Không phải tự dưng mà có, cũng không phải di truyền từ tổ tông, tính cách ưa miễn phí và thích sàm sỡ của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam bị lộ liễu ở những nơi văn minh đều có xuất phát điểm từ những nhu cầu và điều kiện sống hiện tại. Vì sao chỉ có trong hiện tại, người Việt mới có tính cách ưa miễn phí và thích sàm sỡ? Có thể nói ngắn gọn là vì mặc cảm! Nhưng vấn đề là mặc cảm cái gì và mặc cảm như thế nào? Nguyên nhân của nó ở đâu?
Thứ nhất, vấn đề mặc cảm do đâu mà có và mặc cảmc cái gì, mặc cảm như thế nào? Ở câu hỏi này, những thông tin lịch sử trước 30 tháng 4 năm 1975 ở cả hai phía đều không cho thấy (hoặc nếu có cũng rất nhỏ, một vài cá biệt, không phải là hiện tượng xã hội) người Việt Nam xô bồ, hỗn độn, ưa miễn phí, hôi của, đạp lên nhau để sống hoặc ưa sàm sỡ người khác như hiện tại. Thậm chí cả những nhận định của một số tù binh Việt Nam Cộng Hòa, tù binh Mỹ trên đất Bắc cũng cho thấy người miền Bắc trước đây không có tính cách này. Còn người miền Nam thời đó thì lịch lãm, sang trọng và nhân ái. Chỉ có thể nói vậy thôi!
Nhưng sau 30 tháng 4 năm 1975, sau cái ngày mà người Cộng sản gọi là “giải phóng miền Nam” cho đến nay, tính ưa miễn phí, ưa sàm sỡ và nhiều tính cách tệ hại khác lại phát triển rất nhanh trên cả ba miền đất nước. Điều này, cần phải nói đến phông văn hóa của giới lãnh đạo cũng như những qui tắc ứng xử của bộ máy cầm quyền. Bởi trong một đất nước độc tài, nhà cầm quyền chi phối toàn bộ mọi góc nhìn của người dân thì đương nhiên người dân bị ảnh hưởng rất nặng bởi sự chi phối có tính độc đoán này.
Thử hỏi, có chế độ nào trên đất nước này mà mạng sống được đổi bằng một tấm huân chương, một cái bằng khen đem bán đồng nát, giấy lộn cũng không xong như chế độ Cộng sản? Phải nhấn mạnh như vậy bởi vì suốt bốn mươi năm thống chiếm hai miền, thứ văn hóa khen thưởng hình thức theo kiểu “một miếng thịt làng bằng một sàn thịt chợ” đã chi phối xã hội Việt Nam một cách nặng nề.
Người ta có thể chấp nhận bỏ đi một tháng làm ăn chỉ để theo đuổi một vật thưởng nào đó của đảng chỉ có giá trị chưa đầy nửa ngày lương bởi người ta hy vọng vào thứ giá trị ảo ẩn nấp đằng sau sự khen thưởng đó, người ta mơ hồ nghĩ rằng lý lịch sẽ thơm tho hơn, bảnh bao hơn nhờ vào sự khen thưởng ấy và điều đó làm cho tương lai người ta mở rộng thênh thang. Chính vì vậy, người ta chấp nhận hy sinh cái lớn để lấy cái bé với lý lẽ bao biện “phá tiểu hao thu đại lợi”!
Và đằng sau sự lao đầu, chấp nhận mất cái lớn để thu cái bé với huyễn tưởng về tương lai xán lạn này là một nỗi mặc cảm về vị thế, về thân phận thấp cổ bé miệng của con người. Bởi trong một cơ chế đảng trị, những ai đứng ngoài đảng, không có dây mơ rễ má với đảng đều thuộc hàng thứ dân, lê dân, có thể bị ép chế mọi bề, thậm chí bị xâm phạm thân thể, nhân quyền nhưng chẳng biết kêu ai. Chính vì mặc cảm về thân phận, người ta nỗ lực để tìm một chỗ dựa và bất chấp sự lên tiếng của lý trí cũng như linh cảm. Về lâu về dài, tính cách coi trọng “miếng thịt làng”, coi trọng những gì miễn phí, nhưng gì thuộc về sự ban cho lại có mầm mống từ thứ mặc cảm này.
Và một khi con người bị khích hoạt quá lâu dài bản năng đói ăn, thèm ăn, thèm sự ban cho sẽ dẫn đến tình trạng lười biếng suy tư, lười biếng tư duy và lười biến sáng tạo, đánh đồng sự sáng tạo, nỗ lực cá nhân với sự mưu cầu bố thí, xem đó là một loại thành quả sáng tạo. Vòng kim cô độc tài chuyển màu từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường với hằng hằng lớp lớp thế lực đỏ ẩn mình phía sau sự đột phá về tài sản của một bộ phận nhà buôn, doanh nghiệp có liên quan đến thế lực đảng, đặc biệt là quyền thế cũng như ứng xử thiếu văn hóa của bộ phận này đã tạo nên một thứ hình mẫu về “người thành công xã hội chủ nghĩa”. Thứ hình mẫu này có khả năng chi phối toàn bộ xã hội.
Ví dụ, thời bao cấp, một ông chủ nhiệm hợp tác xã có máu dê, gặp cô xã viên đi tắm giếng, ông ta sờ tay lên ngực cô ta, cô ta la lên: “Bác làm gì thế?”, ông ta thản nhiên trả lời: “Bác làm chủ nhiệm hợp tác xã”. Và mọi phản ứng của cô gái bị chùng xuống từ khi ông ta trả lời bởi ông ta biết thị uy, biết dùng quyền lực của một chủ nhiệm hợp tác xã trước một xã viên khi cần thiết. Chuyện này không hiếm trong thời kinh tế bao cấp và nó không chỉ xãy ra ở các hợp tác xã nơi thôn quê.
Thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ý thức cá nhân có phần nào đó cải thiện hơn, một giám đốc sàm sỡ cô thư ký, cô ta sẽ hỏi gay gắt hơn: “Ông/anh/ngài muốn gì?”. Ông ta thản nhiên trả lời: “Anh muốn cất nhắc em lên làm một chức vì cao hơn”. Và phản ứng của cô thư ký sẽ bị triệt tiêu hoặc yếu đi hẳn sau câu trả lời đầyy tự mãn này (trừ những trường hợp đặc biệt sẽ bạt tai tay giám đốc và bỏ việc). Đây cũng là chuyện có thật, xãy ra nhan nhản ở Việt Nam hiện tại.
Vô hình trung, lối ứng xử của những kẻ có quyền thế lại trở thành bộ khung ứng xử của người thành đạt trong xã hội. Mà cái xấu thì rất mau lây nhiễm, một xã hội có nhiều người (thậm chí nhiều tập thể người đủ để người ta qui kết thành tính cách chung của xã hội) ưa ăn miễn phí, ưa hôi của, ưa đánh nhau, ưa nhậu, ưa nhiều thứ mà xã hội văn minh đã bỏ từ lâu vì nó quá man rợ…
Và một dòng người rồng rắn chờ xin lộc đầu năm, đánh nhau để giành lộc, xúm nhau đánh đến chết người rồi đốt xác, xếp hàng vật vã dưới nắng để chờ ăn sushi ở Hà Nội, ăn đồ Hàn Quốc và nhận quà ở Sài Gòn, và gần đây nhất, vẫn còn đang nóng hổi là trèo rào, bất chấp nguy hiểm tính mạng để được chơi miễn phí trong công viên nước Hồ Tây, Hà Nội.
Ai bất chấp nguy hiểm tính mạng trèo rào vào? Chỉ có giới trẻ, từ 15 đến 30 tuổi, cao nhất chừng 35 là cùng, thế hệ sinh sau 1975. Họ bất chấp mọi thứ, kể cả bị rách áo quần, trầy vi tróc vẩy để được tắm miễn phí. Và trong đám đô hội hổ lốn này, có những nhóm chuyên đi sàm sỡ các cô gái, manh động đến mức làm rách cả áo của người ta.
Lúc này, câu hỏi được đặt ra: Tại sao công an lại không xuất hiện để giữ trật tự ở nhưng nơi “tụ tập đông người” này? Và tại sao trước đây Phan Đăng Long – Phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội lại tuyên bố (láo) rằng “báo chí đưa tin nhầm, lễ hội đền Gióng rất thành công, cướp lộc cũng là hành vi văn hóa, được Unessco công nhận…”?
Một khi sự bất nhã, vô văn hóa và đồi bại được các quan chức nắm lãnh chuyên môn về văn hóa, chính trị che đậy và bao biện thì đương nhiên nó đã được hợp thức hóa trong xã hội. Bởi nói gì thì nói, với người dân, tiếng nói của giới quan chức độc tài vẫn có giá trị cho đến ngày cuối tồn tại của nó, đó là qui luật tâm lý có tính phổ quát trong xã hội. Chính vì vậy, bất kì một phát biểu của quan chức lãnh đạo nào cũng có sự chi phối xã hội. Và chuyện ở Hồ Tây, vẫn còn mừng là chưa có vụ hiếp dâm tập thể nào.
Nhưng với kiểu quản lý hết sức ầu ơ vô trách nhiệm và với lối bao biện, láo toét cũng như tham lam và bất công bao phủ trong hệ thống cầm quyền, chẳng biết chuyện gì sẽ xãy ra tiếp theo nữa đây?!
Bài bình luận gần đây