Một đất nước mạnh hay yếu, yên bình hay bạo loạn, người ta căn cứ vào độ ổn định của thế hệ già và sự nỗ lực của thế hệ trẻ. Độ ổn định ở đây cần được hiểu là tầm mức văn hóa và tính nhân văn; Sự nỗ lực của thế hệ trẻ ở đây có thể có thiên hình vạn trạng mục tiêu nhưng thước đo của nó vẫn là tính nhân văn và phông văn hóa của lớp trẻ. Cách hưởng thụ hay vui chơi của lớp trẻ cũng phản ánh rất nhiều về tính cách cũng như tương lai của quốc gia, dân tộc.
Nhìn lại mười mấy mùa Tết Trung Thu mà tôi đã “hưởng” quà trong chế độ xã hội chủ nghĩa, rồi khi lớn lên, học hành, làm việc, mưu sinh, nhìn cuộc đời, tự dưng thấy mùa Thu Việt Nam buồn hơn bất kì mùa thu nào! Sở dĩ nói nó buồn vì một phần nào đó, sự nghèo khổ của con người cộng với quang cảnh đìu hiu, não nùng của mùa Thu cũng đủ làm buồn cho bất kì ai.
Hơn nữa, khi suy nghĩ về nhân tình thế thái, có không muốn buồn cũng không được. Lúc tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ như in những ông đội trưởng đánh kẻng gọi trẻ con ra ngoài sân đội để phát bánh Trung Thu, ông này đóng vai người dẫn chương trình, hoạt náo viên, kể đủ thứ chuyện và bày trò chơi xì điện, đứa này chỉ sang đứa nọ, cứ chỉ đến lúc nào có đứa không kịp chỉ tiếp hoặc chỉ không đúng tên đứa bên cạnh thì phải đứng lên hát.
Hồi đó quà Trung Thu chỉ có nhiều lắm là hai cái bánh ú nếp hoặc một cái bánh chưng vuông, đứa nào hăng hái hát thật nhiều thì được thêm một cái bánh nữa nhưng hiếm có đứa nào dám đứng lên hát (mấy đứa hăng hát bây giờ làm cán bộ đoàn, lãnh đạo xã, huyện hết, hình như cái máu ham ăn và hăng tiết đã giúp tụi nó được nhiều việc).
Cái nghèo, sự thèm ăn của thời đó, thời hợp tác xã, tập thể vẫn luôn bám dai dẳng trong tôi như một thứ nhuyễn thể lậm sâu não trạng. Mỗi khi nghĩ về điều đó, ký ức tuổi thơ nghèo khổ, nheo nhóc và lạc hậu đến mức không còn gì để tả lại hiện về. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn thấy mình may mắn hơn những trẻ con bây giờ. Dẫu sao lúc đó tôi vẫn có không khí tuổi thơ, cũng mênh mông đồng dao (tuy buồn) và cũng lan man ruộng mạ, con trâu… Còn trẻ con bây giờ, chúng được hưởng gì trong mùa Tết Trung Thu?
Như các con của tôi chẳng hạn, dù có chở chúng đi dạo các cánh đồng và chỉ cho chúng biết đây là con trâu, kia là con bò, kia là ông bù nhìn… Nhưng chúng vẫn cứ háo hức vào siêu thị và muốn xem những con lân to bởi vì những con lân đó hoành tráng hơn, nhảy múa điệu nghệ hơn. Chúng thản nhiên bỏ qua những nhóm múa lân trẻ con với chiếc trống cơm, vài ngọn đuốc, đầu lân tự chế. Mà với chúng tôi, những con lân đó mới mang hồn vía, mới trẻ con và dễ thương.
Các con tôi cũng như bạn bè nó không hề hay biết rằng những con lân hoành tráng kia là cả một vấn đề đau đầu, và đến gần những con lân như vậy hết sức nguy hiểm, có thể bị tai nạn xe, bị đâm chém bất kì giờ nào. Bởi vì các đội lân này làm kinh tế, do con của một số quan chức địa phương đứng ra đầu tư kinh doanh, lân di chuyển bằng xe tải, những cậu chủ đi xe hơi theo sau.
Đa phần chủ nhà mà những con lân này vào múa đều phải bỏ phong bì tiền triệu, thấp nhất cũng nửa triệu đồng. Để lân vào nhà múa không hẳn là ham vui, là đón Trung Thu mà là thay vì chung chi, lót tay cho các quan, tốt nhất là lấy lòng con cái các quan bằng cách này. Chính vì thế mà có nhiều nhà buôn tầm tầm cũng phải bỏ tiền triệu cho đoàn lân. Một địa phương cỡ huyện thì ít gì cũng có vài đoàn lân như thế, chúng di chuyển rất nhanh và đánh tốc hành, không múa may gì nhiều, cứ giục trống xua lân vào nhà, lấy được tiền rồi thì giục trống gọi lân ra… Trong trường hợp chộ mặt giữa các đoàn lân thì nảy lửa.
Ví dụ như lân của con phó chủ tịch huyện đến nhà khách hàng, chộ mặt với lân của con chủ tịch xã, trường hợp con chủ tịch xã biết điều thì rút lui, nếu vẫn cương, chắc chắn đôi bên sẽ giải quyết mối hàng bằng mã tấu, dao lê. Tất cả vũ khí thủ sẵn trong xe sẽ mang ra nói chuyện với nhau chỉ vì một mối hàng không đáng gì cả. Đó là cách giải quyết của các cô chiêu, cậu ấm nhà quan thời bây giờ. Rất tiếc là chuyện họ giải quyết với nhau nếu chỉ dừng ngoài bến xe, trong quán nhậu thì mức độ ảnh hưởng ít ghê gớm hơn so với việc họ mang vũ khí ra chém nhau, hầm hố, hò hét ngay trước mặt những trẻ con đang vui đón Trung Thu.
Vô hình trung, hình ảnh tranh đua, chen chúc và hầm hố đó sẽ ám sâu vào ký ức trẻ thơ cũng giống như tôi từng gắn bó với ký ức một thời đi nhận bánh Trung Thu trên sân đội hợp tác xã. Và rồi đây trẻ con Việt Nam sẽ ra sao với mọi thứ chung quanh đều quay cuồng, nhốn nháo, thực dụng, vô cảm, máu lạnh…? Cả một tương lai đất nước đang lắc lư trên con tàu chính trị, văn hóa, giáo dục bệ rạc của nhà nước Cộng sản! Không còn gì để buồn hơn!
Bài bình luận
Dân Nam gởi BBT/RFA