Phần III: Những sự thật nhức nhối
Sau khi viết hai phần về cuộc họp báo ngày 31/7/2014 tại Hà Nội của ông Heiner Bielefeldt (Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc họp báo tại Hà Nội về Tự do tôn giáo tại Việt Nam), tôi đã dừng lại để xem xét các động tĩnh của báo chí, hay nhà nước Việt Nam trước những thông tin mà bản Tuyên bố của ông đã đưa ra.
Đến hôm nay, đã gần tròn một tháng kể từ đó, nhưng tôi đã cố gắng chờ thì chỉ rút ra được một điều: Báo chí Việt Nam vẫn bài cũ, cách cũ và việc thông tin đến người dân biết sự thật vẫn là một câu hỏi không có lời đáp. Hầu hết các báo, đều đăng theo Thông Tấn xã Việt Nam, ở đó họ lờ đi tất cả những nội dung về thực chất quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đã bị vi phạm như thế nào, thực tế đang diễn ra ra sao…
Báo chí: Không chỉ một chiều, mà là cắt xén, bóp méo
Điều duy nhất thấy trên báo chí Việt Nam, là ông Heiner Bielefeldt đã được đón tiếp vì “Thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người”. Rồi thì ông đã được các cơ quan, bộ, ngành đón tiếp và “đã nêu bật chính sách, nỗ lực, thành tựu cũng như chia sẻ các khó khăn, thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân”. Cuối cùng là: “Kết thúc chuyến thăm, ông Heiner Bielefeldt ghi nhận những tiến triển tích cực của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân…”.
Có lẽ, người dân Việt Nam sẽ hết sức khó khăn để hiểu được, thực chất tại sao những đánh giá quốc tế đối với Việt Nam về các vấn đề cứ đối lập nhau chan chát giữa lời nói và hành động, trước và sau… nếu chỉ theo dõi tin tức qua báo chí Việt Nam. Tại sao báo chí Việt Nam đã đồng loạt giật tít rõ ràng rằng: “Báo cáo viên về Liên Hợp Quốc về nhân quyền ghi nhận những tiến triển tích cực của Việt Nam”. Thế mà trong báo cáo sau đó của ông tại Liên Hợp Quốc lại có những nội dung khác rất khó chịu nữa?
Thực ra, họ đã bị đầu độc bởi những thông tin bị cắt xén, định hướng và lập lờ, nên đã không có những thông tin thật sự ở đó. Những thông tin đầy đủ và chân thực, muốn có, chỉ có thể tìm trên các báo chí, mạng Internet “lề dân” mà thôi. Vậy mà để đáp ứng nhu cầu được tiếp cận sự thật của người dân, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời. Ngay lập tức nhận được sự hậm hực, tức tối của đủ mọi loại nhà báo cũng như hệ thống báo chí Việt Nam.
Dường như, báo chí Việt Nam vẫn quan niệm rằng thời nào thì họ vẫn cứ một mình một chợ, và vì thế nên họ muốn nói sao thì nói, bất chấp thiên hạ phản ứng hay đồng tình. Mặt khác, mỗi khi có “định hướng” thì dù thiên hạ đã biết rõ mười mươi, đen trắng phân minh, đỏ xanh rõ ràng, họ vẫn cứ củ chuối củ chầy bằng mọi cách bất chấp sự ngượng ngùng và liêm sỉ để tuyên truyền một chiều cho những điều tệ hại.
Những sự thật nhức nhối
Cuộc họp báo gồm nhiều báo chí quốc tế và trong nước cũng như các Blogger, nhà báo độc lập. Để làm sáng tỏ tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam và đặc biệt là các vi phạm, các nhà báo quốc tế đã đề cập đến những vấn đề có tính hệ thống, căn nguyên của việc vi phạm và nhất là quá trình tìm hiểu làm việc của Báo cáo viên đặc biệt của LHQ. Ông Heiner Bielefeldt đã trả lời khá chi tiết các câu hỏi đó.
Còn các nhà báo Việt Nam, hình như chưa quen với Bản Tuyên bố khá thẳng thắn được trình bày, nên tìm cách “vớt vát” bằng những câu hỏi khá “ngô nghê”. Phóng viên một Đài Truyền Hình đặt câu hỏi:
- Thưa ông, vừa qua, nhà nước Việt Nam đã cho đăng ký một số tổ chức tôn giáo, điều đó chứng tỏ nỗ lực của nhà nước Việt Nam trong vấn đề bảo đảm tự do tôn giáo. Ông nghĩ gì về điều đó?
Ngay lập tức, ông Heiner Bielefeldt trả lời đại ý như sau:
- Như tôi đã nói trong bản Tuyên bố, Việc thực thi quyền con người đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, bởi cá nhân và/hoặc trong một cộng đồng với những người khác, không thể diễn ra phụ thuộc vào bất kỳ hành vi công nhận hay phê duyệt hành chính cụ thể nào. Là một quyền phổ quát, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vốn có trong tất cả con người và vì thế có vị thế quy chuẩn cao hơn bất kỳ một hành vi hay thủ tục hành chính nào. Chính vì thế, việc một số nhóm được đăng ký không thể hiện nỗ lực thực hiện quyền tự do tôn giáo mà nói lên sự vi phạm, hạn chế và không rõ ràng từ phía nhà nước.
Câu trả lời thẳng thắn như dội một gáo nước vào cách biện minh cho những “thành tựu” về tự do tôn giáo tại Việt Nam, đã làm chùn nhiều cánh tay đã giơ lên trước đó. Một phóng viên một tờ báo mạng hỏi một câu như sau:
- Thưa ông, qua tìm hiểu, ông đánh giá như thế nào về việc báo chí Việt Nam đã có tác dụng trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam?
Câu trả lời là:
- Tôi chưa có đủ thời gian để tìm hiểu về vấn đề này.
Thực ra, những người dự họp đều hiểu rằng: Với hệ thống báo chí ngày nay là công cụ của đảng, khi mà sự vi phạm quyền tự do tôn giáo đang thuộc về chính sách, đường lối, thì báo chí dưới sự lãnh đạo của đảng chỉ là công cụ bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo chứ làm gì có điều ngược lại. Hãy nhìn những bài báo trên các tờ báo nhà nước về những vụ cướp đất đai tôn giáo trái phép vừa qua thì biết rõ.
Những tờ báo thuộc cơ quan Trung Ương như VTV, VOV, Hà Nội mới, Công an Nhân dân… hùng hổ bao nhiêu trong việc lăng mạ người khác khi họ đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, thì họ im lặng bấy nhiêu trước những lời buộc tội đanh thép của ngài Báo cáo viên đặc biệt LHQ Heiner Bielefeldt.
Paul Thành Nguyễn, Nguyễn Văn Viên, là các blogger nêu câu các câu hỏi về việc quản lý tôn giáo, việc các tôn giáo tham gia kêu gọi thực thi dân chủ, quyền con người cho người dân được đánh giá ra sao… Ông Heiner Bielefeldt cho rằng: Việc các tổ chức tôn giáo cổ vũ quyền tự do, dân chủ cho người dân là quyền của họ trong một xã hội tiến bộ, không ai có thể can thiệp được.
Tôi đặt mấy câu hỏi cho ông như sau:
- Thưa ông, ông có nói rằng có những thay đổi trong văn bản luật pháp và năm 2016 sẽ có Luật Tôn giáo ra đời để cải thiện tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nhưng, ở Việt Nam việc có văn bản luật pháp, Hiến pháp và thực hiện các văn bản đó là một khoảng cách. Ví dụ các bản Hiến pháp từ 1946 đến 2013 đều ghi rõ: Các cơ sở tôn giáo được luật pháp bảo hộ. Tuy nhiên đến nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã bị nhà nước lấy mất 2.500 cơ sở tôn giáo. Đặc biệt nhiều cơ sở bị lấy đi trắng trợn mà không có bất cứ một văn bản nào hợp với luật pháp từng thời kỳ của chính nhà nước Việt Nam. Cần làm gì để khắc phục trình trạng này?
Câu trả lời của ông Heiner Bielefeldt là ông biết có những thông tin về việc tranh chấp đất đai, tài sản của các tôn giáo ở Việt Nam với nhà nước. Việc nhà nước tịch thu đất đai, không cấp các tư cách pháp nhân cho các tôn giáo và những hành động khác như là sự hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân. Việc cần khắc phục là nhà nước cần có các luật để quản lý xã hội, thực thi các luật ấy cách khách quan và công bằng. Trên hết là thừa nhận quyền tự do tôn giáo của công dân - dù được công nhận hay không - là bất khả xâm phạm.
- Thưa ông, ông nói về bản Hiến pháp 2013 có những câu chữ tiến bộ hơn về quyền tự do tín ngưỡng. Vậy xin ông cho biết với một bản Hiến pháp mà trong đó ghi rõ rằng: Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh (là hệ chủ nghĩa và tư tưởng vô thần) làm cơ sở nền tảng cho đất nước. Vậy quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo của công dân liệu có thể được đảm bảo hay không?
Một vấn đề nữa là ở Việt Nam, giáo hội Công giáo VN với 1/10 dân số đến nay vẫn không được công nhận tư cách pháp nhân. Do đó một cá nhân có nhiều tiền, có thể mở trường đại học, bệnh viện…, trong khi đó thì Giáo hội Việt Nam không hề được công nhận chức năng này.
Về báo chí, cả nước tự hào có 800 tờ báo. Nhưng Giáo hội đến nay không có một tờ báo nào để thông tin cho giáo dân biết các vấn đề trong và ngoài Giáo hội. Đặc biệt, khi có những mâu thuẫn, hệ thống báo chí nhà nước đã vùi dập Giáo hội Công giáo bằng những trò vu cáo và dối trá. Ông nhận định thế nào và trong các cuộc làm việc với nhà nước Việt Nam, ông có đề cập vấn đề này hay không?
Với câu hỏi này, ông Heiner Bielefeldt đã không trả lời thẳng vào câu hỏi về vấn đề chủ nghĩa vô thần là nền tảng của xã hội thì quyền tự do tôn giáo ở đâu. Ông cho rằng như đã nói, việc tổ chức tôn giáo đến nay đã không được công nhận tư cách pháp nhân, nghĩa là không công nhận tư cách xã hội của các tổ chức, họ không thể mua bán, cho, tặng hoặc thừa kế các tài sản… Đó là sự vi phạm nặng nề quyền tự do tôn giáo.
Mặt khác, trong nhiều lĩnh vực, ông đã tìm hiểu thì cho đến nay, Giáo hội Công giáo là một tổ chức rất có khả năng về giáo dục cho con người, nhưng chỉ được ở mức… nhà trẻ. Ông cho biết, hiện đang có hi vọng được mở Trường Đại học – (Thực chất, những cái bánh vẽ này nhiều người vẫn được ăn từ… năm 1930 đến nay, nay mà món mời ông Heiner Bielefeldt).
Ông cũng trả lời rằng Tự do báo chí là quyền cơ bản của mọi công dân, việc hạn chế quyền tự do báo chí, cũng chính là hạn chế cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân mình. Điều này ông đã thấy rất rõ là sự vi phạm có hệ thống.
Chống chế!
Ngay từ đầu cuộc họp báo, một người còn khá trẻ, ngồi vắt chân ngay hàng đầu tiên theo dõi cuộc họp. Đó là ông Phạm Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Khi cuộc họp báo sắp kết thúc, không còn các câu hỏi, ông ta đứng dậy nói một thôi một hồi. Rằng thì là việc đón Báo cáo viên đặc biệt LHQ là một cố gắng của Việt Nam, đây là lần thứ mấy VN đón phái đoàn điều tra, rằng luật pháp VN bảo đảm quyền tự do của công dân, rằng thì là “Luật pháp Việt Nam bảo đảm mọi người dân có quyền tự do tiếp xúc, gặp gỡ với bất cứ ai họ muốn”… Tuyệt nhiên ông không nói đến thực tế thực hiện các luật pháp đó ra sao. Và cuối cùng là “Có sự hiểu lầm” nên ông Heiner Bielefeldt đưa ra các thông tin như trên.
Ngay lập tức, hàng loạt các máy quay của các đài truyền hình nội địa chĩa vào ông này. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Đây mới là đoạn sẽ đưa lên Tivi tối nay”. Quả là vậy thật.
Ông Heiner Bielefeldt đã thẳng thừng đáp lại: Như ở phần đầu bản Tuyên bố, tôi cảm ơn VN đã đón tôi. Nhưng, những điều tôi đã nói, là tôi đã có cơ sở chứ không thể là sự hiểu lầm.
Kết thúc buổi họp báo của Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Tự do tôn giáo ở Việt Nam, tôi gặp khá nhiều các gương mặt thân quen. Họ là phóng viên các hãng thông tấn quốc tế ở Việt Nam mà chúng tôi thường hội ngộ trong các cuộc xuống đường vì Tổ Quốc thiêng liêng, trong các cuộc khủng bố, vây ráp nhà thờ, nơi tu hành, nơi đất đai của dân, của tôn giáo bị cướp. Họ hồ hởi hỏi han rất thân thiện.
Bỗng một bàn tay vỗ nhẹ lên vai: “Tôi rất vui khi gặp anh hôm nay dù nghe đã nhiều, và rất cảm ơn anh những điều anh vừa hỏi, tức là vừa nói ở đây về thực trạng tôn giáo ở Việt Nam và những vấn đề gay cấn cơ bản nhất. Tôi cũng là tín hữu Công giáo”. Tôi quay mặt lại thì đó là một khuôn mặt khá lạ, tôi chưa gặp bao giờ đang nở một mụ cười thân thiện với tôi.
Tôi ra về cứ ngẫm mãi rằng: Sự thật là lửa, là ánh sáng, không ai có thể che giấu, dập tắt mãi mãi.
Hà Nội, ngày 29/8/2014
Bài bình luận gần đây