Lê Diễn Đức
Thế là đã qua ngày thứ chín!
"Em yên tâm, nếu chín ngày anh không về thì khoảng ba năm"!
Lời của nhà văn Nguyễn Quang Lập nói với vợ, khi ông bị công an dẫn ra khỏi nhà, phải chăng trở thành sự thật?
Với cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình Sự, tức là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", nếu mang ra toà xét xử anh có thể phải chịu án tù ba năm, thật!
Tại sao ông Lập đã ý thức được điều này? Phải chăng khi đặt bút viết và đưa những bài từ các nguồn khác, thậm chú từ các tờ báo do đảng kiểm soát, ông Lập biết rằng sớm hay muộn ông cũng sẽ bị quy kết vào điều 258 Bộ Luật Hình Sự?
Nhiều năm qua ông vẫn tiếp tục cuộc chơi, ngày một mạnh tay hơn và dứt khoát hơn, đặc biệc về các vấn đề chủ quyền của đất nước bị Trung Quốc xâm lấn. Cho đến ngày 6 tháng 12 năm 2014. Khi ông bị bắt.
Vì thế tôi đã nhận định nhà văn Nguyễn Quang lập thể hiện "một khí phách lớn". Điều này hoàn toàn đúng với ý nghĩa của từ này, chứ không hề "đao to búa lớn" như có bạn nhận xét trên trang Facebook của tôi.
Bỗng dưng vài ngày sau khi bắt giữ ông, báo công an đưa một tin siêu ngắn: “Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại”. “Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội”.
Mặc dù đã nghĩ rằng, ông Nguyễn Quang Lập là nhà văn, không phải là nhà bất đồng chính kiến, càng không phải là một nhà cách mạng "dấn thân vô là phải chịu tù đày, là gươm kề tận cổ súng kề tai, là thân sống chỉ coi còn một nửa". Rất có khả năng ông có thể yếu đuối trước những điều kiện khắc nghiệt của nhà tù với một thân thể bị bệnh tật, nên đã nhận đại để thoát khỏi tù ngục, như là một lựa chọn chiến thuật khôn ngoan.
Nhưng sau 9 ngày ông vẫn còn ở trong tù khiến tôi bình tâm suy nghĩ lại.
Những bài đăng trên Blog Quê Choa, đa phần được chọn lọc thận trọng, cả về tác giả cũng như nội dung, mang tính phê phán, phản biện xã hội ôn hoà và xây dựng, chẳng có thể là tội phạm, trừ khi nhà cầm quyền áp đặt. Cho nên tôi thấy ông Nguyễn Quang Lập đâu cần phải "nhận tội" và xin khoan hồng.
"Trò dàn dựng "nhận tội, xin khoan hồng" cũ rích hoàn toàn bị phá sản" - Tôi đã viết như thế trong phân tích vụ án sinh viên Nguyễn Phương Uyên trên RFA Blog.
Cho nên nếu công an lại sử dụng kỷ thuật dao kéo, chỉnh sửa để đưa ra công luận một videoclip với hình ảnh ông Nguyễn Quang Lập cúi đầu nhận tội, e rằng quá lỗi thời và bất tiện. Thiên hạ sẽ bóc mẽ, và mọi sự dối trá sẽ bị đưa ra ánh sáng. Đưa ra một thông tin để gieo rắc nghi ngờ, rồi vô tư gỡ xuống là việc các tờ báo của nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn làm bình thường, bất tuân theo một nguyên tắc lương thiện nào của báo chí. An toàn hơn nhiều.
Adam Michnik, một nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng của Ba Lan trong chế độ Cộng sản, hiện là Tổng biên tập nhật báo tri thức lớn nhất Ba Lan "Gazeta Wyborcza" viết:
"Trí thức phải là tiếng nói của xã hội bị bịt miệng. Đối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy".
Ông Nguyễn Quang Lập cũng thế, khi dùng con thuyền Quê Choa để "chuyển tải sự thật tới nhân dân" thì cũng chính là lúc ông lựa chọn chính trị - đạo đức. Nhưng ông không làm chính trị vì danh lợi, ông chỉ thực hiện sứ mệnh của một người trí thức trong xã hội.
"Nguyễn Quang Lập không phải là một nhà bất đồng chính kiến. Anh không có ý định làm chính trị hay làm cách mạng. Không phải vì anh sợ hãi, anh không làm, đơn giản vì anh chỉ là một nhà văn.
Nguyễn Quang Lập chưa bao giờ có ý định làm một anh hùng. Dù những gì ông cống hiến ở Quê Choa là một sự hy sinh quả cảm".
Tôi không cho rằng việc bắt Bọ Lập có liên quan gì đó đến đấu đá nội bộ hay Hội nghị Trung ương Đảng cuối năm nay, mà vì sau khi Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Blogger Người Lót Gạch Hồng Lê Thọ bị bắt, Blog Quê Choa là điểm hẹn hiếm hoi cuối cùng của đông đảo bạn đọc và có tầm ảnh hưởng lớn lên tâm lý của xã hội. Nếu không ngăn chặn sớm, Blog này sẽ có chiều hướng đi xa hơn, trở thành một trang mang tính phản kháng rất bất lợi cho chế độ.
Rất đáng tiếc, lời kêu gọi ký tên gửi lãnh đạo nhà nước Việt Nam yêu cầu trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập do một số trí thức của Văn đoàn Độc lập khởi xướng, cho đến nay mới chỉ được dưới 600 người trong và ngoài nước tham gia.
Con số quá ít ỏi so với hàng triệu người hâm mộ và theo dõi Blog Quê Choa từ nhiều năm qua và hàng chục triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam.
Người Việt cái gì cũng thích miễn phí. Đọc miễn phí, cảm nhận và chia sẻ lập trường tư tưởng miễn phí, khoái cảm miễn phí, nhưng khi cần đến một chút hy sinh, một tý can đảm thì đều tránh né.
Dù biết rằng, ký tên vào thư kiến nghị chẳng hy vọng giải quyết được gì, nhưng nó thể hiện tấm lòng, tình người của bạn đọc, là sự tổng động viên dư luận xã hội. Ngay ở Mỹ để Tổng thống quan tâm đến một kiến nghị đăng trên trang web "We The Peoples" của Nhà Trắng, ít nhất cũng phải đạt con số 25 ngàn người ký tên.
Thật cay đắng khi nhà văn Phạm Thị Hoài viết trong bài "Một con thuyền":
"Điều duy nhất chúng ta không làm là những hành động cụ thể, ở quy mô đủ rộng để có một tác động thực. Hàng trăm nghìn độc giả của anh sẽ quen rất nhanh khoảng trống anh để lại trên không gian ảo, như hàng trăm nghìn độc giả của Anh Ba Sàm.
Con thuyền của anh Lập, dập dìu sóng vỗ khi nào, là một con thuyền lẻ loi. Lật bởi sự tồi tệ của thể chế chính trị. Chìm bởi sự đơn độc của chính nó giữa vài ba con thuyền đơn độc khác. Đắm bởi sự bạc bẽo của phần lớn chúng ta".
Lẽ nào chúng ta có thể dửng dưng quay lưng với một tác giả đang lâm nạn, một người đã chuyển đến cho chúng ta đầy ắp sự thật các sự kiện thời sự nóng bỏng của đất nước - một món ăn tinh thần vô giá?
© Lê Diễn Đức
Bài bình luận gần đây