You are here

Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng - Kỳ 1: Đào thoát (1)

Phiên sơ thẩm xử Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (từ đây xin viết tắt là BTMH, NVM và NTTQ) đã kết thúc với bản án rất nặng. Đây là vụ án được quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đó đến cả từ hai phía: phía thực hiện kịch bản mang ba người bỏ tù cho bằng được và phía bảo vệ họ, tất nhiên, sự quan tâm của mỗi phía xuất phát từ mục đích trái ngược nhau và vì vậy, sự thể hiện xung đột nhau.

Về phía ủng hộ các bị cáo, ước tính khoảng 200 người gồm bạn hữu, dân oan từ khắp 3 miền đã đổ về Cao Lãnh. Họ đi bằng đủ các phương tiện, bằng đủ mọi cách để đến với BTMH, NVM và NTTQ bằng được, bất chấp hiểm nguy, vất vả.

Về phía nhà cầm quyền, họ đã huy động một lực lượng cảnh sát, mật vụ khổng lồ với phương tiện đầy đủ để ngăn chặn, bố ráp, bắt bớ sao cho không một người nào ủng hộ ba bị cáo bén mảng được đến khu vực tòa án. Một số người còn bị đánh đập dã man.

Xin mở đầu ghi chép này bằng câu chuyện của tôi.

Kỳ 1: Đào thoát

Qua 9 ngày công an tỉnh Đồng Tháp bắt BTMH, NVM và NTTQ, không thấy thả ra, tôi đã xác định bằng giá nào cũng phải có mặt tại Đồng Tháp để tham gia phiên tòa. Tôi đã nói với nhiều bạn bè ở Hà Nội, Sài Gòn về ý định này. Gần đến ngày xử, tôi liên tiếp nhận được thông tin có thêm người ở Hà Nội sẽ đi Cao Lãnh với cùng mục đích. Thoạt đầu, tôi nghĩ chỉ một nhóm 4, 5 người vào được Cao Lãnh là tốt lắm rồi. Thế mà con số cuối cùng đã lên tới 20. Tất cả những người đến được Cao Lãnh đều không thể ra khỏi nhà một cách công khai. Có người phải ẩn náu tạm đâu đó mấy hôm, chờ ngày ra sân bay. Có người phải tìm mọi cách thoát khỏi nhà bằng con đường bí mật, mạo hiểm.

Nhà của mình, muốn đi làm việc chính đáng mà không thể ra một cách công khai. Người chính phải trốn, phải chui lủi trước sự lùng sục, bố ráp của kẻ tà.  Không biết ngoài đất nước này, còn nơi đâu như thế nữa không. Chúng tôi trốn không phải vì sợ bị bắt mà mối lo duy nhất là không đến được với những người bạn của mình bị đưa ra xét xử một cách vô luật.

Đang háo hức chờ ngày đi Cao Lãnh thì ngày 12/8 tôi đột nhiên bị bệnh, đã tưởng phải bỏ cuộc. Rất may bệnh của tôi, nhờ được sơ cứu và cấp cứu kịp thời nên tôi chỉ phải nằm viện 1 tuần. Còn tôi, sau khi qua giai đoạn cấp cứu, ngày nào tôi cũng gạ gẫm bác sĩ xin ra viện. Có lần đang đi đến nhà vệ sinh, gặp bác sĩ, tôi cố đi ra vẻ hùng dũng như người khỏe mạnh bình thường thì suýt bị ngã, may mà thằng con đi theo trông chừng đỡ kịp. Rất nhiều bạn bè khuyên tôi mới bệnh dậy cần phải ở nhà dưỡng bệnh, đề phòng bệnh tái phát. Nhưng chẳng có thể ai khuyên được tôi. Tôi bảo, nếu không đi, ở nhà có khi còn bệnh thêm. Biết khuyên tôi không được, bạn bè tôi góp tiền lo cho vợ tôi cùng đi để chăm sóc tôi. Tôi cảm động lắm nhưng ai lại làm thế. Vợ tôi biết tính chồng, không dám khuyên ngăn gì. Cô ấy hiểu, khuyên gì chứ khuyên đừng đến với Bùi Thị Minh Hằng thì thế nào cũng dẫn đến cãi nhau.

Kế hoạch của tôi là ngày 24/8 sẽ bay vào Sài Gòn, nghỉ lại đó rồi ngày 25 sẽ đi Cao Lãnh để 26 ra tòa án.

Sáng ngày 23 tình hình còn yên tĩnh. Nhưng khi đang ăn cơm trưa, một cháu gõ cửa vào báo có 7,8 người đang canh tôi. Việc tôi bị canh mỗi khi có sự kiện, điều đó chẳng có gì lạ. Thường là họ canh cứ canh, còn tôi đi cứ đi. Họ có thể đi theo, có thể theo dõi xem tôi đi lúc nào, bằng phương tiện gì. Chưa bao giờ tôi bị chặn, ép xe đuổi về hoặc bị "mời" đi uống nước. Tôi vẫn xác định sáng 24 sẽ ra sân bay như những chuyến đi khác. 

Nhưng đến chiều, vợ tôi phát hiện ra có cả xe cảnh sát cũng đỗ cùng với đám người canh tôi. Mỗi khi nhà tôi có ai mở cửa ra ngoài, tất cả đám đều nhốn nháo bật dậy, đứa thì leo lên xe máy sẵn sàng, đứa thì chạy về phía ô tô đang đỗ. Khi thấy không phải là tôi, chúng mới trở về chỗ cũ.

Từ sự xuất hiện của ô tô cảnh sát, tôi hiểu, chắc chắn lần này, tôi không thể ngang nhiên đi trước mặt họ như những lần trước. Họ sẽ cưỡng bức tôi lên xe mang về đồn câu lưu cho đến khi tôi muốn đi Đồng Tháp cũng không kịp nữa thì mới thả ra. Việc bắt bớ với tôi đã thành quen. Nhưng lần này bị bắt, tôi sẽ không thể tham gia vào một sự kiện lớn như thế này.

Thời gian nặng nề trôi. Đến tối, tôi vẫn chưa biết nên như thế nào. Vợ tôi hỏi:

- Bây giờ làm sao hở anh? Sáng mai thì không được rồi.

Tất nhiên đến nước này thì phải tính đến chuyện "dạt vòm". Nhưng ra khỏi nhà bằng cách nào bây giờ? 

Tôi tính đủ mọi phương án: Cải trang ư? Lúc này, bất cứ người nào ra khỏi nhà tôi, họ cũng đều phải xác định bằng được người đó là ai. Phương án này nhanh chóng cho qua.

Phía trước nhà tôi là đường quốc lộ, phía sau là một cánh đồng, đi qua cánh đồng này khoảng 300 mét thì tới con đường làng. Nhưng đây là cánh đồng hoang, cây dại mọc um tùm, không có bờ, cũng chẳng có lối mòn, nơi chỗ cao chỗ thấp mấp mô, chỗ đất cứng, có chỗ lún sụt, trời lại tối om, rắn rết chẳng biết thế nào. Phía sau nhà tôi là một hàng rào lưới B40 sát một con mương nhỏ, nhưng người vừa ở bệnh viện ra như tôi sao đủ sức vượt qua. Đến kẻ trộm cũng chẳng dám đột nhập vào nhà tôi theo hướng ấy. Phương án này cũng được bỏ qua.

Chán nản, tôi bảo vợ:

- Hay là kiếm cho anh cái quan tài, anh chui vào đấy rồi gọi mấy đứa con về khiêng đi, giả như đến gửi ở nhà tang lễ Phùng Hưng. Anh vừa đột quỵ, giờ chết ai chẳng tin.

Vợ tôi bảo:

-Quan tài chúng cũng khám, nó tha gì.

Tôi lên sân thượng, nhìn về phía đám đang canh tôi. Nào mật vụ, nào xe máy, nào ô tô đang sẵn sàng. Đầu óc tôi căng lên. Chợt phát hiện ra cái thang đám thợ xây hồi làm nhà xong rồi vứt luôn ở đấy, tôi phác nhanh một kế hoạch. Tôi bảo vợ:

- Gọi thằng Phan (cháu vợ tôi) rủ thêm một thằng bạn nó về đây. Bảo nó đi xe nào có cốp to ấy.

Vợ tôi không hiểu tôi định làm gì nhưng cũng không dám hỏi lại, liền rút điện thoại ra bấm số. Tôi cũng mở máy tính, nhắn tin cho thằng Khải.

30 phút sau thì tụi thằng Phan có mặt.

Tôi chia đồ đạc của tôi làm ba phần. Tư trang nhẹ nhưng cồng kềnh, chia làm 2, còn 1 phần là laptop, ipas.

Cứ một nửa tư trang nhét vào 1 cái cốp xe. Hai cốp xe nhét vừa đủ quần áo, đồ dùng lặt vặt. Một thằng nhét laptop, một thằng nhét ipas vào bụng. Tôi dặn:

- Chúng mày đi ngược hướng rồi tìm đường khác vòng lại đầu kia. Đi song song và thong thả thôi, vừa đi vừa nói chuyện, coi như dạo chơi. Khi nào chắc chắn không có đứa nào theo thì đến chỗ ấy đợi tao. Đợi hơi lâu đấy.

 Xong giúi cho mỗi đứa mẩu giấy, có ghi số sim rác của tôi:

- Lúc này không được liên lạc với bất cứ ai khác ngoài tao để giữ liên lạc, nghe chưa.

30 phút sau, chúng nó nhắn tin đã đến vi trí. Tôi nhắn lại:

- Dồn đồ đạc vào cho thằng Phan giữ, còn thằng kia đi chỗ khác, xa ra, đợi.

Tôi tạm biệt vợ. Lúc ấy là 9 giờ 30 phút tối ngày 23/8.

Tôi người không, cầm theo cái thang bắt đầu di chuyển trên các trần nhà hàng xóm. Nhà nào liền nhau thì bước nhẹ nhàng, nhà nào cách hơi xa, tôi dùng thang bắc cầu. Có nhà cao thấp không bằng nhau thì dùng thang tụt dần xuống hoặc leo lên. Nhà nào cách nhau xa quá thì thả thang tụt xuống đất rồi lại bắc thang trèo tiếp. Có nhà chỗ thấp nhất cao hơn cái thang, tôi phải bám tay vào mép trần rồi dùng chân khèo lên.

Bỗng có tiếng chó sủa canh nhà. Tim tôi đập thình thịch. Họ mà ra túm được tôi với cái thang trong tay, nghĩ là trộm thì tôi ăn no đòn, hả tức rồi thì giao cho công an. Nhưng nghĩ lại, khi nhận ra tôi, sẽ chẳng ai tin rằng người như tôi lại đi ăn trộm, nhưng đem giao cho công an vẫn là cái chắc vì họ cho rằng tôi đang hoạt động khủng bố theo lệnh từ nước ngoài. Cả khu này, ai chẳng biết tôi là "phản động". Đám đang canh tôi tha hồ nhàn, chỉ còn việc lĩnh thưởng và chỉ đám ấy mới biết tôi chẳng phải đi ăn trộm hay khủng bố gì hết.

Tôi bình tĩnh cầm hòn đá ném ngược hướng đang di chuyển. Tiếng chó sủa im bặt. Chắc cu cẩu chạy đến hít hít, ngửi ngửi xem có phải là khúc xương không.

Đến đoạn khuất tầm mắt tụi canh tôi rồi, tôi mới vứt thang lại, lợi dụng bóng tối của các tán cây, bờ tường men tới điểm hẹn. Tôi ngồi phắt lên sau xe, bảo thằng Phan:

- Chạy lẹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Tao mà gãy chân, hỏng việc thì tao bỏ luôn cô mày.

- Đi đâu chú?

- Cứ đi, không phải hỏi. Tao bảo rẽ là rẽ.

Tôi lấy điện thoại của thằng Phan gọi cho bạn nó:

- Quay về chơi với cô. Đợi thằng Phan, một tiếng rưỡi nữa nó sẽ về.

Tôi nhắm hướng, chỉ cho nó đi theo đường mà tôi chưa đi bao giờ. Tôi không dám đi đường quen vì vẫn sợ chúng nó đuổi theo. Cuối cùng thì cũng đến đầu đường Hoàng Quốc Việt. Thằng Khải đã chờ sẵn tôi ở đấy.

Tôi  giúi vào tay thằng Phan tờ 100 k bảo:

- Thôi mày về đi, giờ thì đi thong thả thôi nhé.

Nói xong tôi nhảy phốc sang xe thằng Khải.

Thằng Khải không đưa tôi về nhà mà ngoặt vào một ngõ nhỏ, rồi rẽ vào một ngách, lại một tiểu ngách... Cứ thế, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái. Những con hẻm hẹp, tưởng như xe này đi thì xe kia phải chờ. Ngoằn nghèo hồi lâu, nó dừng trước một ngôi nhà cấp 4. Nó mở cửa, bật điện lên. Tôi theo nó vào nhà, thấy toát lên mùi hôi hôi, ngai ngái của căn nhà lâu không có người ở.

Nó bảo: 

- Nhà cháu bị theo dõi rồi, chú không ở đó được. Đây cũng là nhà của cháu nhưng cháu chỉ để đấy, thỉnh thoảng mới cho người ở nhờ.

Nó chỉ cho tôi nơi tắm rửa, vệ sinh rồi chỉ vào cái nệm đặt ở góc nền nhà:

- Chú nằm đấy nhé. Thôi cháu về đây.

Vừa lúc, thằng Tú chui từ nhà vệ sinh ra. Chẳng hiểu thằng Khải tha nó nhét vào đây từ khi nào. Trông thấy tôi, nó cười rinh rích vì không dám cười to.

Thằng Khải đi rồi, tôi mới cắm 3G vào laptop đọc tin, thấy quân ta bị canh giữ khắp nơi, mỗi đứa bị một kiểu.

Lúc này, tôi đã thấm mệt nhưng khi đặt mình xuống lại không sao ngủ được. Tôi đang tính cách ngày mai ra sân bay như thế nào, có bị đuổi theo lôi lại không. Vẩn vơ mãi lại nghĩ thằng Khải mà chơi xỏ tôi, mai nó không đến thì tôi cũng chịu vì chẳng biết ra bằng lối nào.

29/8/2014

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Bài bình luận

Các bác thật là gian khổ quá, cứ phải chốn chui chốn nhủi trong chính quê hương mính. Tôi đề nghị chúng ta nên phát động phong trào "ném đá", mỗi người dân bảo nhau mỗi người dân khi ra đường cầm theo một viên đá. Cứ thấy bọn công an ở đâu là âm thầm bảo nhau ném một lượt, thì bảo đảm lúc đó bọn chúng nó phải chốn chứ không phải mình. Lúc đầu thì vài trăm người ném, lên tới vài ngàn, rồi vài triệu thì chúng nó hết đường chốn. Chúng ta phát động ngày ném đá trên mạng..giống như xưa ông cha ta đã ném đá chốn ống đồng của Mã Viện. Một ngàn viên đá bay ra một lúc thì chúng nó chốn đàng trời. Mỗi người dân ném dùm một viên gạch thì 90 chục triệu viên bay ra thì 2 triệu đảng viên cộng sản mỗi anh ăn 45 viên vào đầu thì làm sao sống được. Dân đen