Loạn lễ hội bát nháo và bạo lực
Nhiều lễ hội được truyền thông trong nước và quốc tế nói đến trên thế giới có những màn tranh cướp, tác động vào con người như lễ hội té nước ngày Tết của các dân tộc ở Thái, Lào hoặc Campuchia, lễ hội ném cà chua La Tomatina ở Tây Ban Nha hoặc một số lễ hội có sự xô đẩy khác ở một số nơi. Nhưng, có lẽ những lễ hội đầy máu me và bạo lực như Đâm Trâu, Chém Lợn ở Việt Nam được truyền thông nói đến không nhiều.
Và không chỉ ở các lễ hội có nội dung mang tính bạo lực như trên mới xảy ra bạo lực, ở những lễ hội khác, màn chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp, đánh nhau, móc túi, làm tiền du khách... cũng đã xảy ra với số lượng ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn như lễ hội Phát ấn đền Trần - Nam Định, Hội Gióng ở Sóc Sơn vừa qua. Ở đó, chuyện tranh cướp đã diễn ra như một nét riêng của lễ hội, thậm chí đã có nhiều người ngất xỉu, mất tài sản và ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe...
Hầu như, những vấn đề của lễ hội thời gian qua, đã không được chấn chỉnh tốt đẹp hơn mà trái lại, ngày càng nở rộ theo phong trào khai quật, phục hoạt các lễ hội ở các địa phương cũng như khi các địa phương đua nhau sáng tác các lễ hội khi thấy các nơi khác "làm ăn" được.
Nếu như bất chấp sự lên án của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà sử học, rằng lễ Phát ấn đền Trần là một lễ hội bịa đặt, dựa trên sự mê tín của người dân để làm tiền không được dẹp bỏ, thì trái lại lễ hội này ngày càng phát triển mạnh mẽ và ngày càng quy mô lớn lao.
Oái oăm thay, chính quan chức Cộng sản, những người từng giơ tay thề lên thề xuống khi gia nhập vào Đảng CS vô thần là "Tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng" và nay đã leo lên đến Ủy viên Trung ương hoặc cả Bộ Chính trị.
Rồi học tập Nam Định mỗi dịp phát ấn Đền Trần hốt khối bạc, các tỉnh khác như Thái Bình cũng theo gương "Phát ấn". Và năm nay là Nghệ An đã bắt đầu lĩnh vực dễ kiếm này: Phát ấn đền Trần.
Tâm linh, tín ngưỡng hay "hơi đồng"?
Có lẽ không mấy khó khăn khi người ta nhìn lại các lễ hội, thậm chí xa hơn, cao hơn nữa là món "Du lịch tâm linh", các chùa chiền, miếu mạo, khu du lịch, di tích... ngày càng được khai thác triệt để và xây dựng mới nhằm một mục đích chính là: Tiền.
Và như cụ Nguyễn Du đã nói mấy trăm năm trước giờ vẫn ứng nghiệm ngay cả chốn lẽ ra phải tôn nghiêm, rằng thì là "Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê".
Đến các chùa chiền cũ cũng như mới, các lễ hội, hầu như la liệt chỗ nào cũng hòm công đức, chỗ nào cũng có những dịch vụ được giải quyết bằng tiền. Người ta thả tiền xuống giếng, bỏ tiền vào hòm, nhét tiền vào tay chân, miệng, lỗ tai, dán lên cả mình Phật... đến mức, hầu như thể hiện một điều: Ở những nơi đó, cũng như ngoài xã hội, tiền có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề.
Hẳn nhiên sẽ không ai thắc mắc khi những du khách, Phật tử, tín đồ đóng góp chút ít tiền tài vật chất cho công việc tồn tại, phát triển các cơ sở tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Nhưng việc lạm dụng quá mức để trở thành mục đích kiếm tiền và biến đồng tiền thành phương tiện để mưu cầu lợi ích với cả thần, Phật thì đó là chuyện nhố nhăng.
Tín ngưỡng, tôn giáo có những tiêu chí và nguyên lý, giáo lý riêng của nó. Dẫu có thay đổi theo thời gian và thời cuộc, thì những cái gốc, bản chất vẫn không thể thay đổi. Chẳng ai có thể tin rằng việc ông sư trong chùa thờ Phật lại kiêm việc coi ngày lành tháng tốt, cúng sao giải hạn hoặc những việc nặng mùi mê tín là thuộc giáo lý nhà Phật? Chẳng ai có thể giải thích được rằng Đức Phật lại căn cứ mấy đồng tiền nhét vào tai, dám vào áo làm căn cứ để ban phước hoặc giáng phúc cho một cá nhân nào.
Nhiều người nắm rõ về lý thuyết Phật giáo khi được hỏi, cũng không thể nào giải thích được hiện tượng nhà sư đúc thêm mấyquả tim cho tượng con ngựa và Thánh Gióng, rồi "hô thần nhập tượng". Đến mức, người ta phải nghi ngờ đặt câu hỏi: Ngoài quả tim, thì liệu các ông có đúc thêm cái gì cho con ngựa và Thánh Gióng nữa mà không tiện nói chăng? Nhưng, việc đó là do một Đại Đức tiến hành theo "Ý Thủ tướng"(!)
Người ta cũng không thể tin rằng, trong giáo lý nhà Phật có thể chấp nhận việc một ông sư lên diễn đàn Quốc hội kêu gọi xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Triều tiên - một chính thể được thế giới đặt tên là "côn đồ quốc tế". Hài hước hơn, chính ông sư này còn được báo Đảng Cộng sản viết như sau: "Đại đức Thích Thanh Cường dẫn giáo lý đạo Phật “cây có cội, gốc có nguồn” để khẳng định rằng, việc một số cá nhân đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp là sai lầm: “Hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam dành được những thắng lợi vẻ vang, nhân dân được sống trong môi trường ngày một dân chủ, văn minh. Ý kiến một vài người đòi bỏ Điều 4 là sai lầm, phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của lớp đảng viên đi trước". Đọc, nghe những điều ông sư này nói, người ta chắc sẽ nghĩ rằng ông ăn lương tuyên giáo thì đúng hơn là một nhà sư, một người tu hành.
Thậm chí, để phụ họa cho một chính sách cướp bóc trắng trợn quyền tư hữu của nhân dân về đất đai, tài sản, những ông sư nhưThích Thanh Thiện, Thích Thanh Dũng còn lên Truyền hình nhà nước nói rằng: "Nếu để cho tư hữu đất đai, thì nó làm mất đi cái tính chất từ bi của Đức Phật" (Sic). Chắc ông ta nghĩ rằng, ở những nơi cội nguồn của Đạo Phật như Ấn Độ hoặc những nơi có đạo Phật phát triển trên thế giới, hay ngay từ thời Đức Phật, thì vẫn tồn tại cái khái niệm cướp bóc mơ hồ là "Quyền sở hữu toàn dân về đất đai" chăng?
Thế nhưng, những điều đó vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Rồi từ đó, những chuyện làm ố danh, lũng đoạn, hủy hoại uy tín, niềm tin vào Phật giáo - một tôn giáo có từ lâu đời ở Việt Nam - đã ngày càng nở rộ.
Đại đức Thích Thanh Cường(?)
Người ta không khó tìm những lời giải đáp cho câu hỏi về những vị sư, những nhà tu hành nọ là ai? Họ có là những bậc chân tu? Những hành động, cách sống của họ sau đó đã gây bão trên truyền thông đất Việt. Những hình ảnh của vị sư "Xây dựng quân đội như Bắc Hàn" với khẩu súng bên vai hay bộ đồ chơi Golf, hoặc khoe "đập hộp chiếc Iphone 6 xịn nhất, mới nhất, khoe xe sang hàng hiệu và... trai đẹp đã cho người dân và Phật tử hiểu họ có là những người tu hành chân chính?
Nhưng, những cách hành đạo, những nhân vật, những con người đó vẫn tồn tại và phát triển theo thời gian. Càng phá nát Phật Giáo trong con mắt người chân chính, thì càng được trọng dụng trên các diễn đàn nhà nước, càng được trọng dụng trụ trì và điều hành, lãnh đạo các "cơ sở tôn giáo" nhà nước quản lý và điều hành.
Những sự o bế đó không chỉ dành cho các vị sư, mà ngay cả trong một tôn giáo có tổ chức chặt chẽ như Công giáo, thì bàn tay nhà nước Cộng sản vẫn có thể thò vào điều hành, lũng đoạn một số ít các linh mục qua các tổ chức như "Ủy ban Đoàn kết Công giáo", Mặt trận Tổ Quốc... Những vị tu hành này, nhiều khi chính lại là những công cụ của Đảng CS trong việc nhồi sọ đầu óc người dân.
Qua đó, người ta phát hiện ra một nghề béo bở ở Việt Nam: Nghề tu hành quốc doanh.
Và khi đã là công cụ của Cộng sản vô thần, thì hẳn nhiên không thể là một nhà tu hành chân chính của bất cứ một tôn giáo nào.
(Còn nữa)
Hà Nội, Ngày 28/2/2015
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận
XỨ GIAO CHÂU