You are here

Cần giúp công an làm quen với tinh thần thượng tôn pháp luật

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Đột nhiên triệu tập hàng loạt:

 

Đã có 9 người bị Công an quận Hoàn Kiếm Hà Nội gửi giấy triệu tập vào 3 điểm thời gian: 14 giờ ngày 4/4/2015, 8 giờ ngày 5/4/2015 và 8 giờ ngày 6/4/2015. Trong ít nhất 5 năm gần đây, tại Hà Nội, chưa bao giờ, họ lại triệu tập đông người như thế, (còn bắt thì đông hơn, có đợt lên tới 46 người). Triệu tập rất gấp gáp: buổi sáng đưa giấy triệu tập vào buổi chiều hoặc buổi tối đưa giấy triệu tập vào sáng hôm sau. Vì lần đầu không có ai đi nên mới có lần 2 và vì lần 2 không có ai đi nên mới có lần 3. Tôi xác định không đi ngay từ đầu, đơn giản vì họ gửi giấy triệu tập một cách tùy tiện. 

 

Có lẽ họ tưởng là công an nên cứ thích gọi ai lên thì sức giấy triệu tập. Chính điều này làm cho những người bị triệu tập bức xúc. Đó là lý do chính khiến 2 đợt đầu không ai chịu đi và đợt thứ 3 vẫn còn 4 người không chịu đi: Nguyễn Tường Thụy, Trương Văn Dũng, Mai Phương Thảo, Đặng Bích Phượng.

 

 

Triệu tập trái luật và tùy tiện, coi thường dân:

 

Căn cứ vào lý do “về việc có mặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm sáng ngày 14/3/2015 và chứng kiến hành động, lời nói của một số người mặc áo có in dòng chữ DLV” (riêng tôi và Nguyễn Thanh Hà có thêm khu vực tượng đài Bắc Sơn), có thể hiểu người bị triệu tập đến cơ quan công an với tư cách nhân chứng cho vụ DLV phá buổi tưởng niệm là chính, vì sự có mặt của công dân tại tượng đài Bắc Sơn hay Bờ Hồ chẳng có gì đáng nói vì họ có quyền đến bất cứ nơi đâu trên đất nước này.

 

Triệu tập nhân chứng là để phục vụ cho công tác điều tra. Khoản 3, điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự ghi:

 

“Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; …” Điều này có nghĩa là khi nào có quyết định khởi tố vụ án thì tiến hành điều tra, triệu tập nhân chứng để phục vụ cho công tác điều tra. Tuy nhiên, khi tôi hỏi điều tra viên mang giấy triệu tập đến nhà rằng, đã có quyết định khởi tố vụ án chưa thì anh không trả lời, còn tôi cũng biết, chưa (hoặc không) có quyết định khởi tố vụ án. Mặt khác, theo ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Tp Hà Nội thì “Công an thành phố đang tổ chức xác minh và khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí”. Có nghĩa là ông Chung chưa có ý sẽ khởi tố vụ án mà chỉ xác minh xem nhóm này do ai tổ chức ra, đã có hành vi gì, ai trả lương v.v…, nếu xác định được sai phạm thì sẽ xử lý như giáo dục, kỷ luật, phạt hành chính... Qua xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới xem xét đến khả năng khởi tố vụ án. Như vậy, ở giai đoạn xác minh, nếu cần những người có tên trong giấy triệu tập cung cấp thông tin cho công an thì công an phải nhờ những công dân này cho nên cần một thái độ khác, cách gặp gỡ khác như thư mời hoặc đến nhà nhờ chứ không thể là triệu tập.

 

Đã thế trong giấy triệu tập của hai lần đầu còn ghi một cách rất xách mé như “Yêu cầu NGUYỄN TƯỜNG THỤY” như kiểu triệu tập bị can. Chỉ đến lần thứ 3 mới thêm đại từ nhân xưng “ông”, “chị”

 

Ngoài ra, có những sai sót khác như số nhà 11 thì ghi thành Tổ 11 hay “gặp đ/c (đồng chí…)”. Những người bị triệu tập không phải là đảng viên, ngược lại, họ liên tục bị công an theo dõi, canh chặn thậm chí bị đánh… Thế thì làm sao họ có thể đồng chí với công an được. 

 

Một điều làm cho người bị triệu tập bức xúc nữa là mặt sau của giấy mời còn thêm phần ghi chú, trích các điều khoản của Bộ luật hình sự với ý răn đe rằng nếu trốn tránh thì sẽ bị thế này, thế nọ. Tuy nhiên, giấy mời lần 3 thì mặt sau để trắng, không có những dòng ghi chú nữa. 

 

Trong trường hợp tôi, họ đến nhà 3 lần, một lần gửi giấy cho vợ tôi, một lần đến thấy cả nhà đi vắng nên về. Thế mà giấy triệu tập lại ghi lần thứ 3. Còn quan điểm của tôi, cái mà họ ghi là lần thứ 3 đúng ra là lần thứ nhất. Tôi đã giải thích cho cán bộ điều tra – người đưa giấy như sau:

 

Khoản 2 điều 133 Bộ luật TTHS ghi: “Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc…” Điều đó có nghĩa giấy triệu tập gửi qua cá nhân là không có giá trị, kể cả là vợ của người bị triệu tập. Còn tối hôm đến nhà không gặp ai nên họ ra về thì đương nhiên không có nghĩa là đã gửi giấy triệu tập.

 

Nếu nội dung làm việc có nội dung cung cấp những gì nghe thấy trong ngày tưởng niệm 14/3 cho họ thì ai cũng muốn cung cấp những gì biết về đám người quậy phá, vong ân bội nghĩa đối với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc cho công an. Tuy nhiên, cách ghi giấy của công an Hoàn Kiếm không thể chấp nhận được. Quan hệ giữa những người bị triệu tập với công an không gần gũi tới mức bỏ qua tất cả.

 

Xung quanh việc nên đi hay không

 

Vì là một đợt triệu tập ồ ạt, gấp gáp nên được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội facebook. Người bảo nên đi và người nói không nên đi nhưng đều xuất phát từ trách nhiệm cả. Lại có người đưa ra những nghi ngờ cho rằng việc hỏi về đám DLV chỉ là cái cớ chứ họ có mục đích khác. Quả nhiên, theo lời kể của anh Nguyễn Thanh Hà (phần phụ lục dưới đây) thì không có câu hỏi nào liên quan đến đám DLV, còn những điều họ hỏi thì rất vớ vẩn chẳng để làm gì. Người thì bảo không đi thì mất quyền lợi trong khi người thì không tin công an quyết tâm làm cho ra vụ DLV ngày 14/3. Tất cả tôi đọc chỉ để tham khảo, có nghe được hay không cũng không bình luận gì. Có một ý kiến tôi quan tâm hơn cả là không đi có thể mắc bẫy họ. Họ sẽ vin vào lý do là không có ai làm chứng nên cho “chìm” vụ DLV. Tôi cho rằng công an Hoàn Kiếm không thể vin cớ một cách ấu trĩ như thế được. Không thể đổ cho không có nhân chứng mà xếp hồ sơ lại. Mặt khác, ngoài 9 chúng tôi, còn rất nhiều an ninh, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại Bờ Hồ hôm ấy, còn hơn 200 người dân khác. Hình ảnh, clip còn đầy trên mạng là những bằng chứng không thể chối cãi, trừ khi những hình ảnh đó là hình giả. Mà để phân biệt giả hay không thì không phải là điều quá khó đối với nghiệp vụ của công an. Lời kể của chúng tôi không thể có giá trị hơn những thước phim sống động.

 

Cần phải giúp công an làm quen với tinh thần thượng tôn pháp luật

 

Tôi phân tích về việc triệu tập với lòng mong muốn các cơ quan nhà nước, trước hết là ngành công an làm gì cũng phải biết thượng tôn pháp luật, chứ không thể là công an thì thích làm gì thì làm, cần gặp ai là cứ triệu tập bừa, viết xách mé gì cũng được (bài này chưa đề cập đến những việc làm chà đạp lên pháp luật của ngành công an như đánh người, bắt người trái phép, tra tấn khi hỏi cung... nhưng không bị xử lý)

 

Tôi đã rất nhiều lần làm việc với công an, do bị bắt ngoài đường, xông vào nhà bắt và cũng có lần theo giấy mời. Ngoài sự khó chịu vì bị cưỡng bức, cũng có nhiều điều thú vị. Mỗi lần như thế, tôi đều viết một loạt ghi chép từ 5-7 kỳ. Có những lần tôi chủ động lên xe bắt người để được đưa về đồn. Hôm nay, tôi cũng muốn đi để có thứ mà viết nhưng nghĩ lại, lần này họ triệu tập ẩu mà mình bỏ qua thì lần sau họ vẫn quen cách làm như thế. Cần phải giúp công an làm quen với tinh thần thượng tôn pháp luật.

 

6/4/2015

 

NTT

 

Phụ lục: 

 

Tường thuật sơ bộ buổi làm việc với CA quận Hoàn Kiếm

 

Nguyễn Thanh Hà

 

 

9 giờ 30 sáng nay mình cùng với Lan Le, Mai Thanh , Lê Hoàng , Anh Chí râu đẹp. .. Tại số 2 Tràng Thi - Hà Nội để làm việc theo giấy triệu tập lần thứ 3.

 

Thượng tá Phạm Xuân Quang điều tra viên cao cấp của quận Hoàn Kiếm trực tiếp làm việc với mình , sau khi giới thiệu chức danh và hỏi về nhân thân chúng tôi thống nhất nguyên tắc làm việc. 

 

Đầu tiên tôi hỏi thượng tá Quang:

 

Xin anh cho tôi biết trên cơ sở pháp lý và các quy định pháp luật điều nào khi vụ án chưa có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can mà anh đã viết giấy triệu tập tôi?

 

Anh Quang không đưa cho tôi xem những văn bản pháp lý đó và chỉ giải thích đó là giai đoạn tiền điều tra và coi đó là một tiểu tiết ...rồi không nhắc đến điều này nữa 

 

TT Q: Anh cho biết lý do có mặt tại tượng đài Bắc Sơn và tượng đài Lý Thái Tổ sáng 14-3 

 

Tôi: Việc tôi đến tượng đài Bắc Sơn và tượng đài Lý Thái Tổ để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ Quốc thì có vi phạm pháp luật không ?

 

TTQ: Hôm đó anh đi với ai , anh mặc quần áo gì , đi xe gì ?

 

Tôi: Tôi đi xe máy và cùng đi với anh Thụy , vì tôi cùng tuyến đường với anh Thụy. 

 

Q: Lên tượng đài Bắc Sơn anh đã gặp ai? 

 

T: Tôi có gặp nhiều người cùng đến thắp hương tưởng niệm ở đó

 

Q: Anh có biết tên tuổi nhà cửa của họ không ? 

 

T: Tôi chỉ quen mặt mà không biết tên của họ 

 

Q:Thế sau đó các anh bàn nhau đến Tượng đài Lý Thái Tổ à? 

 

T: Chúng tôi không nói chuyện gì hết? 

 

Q: Quen biết nhau mà không bàn chuyện gì à?

 

T: Chúng tôi chỉ chào nhau và mời nhau hút thuốc lá thế thôi 

 

Q: Thế trên đường từ Bắc Sơn về Bờ Hồ anh đi cùng ai ? 

 

T: Tôi chở anh Thụy nên phải tập trung lái xe để tuân thủ luật giao thông nên không để ý

 

Q: Khi anh về tới Bờ Hồ anh có gặp những người đó không ? 

 

T: Tôi mệt và ngồi nghỉ ở ghế đá hút thuốc nên không biết 

 

Q: Anh có đem theo băng ron biểu ngữ gì không ?

 

T: Tôi không đem theo gì trong người ngoài chiếc điện thoại 

 

Q: Anh có đeo băng ron không ? 

 

T: Tôi được một người đeo cho tôi và vì đông người nên tôi cũng không nhớ ai 

 

Q: Hôm đó anh đoán có khoảng bao nhiêu người tham gia ?

 

T: Khoảng 200 -300 người 

 

Q: Anh có biết như thế là các anh đã vi phạm điều 35 của luật giao thông không ?

 

T: Chúng tôi đi trên vỉa hè Bờ Hồ vì vậy không vi phạm luật giao thông?

 

Q: Nhưng luật cấm không được phép tụ tập đông người? 

 

T: Thế những người múa may quay cuồng ở tượng đài Lý Thái Tổ thì có vi phạm pháp luật không ?

 

Q: Tôi nhắc lại việc các anh tu tập đông người là vi phạm pháp luật 

 

T: Tôi là một công dân phải chấp hành pháp luật đó là nghĩa vụ còn quyền của công dân được phép làm những việc pháp luật không cấm , nếu tôi vi phạm thì các anh có quyền xử phạt theo quy định của pháp luật. 

 

Đến gần 12 giờ 30 thì kết thúc buổi làm việc.