Lê Diễn Đức
Giống như trang "Quan Làm Báo", trang "Chân Dung Quyền Lực", ra đời vào giữa tháng 12 năm 2014, đã gây tiếng vang trong dư luận.
"Quan Làm Báo" xuất hiện vào lúc các hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chuẩn bị nhóm họp lần thứ 6, thứ 7, khi xảy ra cuộc tranh giành ảnh hưởng, hay đúng hơn, cuộc xung đột giữa Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang với Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí cho khả năng loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng khỏi ghế Thủ tướng.
Nếu như "Chân Dung Quyền Lực" được "Nikkei Asian Review", một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất Nhật Bản đưa tin, thì "Quan Làm báo" vào thời gian ấy cũng được nhiều tờ báo nước ngoài nói đến.
Về cuộc xung đột giữa Sang-Trọng và Dũng, tờ "Bangok Post" ngày 15 tháng 10, 2012 viết:
"Dẫn đầu cuộc tấn công vào ông Dũng không ai khác là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã rọi ánh sáng vào những vụ bê bối xung quanh thủ tướng và chính phủ của ông. Nền kinh tế chậm chạp, lạm phát, tham nhũng và khủng hoảng ngân hàng trong những tuần gần đây đã được xem là tất cả các tiêu cực đối với ông Dũng".
Cũng tháng 10/2012, trong bài "Úm bà la, chúng ta tha chúng mình", lấy ý "We forgive us" của tờ "The Economist" tôi đã viết:
"Đặt cược quá cao, có lúc một ăn tới một trăm, nên bị cháy túi, "Quan Làm Báo" suốt hai tuần Hội nghị Trung ương 6 họp kín, đã không mò ra được thông tin nào khả tín. Những cơn gió từ các dữ kiện bê bối mà "Quan Làm Báo" trong gần nửa năm nỗ lực tạo nên, dường như đã thổi vào nhà hoang. Sau cuộc chơi, ta nhìn thấy một "Quan Làm Báo" khác, có vẻ đã thấm mệt, chất liệu thông tin gây sốc kém hẳn!"
"Ngay sau cơn sóng gió, hình ảnh Nguyễn Tấn Dũng đi duyệt binh oai vệ bên cạnh Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, một yếu nhân được "Quan Làm Báo" đặt ở phía Sang-Trọng, có thể chưa hẳn nói lên hết sức mạnh của ông Dũng trong thế chân kiềng kinh tế-an ninh-quân đội, nhưng là một tín hiệu thách thức cho bất cứ ai muốn làm suy chuyển chiếc ghế Thủ tướng của ông ta và cho cuộc mặc cả tiếp theo. Cứ xem sự hỉ hả, có phần lấc cấc của bà Hồ Thu Hồng, người được dư luận cho là thân cận với tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, cựu cố vấn của Nguyễn Tấn Dũng, thì thấy.
"The One-man -show" kịch tính của Hội nghị Trung ương 6, được kết thúc bằng "The Day After Show" hoành tráng!
Ông Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ run lên như sắp bật khóc khi nói về những sai lầm của đảng trong báo cáo tổng kết. Dấu hiệu bất lực kết thúc cuộc chiến Sang-Trọng và Dũng với giải pháp thoả hiệp "chúng ta tha chúng mình"!
Với đà chiến thắng, tới hội nghị Trung ương 7, Nguyễn Tấn Dũng đã làm chủ tình hình, gần như "mua đứt" gần 200 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, mà đa phần là các bộ trưởng, thứ trưởng trong nội các và lãnh đạo các tỉnh được ông bổ nhiệm và phân bổ lợi ích. Ý đồ đưa Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban nội Chính vào Bộ Chính Trị của Nguyễn Phú Trọng bị chặn đứng bằng việc Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu thêm các nhân vật khác để bỏ phiếu. Và hai người nằm ngoài ý muốn của Nguyễn Phú Trọng là Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lọt vào Bộ Chính Trị.
Từ hội nghị Trung ương 7 đến hội nghị Trung ương 10 là thời gian khá dài ông Dũng củng cố vị trí, chấn chỉnh một số chính sách.
Mặc dầu bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam ảm đạm với nợ công tăng nhanh, nợ xấu chồng chất và tình trạng phá sản của các doanh nghiệp tư nhân, mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 cao hơn so với dự kiến, 5,9% (5,42 % năm 2013) đã làm cho ông Dũng có thể mạnh miệng hơn.
Tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ xuất khuẩt của khu vực vốn nước ngoài FDI (chiếm khoảng 66-69% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng Samsung đã xấp xỉ 30 tỷ USD). Xuất khẩu của khu vực FDI, xuất khẩu qua Mỹ (xấp xỉ 26 tỷ USD) và nguồn kiều hối trên 12-14 tỷ USD (2014) đã làm cân bằng tổng cán cân xuất nhập khẩu thương mại, nhưng trong thực tế nhập siêu từ Trung Quốc tới 24 tỷ USD (bằng15% GDP).
Nếu như "Chân Dung Quyền Lực" tiết lộ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong hội nghị Trung ương 10 là đúng (và có khả năng như thế ) thì rõ ràng ông Dũng đã đạt được một bước vững chắc trong việc nắm trọn quyền lực
"Chân Dung Quyền Lực" nhận xét về ông Dũng như sau: .
"Về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông là người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất (với 152 phiếu tín nhiệm cao, đạt 77%), điều này phản ánh đúng thực tế, thời gian qua ông đã khẳng định bản lĩnh với các quyết sách làm ổn định kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không chỉ Trung ương mà dư luận trong quần chúng nhân dân cũng thể hiện rõ điều này".
Từ nhận xét trên đây, "Chân Dung Quyền Lực" dường như lộ rõ chân tướng là một trang web của nhóm lợi ích ủng hộ ông Dũng.
Đầu năm 2016 sẽ có đại hội 12 của ĐCSVN, cũng là lúc phân định các chức vụ lãnh đạo của đảng và nhà nước. Ở tuổi 65 ông Dũng không thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo nhà nước hay chính phủ nữa. Khả năng ông sẽ làm Tổng Bí thư là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại và ông đang phát quang con đường này để nắm vị trí cao nhất của đảng cầm quyền.
Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị 10 nói về việc thay đổi thể chế nhưng không thay đổi chế độ, có nghĩa rằng, cơ cấu quyền lực Tổng Bí thư -Chủ tịch nước-Chủ tịch Quốc hội-Thủ tướng, tức cơ cấu "Vua Tập Thể", có thể bị thay đổi.
Tuy nhiên, theo tôi, khả năng giống mô hình Trung Quốc, Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ tịch nước khó xảy ra, vì ĐCSVN chưa muốn trao trọn quyền lực vào một người.
Về Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể yên tâm với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, dường như là một ứng viên nặng ký nhất với số phiếu tín nhiệm cao đứng thứ ba.
Cho nên không bỗng dưng mà "Chân Dung Quyền Lực" tấn công vào Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, những người có khả năng cạnh tranh các chức vụ Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng không hợp với ý ông Dũng.
Sống trong văn hoá sợ hãi và nô lệ, tư duy há miệng chờ sung mong dân chủ tới, nên không ít người Việt hy vọng nếu quyền lực tập trung vào Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn, sẽ thoát Trung, xích gần với Mỹ hơn. Cũng có người cho rằng, giải pháp Nguyễn Tấn Dũng là sự lựa chọn bất khả kháng giữa cái xấu và cái xấu hơn.
Ngay đến Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông, trong bài "Những bất ngờ trên đường chọn lãnh đạo kế vị" cũng viết:
"Tuy có người nghi vấn sự thành thật của ông, ông vẫn là chính khách hùng biện nhất của Việt Nam và là tác giả của kế hoạch có chủ trương tự do nhất cho sự phát triển của Việt Nam, đó là bài phát biểu Năm Mới 2014 của ông. Ông nhiều lần tuyên bố rằng “dân chủ là tương lai”, không nao núng trước những trò gây hấn hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, và dường như rất thoải mái với ý tưởng bang giao mật thiết với Mỹ".
Những tuyên bố nghe có vẻ hùng hồn của ông Dũng về chủ quyền Hoàng Sa thực ra là những câu mị dân nhằm trấn an dư luận, vô thuởng vô phạt trong quan hệ với Bắc Kinh. Người ta có câu "vừa ăn cướp vừa la làng" là vậy!
Ai chủ trương cho Trung Quốc thuê 300 ngàn héc-ta rừng đầu nguồn? Chính sách nào để hơn 90% tổng thầu EPC các dự án đầu tư quan trọng nhất lọt vào tay Trung Quốc? Ai cho Trung Quốc thuê Vũng Áng 70 năm với đặc khu Formasa? Ai chủ trương cho Trung Quốc thuê đèo Hải Vân? Ai để Trung Quốc khai thác Bauxite Tây Nguyên và hơn 60% các mỏ tài nguyên phía Bắc? Chính sách nào để hàng hoá Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ, hàng chục ngàn nguời Trung Quốc sang Việt Nam lao động bất hợp pháp khắp ba miền, v.v...
Tất cả những điều nói trên là bằng chứng rõ ràng nhất của hành động đẩy nền kinh tế VIệt Nam vào lệ thuộc Trung Quốc, an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ bị đe doạ; là sự tiếp tay cho cuộc xâm thực mềm của Bắc Kinh.
Không ai khác, đây là chính sách, chủ trương của ĐCSVN mà ông Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp thực hiện trong vai trò Thủ tướng.
Khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tập hợp gần 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới quyền điều hành trực tiếp của mình. Chính sách sai lầm, đầu tư vô tội vạ, bắt chước mô hình Cheabol của Hàn quốc của ông đã đẩy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào tình cảnh thua lỗ khủng khiếp (đến nay hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi hơn 200 ngàn tỷ đồng).
Mới 2014 của ông tuyên bố “dân chủ là tương lai”, nhưng đồng thời cũng lệnh cho Bộ Công an kiên quyết không để hình thành lực lượng đối lập và bắt giam các bloggers "Anh Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh, "Người Lót Gạch" Lê Hồng Ngọc, và "Quê Choa" Nguyễn Quang Lập.
Nếu nói về độ giả dối và trơ trẽn chẳng ai bằng ông ta. Ông ta đã từng công bố sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng vào năm 2006. Tình trạng tham nhũng hiện giờ ra sao?
Cài cắm các con trai vào các chức vụ công quyền, con gái vào các dự án đầu tư từ Nam ra Bắc, đặc biệt ở đảo Phú Quốc, chứng tỏ ông là một người rất hám danh lợi, chăm sóc cho lợi ích của gia tộc. Chuyên quyền như V. Putin của nước Nga cũng không cho con cái dính líu vào chuyện làm ăn và chính trị.
Quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng hiện nay bao trùm nhưng vẫn còn vướng rào cản của cơ cấu "Vua Tập Thể". Nếu tiếng nói quyết định nằm hết về phía ông ta, thì đây là thảm hoạ cho dân tộc. Đất nước sẽ đắm chìm trong một chế độ độc tài, độc đoán và chuyên quyền hơn cả chế độ "Vua Tập Thể" hiện nay.
Vì vậy, chọn Nguyễn Tấn Dũng không phải là giải pháp ít xấu hơn mà là giải pháp tồi tệ hơn!
© Lê Diễn Đức
Bài bình luận gần đây