You are here

Dạo qua thế giới facebook Việt

Ảnh của songchi

Song Chi.

Cho đến giờ thì có lẽ không cần phải nhiều lời về những lợi ích to lớn mà facebook, trang mạng xã hội lớn nhất trên thế giới và hiện được người Việt sử dụng nhiều nhất, đem lại cho con người. Đặc biệt đối với người dân đang sống trong những quốc gia độc tài, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí như VN.
Facebook là cánh cửa mở ra thế giới ngồn ngộn thông tin, là nơi từ lâu nay những người Việt có mối quan tâm đến tình hình chính trị xã hội trong và ngoài nước, sử dụng như một tờ báo để viết và chia sẻ những suy nghĩ, nhận định tình hình của mình với người khác. Có thể bây giờ nhiều người Việt sống trong hay ngoài nước không cần, không thèm đọc báo đảng nữa, nhưng lại phải lướt facebook hàng ngày để cập nhật thông tin.
Facebook giúp người ta giao lưu, có thêm nhiều người bạn mới. Có nhiều người Việt sống ở nước ngoài, từ khi biết sử dụng facebook thì cuộc sống chỉ còn là…facebook. Nói hơi quá một chút nhưng rõ ràng chỉ trừ lúc đi ngủ hoặc buộc không thể mở facebook được thì mới chịu thua thôi. Nhất là những dạng người sau: độc thân, hoặc con cái đã lớn không còn vướng bận, không thật sự hòa nhập lắm vào xã hội nước người hoặc không có nhiều các mối quan hệ xã hội, những đam mê nào khác ngoài việc đi làm, về nhà và …lên facebook.
Điều đầu tiên có thể thấy cách sử dụng facebook của số đông người Việt khác với người phương Tây, nơi con người rất có ý thức bảo mật những thông tin cá nhân. Ví dụ như dân Na Uy. Facebook của dân Na Uy dù trẻ hay già đa phần không có gì nhiều, dù họ có thể cũng mở facebook suốt ngày và đọc những gì post trên facebook bạn bè, người quen, nhưng họ rất ít khi viết, càng ít khi chia sẻ những thông tin có tính chất riêng tư có thể làm phiền cho cuộc sống của họ, mà chỉ toàn những hình ảnh, thông tin vô hại như đi du lịch, cảnh đẹp thiên nhiên, đang trượt tuyết, làm vườn…
Người Việt ngược lại, “bê” hết mọi thứ lên facebook. Sử dụng facebook chẳng khác nào một cuốn nhật ký cho riêng mình.
Thật ra bình thường người Việt gặp nhau nếu không phải bạn bè thân thiết chưa chắc đã thổ lộ hết mọi thứ, nhưng khi ngồi trước cái máy vi tính không có ai trước mặt, cảm giác như đây là phòng riêng của mình muốn “nói” gì cũng được. Không ít nàng dâu phải vạ vì nói xấu mẹ chồng, gia đình chồng trên facebook bị người quen đọc được, “học” lại cho chồng, gia đình chồng nghe. Không ít cặp đôi hoặc vợ chồng đang yêu nhau thắm thiết bỗng xảy ra cãi nhau, thậm chí tan vỡ, chỉ vì người này post tất tần tật những thứ riêng tư mà người kia không muốn chia sẻ lên facebook cho mọi người cùng đọc, cùng bình luận.
Ca sĩ, diễn viên, giới showbiz có những lý do riêng để mở facebook, chẳng hạn, muốn giao lưu, kết nối quan hệ với người hâm mộ, với quần chúng. Và do đó phải thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về mình, cuộc sống của mỉnh. Nhưng đôi khi có cái hại là để cho công chúng biết quá nhiều. Có những tờ báo, trang báo online “lá cải” còn lấy những status, thông tin, hình ảnh từ facebook người nổi tiếng “vô tư” post lên và xào xáo lại, giật tít thành bài viết làm khuấy động dư luận, đến lúc đó người trong cuộc lại quay sang trách dư luận tò mò, xâm phạm đến đời tư của mình! Hoặc vô hình trung tự làm cho mình phải chịu thêm những sức ép bên cạnh cái sức ép vốn đã nặng nề với người của công chúng. Ví dụ một cặp đôi đẹp của giới showbiz đang trong tình trạng “canh không lành, cơm không ngọt”, thậm chí ly thân và muốn ly hôn, nhưng vì từ trước đến giờ lỡ đưa hình ảnh gia đình quá hạnh phúc, đẹp đôi nên bây giờ lại phải tiếp tục “diễn xuất” thêm một thời gian, tiếp tục post hình hạnh phúc…
Chi bằng tự kiểm soát, giới hạn mình trước, thông tin hình ảnh gì nên đưa, đưa tới đâu, hoặc càng kín càng khỏe. Có những người cũng trong giới showbiz, cũng nổi tiếng, cũng “hot” khống kém ai nhưng họ kín như bưng, dư luận không thực sự biết họ sống ra sao, bao nhiêu đời bồ, bao nhiêu lần chia tay rồi ly dị, chỉ khi báo chí phát hiện đưa tin thì mới biết, thế là họ có ý thức làm cho cuộc sống của mình nhẹ nhõm bớt chừng nào hay chừng đó.
Người Việt nhìn chung thích khoe, có gì khoe nấy. Có con khoe con, có bồ, có chồng khoe bồ, khoe chồng, có xe, nhà mới khoe, thậm chí có tài gì khoe tài đó. Khoe hết trên facebook.
Ngay một số người bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ, lẽ ra càng phải thận trọng hơn. Những thông tin về đời tư, hoạt động, bọn công an và dư luận viên làm sao biết, một phần do bọn chúng đọc từ facebook chứ đâu. Những chuyện như xích mích bất hòa trong một nhóm, một hội cũng đưa lên facebook chỉ trích nhau, có lẽ là để cho dư luận mọi người cùng rõ, nhưng giá mà các bạn ấy, anh chị ấy cố gắng liên hệ trực tiếp bằng cách này cách khác với người kia để giải tỏa vấn đế thay vì phơi lên facebook.
Cuối cùng đứng từ bên ngoài, mọi người nhìn thấy những người hoạt động dân chủ cũng chẳng phải hay cho lắm, cũng kèn cựa chấp nhất, cũng nghĩ đến cái tôi hơn là cái chúng ta, và hội nhóm nào thì cũng lục đục, mất đoàn kết làm giảm lòng tin của người ngoài. Còn bọn công an dư luận viên thì qua đó tha hồ hiểu rõ hơn nội tình rồi có thể sử dụng những sự bất hòa, chia rẽ đó khi cần thiết, hoặc thêm mắm dặm muối để bôi nhọ các cá nhân, hội đoàn.
Facebook của những người nổi tiếng trong giới showbiz, trong xã hội phải chịu một sức ép vô hình đó là phải luôn luôn giữ mối quan tâm của người khác đối với mình, với facebook của mình nên cứ phải cập nhật status, hình ảnh…liên tục, sợ rằng không có thông tin gì mới thì một thời gian mọi người hết hào hứng theo dõi. Nhưng ngay cả những nhà bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ nổi tiếng mà facebook có khoảng vài ngàn friends và hàng ngàn người khác theo dõi, cũng không thoát khỏi tâm lý này. Là phải viết đều, không thể để facebook trống hoặc “nguội” quá lâu.
Viết, bây giờ không còn là hồn nhiên như viết nhật ký. Viết tức là biết có người đọc, mà là hàng ngàn người đọc, nên tự nhiên cũng tìm cách thể hiện sự sắc sảo, sâu sắc qua những nhận định, câu chữ, tấm lòng trăn trở trước thời cuộc, suy tư với vận nước, với xã hội…
Rõ ràng người viết bài trên facebook có tâm lý khác với người viết sách. Người viết sách không biết được ngay phản ứng của người đọc, còn ở đây một status, bài viết của người nổi tiếng, dù là ca sĩ, diễn viên hay nhà bất đồng chính kiến…vừa post lên ngay lập tức có hàng ngàn like, hàng trăm comment, lởi khen…Những lời khen trên mạng cũng như những lời chê, thường là quá lời. Sự khâm phục, ngưỡng mộ được thể hiện hết sức nồng nhiệt. Đừng tưởng là những cái like, những lời khen, lời bình luận…đó không tác động. Ai già dặn, khiêm cung, chín chắn đến đâu cũng thích lời khen. Và nếu không tỉnh táo thì cũng dễ ngộ nhận về mình.

                                                       xxxx
Thế giới facebooker là một thế giới muôn mặt, phong phú đa dạng như cuộc sống ở ngoài đời thực. Có những người với những bài viết, bài dịch thật sự bổ ích, có giá trị, đã giúp cho rất nhiều người khác, nhất là thế hệ trẻ sinh sau đẻ muộn, hiểu được nhiều sự thật bị bưng bít, bị bóp méo bao nhiêu năm trong một chế độ độc tài, dối trá như chế độ do đảng cộng sản cầm quyền ở VN. Nhiều người thật sự biết ơn những người như vậy.
Ngược lại, cũng như trong thực tế xã hội VN, những người quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, đến vận nước và tương lai của dân tộc vẫn chỉ là thiểu số, những kẻ bàng quan vô tâm thì nhiều. Có những người rảnh rỗi tối ngày lướt mạng làm quen với người nổi tiếng, xem họ ăn gì mặc gì, chơi gì làm gì, yêu ai bỏ ai. Biển động dậy sóng mất nước đến nơi hay VN đang đứng ở vị trí nào trên thế giới họ không hề hay biết, quan tâm.
Lại có những dạng khác, tệ hơn. Dựng những câu chuyện giựt gân hoặc thương tâm chỉ để vui, để câu view, như câu chuyện cô gái “Dựng chuyện nuôi con tử tù để câu like” (Người lao động) hoặc đi xa hơn, vì muốn nổi tiếng, muốn kiếm chác lợi lộc từ những thông tin bịa đặt đó “Lên mạng gây sốc: Bệnh của những kẻ hoang tưởng” (Pháp luật TP.HCM) v.v…
Hay những kẻ suốt ngày vào facebook của người này người kia bình luận ác ý, ném đá khắp “nhà” người khác, như xả rác. Nếu như trong xã hội VN bây giờ ngày càng có nhiều người dễ dàng chửi nhau, đánh nhau, thậm chí giết nhau, chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt trời ơi đất hỡi, mà sâu xa bên trong là do những bức bối về đời sống không giải tỏa được, phải dồn nén chịu đựng lâu ngày bộc phát ra, thì trên mạng họ cũng hành xử như thế. Ném đá bất cứ cái gì, bất cứ ai, tự cho mình cái quyền chửi bới, lăng mạ người khác vô tội vạ. Trên thế giới đã từng có những vụ cả một đám đông xúm vào bully một cá nhân trên mạng khiến nạn nhân phải tự sát.
Còn bọn dư luận viên tối ngày ngồi đọc facebook của tất cả những ai nói lên sự thật về tình hình chính trị xã hội của đất nước, rồi viết comment chửi bới, bôi nhọ thô tục, đó là chuyện khác, đó là công việc, là nồi cơm của bọn chúng. Là hạng “ăn cơm chúa múa tối ngày”.
Thế giới ảo thật muôn hình vạn trạng không thể kể hết.
Bạn có đang sử dụng facebook? Mỗi ngày bạn mất bao nhiêu thời gian cho facebook? Bạn có thể sống thiếu facebook một tháng hay một tuần không? Nều câu trả lời là ít nhất trên 3-4 giờ/ngày và không thể, thì nhiều phần là bạn đang “nghiện” facebook.
Thật ra “nghiện” không phải bao giờ cũng có hại, nhất là đối với những người đang dùng facebook để viết bài, chia sẻ thông tin về tình hình chính trị xã hội trong ngoài nước, với mục đích giúp người khác và giúp chính mình thoát khỏi tình trạng bị bưng bít thông tin của chế độ thì không thể không dùng facebook hàng ngày.
Bản thân người viết bài này cũng dùng facebook từ khá sớm và dùng suốt một thời gian dài, chủ yếu với mục đích vừa kể trên nhưng thời gian này lại tự cho phép mình đóng facebook một thời gian, một phần để tự kiểm tra xem mình có sống thiếu facebook được không!!
Tóm lại, dù sao đi nữa, facebook vẫn là món quà tuyệt vời của nền công nghệ thông tin tặng cho nhân loại, trong đó có VN. Cứ thử nghĩ, bây giờ thế giới và VN không có các trang mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng?