You are here

Lấn biển hay lấn đất dân?

Dự án mà chính phủ cho phép chính quyền Kiên Giang lấn ra biển trên diện tích 420 hecta để mở rộng đất sinh sống cho cư dân địa phương, nhất là giúp những hộ nghèo có đất cư trú, hẳn là điều tốt đẹp trên lý thuyết. Nhưng dự án ấy đã gây phản ứng đáng kể cùng nhiều nỗi uất ức của cư dân ở Phường An Hòa và Phường Vĩnh Bảo thuộc TP Rạch Giá trong 12 năm nay, khi công trình “lấn biển” trở thành lấn ngược vô đất canh tác và sinh sống lâu năm của người dân.

Hành động của giới cầm quyền Kiên Giang gây phẫn nộ người dân địa phương, như một cư dân nhận xét:

“Đảng và Nhà nước chủ trương lấn biển mở rộng đô thị Rạch Giá thì chủ trương đó bị tỉnh Kiên Giang và Ban Quản lý Dự án Lấn biển lợi dụng lấn thêm 45 hecta đất của dân. Mục đích của họ là nhằm bồi thường giá rẻ, rẻ hơn kinh phí bỏ ra để lấn biển. Họ dùng từ là “chỉnh trang đô thị” và lợi dụng việc lấn biển để lấy đất của dân. Hiện nay chúng tôi đang thưa kiện việc chính quyền tỉnh Kiên Giang hỗ trợ, bao che cho Ban Quản lý Dự án Lấn biển lấy đất của dân nhằm thường với giá rẻ mạt trong khi không ra quy định thu hồi đất. Vụ này 12 năm rồi, hiện là 2010, họ tính giá đất năm 1998 với giá là 13.200 đồng.

Khi chúng tôi thưa lên chính phủ thì chính phủ chỉ đạo xuống, yêu cầu Kiên Giang giải quyết dứt điểm, giải quyết tính theo giá vàng trượt giá, tiền mất giá và tính lãi cho chúng tôi. Nhưng lấy giá mốc cơ sở ban đầu tính tiền trượt giá và mất giá cũng bằng nghĩa với đồng tiền Việt Nam mất giá hiện nay là 12 năm. Có nghĩa là hồi đó anh giao miếng đất này và mua được 1 lượng vàng thì ngày hôm nay anh cũng chỉ mua được 1 lượng vàng thôi. Còn nhà đầu tư lấy đất, họ bán với giá hiện hành là từ 2 triệu tới 6 triệu đồng/1 m2.”