You are here

Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương

Tản mạn
bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp

Vừa qua, Nguyễn nhận được một tập ảnh tài liệu văn học do bạn Đinh Cường từ miền Đông nước Mỹ gởi tới, trong đó có một tấm chụp thầy Tuệ Sỹ ngồi đàn dương cầm, bên cạnh là Đinh Cường và Dương Nghiễm Mậu đứng lặng nghe. Nguyễn rất thích bức ảnh này, nó gợi Nguyễn nhớ tới một truyện ngắn của Tuệ Sỹ viết đã lâu, trong đó tiếng dương cầm thoảng bay trong mùi tóc ngọc lan. Ngoài ra, tấm ảnh cũng nhắc nghĩ tới một tác phẩm dịch thơ của Tuệ Sỹ do nhà xuất bản Phương Đông trong nước ấn hành, có tựa đề Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm -Refrains Pour Piano, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa.

Nguyễn từ lâu nay vốn yêu mến và kính trọng thầy Tuệ Sỹ -trước hết vì đạo hạnh cao vời của thầy và bao phủ lên tất cả là những dòng thơ uyên áo, sâu thẳm, âm vang vào tận hồn nguười và gỗ đá. Đặng Tiến nhận xét “thơ ông (Tuệ Sỹ) xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối nọ chưa tan…” Thơ Tuệ Sỹ cô đúc, hàm súc, uyên áo… Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.”

Đúng là vậy. Trở lại với tựa đề của bài tản mạn này: Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương. Câu thơ cực hay của thầy Tuệ Sỹ ám ảnh tâm trí Nguyễn nhiều năm nay. Lẽ ra phải trích cả hai câu liền mới diễn tả rõ thân thế của thầy:
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương
Khốc liệt mà đẹp biết bao. Sau 1975, biết bao tu sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ ở lại và bị vùi dập trong bàn tay sắt máu của Đảng và nhà nước Cộng Sản. Và thầy Tuệ Sỹ đã một lần đối diện với bản án tử hình dành cho thầy. Rồi bao nhiêu là bức bách, vây khổn, đọa đày, thầy vẫn đứng vững như cọng lau gầy bên đồi gió. Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tá dương, đúng là hình ảnh của thầy sau cơn cát bụi phủ vùi. Cứ nhìn vào bức ảnh thầy chụp chung với Nguyễn Đức Sơn do Đinh Cường gởi tới là thấy rõ.
Thầy đi tu từ nhỏ và đã đến được chỗ an nhiên như núi đá dựng. Xin đọc bài Tự Thuật của thầy, qua bản dịch của Nhất Uyên:
Ba mươi năm trước học khổ không
Kinh điển đôi chồng che cửa song
Xuân xanh không đoái, xuân già cỗi
Trúc biếc tà bay, ngát mộng lòng
Thấm thoát mi dài buông án cũ
La đà tóc bạc nửa tàn phong
Một sớm hụt chân rơi vách núi
Mới thấy chơn không đối tịch hồng

Đúng như Đặng Tiến nói, “Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.” Từ vách núi đá dựng ấy, nhìn lại thuở tóc còn xanh ở khung trời cũ, chợt thấy, chao ôi, "áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang", để rồi bây giờ trong u tĩnh, "thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn". Và hơn thế nữa, sau gần ba mươi năm đọa đày trong chốn bụi đỏ, thân thế hiện thời bao siết nổi nênh, "ngược xuôi nhớ nửa cung đàn / ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về”. Và rồi, một lần nữa nhìn lại thanh xuân, thấy nổi bật lên hình ảnh thật đẹp và nhiều ý nghĩa của một đời người vừa qua: "Ta đi trong cõi vĩnh hằng / nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa".

Xin đọc thêm một khúc thơ cũng chứa đựng những hình ảnh lung linh xa thẳm, nhưng nhìn kỹ vào đó sẽ hiểu được những trầm tích đau thương của con người trong lịch sử:
Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.
Bản dịch của Đặng Tiến càng khiến ta thâm cảm hơn vẻ đẹp của thơ Tuệ Sỹ:
Sur les tombes antiques
La pluie du soir se confond en larmes
Des mythes illusoires
En ruine esseulés,
La bruine givre
Les épaules meurtries de laurier
Serrant la statue
J’aime ô que j’aime les espaces innocents

Giữa dòng những biến chuyển khốc liệt của mấy chục năm qua, ta càng thấy rõ hình ảnh cọng lau gầy trước gió. Thầy Tuệ Sỹ trong thân thể hao gầy của một thiền sư đã cưu mang một trái tim vô úy. Rõ ràng bão tố không làm thầy sợ hãi. Trong muôn trùng vây bủa, thầy luôn luôn dõng dạc cất tiếng. Những thông điệp rắn rỏi mà hàm chứa yêu thương của thầy không ngớt gởi đi, bất chấp và thách thức bạo lực. Còn nhớ, dạo nào trong những lời nhắn gởi tăng sinh ở Huế xuất phát từ trái tim hồng, thầy Tuệ Sỹ đã nhận diện lại đời mình và bày tỏ tâm nguyện đi cùng với lớp trẻ hướng về tương lai của đất nước và đạo Phật: "Thế hệ của thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Ch ỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người. Rồi lại vào tù, ra khám, lênh đênh theo vận nước thăng trầm. Sở học và sở tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia xẻ với thế hệ kế thừa. Một thế hệ đang trưởng thành để khởi tỏ ngọn đèn Chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa.”
Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình."
Cọng lau gầy chĩu nặng bóng tà dương. Một lần nữa chúng ta nhìn lại chân dung của thầy Tuệ Sỹ: trong tấm thân gầy guộc ấy, bên trong nụ cuời tươi và đôi mắt sáng, ẩn một trái tim vô ngại, vô úy. Không phải lúc nào đất nước cũng có được một con người như thế. Và có thầy, quần chúng ở trong và ngoài nước biết có một ngọn đèn đang soi đường, và vận mệnh dân tộc rồi sẽ sáng lên nhờ những ngọn đèn như thế.

Bài bình luận

Tôi rất yêu đoạn văn sau đây, nó nói lên gần trọn vẹn vẻ đẹp của thơ Tuệ Sỹ: Đúng như Đặng Tiến nói, “Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.” Từ vách núi đá dựng ấy, nhìn lại thuở tóc còn xanh ở khung trời cũ, chợt thấy, chao ôi, "áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang", để rồi bây giờ trong u tĩnh, "thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn". Và hơn thế nữa, sau gần ba mươi năm đọa đày trong chốn bụi đỏ, thân thế hiện thời bao siết nổi nênh, "ngược xuôi nhớ nửa cung đàn / ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về”. Và rồi, một lần nữa nhìn lại thanh xuân, thấy nổi bật lên hình ảnh thật đẹp và nhiều ý nghĩa của một đời người vừa qua: "Ta đi trong cõi vĩnh hằng / nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa". Trần Lãng