quản lý và vận hành.
Theo kế hoạch, khi đập thủy điện Myitsone được hoàn thành, thì toàn bộ sản lượng điện sản xuất tại đây sẽ được bán sang TQ. Tuy vậy việc xây dựng nhà máy thủy điện khổng lồ này đã vấp phải sự phản đối của đông đảo dân chúng và các nhà hoạt động về môi trường. Do vậy công trình này đã buộc phải ngừng lại và bà Aung San Suu Kyi là người trước đây đã công khai ủng hộ việc yêu cầu dừng xây dựng công trình này một cách rất tích cực. Cuối cùng kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện này đã phải hủy bỏ trước sự chống đối tích cực này và ngày 30/9/2011, phát biểu trước Quốc hội Myanmar, tổng thống Thein Sein tuyên bố đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện vì những lý do nguy cơ môi trường và xã hội cho tới hết nhiệm kỳ tổng thống của ông vào cuối năm 2015.
Cho dù vậy, từ đó đến nay chính quyền TQ đã nhiều lần và bằng mọi cách cố gắng thuyết phục phía Myanmar khởi động lại công trình bị bỏ dở này. Chính vì thế, một trong những vấn đề được dư luận đã chú ý và theo dõi là thái độ của bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm TQ lần này sẽ có quan điểm như thế nào trong vấn đề này. Điều mà trước đây bà Aung San Suu Kyi đã nhiều lần tích cực phản đối.
Vậy bà Aung San Suu Kyi sẽ phải có một thái độ như thế nào để có thể đáp ứng các đòi hỏi từ phía Trung quốc mà vẫn giữ nguyên lập trường của mình về vấn đề đập thủy điện Myitsone? Hay phía Trung quốc sẽ tìm cách tạo áp lực để buộc bà Aung San Suu Kyi phải thay đổi, cho dù điều đó hoàn toàn không dễ dàng?
Lên tiếng đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba?
Một vấn đề mà bà Aung San Suu Kyi phải đối mặt và hết sức khó xử, đó là trước những đòi hỏi của các nhóm bảo vệ Nhân quyền đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi phải lên tiếng đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba một nhân vật bất đồng chính kiến ở Trung quốc. Được biết, ông Lưu Hiểu Ba người đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 vì thành tích "đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc" trong thời gian bị cầm tù. Ông Lưu Hiểu Ba là một học giả, một nhân vật bất đồng chính kiến đồng thời là nhà đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền của TQ, ông là người viết bản Hiến chương 08 nhằm đòi hỏi chính quyền TQ phải tiến hành cải cách chính trị và cũng chính vì điều mà ông Lưu Hiểu Ba đã bị nhà nước TQ khép vào tội kích động và xúi dục chống phá nhà nước. Hiện nay ông Lưu Hiểu Ba đang bị chính quyền Bắc kinh cầm tù với bản án 11 năm tù.
Chính vì thế, bà Aung San Suu Kyi với tư cách là một người cũng từng được nhận giải Nobel Hòa bình (năm 1991) sẽ phải có thái độ và sự bày tỏ như thế nào về vấn đề của ông Lưu Hiểu Ba, một nhân vật có đồng chí hướng và cũng từng được nhận giải Nobel Hòa bình như bà là một việc bắt buộc phải làm nhưng không dễ nói ra vào thời điểm này. Nhất là vào thời điểm chuyến thăm Trung quốc của bà Aung San Suu Kyi, mà giới quan sát đánh giá rằng, ý đồ của Bắc Kinh là muốn dùng bà Aung San Suu Kyi để "dằn mặt" chính quyền Myanmar hiện nay, trong bối cảnh nước này đang cố gắng thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Chắc chắn, ở cương vị một thủ lĩnh đối lập thì bà Aung San Suu Kyi khó có thể thoái thác hành động này của mình. Tuy nhiên, với cương vị là một chính khách đang ở thăm Trung quốc, một quốc gia toàn trị theo kiểu cộng sản, thì việc đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, một người được coi là biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ ở Trung quốc, giữa lúc chính quyền Trung quốc luôn có chủ trương sẽ dập tắt bất kỳ nguyện vọng đòi hỏi tự do dân chủ ở trong nước. Điều đó cho thấy, đòi hỏi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba của bà Aung San Suu Kyi cũng không dễ dàng như người ta nghĩ, trong lúc còn bao nhiêu toan tính đang chờ bà Aung San Suu Kyi ở phía trước.
Người ta thường nói rằng, "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn". Do vây bà Aung San Suu Kyi, một lãnh tụ đối lập xuất sắc của Myanmar, đồng thời là một người theo đuổi những giá trị tiến bộ của tự do dân chủ chắc chắn sẽ có những quyết định đúng đắn nhất cho hai vấn đề nói trên.
Ngày 12 tháng 06 năm 2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây