You are here

Mối quan tâm của thế hệ

Trong lúc này, hàng chục ngàn các bạn sinh viên, học sinh, tuổi trẻ Hồng Kông đang ngày đêm đấu tranh, thao thức cho tương lai Hồng Kông, một cuộc đấu tranh đầy cam go, gian khổ, họ phải tự nhắc mình bền gan vững chí lại phải tự nhắc nhau giữ trọn vẹn hình ảnh của giới trẻ tiến bộ, của những con người biết giữ gìn môi trường từ vật chất chung quanh cho đến tinh thần nội tại. Trong khi đó, tại Việt Nam, giới trẻ Việt Nam đang làm gì?
Thật đáng xấu hổ khi trả lời rằng ngoại trừ một nhóm thiểu số những người thao thức cho vận mệnh đất nước, đang ngày đêm đấu tranh cho chủ quyền quốc gia, dân tộc và đang đối diện với cường quyền, áp bức, số đông, phải nói là số rất đông thanh niên đã chìm trong biển người đi coi bắn pháo bông, đi vào các quán cà phê hò hét cổ động bóng đá, và nhậu nhẹt, xả rác bừa bãi khắp thành phố Hà Nội sau vài giờ chen chúc nhìn pháo bông bay tá lả trời đêm!
Không thể nói gì hơn là xấu hổ, quá sức xấu hổ khi phần đông tuổi trẻ Việt Nam chẳng biết gì về sự tiến bộ của thế giới cũng như họ chưa bao giờ hiểu được thế nào là già trị của sự tiến bộ và giá trị của một thế hệ tôn trọng dân chủ, một thế hệ có dân chủ. Những thứ họ quan tâm là miếng ăn, bữa nhậu, thú vui nó mắt và khám phá giới tính, tìm những ảo giác…
Và cái đích đến của họ là sự vong thân một cách toàn diện. Vì sao lại có sự khác biệt quá xa giữa thanh niên Việt Nam với thành niên các nước khu vực? Và đất nước này sẽ đi về đâu?
Có lẽ, cũng nên nhắc lại rằng Việt Nam từng có những thế hệ thanh niên mẫu mực, với đầy đủ văn hóa ứng xử, nền tảng khoa học cũng như sự giáo dục chỉn chu và yếu tố mỹ học được quan tâm hàng đầu ở Nam vĩ tuyến 17 trong một giai đoạn ngắn dưới chế độ Miền Nam. Một vài thế hệ thanh niên mà hình ảnh của họ, hành xử của họ cũng như toàn bộ sự hiện hữu của họ đã gắn liền với những giá trị hoàn hảo của thời đó.
Không phải tự dưng mà người ta gọi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông. Cũng không phải tự dưng mà Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Thích Quảng Độ, Thích Nhất Hạnh, Phạm Duy,Trịnh Công Sơn, Tuệ Sỹ, Trầm Tử Thiêng, Phạm Thế Mỹ, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư… Trở thành những cái tên vượt thời gian.
Chỉ trong vòng chưa đầy ba mươi năm, nền giáo dục ấy đã để lại nhiều ngôi sao trên bầu trời triết học, văn chương, thi ca khu vực và thế giới. Sự hiện hữu của họ như một minh chứng về sự tử tế và chỉn chu của một nền giáo dục lấy nhân văn, lấy giá trị con người làm tiên đề. Đồng thời, trong lúc Miền Nam nở rộ những nhân tài, thì phía Bắc vĩ tuyến 17 cũng có những con người khá đặc biệt: Tố Hữu, Lê Duẩn, Trần Hoàn… Những cây bút chuyên kích động lòng thù hận và đẩy hàng triệu thanh niên miền Bắc vào chỗ chết với danh nghĩa “giải phóng miền Nam”.
Những con người này cùng với đồng chí của họ đã thẳng tay thanh trừng những trí thức, văn nghệ sĩ dám nghĩ đến tiến bộ và dân chủ như Nguyễn Thái Học, Phan Khôi, Trần Dần, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán… Kết cục của “chiến dịch” này là các trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ phải lâm vào cảnh khốn cùng, chết dở sống dở, không còn đường để tồn tại. Đó là tất cả những gì người Cộng sản đã làm đối với các trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc cũng như đối với nền giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Và câu chuyện chưa dừng lại ở đó, sau 30 tháng 4 năm 1975, cái nền giáo dục đầy ám khí ấy lại một lần nữa phủ lên toàn bộ đất nước, đẩy con người đến chỗ coi trọng miếng ăn hơn mạng sống và danh dự. Người ta sẵn sàng chà đạplên nhân phẩm và mạng sống của đồngloại đ0ể giành giật miếng ăn. Khi miếng ăn có đủ, người ta lại nghĩ đến chuyện hưởng thụ, phè phỡn trên mồ hôi và xương máu của đồng loại. Âu đó cũng là hệ quả tất yếu của một nền chính trị, giáo dục và văn hóa xã hội vốn đật vật chất làm kim chỉ nam, hay nói cách khác là “vật chất quyết điịnh ý thức”.
Và, cũng dễ hiểu khi nhận ra rằng suốt hơn bảy mươi năm ở miền Bắc và bốn mươi năm ở miền Nam, nền giáo dục Cộng sản chưa bao giờ cho xuất hiện một nhà triết học, nhà văn hay nghệ sĩ khiến cho thế giới cảm thấy rằng có một ngôi sao mới đang xuất hiện trên bầu trời. Tịnh không hề có, chỉ có chăng là hàng hàng lớp lớp thanh niên các thế hệ rơi vào trạng thái vong thân, vong nô và bạc nhược, chỉ biết dựa dẫm vào gốc gác dòng họ, thế lực đỏ trong gia đình để tác oai tác quái nhưng lại không có thực tài cũng như lương tâm hay lòng tự trọng.
Đó là điều đáng buồn, đáng xấu hổ, thậm chí đáng nhục của kẻ quốc gia, dân tộc. Nhưng đó lại là thắng lợi lớn của kẻ cầm quyền độc tài. Vì đối với nhà nước độc tài, không có gì đáng quí và đáng có hơn hàng nhiều thế hệ, thậm chí cả một dân tộc trở nên ngu ngốc, coi trọng miếng ăn và hưởng thụ nhưng không quan tâm gì đến vận mệnh đất nước cũng như tương lai con em, tương lai đất nước sẽ về đâu. Vì những gì thuộc về tương lai đất nước, danh dự cũng như tiềm lực đất nước, nhà cầm quyền độc tài không muốn chia sẻ với bất kì ai ngoài chính bản thân họ. Dân càng ngu, càng không hiểu biết, họ càng có lợi.
Những đám đông vô văn hóa, ồn ào và xả rác trong đêm pháo hoa Hà Nội, những đám đông hôi của, những đám đông hò hét khắp ngã đường sau mỗi trận bóng đá, những đám đông đánh hội đồng đến chết người, đốt xác, đốt xe, những đám đông ăn chơi trác táng cũng như những quán nhậu khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam luôn đông nghịt người… Đó là những gì cần có của nhà độc tài, bởi đó là dấu hiệu đảm bảo cho cái ghế độc tài của họ bền vững, khó bề lung lay.
Trong lúc thanh niên các nước đang ngày đêm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, thì phần đông thanh niên Việt Nam lại thao thức về miếng ăn, chỗ chơi, ảo giác cũng như làm sao để có được ảo giác. Tất cả cho thấy một bầu trời vong thân đang phủ xuống Việt Nam.