You are here

Chỉ nhất thể hóa Đảng và Chính quyền là chưa đủ?

Việt nam với thể chế chính trị, mà Đảng CSVN là một đảng chính trị hợp pháp duy nhất, độc chiếm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội với phương châm lãnh đạo toàn diện theo trục dọc xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương. Thể chế chính trị này trong một thời gian dài đã bộc lộ quá nhiều các bất cập được cho rằng đã triệt tiêu và vô hiệu hóa cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực nhà nước. Đó là nguyên nhân chính đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của Việt nam trong quá khứ và tương lai trước mắt.

Một trong những điều bất cập của hệ thống chính trị độc đảng lãnh đạo ở Việt nam hiện nay về mặt tổ chức đó là sự chồng chéo, lẫn lộn giữa các cơ quan ban, ngành trong bộ máy đảng và bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nghĩa là bộ máy nhà nước có cơ quan gì thì bên đảng cũng có và với chức năng nhiệm vụ y như vậy, tới mức người ta gọi là hai bộ máy nhà nước cùng song hành và tồn tại. Đáng chú ý chi phí của bộ máy đảng khổng lồ hiện nay hoàn toàn không dựa vào các nguồn thu riêng của đảng CSVN hay từ nguồn thu đảng phí, mà hoàn toàn sử dụng ngân sách nhà nước.

Mới đây nhất, phát biểu tại nghị trường Quốc hội ngày 24 tháng 11 năm 2014, đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng ninh cho rằng các cơ quan Đảng đang “đứng ngoài ngoài nhà nước, đứng trên nhà nước, vừa chồng chéo về tổ chức, đông về biên chế”. Theo đó bà Đỗ Thị Hoàng đã nêu ý kiến đề nghị sát nhập các cơ quan của Đảng và của chính quyền vào làm một. Ví dụ như sát nhập cơ quan Tổ chức (của Đảng) và cơ quan Nội vụ (của chính quyền), sát nhập Thanh tra với Kiểm tra, sát nhập Tuyên giáo với Thông tin truyền thông… và vị đại biểu này còn cho rằng nhân thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đề nghị QH không né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền. Theo ĐBQH Đỗ Thị Hoàng, việc nhất thể, sát nhập này vừa đảm bảo tinh giản, vừa đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được tiền thuế của người dân.

Câu chuyện ông Trần Văn Truyền là thể hiện rõ nhất của những bất cập và khiếm khuyết của hệ thống chính trị của VN hiện nay. Ông Trần Văn Truyền nguyên Ủy viên Trung ương Đảng CSVN, người đã từng giữ các chức vụ đầy quyền lực như : Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban kiểm tra T.Ư, Tổng Thanh tra Chính phủ. Việc ông Trần Văn Truyền lợi dụng quyền lực của mình, để mưu lợi cho cá nhân với khối tài sản lớn về nhà đất ở các tỉnh thành đã bước đầu được làm rõ. Điều đáng nói là một loạt các cơ quan trong hệ thống kiểm tra, giám sát của đảng và nhà nước, như: Ủy ban kiểm tra T.Ư; Ban Tổ chức T.Ư; Quốc hội; Chính phủ; chi bộ - đảng ủy của Thanh tra Chính phủ; Ban cán sự đảng của Thanh tra Chính phủ hoàn toàn đã bị vô hiệu hóa và không phát huy được tác dụng trong việc theo dõi và phát hiện các sai sót của ông Trần Văn Truyền.

Vụ việc của ông Trần Văn Truyền, không chỉ là việc bỏ lọt người tham nhũng, kể cả cho đến tháng 2.2014, khi báo Người Cao tuổi và một số báo chí khác đã phanh phui các thông tin làm chấn động dư luận xã hội về khối tài sản đồ sộ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Nhưng trước sự việc này thì người ta thấy hệ thống tư pháp và bảo vệ pháp luật ở Việt nam vẫn án binh bất động. Chỉ tới khi, sau nhiều lần các Đại biểu Quốc hội yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về vụ việc này, thì Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh mới cho biết "Sau phiên chất vấn lần trước, Ban Bí thư đã họp, chỉ đạo UB Kiểm tra TƯ kiểm tra đúng quy trình những vi phạm của ông Truyền. Đến nay chưa có kết luận nên chưa có thông tin để báo cáo ĐBQH.", vì với lý do "Ông Trần Văn Truyền là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư, Tổng Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền" thì người ta mới vỡ lẽ.

Điều đó cho thấy trên thực tế, ở cấp cao nhất của Đảng vẫn còn lại khoảng trống quyền lực bị bỏ quên chưa được giám sát, đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng tham nhũng và lạm quyền của một số không nhỏ các cán bộ cao cấp không bị phát hiện và xử lý kịp thời. Nguy hiểm hơn, các cán bộ cao cấp này thường đứng đằng sau và bảo kê cho các cán bộ cấp dưới là tay chân của mình trong một hệ thống mà người ta gọi là nhóm lợi ích khác nhau. Đây là những cái được dư luận xã hội từng ví là các pháo đài bất khả xâm phạm. Và điều đó cũng cho thấy các cuộc kê khai tài sản của quan chức ở Việt nam chỉ là một việc làm hình thức, vô tác dụng. Nguyên nhân là do các thiết chế giám sát không được coi trọng đúng mức phải có.

Việc ông Trần Văn Truyền người lãnh đạo cao nhất của cơ quan phòng chống tham nhũng của Chính phủ lại dính tham nhũng do lòng tham cũng là điều dễ hiểu, vì ông Truyền nói riêng hay các cán bộ cao cấp khác nói chung họ cũng chỉ là những con người bình thường chứ hoàn toàn không phải là những ông thánh lại được hưởng các đặc quyền rát lớn. Điều này cho thấy cơ chế phòng và chống tham nhũng không được coi trọng, lại được thay bằng cái gọi là sự tu dưỡng về đạo đức của các cán bộ đảng viên hay quyết tâm của hệ thống chính trị một cách vô thức, như ta thường thấy trong các nghị quyết hay các tài liệu tuyên truyền của đảng CSVN. Về thực chất những cái đó là sự thoái thác và vô trách nhiệm, đồng thời cũng là sự dung túng trước vấn nạn tham nhũng của đảng CSVN.

Những tài sản mà ông Truyền có bị báo chí phanh phui mới chỉ là khối tài sản nổi do không thể dấu được, nhưng còn những tài sản chìm như vàng bạc, kim cương, tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài... do ông Truyền tham nhũng hay nhận hối lộ để chỉ đạo làm sai lệch hồ sơ các vụ thanh tra, kiểm tra có bao nhiêu thì chắc chưa ai biết được? Nhưng điều đó là chắc chắn có và với số lượng không nhỏ, tuy nó không phải là hàng tấn tiền mặt hay cả chục xe tải vàng bạc kim cương như họ khám thấy trong nhà của Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng CSTQ, song có lẽ tài sản tham nhũng của ông Trần Văn Truyền cũng không kém số đó là bao nhiêu. Đáng tiếc việc đó đã không được các cơ quan trách nhiệm lưu ý để làm rõ.

Tuy rằng ai cũng biết như vậy và kể cả khi đã có các bằng chứng sai phạm rất rõ ràng, nhưng theo quy định vì ông Trần Văn Truyền là cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý và chỉ khi nào có kết luận chính thức của cơ quan đảng khẳng định đó là hành vi tham nhũng thì các cơ quan quyền lực mới được phép vào cuộc. Điều đó cho thấy đây là bằng chứng cho thấy các cán bộ cao cấp trong bộ máy đảng và nhà nước Việt nam đã đứng trên và ngoài pháp luật. Đây là một khiếm khuyết rất lớn, đồng thời là sự bất cập của thế chế chính trị hiện tại ở Việt nam, là cái cần được nhanh chóng giải quyết.

Dù rằng tham nhũng luôn là quốc nạn đối với mọi quốc gia tuy ở những mức độ rất khác nhau. Song quan trọng là cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực ở mọi quốc gia được coi trọng. Ðó là không chỉ là sự phân quyền giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thiết chế tam quyền phân lập nhằm theo dõi, hay thể chế chính trị đa đảng nhằm tạo nhân tố đối lập để kiểm soát các hoạt động lẫn nhau. Quan trọng hơn nữa, đó là sự độc lập và tính nghiêm minh của các cơ quan tư pháp như : Công tố Viện, Tòa án và Cảnh sát, các cơ quan này hoàn toàn độc lập và không bị đảng cầm quyền chi phối.

Đó chính là nguyên nhân vì sao ở các quốc gia khác tình trạng tham nhũng không tràn lan như ở Việt nam và ở đó người ta tiến hành việc chống tham nhũng rất hiệu quả. Ở Việt nam thì ngược lại, với thể chế độc đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội của Đảng CSVN về mọi mặt, là điều đã khiến cho Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan Tư pháp cũng chỉ là một bộ phận chịu sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Thêm nữa là do tuyệt đại đa số những quan chức có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước hiện nay đều bắt buộc là đảng viên đảng CSVN, trong khi cơ quan phòng chống tham nhũng cao nhất lại trực thuộc cơ quan đảng và do Tổng Bí Thư giữ chức vụ trưởng ban, điều đó đã cho thấy tổ chức chống tham nhũng thiếu hẳn tính độc lập của cơ quan quan trọng hàng đầu này. Đây là những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, ví như "dao sắc không gọt được chuôi", tuy vậy đáng tiếc rằng việc này lại diễn ra triền miên trong một thời gian rất dài mà không được sửa đổi. Điều đó dẫn tới đã làm tê liệt toàn bộ cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực đối với bộ máy nhà nước hiện nay và đó chính là nguyên nhân lý giải vì sao tình trạng tham nhũng ở Việt nam liên tục gia tăng mà không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ thuyên giảm.

Đã từ lâu có nhiều ý kiến đề nghị cần luật hóa sự lãnh đạo của Đảng CSVN, nhưng vì nhiều lý do nên điều này hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Tuy vậy, về mặt bản chất thì đề nghị nhất thể hóa Đảng và chính quyền của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng ninh không phải là một giải pháp tối ưu. Vì nguyên nhân là do đảng CSVN là đảng chính trị hợp pháp duy nhất và nắm vai trò lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Vì thế việc Đảng CSVN đứng trên và ngoài pháp luật, đứng trên và ngoài nhà nước là một thực trạng không ai có thể phủ nhận được. 

Đây cũng là một trong những yếu tố bất cập của thể chế chính trị hiện tại, là mầm mống của các tệ nạn tham nhũng, lộng quyền v.v… trong nội bộ đảng cầm quyền. Cái đó cần được sửa đổi tận gốc đó là thay đổi thể chế chính trị hiện tại và cần phải thừa nhận, tôn trọng sự cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái và tổ chức chính trị trong một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên.

Ngày 26 tháng 11 năm 2014

© Kami
 

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA