You are here

Ghi chép về chuyến đi Mỹ: 11. Đi biểu tình ở California

Theo kế hoạch, đồng bào ở quận Cam tập trung tại chùa Điều Ngự lúc 2 giờ chiều rồi có xe thuê chở đi. Mình vừa xuống xe thì lập tức các phóng viên ùa đến phỏng vấn. Đại ý là anh đi biểu tình với mục đích gì và cảm tưởng ra sao. Mình bảo tôi rất háo hức khi được sát cánh cùng đồng bào Hải ngoại vì chủ quyền của Tổ Quốc. Mặc dù xa xứ nhưng đồng bào vẫn đau đáu hướng về quê hương. Sang đây, tôi được đứng chung trận tuyến với bà con chống kẻ thù xâm lược, đó là niềm vui hiếm có. 

 

Tâm trạng mình thật khó tả, chắc chắn những gì diễn ra sẽ không giống như những cuộc biểu tình mình đã tham gia ở Hà Nội. Đặc biệt là mình được hoan nghênh chứ không bị đàn áp. Mình thấy vui khi nghĩ rằng những gì người khác quay chụp, ghi âm mình không phải để củng cố hồ sơ cho cơ quan an ninh mà là để quảng bá cho sức mạnh đoàn kết của cộng đồng Việt.

 

Gặp người quen, hai anh em mình được mời sang xe khác nên Minh gửi xe ở lại chùa Điều Ngự. Nhiều người đi xe riêng, còn lại thì đi xe thuê. Xe thuê to hơn xe bus ở Hà Nội, gầm rất cao, màu trắng chứ không đỏ và vẽ quảng cáo lòe loẹt. 

 

Tới lãnh sự quán Trung Quốc đã thấy hàng trăm đồng bào Việt tập trung trước cổng với cờ vàng. Một rừng cờ vàng. Mình đã nghe nói đến tinh thần chống cộng ở quận Cam và Los Angeles nói chung nhưng không tưởng tượng được đến đây lắm cờ vàng như vậy. Mình thầm nghĩ, giá như lúc này, mình thò ra một cái cờ đỏ thì không biết có gặp rắc rối không. Chợt nhớ chuyện nhà văn Nguyễn Khải sang Mỹ, có lần vừa dừng xe đã bị lôi ra đánh, ông kêu: “Ơ, tao già rồi, có đánh thì cũng nhè nhẹ tay thôi chứ”. Nhưng mình tin mình sẽ không bị như thế. Mình chưa có bài viết nào ca ngợi “sự nghiệp giải phóng miền Nam” cũng như ca ngợi cuộc sống ấm no hạnh phúc dưới chế độ XHCN.

 

Băng rôn, biểu ngữ cũng rất nhiều, in đẹp, cả bằng tiếng Anh, Việt, Hoa. Bà con in lên ảnh những tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Vừa nhìn thấy biểu ngữ có hình Nguyễn Phương Uyên, mình buột miệng kêu lên: “Ơ con gái” rồi liền xin và giữ khư khư suốt buổi. Tự nhiên mình ước, giá mà có Phương Uyên ở đây. 

 

Lại phóng viên các báo, đài đến phỏng vấn. Chẳng hiểu vì sao, đi đến đâu, mình cũng nằm trong tầm mắt của các phóng viên. Tiếp xúc với giới báo chí bên Mỹ, mình thấy họ rất xông xáo, nhạy bén, tâm huyết với nghề chứ không có tác phong “tay cầm bút chân đút gầm bàn”, “sáng cắp ô đi tối cắp về” và nếu họ có viết tốt về mình, chắc không phải là để làm tiền. Phóng viên hay ai đó hỏi gì, mình cứ trả lời thế, kể thế, không cần đắn đo ý tứ khi trả lời hoặc trau chuốt, lựa chọn từ ngữ để né tránh.

 

Ban Tổ chức đọc diễn văn xong, đoàn biểu tình hô những khẩu hiểu đả đảo Trung Cộng, đả đảo luôn cả Việt Cộng. Nhiều câu khẩu hiểu đả đảo CSVN với nội dung rất mạnh.

 

Từ chùa Điều Ngự lẫn ở đây, Minh đều có ý thức bảo vệ cho mình. Chẳng phải sợ mình bị cảnh sát bắt hay côn đồ tấn công mà mỗi khi chụp hình cho mình anh hay lựa sao cho không có nhiều cờ vàng với những khẩu hiệu chống cộng, sợ về nước mình bị làm khó. Mình bảo, anh cứ chụp tự nhiên, không sao cả. Cũng có người nhắc nhở mình coi chừng an ninh cộng sản trà trộn. Thì ở Hà Nội mình đả đảo Trung Cộng, sang đây cũng đả đảo Trung Cộng, mà ở Hà Nội an ninh còn công khai và bu như kiến ấy chứ.

 

Đồng bào đứng cả chật hai bên đường. Những tiếng hô đả đảo vang cả một góc phố. Cổng lãnh sự quán Trung Cộng đóng im ỉm. Mình cũng giương biểu ngữ lên hô: 

 

-Đả đảo Trung Cộng gây hấn Biển Đông.

 

-Đả đảo bè lũ Tập Cận Bình.

 

Lại hô cả khẩu hiệu của Phương Uyên: "Tàu Khựa cút khỏi Biển Đông".

 

Nhiều người biết mình từ Việt Nam sang đây biểu tình liền quây lấy hỏi chuyện. Cũng có người biết tên mình từ trước, cũng có người nghe giới thiệu mới biết. Thấy vui và đầm ấm quá. Một chị bảo: “Các anh trong nước chỉ phản đối, phản biện thôi thì làm được gì? Sao không cầm súng bắn chết hết bọn cộng đi?”. Thái độ này, nhiều người cũng đã bày tỏ trên mạng hoặc vào tận blog của mình cọmmnent. Giải thích sao được nếu chỉ bằng mấy câu trả lời trong vài phút ngắn ngủi nên mình chỉ cười. Có mỗi trường hợp ấy thôi, còn mọi người đều tỏ ý cảm phục anh em đấu tranh trong nước, coi họ là những anh hùng. Nếu người tranh đấu nào không tự biết mình thì rất dễ ngộ nhận, thăng hoa thành những đám mây lơ lửng trên trời, và tất nhiên cuối cùng sẽ tan thành nước rơi xuống mặt đất. Có người giúi vào tay mình mấy tờ đô la, bảo để anh uống cà phê, vì biết mời anh, anh không có thời gian. Người khác thấy thế cũng làm theo. Lại có người gửi tiền cho Hội Bầu bí tương thân.

 

Cuộc biểu tình cũng có công an, nhưng chỉ có khoảng 3,4 người để giữ trật tự. Cậu nào cũng to cao mà mặt lại hiềnlành, tươi tỉnh. Họ chỉ có hai yêu cầu, một là đừng đứng dưới lòng đường, hai là đừng đứng sát vào hàng rào lãnh sự quán để chừa ra một lối đi bộ, còn hô hét, đả đảo ai họ mặc kệ. Hình như cảnh sát còn chắn các ngả đường dẫn đến khu vực biểu tình để đảm bảo cho đoàn biểu tình, vì mình không thấy xe cộ đi lại.

 

Chừng hai tiếng thì đoàn biểu tình giải tán. Hẳn là nhân viên lãnh sự quán Tàu lúc này mới bắt đầu chui từ gầm bàn ra, hoàn hồn. Có mấy người kéo mình lên xe thuê, tụi mình bỏ xe con, đi theo đoàn về chùa Điều Ngự. Trên xe nói chuyện cũng rất vui, về đến nơi lúc nào không biết.

 

Đoan Trang, Hồng Trang giữ mình ở lại ăn tối với mọi người. Minh không ở lại được. Mọi người bảo anh cứ về rồi sẽ đưa mình về sau. Bữa ăn thật vui vẻ. Ngoài hai bạn ra, mình chỉ còn nhớ có a Tâm, vợ anh Hòa (mạng lưới nhân quyền) trong số hơn 10 người có mặt. 

 

Được biết, ngay hôm sau, tức 17/5/2014, lại có cuộc biểu tình nữa cũng tại đây nhưng do phe cờ đỏ tổ chức. Như vậy cuộc biểu tình mình tham gia hôm ấy là của phe cờ vàng. Riêng trong tháng 5/2014, có rất nhiều cuộc biểu tình của đồng bào Việt ở Hải ngoại phản đối Trung Cộng diễn ra ở các bang của nước Mỹ. Cùng một mục tiêu chống Trung Quốc nhưng phe cờ đỏ và cờ vàng tránh chạm nhau nên luân phiên nhau tổ chức. Tuy vậy, cũng có những cuộc biểu tình có cả cờ vàng và cờ đỏ

 

Nói về biểu tình ở California, mình kể thêm một chút kỷ niệm. Tối hôm sau, Minh đưa mình đi có việc. Đột nhiên, anh dừng xe lại, bảo vào đây cái đã. Thì ra ở đấy, cũng có một cuộc mít tinh chống Trung Cộng. Minh bảo đừng nói gì nhé, cứ quan sát thôi (như đã nói, Minh luôn luôn tìm cách bảo vệ mình). Đó là một khoảng hè phố nhưng rất rộng, trên tường căng một phông lớn. Cũng cờ vàng, biểu ngữ và hô khẩu hiệu đả đảo cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng. Mình đứng quan sát được một lúc thì đồng bào lần lượt kéo đến vây quanh hỏi chuyện. 

 

Một bạn hỏi chuyện một lúc thì chạy đi, khi quay lại mang đến tặng mình một chiếc quần bò. Sau đó anh quay lại lại nhét vào túi mình một tờ đô la nữa, bảo tặng anh chiếc quần chưa đủ.

 

Nghe nói mình đi biểu tình ở Lãnh sự quán Trung Quốc, một người yêu cầu mình đọc bài thơ “Hãy để anh đi” mà mình viết ngay trước khi đi biểu tình hôm 1/7/2012, bảo tôi rất thích bài ấy. May mà mình còn nhớ vì mấy hôm trước ở nhà Thanh Lan, mọi người cũng yêu cầu mình đọc bài này. Lại một bạn thanh niên khác mời mình về nhà chơi, bảo nhà em rất gần đây. Nhưng mình phải đi vì không còn thời gian, đành hẹn đại bạn ấy chuyến sau sang, nhất định sẽ đến thăm bạn. Nói thế nhưng đến giờ, mình chẳng còn nhớ anh tên gì, địa chỉ ra sao, vì mọt số ghi chép, khi về mình bỏ quên trên máy bay.

 

Với Đoan Trang

 

Với đồng bào hải ngoại

 

Với cảnh sát Mỹ

8/11/2014

 

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Phụ lục:

 

HÃY ĐỂ ANH ĐI

 

Nay anh không về, đừng buồn nhé nghe em 

Hãy cứ coi như anh đi làm trả nợ 

Nợ của Vua Hùng, nợ từ tiên tổ 

Cho chúng mình non nước Việt hôm nay.

 

Có gì đâu, anh đi vắng một ngày 

Hay thêm nữa, làm sao mà sợ hãi

Anh tắm gội, cạo râu, thay đồ mới 

Nhỡ có bề gì, đỡ vất vả cho em.

 

Ở ngoài kia bao đồng đội thân quen 

Anh ở nơi đâu, bạn cũng tìm ra được 

Có kết tội, tội anh là yêu nước 

Chẳng bạo tàn nào ngăn cản được em ơi.

 

Đừng cho anh nói gở, ngắt ngang lời 

Thời buổi nhiễu nhương, điều chi mà không thể 

Anh "về muộn" mấy lần, dẫu em lo như thế 

Thêm một lần thì cũng có sao đâu.

 

Cả một thời tuổi trẻ đã qua mau 

Lo trấn ải, quên rằng mình bạc tóc

Giờ lại lũ giặc quen phương Bắc 

Hãy để anh đi, còn chút sức cuối cùng.

 

 

Viết trước khi đi biểu tình chống TQ 1/7/2012

 

TƯỜNG THỤY

 

 

Kỳ 1 Kỳ 2 Kỳ 3 Kỳ 4 Kỳ 5 Kỳ 6 Kỳ 7 Kỳ 8 Kỳ 9 Kỳ 10