You are here

Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng – Kỳ cuối: "Có cắn lưỡi tự tử ở đây cũng thế thôi"

Bây giờ thì không còn hy vọng đón Minh Hằng về được nữa, nhưng không vì thế mà chúng tôi chán nản. Mọi tình huống xảy ra đều đã được lường trước.

Chúng lùa tốp bị bắt đầu tiên vào phòng họp. Một đứa dáng khá cao to, còn trẻ, chừng 35 tuổi tuyên bố bắt đầu làm việc. Tôi bảo:

-Khoan đã, trước khi vào việc, yêu cầu anh cho biết anh là ai.

Nó rút ra một cái thẻ, chìa một mặt ra ngoài cho tôi xem. Tôi mới đọc được mấy chữ “ĐIỀU TRA HÌNH SỰ”, nó đã đút nhanh vào túi. Tôi nói luôn:

-Không, tôi cần biết danh tính, để anh có tránh nhiệm với việc làm của mình chứ cảnh sát điều tra hình sự hay gì đi nữa, với chúng tôi không quan trọng.

Nó lại rút ra một lần nữa, quay mặt kia cho tôi xem. Tên nó Hà Quốc Trung.

Có lẽ việc tôi hỏi giấy đến mấy lần làm cho nó khó chịu. Nó hùng hổ huyên thuyên một hồi, rặt giọng đe dọa. Nó nói câu nào, tôi phản bác câu ấy, giờ chẳng nhớ tôi với nó nói với nhau những gì. Tôi nói:

-Tôi yêu cầu anh phải có thái độ, lối xưng hô đúng mực khi làm việc với chúng tôi.

-Thái độ và xưng hô của tôi làm sao?

Nó xưng với tôi và mọi người là anh, tôi. Lúc này, tôi không biết nó bao nhiêu tuổi, lại trong mặt nó khá già nên chỉ bảo:

-Anh không được có thái độ trấn áp chúng tôi. Anh phải nói năng từ tốn. Chúng tôi đâu phải là người dễ để cho anh phủ đầu.

Hạnh bảo:

-Các anh lưu ý, bác này vừa mới ra viện. Nhỡ bác ấy bị làm sao trong đồng công an thì phiền phức.

<= Tên Hà Quốc Trung

Thằng Trung bảo:

-Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận chứ không chịu trách nhiệm đối với sức khỏe của ai khi vào đây. Có cắn lưỡi tự tử cũng thế thôi.

Rồi nó lần lượt hỏi tên từng người, ở tỉnh thành nào, làm gì thế thôi. Còn mục đích, nó chỉ hỏi người đầu tiên là đến tham gia phiên tòa Bùi Thị Mình Hằng chứ gì, đến người khác nó không hỏi nữa.

Hỏi đến Mai Dũng, anh bảo:

-Chú tên…

Nó nói:

-Anh xưng hô phải đúng mực, không có chú cháu ở đây.

Sau hỏi ra, tôi biết thằng này sinh năm 1981. Như vậy, con gái anh Dũng (lúc này cháu đang bị giam ở Sa Đéc) hơn nó đến 4 tuổi. Tức là nó anh tôi với chúng tôi là hỗn. Nếu là tôi/bác, tôi/ông thì ai nói nó.

Hỏi đến Nhung mẹ bé Uyên, Nhung bảo:

-Tôi nghe nói ở đây có cái mả ông cụ nào to lắm, được xếp di tích quốc gia, tôi đến xem sao lại bắt tôi về đây.

Mọi người cười ồ.

Việc hỏi danh tính diễn ra cũng nhanh chóng. Chỉ có thế rồi chúng nó để mặc chúng tôi ngồi đấy, có khi nó ngồi bàn luận chuyện chính trị xã hội với mọi người. Cách nhìn nhận của nó về xã hội như thế nào, chẳng cần phải kể lại thì ai cũng biết. Ai đi loanh quanh trong đồn thì cứ việc.

Tôi lang thang sang các phòng bên mới biết có những người chúng hỏi rất lâu, như Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Bá Phương.

Khoảng 4 giờ chiều, hỏi xong Trịnh Bá Phương, chúng quay về phòng nơi chúng tôi đang ngồi, chỉ vào Lụa:

-Cô này đi.

Lụa phản ứng tức thì:

-Cô này là cô nào? Người phải có tên chứ?

Thằng gọi Lụa đi giở danh sách ra tìm, bảo:

-Lụa

Lụa vẫn không tha cho nó:

-Người phải có tên, có họ chứ.

Nó lại giở giấy ra lần nữa:

-Nguyễn Ngọc Lụa.

Lúc ấy, Lụa mới chịu đứng dậy đi theo nó.

Tôi bảo mọi người:

-Mọi người sang đi, xem chúng làm gì cô ấy.

Tôi đứng sát cửa sổ nhìn vào, nghe thấy Lụa đối đáp với tay thẩm vấn chan chát. Nhiều lúc chúng chẳng biết trả lời sao. Vì vậy, việc thẩm vấn Lụa khá nhanh.

Có lẽ đã chán vì vẫn tiếp tục gặm phải những khúc xương, chúng thả Lụa về. Lụa ra đến cửa vấp phải thằng Trung. Nghe thấy Lụa phản ứng nó chắn lối. Hai bên to tiếng với nhau. Thằng Trung không kiềm chế nổi, giơ tay tát rất mạnh vào tai phải Lụa liến mấy cái.

Tôi đứng ngoài hành lang chỉ tay vào hét lên:

-Thằng Trung. Thằng Hà Quốc Trung đánh người!

Anh em ở các phòng, ngoài sân cũng dồn hết đến. Hơn chục cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ canh chúng tôi chạy đến đẩy chúng tôi vào phòng. Tôi cự lại:

-Chúng mày muốn che đậy hành vi sai trái cho nhau, không muốn cho ai chứng kiến phải không?

Một thằng nói:

-Chúng tôi tôn trọng các bác, sao các bác lại gọi chúng tôi là thằng.

-Thế gọi là gì? Là ông đánh người à, ông đồng lõa à? Tất cả đứa nào phạm pháp, coi chúng tao là kẻ thù, chúng tao gọi bằng thằng hết.

Không khí lúc này tại đồn công an Mỹ Phú nóng lên như chảo rang. Thằng Trung vội chuồn ra ngoài sân. Tôi lại chỉ vào nó:

-Chính nó, chính thằng kia, thằng Hà Quốc Trung đánh cháu Lụa. Mày định trốn đi đâu?

Nó giơ hai bàn tay không ra để chứng tỏ nó không đánh ai:

-Tôi có làm gì đâu. Tôi chỉ giơ tay nhưng không động vào ai.

Lúc nó thanh minh, chối tội sao khác với lúc nó hùng hổ trấn áp, đánh người thế. Tôi tiếp tục hét to:

-Chính mắt tao trông thấy mày đánh cô ấy liên tiếp. Mày không thể chối tội. Nhân dân căm thù chúng mày.

Cuối cùng, chúng vẫn dồn được chúng tôi về phòng. Cảnh sát cơ động canh giữ chúng tôi hết sức gắt gao, sau lưng ai cũng có một đứa trông chừng. Chúng tôi yêu cầu phải cho người của chúng tôi sang chăm sóc Lụa. Chúng đồng ý nhưng chỉ cho một mình Hạnh đi. Một lúc sau, Hạnh lại hớt hải quay về báo tin Lụa chân tay co giật, sùi bọt mép. Chúng phải chở cô sang một trạm xá xã. Mọi người lo lắng ngóng tin.

Thằng Trung lại vào phân bua rằng nó không đánh Lụa. Đến khi Hạnh gọi điện về báo Lụa bị chảy máu tai phải, tôi phẫn nộ nói:

-Nghe thấy chưa? Không đánh mà cô ấy chảy máu tai à?

Thằng Trung mặt tái đi, không dám cãi nữa. Đúng là chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được rồi thì mặt vàng như nghệ.

Sau đó, nó chuồn đi đâu mất. Suốt mấy giờ còn lại, không ai nhìn thấy nó nữa.

Mãi 7 giờ, chúng tôi mới nhận được kết quả phiên tòa mà người ta gọi mỉa mai là "vụ án 2 xe máy đi hàng 3". Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam, Nguyễn Văn Minh 2 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh: 2 năm tù giam.

Trạm xá bất lực, lại phải chở Lụa về. Anh em ra xe cõng Lụa vào. Lụa được đặt lên bàn- chiếc bàn trong phòng họp. Chúng tôi xót xa nhìn Lụa đang nằm in không cử động. Trần Bang rút máy ảnh ra chụp Lụa đang nằm liền bị chúng giật lấy máy mang đi, sau khi xóa ảnh xong nó mới trả lại. Nó không muốn đưa hình ảnh Lụa đang nằm trong đồn lên mạng.

Nguyễn Ngọc Lụa tại bệnh viện =>

Mọi người đấu tranh đòi chúng chở đi bệnh viện. Giằng co nhau rất căng. Những người bị giữ ở các nơi khác đã dồn hết về đồn Phú Mỹ. Riêng nhóm bị bắt ở Sa Đéc gọi điện định đến nhưng tôi bảo thôi cứ về Sài Gòn trước.

Mãi rồi chúng cũng phải cho xe chở Lụa đến bệnh viện. Có 3 công an nữ và Hạnh đi theo Lụa.

Chúng tôi lên 2 xe đi theo. Lúc này, chúng tôi vẫn với danh nghĩa đang bị bắt nhưng chẳng thấy có đứa nào ra cản. Bọn chúng còn tâm trí đâu mà canh chúng tôi. Ngược lại, chúng muốn chúng tôi biến đi càng nhanh càng tốt là đằng khác. Cổng đồn để ngỏ đã từ lâu.

Tới bệnh viện Hữu Nghị Thành phố Cao Lãnh thì thấy Lụa vẫn nằm bất động trên giường. Nhìn quanh thì chỉ còn trơ lại Hạnh. Bọn chúng sau khi vứt Lụa vào bệnh viện đã bỏ chạy hết.

Công an đánh người xong rồi bỏ mặc nạn nhân, trốn tránh trách nhiệm, điều này tôi đã chứng kiến nhiều lần. Nó nói lên bản chất ác thú của lũ côn đồ nhưng khoác lên người bộ sắc phục gọi là công an nhân dân.

Bàn bạc mãi, không thể cắt cử được người ở lại trông nom Lụa, chúng tôi đành chở Lụa về bệnh viện ở Sài Gòn.

***

Tôi đã hoàn thành ghi chép về chuyến đi Cao Lãnh để tham gia phiên tòa xử 3 người anh em của chúng tôi. Có rất nhiều ghi chép của những người trong cuộc viết về sự kiện này. Ghi chép của tôi chỉ là một phần, về những gì tôi chứng kiến. Không ai tới được cổng tòa và đều bị bắt gọn nhưng cũng vì thế mà tiếng vang của phiên tòa càng lan tỏa. Giá như họ cứ để cho chúng tôi đến phiên tòa một cách tự nhiên như một phiên tòa công khai bình thường thì có điều gì để mà nói. Việc bố ráp chặn bắt xảy ra ở Cao Lãnh và khắp ba miền chỉ vì phiên tòa Bùi Thị Minh Hằng đã nói lên những điều ám muội, không đàng hoàng từ phía nhà cầm quyền. Nó còn tiếp thêm quang lượng cho Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng tỏa sáng.

Hà Nội ngày 6/11/2014

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Việt Nam Thời Báo

Liên quan:

Kỳ1: Đào thoát

Kỳ 2: Đào thoát (tiếp theo)

Kỳ 3: Đêm Cao Lãnh

Kỳ 4: Thằng kia xuống thì tao mới lên