Lê Diễn Đức
Trong sự tồn tại của một dân tộc, có những giai đoạn lịch sử vinh quang, nhưng cũng có giai đoạn tăm tối, không tương xứng với tầm vóc và sự phát triển của dân tộc. Giai đoạn tăm tối ấy có thể xem là thời gian bị đánh mất.
Nước Cộng hoà Ba Lan có một truyền thống dân chủ lâu đời. Bản Hiến pháp được thông qua vào ngày 3 tháng 5 năm 1791, là bản Hiến pháp hiện đại đầu tiên ở châu Âu và thứ hai trên thế giới (sau Hiến pháp năm 1787 của Mỹ).
Quốc hội Ba Lan thông qua Hiến pháp ngày 3 tháng 5 năm 1791 - Ảnh tư liệu
Ba Lan giành lại độc lập năm 1918, sau Thế chiến thứ nhất, với tư cách nền Cộng hoà Ba Lan II.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939 phát xít Đức tấn công Ba lan, mở màn cho Chiến tranh Thế giới II. Chính phủ Ba Lan buộc phải rời khỏi Ba Lan và thành lập Chính phủ lưu vong có trụ sở ở London trong những năm 1939-1990, là sự tiếp nối hợp pháp của nền Cộng hoà II.
Chiến tranh Thế giới II kết thúc, thoát khỏi ách đô hộ của phát xít Đức thì Ba Lan lại bị gạt qua sự áp bức khác không kém phần khắc nghiệt: đất nước bị áp đặt sự cai trị của một nhà nước Cộng sản độc tài toàn trị, được gọi là "Cộng hoà Nhân dân Ba Lan", từ năm 1945 đến 1989.
Chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989. Sau cuộc bầu cử tổng thống tự do với thắng lợi thuộc về Lech Walesa, nhà chức trách của Cộng hòa Ba Lan lưu vong kết thúc nhiệm vụ và Tổng thống R. Kaczorowski đã chuyển giao quốc hiệu cho Tổng thống dân cử Lech Walesa.
Tổng thống Cộng hoà Ba Lan lưu vong R. Kaczorowski trao quốc hiệu cho Tổng thống Lech Walesa - Ảnh: PAP
Nhà nước Ba Lan dân chủ ra đời và về mặt chính thức, được gọi là nền Cộng hoà Ba lan III.
Như vậy thời gian từ 1945 đến 1989, nhà nước "Cộng hoà Nhân dân Ba Lan" đã không được ghi vào sự kế tục của Nhà nước Cộng hoà. Một thời gian 44 năm bị đánh mất trong lịch sử của dân tộc Ba Lan!
Nước Việt Nam kém may mắn hơn!
Ngày 17 tháng 4 năm 1945 Chính phủ của "Đế quốc Việt Nam" đứng đầu là Trần Trọng Kim thành lập và được vua Bảo Đại phê chuẩn. Đây là nội các đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và thống nhất trên danh nghĩa và ra mắt quốc dân ngày 19 tháng 4.
Mặc dù đây là thể chế do Nhật dựng lên, không có thực quyền, nhưng có thể là một cơ hội cho Việt Nam chuẩn bị đầy đủ khả năng nhận lãnh hay đòi hỏi độc lập hoàn toàn khi thế chiến thứ II kết thúc, giống như nhiều nước châu Á khác.
Tuy nhiên, Đế Quốc Việt Nam chỉ tồn tại trong 5 tháng, từ tháng 3 năm 1945 đến tháng 8 năm 1945 cho tới khi bị Đảng Cộng sản Việt Nam bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xoá bỏ.
Cuộc kháng chiến chống Pháp đưa đến việc ký kết hiệp định Geneve và từ năm 1954 Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị trên miền Bắc, còn ở miền Nam một chính thể Cộng hoà ra đời. Mặc dù đây là một chính quyền thân Mỹ nhưng nó đảm bảo những yếu tố cơ bản của một nhà nước Cộng hoà.
Ở một khía cạnh nào đó có thể xem nền Cộng hoà ở miền Nam là sự kế tục nền Cộng hoà "Đế quốc Việt Nam" của Thủ tứơng Trần Trọng Kim.
Quốc kỳ cho Việt Nam Cộng Hoà được sử dụng khá tương đồng với quốc kỳ của Đế quốc Việt Nam, nền vàng ba sọc đỏ.
Quốc kỳ của "Đế quốc Việt Nam" năm 1945 - Ảnh: Wikipedia
Theo Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và cắt viện trợ quân sự khiến Việt Nam Cộng Hoà phải đương đầu với cuộc đánh chiếm miền Nam bằng bạo lực của Bắc Việt và cả khối cộng sản.
Tháng 4 năm 1975, Bắc Việt chiến thắng. Đảng Cộng sản Việt Nam thống trị trên cả nước. Nền Cộng hoà non trẻ của Việt Nam tại miền Nam chấm dứt.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện tập thể hoá nông nghiệp, di dân đi kinh tế mới, cải tạo công thương, ngăn sống cấm chợ, áp dụng chế độ phân phối lương thực trên cả nước, bắt giam giữ cải tạo hàng trăm ngàn quân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà và phân biệt đối xử tàn bạo với gia đình và con em họ... Chủ trương và chính sách khắc nghiệt này đã khiến cả triệu người phải dứt bỏ quê hương, đối diện với cái chết, ra đi tìm tự do ở xứ sở khác.
Khó chính xác để nói có bao nhiêu người đã bỏ mình trên biển. Có nguồn dẫn con số 200 ngàn nhưng một số nguồn khác ước tính 500 ngàn - 600 ngàn người chết ngoài biển. Năm 1981 hội Chữ thập đỏ quốc tế ước đoán phân nửa số người vượt biển chết dưới tay hải tặc.
Một cộng đồng người Việt hải ngoại được tạo nên, ngày mỗi lớn mạnh và có ảnh hưởng tại các nước bản xứ. Sự căm thù và bất hợp tác với nhà nước cộng sản của cộng đồng này xuất phát từ những mất mát nêu trên.
Nhà nước Cộng sản đã áp đặt một bộ máy công an trị trên cả nước, dùng bạo lực để đàn áp mọi tư tưởng phản kháng, tước đoạt các quyền cơ bản của con người mà trước hết là quyền bầu cử tự do, tự do ngôn luận, tự do lập hội...
Có thể nói không cường điệu rằng, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã biến cả nước thành một nhà tù khổng lồ, nơi mà an ninh theo dõi kiểm soát, chi phối từng hoạt động của mỗi người. Chỉ sự ngoan ngoãn, tuân phục mới có thể mang lại yên lành. Một chế độ bất nhân và vong bản, chỉ đáp ứng ít nhiều về vật chất nhưng hoàn toàn giam hãm tư tưởng của con người trong một học thuyết ngoại lai, không tưởng: học thuyết Mác-Lenin.
Chẳng biết khi nào chế độ Cộng sản ở Việt Nam mới sụp đổ, nhưng là một chế độ đi ngược với xu thế của nhân loại tiến bộ, chắc chắn sẽ bị xoá sổ. Đã hình thành những tiếng nói phản kháng, đã có sự thức tỉnh của nhiều đảng viên trong guồng máy và sự chán nản của dân chúng đối với nhà nước cộng sản.
Nếu giống như Ba Lan, khi chế độ cộng sản được thay thế bằng một nhà nước Cộng hoà dân cử. Lúc ấy nhìn lại lịch sử chúng ta có thể kết luận rằng, thời gian cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam là thời gian bị đánh mất. Một thời gian bi thảm, chứa chất đầy thù hận, chia rẽ và đau thương của người Việt.
© Lê Diễn Đức - RFA
Bài bình luận gần đây