You are here

Barack Obama đi tới cùng

Mariusz Zawadzki (Washington) - Lê Diễn Đức dịch

Những người biểu tình của tổ chức Puente chống trục xuất trước Sở Di Trú Phoenix - Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ thách thức Quốc hội và bất chấp các dân biểu đã ra "sắc lệnh" bảo vệ hàng triệu người nhập cư khỏi bị trục xuất và cho họ quyền được làm việc chính thức. Đảng Cộng hòa đe dọa sẽ đưa ông vào tù vì việc này.

Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama vào 8 giờ tối, giờ Washington D.C, ngày 20 tháng 11 năm 2014, là một trong những sự kiện quan trọng nhất - và mang kịch tính nhất - trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tự quyết định, cân bằng với các khía cạnh của luật pháp, để giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước, đó là vấn đề của hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.

Các tranh chấp phải làm gì với 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp diễn ra ở Mỹ từ nhiều năm nay.

Đảng Cộng hòa cho rằng sự chấp nhận một cách chính thức là dấu hiệu yếu kém của nhà nước và cho phép vi phạm pháp luật, đồng thời khuyến khích cho đoàn người đông đảo trên toàn thế giới vượt biên giới với Mexico, hoặc đi đến, giả vờ là khách du lịch, bởi vì sớm hay muộn tất cả sẽ được tha thứ và sẽ được Mỹ chấp nhận.

Đối với tất cả điều này, Obama trả lời: - Nước Mỹ thực chất là đất nước của những người nhập cư! Hầu như tất cả mọi người (trừ người Da Đỏ) đều từ nơi khác đến đây, hoặc là tổ tiên của chúng ta...

Lập luận như vậy đã được nhắc cách đây hai tuần trong một công bố mà các đối thủ của nó gọi là "độc tài". Nó sẽ không giải quyết toàn bộ vấn đề, nhưng người ta ước tính rằng nó sẽ bảo vệ nguy cơ khoảng 5 triệu người bị trục xuất và - quan trọng hơn - cho họ quyền được làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Sắc lệnh được áp dụng, ngoài những điều khác, đối với những người nhập cư bất hợp pháp đã ở Mỹ ít nhất 5 năm và có con là công dân Mỹ (tức là sinh ra ở Mỹ). Tình trạng của họ không được giải quyết hoàn chỉnh mà chỉ tạm thời. Tổng thống ra lệnh cho các cơ quan dưới quyền đình chỉ "vô thời hạn" việc trục xuất nhóm di dân đặc biệt này.

Đây không phải là sự thay đổi luật pháp - để giải quyết vấn đề này cần có luật của Quốc hội - chỉ đình chỉ thi hành theo luật hiện cho 5 triệu người. Phải chăng một điều như thế là chấp nhận được?

Đảng Cộng hòa nói rằng Hiến pháp Hoa Kỳ viết "Tổng thống phải cố gắng để pháp luật hiện hành được thực thi". Nếu thông báo công khai rằng điều này không thực hiện, có nghĩa là vi phạm hiến pháp. Và nếu như vậy, có thể xử lý kỷ luật sa thải khỏi chức vụ. Dân biểu bang Alabama Mo Brooks còn nói rằng, Obama thậm chí có thể ngồi tù.

Nhà Trắng giải thích sắc lệnh theo cách khác - không phải là một hình thức "treo luật" mà chỉ là "sự thay đổi trong ưu tiên thực thi."

Điều đáng nói là các cơ quan thực thi pháp luật - cảnh sát và di trú - bị hạn chế về khả năng và phương tiện. Họ không có cơ hội thực sự để thực hiện tất cả các nhiệm vụ. Họ không thể bắt tất cả những người phạm tội. Không thể trục xuất 11 triệu người. Trong thực tế, cần phải thiết lập một ưu tiên, cũng giống như cảnh sát giao thông, họ không thể bắt dừng lại những người lái xe vượt quá tốc độ giới hạn, ví dụ 3 km/giờ, mà chỉ những người vượt giới hạn đáng kể.

Cơ quan Di trú sẽ chấm dứt đối phó với những 5 triệu người mà Obama ân xá không chính thức, nhưng thay vào đó sẽ tập trung vào công việc quan trọng hơn - truy bắt và trục xuất những người nhập cư phạm tội.

Sắc lệnh của Tổng thống bị đảng Cộng hòa xem như một sự nhạo báng và bê bối. Nhà bình luận cánh hữu nổi tiếng Charles Krauthammer nói, trớ trêu thay, nếu như vậy thì Tổng thống của đảng Cộng hòa trong tương lai có thể công khai lệnh cho cơ quan thuế thôi truy tố những người không nộp thuế lợi tức từ vốn (tức cổ phiếu trên thị trường chứng khoán). Bằng cách này, các triệu phú  Mỹ trên thực tế - không thay đổi pháp luật - được miễn thuế này! Cành tả, vâng, sau đó sẽ than thở rằng 1 phần trăm người Mỹ giàu có lại giàu thêm bằng cái giá của 99 phần trăm còn lại?

Đương nhiên, cánh tả sẽ còn nói rằng, một sự thay đổi mạnh mẽ nào đó trong khế ước xã hội chỉ có thể được chấp nhận bởi một dự luật của Quốc hội. Và ngay bây giờ cánh tả cũng nói tương tự -  một vấn đề quan trọng, như số phận của những người nhập cư bất hợp pháp, có thể được giải quyết chỉ bởi Quốc hội (và sau đó được xác nhận bằng chữ ký của Tổng thống theo Đạo Luật).

"Sắc lệnh" của Tổng thống - theo cánh hữu - đặc biệt thái quá hai tuần sau chiến thắng vĩ đại của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội, được xem là lá phiếu bất tín nhiệm đối với Obama. Với quyền hành gì mà một tổng thống không được sự hỗ trợ xã hội cai trị như một ông vua?

Về điều này, Obama trả lời: - Tôi đã cố gắng đi con đường "bình thường" thông qua Quốc hội, nhưng đảng Cộng hòa đã chặn nó. Tôi sẽ không chờ đợi lâu hơn!

Năm ngoái, Thượng viện đã thông qua pháp luật về cải cách nhập cư, trong đó mở đường để hợp pháp hoá cho 8 triệu người (có cả việc bãi bỏ thị thực cho người Ba Lan). Nhưng đảng Cộng hòa chiếm ưu thế ở hạ viện thậm chí đã không đưa dự luật này ra bỏ phiếu. Nó đã bị giết chết bởi sự lãng quên. Bây giờ, sau cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa có đa số trong cả hai viện, do vậy dự luật càng không có cơ hội.

Người Mỹ đã nghĩ gì về tất cả? Thăm dò dư luận của tờ "Wall Street Journal" cho thấy 57 phần trăm đồng ý nên tạo một cơ hội cho di dân bất hợp pháp (40 phần trăm ngược lại). Tuy nhiên, chỉ có 37 phần trăm  muốn tổng thống làm việc về vấn đề này một mình, mà không cần tham chiếu đến Quốc hội (48 phần trăm chống lại). Vì vậy, người Mỹ muốn ân xá cho người nhập cư bất hợp pháp, nhưng không thích các phương pháp được đưa ra.

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức

---------------------------------------------------

* Tác giả Mariusz Zawadzki là phóng viên thường trú của nhật báo Ba Lan "Gazeta Wyborcza" tại Washington DC.

Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan đăng trên "Gazeta Wyborcza" ngày 21 tháng 11 năm 2014 tại link: http://wyborcza.pl/1,75477,17004131,Barack_Obama_idzie_na_calosc.html