You are here

Hoàng Hải Thuỷ và ngày 30 tháng tư

Lời giới thiệu cuả Nguyễn An:
Năm năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Tác giả hai câu thơ đọc lên thấy trái tim như trầm xuống là Hoàng Hải Thuỷ.
Tên thật là Dương Trọng Hải, sinh năm 1933 tại Hà Đông, Hoàng Hải Thuỷ từng là liên lạc trong chiến khu thời chống Pháp, rồi sống ở Hà nội, và vào Nam sinh sống từ năm 1951. Sau 1975 đi tù hai lần và sang Mỹ định cư tại Virgina từ năm 1994. Ông đi nhiều, sống nhiều, thích viết và viết nhiều.
Hoàng Hải Thuỷ đã viết liên tục từ gần 60 năm qua với nhiều thể loại và dưới nhiều bút hiệu. Viết với ông vừa là nghề, vừa là nghiệp; vừa là duyên mà cũng vừa là nợ. Ông từng sống huy hoàng bằng ngòi bút, và cũng từng khốn khổ vì nó, nhưng chưa bao giờ rời khỏi được lực hút của giấy mực.
Ngòi bút của Hoàng Hải Thuỷ có bản sắc riêng, không thể lẫn được dù viết truyện, phóng sự, dịch hay làm thơ. Bản sắc ấy đựơc cấu thành bởi ít nhất hai yếu tố: thứ nhất là cái duyên và thứ hai là cái thật. Đối với những ngừơi “mê” ông- và số này khá lớn-, thì đó chính là một thứ ma tuý.
Xin được giới thiệu bài viết của ông nhân dịp 30/4 năm 2010.
Nguồn: http://hoanghaithuy.wordpress.com/2010/04/26/thang-ba-thang-tu/
Tháng Ba, Tháng Tư
Posted on April 26, 2010 by hoanghaithuy
Anh đã từng đi khắp bốn phương
Tháng Ba anh có thấy trên đường
Những bông gạo đỏ tươi như máu
Nhầu nát như người lính tử thương…
Buổi sáng ở Rừng Phong, người lưu vong già ngồi với ly trà, xem nhờ những chuyện thời sự trên màn ảnh TiVi. Những tưởng đem thân sang sống ở nước Mỹ xa vời với chiến tranh là được yên thân, là không còn bị ám ảnh, bị đau thương, bị sợ hãi vì chiến tranh, vì chết tróc, vì những chuyện người giết người. Thân, Dậu niên lai kiến thái bình… Câu chữ Hán vẫn được gọi là Sấm Trạng Trình ấy đúng với tình hình những quốc gia Âu Mỹ, Trung Ðông trong những năm Thân, năm Dậu 1944, 1945.., nhưng không đúng với tình hình thế giới những năm Thân 2004, năm Dậu 2005! Không đúng từ những năm ấy và không đúng dzài dzài không biết đến bao giờ.
Buổi sáng trên TiVi Mỹ, những cảnh bom nổ, thịt nát, máu rơi làm trái tim tôi trầm xuống. Trong thế kỷ này ít có dân tộc nào trên thế giới biết về những đau thương của chiến tranh, từng chịu đau khổ vì chiến tranh như dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã chính mắt thấy những cảnh thành phố Sài Gòn, thủ đô của Quốc Gia chúng ta, bị đánh mìn, đánh bom từ những năm 1960, chúng ta đã phải chịu đựng cuộc chiến tranh kéo dài trong 50 năm. Sau năm 1975 chiến tranh vẫn làm cho chúng ta chết, làm chúng ta đau khổ mãi cho đến bây giờ. Những đau thương của chiến tranh vẫn sống trong tim chúng ta. Dân Do Thái giết dân Palestine, dân Palestine giết dân Do Thái, những người Chechnya giết người Nga, những người Nga giết người Chechnya.. Còn chúng ta… thương thay, chúng ta người Việt giết người Việt!
Ðã giữa Tháng Ba, trời Virginia vẫn có những ngày lạnh như trong mùa đông. Tháng Ba ở quê hương ta có những ngày trời nắng nóng đến như được tả trong lời Ca Dao:
“ Nắng Tháng Ba chó già le lưỡi.”
Nhưng chúng ta còn có câu:
“Thanh minh trong tiết tháng ba..Lễ là tảo mộ, hội là Ðạp thanh..”
Tháng Ba trong truyện Kiều trời đất còn nguyên mùa xuân.. Cỏ non xanh dợn chân trời… Cành lê trắng điểm một vài bông hoa..
Liêu lạc xứ người, bài thơ của Nguyễn Bính về Tháng Ba trở lại với tôi, bài thơ có Tháng Ba, có những bông hoa gạo, có Tình Yêu…Dường như trong những tập Thơ Nguyễn Bính được ấn hành sau 1975 đều không có bài Thơ Tháng Ba Hoa Gạo. Tôi đọc bài thơ năm tôi mười tuổi. Từ ấy, sáu mươi mùa hạ trắng, mùa thu vàng đã qua cuộc đời tôi, hôm nay tôi vẫn nhớ từng câu bài thơ ấy:
Anh đã từng đi khắp bốn phương
Tháng Ba anh có thấy trên đường
Những hoa gạo đỏ tươi như máu
Nhầu nát như người lính tử thương..?
Anh ạ, tôi buồn khôn xiết nói
Cánh tình lỡ rụng tự đêm qua
Một khi tình rụng như hoa rụng
Máu đỏ lìa tim, dạ xót xa.
Ghê sợ vì những cảnh máu đổ, thịt rơi, người giết người, tôi tìm vào Thơ Nguyễn Bính. Nhưng bài thơ vẫn có hình ảnh chiến tranh: Nhầu nát như người lính tử thương..! Tôi lại thấy hiện ra cảnh xác những người bị đập đánh, bị bắn, bị chém, bị treo lên ở Irak, Aghanistanm những xác người đã bị giết, đã chết cũng vẫn chưa được nằm yên, những xác người nhầu nát..
Cố quên những hình ảnh ấy tôi trở lại với Tháng Ba Mùa Hạ trong Thơ Nguyễn Bính. Không biết tại sao loài cây đó có tên là “cây gạo?” Không có chút lúa gạo nào trong loài cây đó. Hình như chỉ đất Bắc mới có cây gạo. Tôi nhớ những cây gạo thường được trồng trên bờ những con đê, rễ của nó bảo vệ con đê, cây không có nhiều cành lá nên không bị gió bão làm bật gốc, phá hoại đê, những cây gạo miền Bắc thường được trồng bên những cái quán, cây gạo đứng một mình, thân to, cao, ít cành lá, mùa hạ đến cây gạo có hoa đỏ, khi những cánh hoa đỏ nở ra trong lòng hoa có những dây tơ trắng, những dây tơ theo gió bay đi… Ðây là hình ảnh cây gạo và hoa gạo trong những bài thơ khác của Nguyễn Bính:
Mùa vải năm nay chừng đến muôn
Chưa nghe tu hú giục xuân đi
Nóng lòng cây gạo lìa hoa đỏ
Trổ búp tơ xanh đón gió hè..
…..
Tháng Ba trời nắng mới chang chang
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng
Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan
Mặt hồ Vua đúc khối tiền sen
Bươm bướm đông như đám rước đèn
Ở bãi cỏ non mà lộng gió
Bắt đầu có những cánh diều lên
Tất cả mùa xuân rộn rã đi
Xa xôi người có nhớ thương gì
Sông xưa chẩy mãi làm đôi ngả
Ta biết xuân nhau có một thì!
o O o
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, Tháng Ba hội hè..
Không biết trong dòng đời sống của nhân dân tôi ở xứ Bắc có thời nào nhân dân tôi được nhàn nhã, sung túc, vui sướng như lời tả trong bài lục bát đó không? Có thời nào nhân dân tôi được ăn Tết trọn một tháng Giêng, được chơi cờ bạc trọn một tháng Hai, được vui hội hè, đình đám trọn một tháng Ba? Tôi nghi không có. Ngày xưa nhân dân tôi có nghỉ làm việc để ăn Tết nhưng chỉ nhiều lắm là năm, bẩy ngày, không có chuyện ăn Tết trọn ba mươi ngày trong tháng Giêng. Ngày xưa nhân dịp Tết, viết cho rõ là những Tết trước năm 1940, xuân về, nhân dân tôi có đánh bạc – trò đánh bạc có thể có nhiều người cùng chơi ở đất Bắc là trò xóc đĩa – xong chỉ đánh bạc trong ba ngày Tết, nhưng ngày xưa nhân dân tôi, ở đồng quê, có thể vui hội hè, đình đám trong cả một tháng Ba.
Ngày xưa, Tết đến, xuân về, nhiều làng ở miền Bắc có tục lệ gọi là vào đám, những trò vui dân gian, thường là hát chèo, được tổ chức trong những ngày làng vào đám. Không có phương tiện di chuyển người dân quê không thể đi dự ngày hội gọi là vào đám ở những làng xa, họ chỉ đi quanh quẩn những làng cùng tổng, họ đi chân, chưa tối đã đi, nửa đêm tan đám họ đi bộ trở về làng họ. Những Hội Gióng, Hội Lim ở Bắc Ninh được dân Hà Nội đến dự vì ở gần ngay Hà Nội. Vì làng này vào đám xong, nghỉ năm bẩy ngày đến làng khác vào đám, nên nhân dân có thể đi dự những cuộc làng vào đám hội trong cả một tháng Ba.
Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, chuyện hội hè trước năm 1940. Tôi chỉ nghe nói đến những hội hè ở miền Bắc quê tôi, tôi không được dự, được mắt thấy một hội hè nào. Khi tôi mới lớn, tôi 15 tuổi, chiến tranh đến, tất cả những hội hè mùa xuân ở miền Bắc đều dẹp. Không có lệnh cấm nhưng khi đất nước có chiến tranh, có người chết, nhân dân không còn lòng dạ vui xuân. Có thể nói tất cả những hội hè ở các làng miền Bắc đều ngừng từ năm 1941. Những Hội Lim, Hội Gióng, từ lâu rồi, chỉ còn được ghi lại trên những trang giấy. Bây giờ dù ta có mở lại những Hội Lim, Hội Gióng, tinh thần của ngày hội sẽ không giống tinh thần của những hội hè ngày xưa. Một thời đã qua, tất cả những gì đã xẩy ra đều trôi vào quá khứ…
o O o
Thấm thoắt vậy mà đã 35 năm kể từ Ngày Oan Nghiệt 30 Tháng Tư năm 1975. Những kỷ niệm xưa vẫn sống trong tôi, tim tôi đau nhói, hồn tôi u ám mỗi lần tôi nhớ lại Ngày 30 Tháng Tư năm xưa…
Tôi đến Mỹ quốc muộn màng, nhưng dù muộn, dù màng đến năm nay tôi đã sống trên đất Mỹ 14 năm. Ðã 10 lần tôi viết về Ngày 30 Tháng Tư. Trong những bài viết về Ngày 30 Tháng Tư mấy năm gần đây, ở cuối bài tôi đều có lời ước sang năm sau tôi sẽ không phải viết về Ngày 30 Tháng Tư Bi Thảm nữa, tôi mong ước năm sau khi Tháng Tư đến, tôi sẽ được viết những chuyện vui hơn, tươi sáng hơn, những chuyện đang xẩy ra, những chuyện sắp đến.. Nhưng dường như định mệnh an bài, chắc suốt đời tôi năm năm cứ Ngày 30 Tháng Tư đến, tôi lại buồn thương, tôi lại viết về Ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Năm năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Thôi thế Em về yên Xóm Cỏ,
Cây đời đã cỗi gốc yêu đương.
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió,
Cho đống xương tàn được nở hương.
o O o
Từ ngày 19 Tháng Tư, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế họp đại hội tại New York.
The Amnesty International, ta gọi là Hội Ân Xá Quốc Tế, là một tổ chức quen thuộc, thân thương với nhiều người tù chính trị Việt Nam. Tôi là một trong số những người tù Việt Nam chịu ơn của Ân Xá Quốc Tế. Tôi bị Công An VC Thành Hồ cho xe bông đến nhà rước đi lần thứ nhất năm 1977. Lần tù tội thứ nhất ấy của tôi chỉ là 24 tháng nhưng kéo dài trong ba năm 1977, 1978, 1979. Trở về mái nhà xưa đầu năm 1980, bốn năm sau, Tháng 5 năm 1984, Công An Thành Hồ cho chiếc xe bông thứ hai đến nhà đón tôi đi lần thứ hai.
Không phải chỉ cô đào Thanh Nga cuộc đời mới có hai chuyến xe bông, đời tôi cũng có hai chuyến xe bông, nhưng xe bông của tôi không đưa tôi đến nhà hàng tiệc cưới, không đưa tôi đến khách sạn động phòng mà là đưa tôi vào tù. Lần này tôi ở tù lâu hơn. Bị bắt tháng Năm 1984, đến năm 1987 tôi vẫn nằm phơi rốn trong Lầu Bát Giác Chí Hoà, đã bốn năm tù, tôi chưa được ra toà mà cũng chưa bị – chưa được cũng rưá – đưa đi trại tù khổ sai. Một hôm gần Lễ Giáng Sinh, tôi được ra gặp mặt vợ con tôi và nhận đồ tiếp tế. Mừng tủi nhìn nhau qua tấm lưới mắt cáo chia ngăn người tù và vợ con người tù, tôi nghe vợ tôi nói;
“Có mấy bà ở Hội Ân Xá Quốc Tế bên Úc gửi thư đến nhà cho em. Mấy bà ấy hứa sẽ can thiệp xin thả anh và hỏi em có cần thuốc không, thuốc cho anh và thuốc cho cả em nữa. Các bà ấy nghe nói anh không được khoẻ mà em cũng đau yếu…Các bà ấy muốn giúp mình.. Anh xem các bà ấy gửi cho mình cái “các” Noel này..”
Vợ tôi nhìn quanh. Không thấy anh công an nào đứng gần, nàng lấy tấm carte trong giỏ ra cho tôi coi. Qua lưới sắt, tôi nhìn thấy tấm carte lớn mầu xanh da trời, có hàng chữ trắng The Amnesty International, bên trong có mấy chữ ký và hàng chữ:
Never give up hope, because we never will.
Rất tiếc tôi đã đánh mất tấm Carte Noel Amnesty Intern. Nếu còn, hôm nay tôi trưng lên đây khoe với quí vị.
Năm 1988 tôi ra toà, lãnh án 8 năm tù rồi án giảm xuống 6 năm. Ðầu năm 1989 tôi rời Nhà Tù Lớn Chí Hoà để lên trại tù khổ sai. Ở Trại Tù Z 30 A Xuân Lộc, Ðồng Nai, vợ tôi lên trại thăm tôi. Tôi được biết chi hội Ân Xá Quốc Tế Thành phố Melbourn, Úc, được Tổng Hội ở London giao cho trách nhiệm can thiệp cứu tôi, giúp đỡ tôi và giúp cả vợ con tôi. Hội viên Ân Xá Quốc Tế là những thường dân tự nguyện làm việc cho Hội. Hội chuyên xin những chính phủ trên khắp thế giới ân xá cho những người tù vì lương tâm, và Hội an ủi những người bị tù, Hội giúp đỡ người tù và thân nhân người tù.
Ở Trại Tù Z 30 A, tôi được đọc những bức thư các ông bà trong Chi Hội Melbourn gửi cho vợ tôi. Bà Heather Morris viết thư bằng tiếng Pháp, cô Virginia Goyma là người được chi hội giao cho việc liên lạc thường xuyên với gia đình tôi. Bà Morris viết những lời rất cảm động, bà ngỏ lời xin vợ tôi cho bà và các ông bà trong chi hội được giúp vợ chồng tôi cả về vật chất.
Ở Z 30 A tôi được dùng giấy bút. Tôi viết thư cho bà Morris. Trong thư tôi cám ơn các ông bà, tôi nói lên sự xúc động của vợ chồng tôi khi được nghe những lời thương cảm và khuyến khích. Tôi viết vợ chồng tôi đã kiệt quệ về tiền bạc, vợ tôi đau yếu không làm gì được, nhưng vợ tôi vẫn cứ phải vất vả đi nuôi tôi. Vợ tôi có nhận được những hộp thuốc Tây cứu trợ gửi về nhưng sau khi nhận được một hộp, bán đi được khoản tiền đi nuôi tôi được một lần, vợ tôi lại lo âu không biết đến bao giờ nàng mới lại có được một hộp quà tặng nữa. Vì vậy tôi đề nghị các ông bà giúp chúng tôi bằng cách mỗi tháng gửi cho chúng tôi một số tiền, bao nhiêu cũng được nhưng đều đều, tháng nào cũng có, để vợ tôi yên tâm sống và đi nuôi tôi.
Các ông bà Chi Hội Ân Xá Quốc Tế Melbourn, Australia, góp tiền lại, cho vợ chồng tôi mỗi tháng 100 Mỹ kim, cứ hai tháng một lần gửi 200 Mỹ kim. Cứ như thế tôi được Chi Hội AXQT Melbourn nuôi trong năm 1989. Tôi trở về mái nhà xưa lần thứ hai đầu năm 1990. Các ông bà Úc họp nhau ăn mừng khi được tin tôi về. Thư của các ông bà cho tôi biết chi hội còn giúp tôi về tiền cho đến hết năm 1990, vì chi hội nay phải lo cho người tù vì lương tâm, vì dân quyền khác.
Những ngày như lá, tháng như mây.. Năm 1995 tôi đến Kỳ Hoa, năm 1999 các bạn tôi ở Úc, các anh Tống Ngọc, Vi Tuý, Long Quân gọi tôi sang Úc. Long Quân đưa tôi đến thăm Chi Hội Amnesty Intern. Melbourne. Bây giờ Chi Hội có văn phòng, có tới 20 nhân viên thường trực. Nhưng tất cả những ông bà trong Chi Hội những năm 1988, 1989, những vị đã giúp vợ chồng tôi mười năm trước, đều không còn một vị nào ở Melbourne, văn phòng Chi Hội bây giờ không biết những vị ân nhân năm xưa ấy của tôi hiện ở đâu.
Trong cuộc gặp mặt ở văn phòng chi hội, tôi kể chuyện 10 năm trước Chi Hội Amnesty Intern. Melbourne đã giúp đỡ vợ chồng tôi thật tận tình, tôi nói lời cám ơn các vị và nói về sự quan trọng của những tổ chức Dân Quyền Quốc Tế với tinh thần những người Việt đấu tranh đòi Dân Quyền ở Việt Nam. Riêng trong trường hợp tôi, qua 8 năm tù trong những nhà tù cộng sản, tôi thấy khi ở tù tôi cần được giúp về tinh thần và cả về vật chất, nói rõ hơn là:
“Tôi cần tiền để sống đỡ khổ trong tù. Vợ tôi cần tiền để có thể nuôi tôi trong tù.”
Năm 1989 tôi được Hội Văn Bút Phần Lan nhận làm hội viên danh dự. Các ông bà Văn Bút Phần Lan viết thư hỏi vợ tôi về tình trạng sức khoẻ của tôi trong tù, thư có đoạn hỏi:
“Bà làm ơn cho chúng tôi biết bằng cách nào chúng tôi có thể giúp ông bà về vật chất?”
Khi ấy tôi đã có án tù 6 năm, tôi đã rời Nhà Tù Chí Hoà lên sống ở Trại Tù Khổ Sai Z 30 A. Vợ tôi đem thư của Chi Hội Amnesty Intern. Melbourne, thư của Hội PEN Finland lên trại cho tôi. Ở Trại tôi có giấy, bút, tôi viết thư cám ơn các vị và kể tình cảnh kiệt quệ về Tiền của vợ chồng tôi. Các vị trong PEN Finland góp tiền mỗi tháng gửi cho tôi 100 Ðô-la Mỹ, mỗi 2 tháng gửi một lần.
Hôm nay, một sáng cuối Tháng Tư năm 2010, tôi ngưng viết trong mấy phút để thả hồn trở về một buổi sáng nắng vàng năm 1989: buổi sáng tôi ngồi viết thư trong Nhà Thăm Gặp của Trại Tù Khổ Sai Z 30 A – trại tù trong thung lũng dưới chân núi Chưá Chan, Xuân Lộc, Ðồng Nai – tôi viết thư cám ơn, tả oán, tả khổ – tức tả nỗi oan, nỗi oán, nỗi khổ cực của mình – và xin tiền các vị hảo tâm người ngoại quốc.
Hôm nay nhớ lại, tôi thấy trong 20 năm tôi sống ở Sài Gòn sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi cũng bị tù tội, bị khổ cực như mọi người, xong tôi được đỡ khổ hơn nhiều người.
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương…
Trong một bài tới tôi sẽ kể nhiều hơn về việc trong cơn hoạn nạn tôi được Hội Ân Xá Quốc Tế và Hội Văn Bút Phần Lan giúp đỡ.
Hoàng Hải Thuỷ