Sau hàng loạt các vụ "lùm sùm" xung quanh các phát biểu gây cười trong nghị trường, và hành động xỉ nhục bạn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các ông nghị bà nghị thuộc Quốc hội Việt nam. Một lần nữa những ngày này dư luận xã hội ở Việt nam lại nóng lên với việc Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong một phiên họp kín vào ngày 15.11 sắp tới.
Vài nét về Quốc hội VN
Theo Hiến pháp Việt nam, Quốc Hội là cơ quan lập pháp, có nhiệm vụ quyết định và kiểm soát những vấn đề lớn, các chính sách và hoạt động của bộ máy nhà nước. ĐBQH là những người ưu tú về phẩm chất, năng lực, do cử tri trực tiếp bầu ra và thay mặt cử tri thực hiện quyền lực nhà nước tại Quốc Hội. ĐBQH có nhiệm vụ trình và biểu quyết thông qua các dự án luật, các nghị quyết của Quốc hội; chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc chỉ định như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng v.v...
Tuy nhiên trên thực tế, việc hầu hết các Dự thảo Luật đều do các Bộ, Ngành trực thuộc Chính phủ - cơ quan Hành pháp đề xuất, để cho Quốc hội làm nhiệm vụ thảo luận và thông qua là chuyện thường xuyên xảy ra ở cơ quan Lập pháp cao nhất. Đó là việc đã để cho cơ quan Hành pháp làm thay việt của cơ quan Lập pháp trong việc xây dựng các bộ Luật. Đây là một đặc thù đồng thời là một nhược điểm khá trầm trọng của Quốc hội Việt nam. Đây được cho là hậu quả của vấn đề dân chủ hình thức, thiếu thực chất trong việc lựa chọn nhân sự của Quốc hội trong cơ chế "Đảng cử, Dân bầu". Nguyên nhân chính, dẫn đến việc này là do các ĐBQH đa số là không đủ năng lực, thiếu chuyên môn và hiểu biết cần có để tham gia trong công việc xây dựng pháp luật.
Điều đó dẫn tới việc các ĐBQH không làm đúng vai trò của thành viên cơ quan lập pháp, thay vì việc đề xuất, giới thiệu các dự luật quan trọng và cần thiết liên quan đến hoạt động của các tổ chức hay quyền lợi của người dân v.v... thì các ĐBQH lại đi vào các vấn đề không quan trọng, mang tính tiểu tiết thậm chí là các đề nghị xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân đã được pháp luật quy định.
Từ những phát ngôn và hành động gây sốc của ĐBQH...
Vừa qua, truyền thông trong nước đề cập khá nhiều tới các phát biểu và hành động chưa phù hợp của các ĐBQH. Đó là việc liên tiếp có các ĐBQH có những phát biểu mang tính phản cảm ở nghị trường, điều đó cho thấy các vị ĐBQH này có vấn đề trong việc nhận thức và tư duy, đã khiến cho họ chưa thật hiểu những gì họ nói. Điều này đã khiến dư luận băn khoăn về chất lượng và trình độ của thành viên cơ quan lập pháp Việt Nam.
Ví dụ như, chuyện ĐBQH Nguyễn Thị Nhung thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh hóa yêu cầu Quốc Hội xây dựng một luật mới là Luật Đặt tên, mà theo vị ĐBQH này thì quy định đặt tên phải thuần Việt, sao cho hợp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Đề nghị của vị ĐBQH này được biết đã trái với quy định Điều 26 Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam đã quy định là “Công dân có quyền đối với họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo tên khai sinh của người đó”. Hay đối với trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định rõ là: “Việc đặt tên Việt Nam hay tên nước ngoài là theo sự lựa chọn của cha mẹ.”. Cũng như việc đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thuộc Đoàn ĐBQH Hà nội vừa đề nghị phải đưa dịch vụ "ngủ ôm trong sáng" vào danh mục cấm, cho dù dự thảo Luật Đầu tư đã quy định rất rõ là mại dâm được xếp vào một trong 6 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh.
Hoặc chuyện TS. Luật - ĐBQH Đỗ Văn Đương, người phản đối việc quy định về quyền im lặng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cho rằng: “đây là chuyện kiểu như vẽ đường cho hươu chạy để bọn tội phạm lộng hành”. Không những thế, ĐBQH Đỗ Văn Đương còn cho rằng “thực chất luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”, với lập luận luật sư đi bào chữa thì đương nhiên phải có thù lao, chứ nếu không thì “sống bằng không khí mà đi bào chữa à?". Phản ứng về phát biểu này, ông Lê Thúc Anh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho rằng, đây không chỉ là một nhận định thiếu căn cứ mà còn hoàn toàn trái với quy định tại Điều 3, luật Luật sư. Mà còn không phù hợp với nguyên tắc về đảm bảo quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được xác định là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp.
Mới đây nhất là sự việc ĐBQH Hoàng Hữu Phước "công kích, bôi nhọ" với mục đích cố tình làm nhục ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thông qua các bài viết trên blog cá nhân. Được biết, cho dù cách đây chưa lâu vị ĐBQH này cũng đã từng xin lỗi và thừa nhận mình đã có những lời lẽ không đúng mực với đại biểu Dương Trung Quốc, khi nói ĐBQH Dương Trung Quốc mắc chứng "Tứ Đại Ngu".
Đánh giá các nhược điểm của Quốc hội Việt nam, chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Quốc Hội Việt Nam rất đặc biệt là nó tập hợp rất nhiều lĩnh vực với nhiều kinh nghiệm khác nhau. Ở Việt Nam mấy người vào Quốc Hội như mấy ông sư hay tướng tá là một việc hết sức khác so với các nước. Họ không bị bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ. Nó độc đáo ở chỗ phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ đưa ra những dự án luật này luật kia rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối cùng thì bấm nút thế là xong!”
... đến bước thụt lùi của Quốc hội
Theo kế hoạch, ngày 15.11.2014 sắp tới Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong một phiên họp kín. Vấn đề tại sao Quốc hội lại phải họp kín để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm được dư luận hết sức quan tâm, vì trước đây Quốc hội đã từng tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn theo tinh thần nghị quyết 35, với các mức tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa, và tín nhiệm thấp. Nghĩa là thay vì bỏ phiếu ở hai mức tín nhiệm và bất tín nhiệm thì người ta đã mở đường thoát bằng cách tất cả đều được tín nhiệm nhưng ở các mức khác nhau.
Trước việc dư luận và một số ĐBQH rất bất bình về cung cách làm ăn mang tính đối phó trong việc lấy phiếu tín nhiệm mà họ cho rằng theo lối không giống ai và không mang tính răn đe, trừng phạt đối với các chức danh quan trọng như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... nên Quốc hội đã quyết định tạm hoãn việc lấy phiếu tín nhiệm để xem xét và đề xuất giải pháp cho phù hợp hơn. Tuy vậy, dự thảo sửa đổi Nghị quyết được trình ra trong kỳ họp thứ 7 hầu như không có bước tiến triển gì so với trước. Nghĩa là đối tượng và ba mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa, và tín nhiệm thấp vẫn được giữ nguyên như cũ, không những thế thời gian lấy phiếu từ mỗi năm một lần đổi thành một lần duy nhất vào giữa kỳ cho cả nhiệm kỳ làm việc của Quốc hội.
Dù rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và chuẩn thuận được đánh giá rằng chỉ là biện pháp để yên lòng dân của chính quyền, nhằm chứng tỏ rằng Quốc hội vẫn thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu của các cơ quan này. Xung quanh vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và chuẩn thuận, dư luận cho rằng Quốc hội cần phải công khai, minh bạch từ khâu lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cho tới khâu xử lý kết quả thu được. Tuy kết quả của cuộc lấy phiếu lần đầu cũng không giúp giải quyết cho bất kỳ vấn đề gì, bằng chứng là những người có kết quả tín nhiệm thấp vẫn an toàn tại vị mà không chịu bất kỳ hình thức xử lý nào. Nay việc Quốc hội lại tổ chức họp kín để lấy phiếu tín nhiệm cho các chức danh Quốc hội bầu hoặc chuẩn thuận đã gây thất vọng cho đa số dân chúng, vì họ có cảm giác rằng Quốc hội đã bị phản bội họ.
Nhận xét về việc Quốc hội tiến hành họp kín để lấy phiếu tín nhiệm, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển cho rằng: "Theo tôi đây là bước lùi. Quốc hội mà hoạt động bí mật thì nó sai hoàn toàn với nguyên lý là cơ quan dân cử. Cái đó không ở đâu giống cả, ở nhiều nước Quốc hội còn mở cửa cho dân vào xem, kể cả còn dự các kỳ họp. Việc đó rõ ràng là quyền lực của nhân dân thì phải thực hiện một cách công khai, một cách rõ ràng, nó có tiêu chí. Quốc hội không thể có những hoạt động kiểu 'bí mật' như vậy"
Dư luận nói gì?
Từ những sai sót trong phát ngôn và hành động của không ít các vị ĐBQH kể trên không chỉ gây mất uy tín cho Quốc hội, đáng chú ý là tình trạng này xảy ra ở cơ quan quyền lực cao nhất. Nhưng điều nguy hiểm hơn là trong một vài năm gần đây, các phát ngôn và hành động kỳ quặc ấy diễn ra liên tiếp và đã trở thành tâm điểm của các kỳ họp Quốc hội. Điều đó làm cho dư luận xã hội sự lo ngại về chất lượng, phẩm chất của các ĐBQH về mọi mặt, mà theo họ đang ở tình trạng rất đáng báo động.
Lâu nay, nhiều ý kiến thấy rằng chất lượng ĐBQH thấp hoặc quá thấp chỉ là vấn đề hoài nghi, thì đến nay đã không thiếu những bằng chứng đã nêu trên để chứng minh đó là điều có thật. Qua các hoạt động của các ĐBQH cho thấy, số lượng các ĐBQH thể hiện bản thân có năng lực, trình độ thông qua việc phát biểu có trọng tâm, hoặc việc đề cập đến các vấn đề quan trọng, cấp thiết còn quá ít. Đó có lẽ là lý do lý giải việc vì sao các ĐBQH lại thường đề cập đến các vấn đề không quan trọng, như Luật Đặt tên, hay vấn đề quản lý việc "ngủ ôm trong sáng"... mà không đề cập đến các vấn đề cần thiết lớn hơn nhiều, như Luật Biểu tình hay vấn đề các chính sách khuyến khích nghiên cứu sáng chế v.v...
Về trường hợp ĐBQH Hoàng Hữu Phước xỉ nhục bạn ĐBQH, luật gia Trần Đình Thu đã cho rằng ông nghị này đã mắc chứng tâm thần thể nhẹ, mà theo luật gia này thì triệu chứng rõ nhất là ông ĐBQH này đã không làm chủ được những từ ngữ mà ông ấy viết ra. Đáng chú ý là vị luật gia đó còn lo rằng: "Đừng để một ngày nào đó, khi căn bệnh của ông Phước bùng phát bất ngờ trong một phiên họp Quốc hội đang truyền hình trực tiếp, cả thế giới phải chứng kiến một nghị sĩ Việt Nam lên cơn la hét hoặc thậm chí cởi áo quần nhảy múa điên cuồng trên màn hình."
Không chỉ thế, tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu đã lo lắng vấn đề tâm thần của ĐBQH nếu không ổn định sẽ là điều rất khó lường. Tới mức có luồng ý kiến cho rằng: "Đừng để người tâm thần ứng cử đại biểu Quốc hội" và ĐBQH Trần Du Lịch đánh giá cho rằng: “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thẳng thắn đề nghị các ứng viên phải được khám sức khỏe tâm thần.
Việc Quốc hội quyết định họp kín khi lấy phiếu tín nhiệm lần này càng cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là việc làm lấy lệ, mang tính hình thức. Điều này còn được cho là chủ trương của các cấp lãnh đạo cao nhất có mục đích nhằm vô hiệu hóa việc làm bỏ phiếu tín nhiệm có tác dụng răn đe và trừng phạt của Quốc hội. Tức là một mặt đối với dân chúng họ cố tỏ ra có vẻ quan tâm, và muốn Quốc hội làm nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động của nhà nước, nhưng mặt khác họ cũng không muốn người dân biết kết quả của những việc làm này của Quốc hội.
Quốc hội là cơ quan hình thức không có thực quyền
Trên thực tế, việc người dân thể hiện vai trò làm chủ của mình thông qua việc đi bỏ phiếu bầu trong các cuộc bầu cử các đại biểu của mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất hoàn toàn chỉ là việc làm hình thức trong cơ chế "Đảng cử, Dân bầu". Về thực chất, người dân chỉ có quyền lựa chọn và bầu các đại biểu theo danh sách Đảng đã duyệt sẵn. Rồi kết quả ai trúng, ai trượt thì cũng do Đảng đã cơ cấu sẵn từ trước. Bằng chứng là, trong các cuộc bầu cử đó chuyện kiểm phiếu là việc làm hình thức lấy lệ, không có ai chứng kiến và người dân cũng không quan tâm đến việc ai trúng, ai trượt và tình trạng một người đi bầu thay cho cả gia đình là chuyện bình thường. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng chục năm nay người dân thờ ơ và coi nhẹ các cuộc bầu cử, điều mà bất kỳ ai, ai cũng biết rằng chỉ là những trò hề.
Không chỉ các nhà bình luận chính trị, mà hầu hết dân chúng ở Việt nam đều có chung một nhận định cho rằng Quốc hội Việt nam không hề đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Trên thực chất đó chỉ là một tổ chức sinh ra từ cơ chế "Đảng cử, Dân bầu", với các ĐBQH chỉ là những ông, bà nghị gật giữ vai trò làm bình phong, nhằm hợp pháp hóa các chủ trương chính sách của Đảng CSVN. Quốc hội Việt nam thật sự là công cụ của Đảng CSVN với mục đích để lừa bịp người dân, đồng thời để che mắt quốc tế, nhằm chứng tỏ rằng ở Việt nam người dân vẫn có quyền lực và tiếng nói thông qua cơ quan dân cử cao nhất là Quốc hội.
Việc thể chế chính trị độc Đảng lãnh đạo ở Việt nam không chấp nhận cơ chế Tam quyền phân lập nhằm mục đích kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa các bộ phận Lập pháp - Hành pháp và Tư pháp vốn phải có, điều đã trở thành thông lệ đối với nên dân chủ nghị trường. Mà được thay bằng sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt từ trên xuống dưới của Đảng CSVN, nghĩ là tổ chức Đảng là cao nhất và đứng trên tất cả, kể cả Hiến pháp và pháp luật. Do đó Quốc hội hầu như không có vai trò gì đáng kể trong chính trường Việt nam và sự tồn tại của tổ chức này là điều hoàn toàn mang tính hình thức.
Đó là nguyên nhân dẫn tới việc các ĐBQH hiện có mặt trong Quốc hội, chỉ là những người do Đảng cử và chọn sẵn theo cơ cấu là công cụ của Đảng chứ không hề đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Vì vậy nên các ĐBQH hầu hết là những người không có năng lực, không có đủ trình độ để đảm nhận vai trò thành viên của cơ quan Lập pháp. Thậm chí người ta còn có hoài nghi khi cho rằng: "Đừng để người tâm thần ứng cử đại biểu Quốc hội" , đây có lẽ là điều xỉ nhục đối với cơ quan quyền lực cao nhất ở Việt nam.
Kết
Quốc hội hiện nay ở Việt nam không hề có một thực quyền gì, chứ không phải là cơ quan quyền lực cao nhất như Hiến pháp quy định. Sự có mặt của Quốc hôi ở Việt nam thực ra có cũng thế mà không có thì cũng vẫn như vậy. Nó chỉ là bình phong, và phương tiện nhằm hợp pháp hóa các chủ trương chính sách của Đảng CSVN và là vật tô điểm cho bức tranh độc đảng toàn trị ở Việt nam. Mà ở đó tất cả mọi quyền hành điều khiển đất nước chỉ do một nhóm người nắm quyền lực chi phối.
Vậy thì ở Việt nam, sao không để Đảng làm hết mọi việc, cần gì phải có Quốc hội cho tốn tiền thuế của dân?
Ngày 13 tháng 11 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây