Giấc mộng bành trướng của Trung quốc đã tồn tại hàng nghìn năm nay chứ không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng việc bành trướng trên Biển Đông trong lúc này của chính quyền Trung quốc được thừa hưởng từ thời Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, với đường đứt khúc chín đoạn (đường Lưỡi Bò) cũng chỉ mới xuất hiện đầu năm 1949. Nhưng gần đây, do tầm quan trọng của con đường huyết mạch vận tải đường biển của Trung quốc và sự thèm muốn vùng biển giàu tài nguyên này, nên đã khiến vấn đề Biển Đông đã trở nên nóng bỏng hơn.
Biển Đông theo cách gọi của Việt nam, hay Biển Tây theo cách gọi của Philippines, hoặc Biển Nam Hải theo cách gọi của Trung quốc v.v... mà tên chung lâu nay ta thường thấy xuất hiện trên các bản đồ thế giới nói chung là Biển Nam Trung hoa (South China Sea). Đây là một biển ven lục địa có diện tích khoảng 3triệu 500 ngàn km², trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan. Cần phải hiểu vùng biển này và các đảo, quần đảo của nó không thuộc về chủ quyền của một quốc gia cụ thể nào đó, mà hiện nay đang là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa nhiều quốc gia trong vùng như Trung quốc, Đài loan, Philippines, Việt nam, Malayxia, Brunei v.v... Tuy nhiên vì quyền lợi nên hầu như các quốc gia kể trên đều tự khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định đó là chủ quyền bất khả xâm phạm của mình.
Nói ra điều này để thấy việc Trung quốc ngang ngược tuyên bố hầu hết vùng biển này năm trong đường Lưỡi Bò chín đoạn của họ tự vẽ là của Trung quốc cũng là chuyện hết sức bình thường như các quốc gia khác trong khu vực đã làm. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ không phải là quốc gia nào có đầy đủ các bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền thuộc về mình, mà là các đảo hay bãi đá ngầm trong vùng biển này đang thuộc về ai quản lý và liệu nước đó có giữ được hay không trước sự bành trướng ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung quốc.
Bối cảnh quốc tế và khu vực
Nếu so sánh về tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Trung quốc với tiềm lực của các quốc gia trong khu vực là sự so sánh quá khập khiễng và nếu nói Trung quốc hoàn toàn có đủ khả năng để sẵn sàng chiếm đoạt bất cứ các đảo, cụm đảo hay các bãi ngầm... của bất kỳ quốc gia nào trong vùng bất chấp luật pháp quốc tế là điều không hề ngoa. Nói như vậy để thấy Việt nam nói riêng hay các quốc gia trong khu vực cần phải có một chính sách quốc phòng phù hợp, thông qua việc liên minh, liên kết với các cường quốc khác, hay một tập thể các quốc gia khác có cùng lợi ích để tạo sức mạnh nhằm đối trọng với Trung quốc là việc làm hết sức cần thiết. Vì nếu đơn phương một quốc gia trong khu vực thì hoàn toàn không có khả năng kiềm chế nổi Trung quốc. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng.
Trong bối cảnh chính trị thế giới một lần nữa đã và đang dần hình thành xu thế lưỡng cực, một bên là Trung quốc và Nga, còn một bên là Hoa kỳ, EU... Và hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Asian (trừ Việt nam) và các nước như Nhật bản, Đài loan, Hàn quốc... hiện nay đều có mối quan hệ tốt với Hoa kỳ ở mức đối tác chiến lược hoặc đồng minh tin cậy. Điều đó cho thấy các quốc gia đó hoàn toàn có thể đứng vững trước hiểm họa bành trướng của Trung quốc nếu có và một điều chắc chắn Hoa kỳ cũng sẽ phải có các các hành động và biện pháp tích cực để đối phó.
Như trường hợp tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật quản lý, giữa Nhật bản và Trung quốc thì theo hiệp ước chung giữa Hoa kỳ và Nhật sẽ được phát huy tác dụng cho những trường hợp kiểu này. Do đó nếu trường hợp nếu đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật quản lý bị Trung Quốc tấn công thì lập tức Hoa kỳ sẽ ra tay can thiệp ngay lập tức, vì Hoa kỳ bắt buộc phải có nghĩa vụ bảo vệ những địa điểm mà Nhật đang quản lý theo tinh thần của hiệp ước chung giữa hai quốc gia. Cũng vậy, ở một mức độ khác, như trong quan hệ giữa Philippines và Hoa kỳ cũng thế, đây là hai quốc gia vốn có mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời, vậy mà trước sức ép của Trung quốc trên Biển Đông gần đây đang gia tăng, thì ngay trước thềm chuyến thăm Philippines trong tháng 4.2014 của Tổng thống Hoa kỳ B. Obama, Hoa kỳ và Philippines đã đạt được một Hiệp ước 10 năm cho phép lính Mỹ tăng cường hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này.
Giới chức Hà nội đang nghĩ gì?
Gần đây, việc Thượng Viện Hoa Kỳ đã ra nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông với số phiếu tuyệt đối yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981, giữ nguyên hiện trạng và không được cản trở lưu thông hàng hải , điều đó thể hiện rằng Hoa kỳ hiện nay đẫ có một đồng thuận trong các cấp lãnh đạo về chính sách ở Biển Đông. Và điều này đã làm không ít người Việt nam lạc quan khi cho đó là động thái của Quốc hội Hoa Kỳ chính thức ủng hộ các nước tranh chấp trong đó có Việt Nam. Cũng như thế, đa số người dân Việt nam trong lúc này vẫn còn nuôi hy vọng Việt nam sẽ xây dựng với Hoa kỳ mối quan hệ đồng minh chiến lược để làm đối trọng trước áp lực của Trung quốc trên biển và trên bộ. Song họ không biết rằng đây là một chuyện hoàn toàn không dễ và không đơn giản, cho dù đã có ít nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Hoa kỳ nương nhẹ đối với Việt nam trong vấn đề Nhân quyền hay vấn đề Hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Nên hiểu quan điểm của chính phủ (hành pháp) và quốc hội (lập pháp) Hoa kỳ thường không nhất quán và quan điểm của Quốc hội thường cứng nhắc hơn rất nhiều.
Một điểm mấu chốt nhất hiện nay mà Việt nam khó có thể vượt qua là do Việt nam là một quốc gia cộng sản và các nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo Đảng CSVN đến lúc này vẫn có mong muốn và hy vọng coi Trung quốc - kẻ thù của mình là chỗ dựa chiến lược và lâu dài. Đồng thời họ luôn nghi ngờ coi Hoa kỳ và các quốc gia dân chủ tiến bộ khác là những thế lực thù địch, luôn có âm mưu xóa bỏ chế độ XHCN do Đảng CSVN lãnh đạo. Vì họ luôn hiểu rằng hai đảng cộng sản Việt nam và Trung quốc có chung đường lối và vận mệnh chính trị không thể tách rời và nếu bỏ hoặc coi Trung quốc là kẻ thù thì không sớm thì muộn sẽ mất Đảng của họ ngay lập tức. Đây cũng chính là tử huyệt của Đảng CSVN mà Trung quốc đã nắm rất rõ từ lâu.
Đặc biệt là theo họ, trong mọi tình huống nếu để chiến tranh xảy ra trên Biển Đông và nhanh chóng trở thành cuộc xung đột trong khu vực lúc nào thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng CSVN lúc đó. Do vậy Đảng CSVN không có lựa họ nào khác là sự xuống nước và nhân nhượng, thậm chí họ còn công khai xác định Việt nam sẵn sàng chấp nhận đánh đổi một phần quyền lợi của mình để đổi lấy sự hòa bình. Mà theo họ lý giải rằng Việt nam đã trải qua quá nhiều về chiến tranh, đã đến lúc cần hòa bình để phát triển. Đáng tiếc quan điểm đầu hàng này của ban lãnh đạo Đảng CSVN lại được đa số các đảng viên và một bộ phận không nhỏ người dân đồng tình ủng hộ và cho rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn.
Điều đó cho thấy Việt nam đang hoàn toàn đơn độc, đây cũng chính là lý do vì sao người ta thấy trong hơn hai tháng qua, kể từ ngày 2.5.2014 khi Trung quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng biển thuộc lãnh hải của Việt nam đến nay và kể cả việc Trung quốc liên tiếp đưa các giàn khoan khác vào sauu vùng vịnh Bắc bộ mà các lãnh đạo đảng CSVN phản ứng rất yếu ớt và chiếu lệ. Và diễn biến thực tế trên biển cho thấy, trong khi giàn khoan HD-981 xâm phạm lãnh hải Việt nam, không những thế các tàu vũ trang, bán vũ trang của Trung quốc đã có các hành động khiêu khích như dùng vòi rồng công suất lớn phun nước và kể cả va, đâm. Song các tàu Cảnh sát Biển, tàu Kiểm ngư vẫn kiên trì "tuyên truyền, giải thích và thuyết phục" và cuối cùng là bỏ chạy. Kể cả việc Trung quốc bắt giữ 13 ngư dân của Việt nam, những người được coi là cột mốc sống trên biển theo chủ trương của chính quyền Việt nam, đến nay cũng không được giải quyết một cách thỏa đáng theo thông lệ quốc tế. Điều đó cho thấy lãnh đạo đảng và chính quyền Việt nam hiện nay đã trở nên bất lực và bế tắc hoàn toàn trong vấn đề giải quyết vấn đề giàn khoan HD-981 nói riêng và vấn đề tranh chấp trên Biển Đông nói chung, chứ đừng nói đến việc đòi lại quần đảo Hoàng sa.
Hà Nội đã 'đầu hàng'?
Ngày 07.7.2014 trong bài "Vietnam suffers from the wobbles" chuyên gia phân tích thời sự Roger Mitton của tờ Myanmar Times, cho biết: việc Bắc Kinh đưa giàn khoan HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm “rúng động, sợ hãi” đồng thời “gây chia rẽ nghiêm trọng” trong giới chức lãnh đạo hàng đầu của Việt nam. Bài báo cho biết: trong chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì vừa qua, họ Ủy viên họ Dương đã nói thẳng với ban lãnh đạo Việt Nam rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục "sử dụng mọi biện pháp có thể" để bảo vệ chủ quyền và hoạt động của dàn khoan dầu, mà theo quan điểm của Bắc Kinh, đang nằm hoàn toàn trong lãnh hải Trung Quốc. Đồng thời ông này cũng cảnh cáo rằng Việt Nam sẽ hứng chịu nặng nề nếu hợp tác với các nước khác, ví dụ như Hoa Kỳ, nhằm chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc hay tham gia cùng Philippines để khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc. Không những thế, cũng trong thời gian chuyến thăm Việt nam của họ Dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố yêu cầu: "Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả các vụ bạo lực nghiêm trọng gần đây."
Sau sự giận dữ của Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, cũng nguồn tin trên đã cho biết ban lãnh đạo Hà Nội đã vội mở một cuộc họp Bộ Chính trị bất thường ngay sau khi chuyến thăm của ông Dương kết thúc. Và trong cuộc họp ấy đã xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa. Và tác giả dẫn lời của Edmund Malesky, một chuyên gia quan sát Việt Nam tại Đại học Duke, Hoa Kỳ khi cho rằng: "Ban lãnh đạo Việt Nam bị giằng xé về quan hệ với Trung Quốc". Theo đó tác giả cho biết: "Trong nội bộ ban lãnh đạo Việt nam một nhóm, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, lập luận rằng Hà Nội cần đứng vững và tiếp tục vận động để Washington trợ giúp. Còn một phái khác, do Tổng BT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cầm đầu thì chống lại chủ trương đó và kêu gọi duy trì chủ trương để làm sao Bắc Kinh không bị bực bội thêm nữa, và kết quả là quan điểm của phe ông Trọng đã thắng. Với kết quả là, một chuyến thăm dự tính của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Hoa Kỳ trong tháng 7.2014 đã bị xếp lại."
Cuối bài viết tác giả đã đi đến kết luận cho rằng "Về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm cuộc biểu tình nào cả, cũng chẳng có chuyện khiếu nại gì lên Liên Hiệp Quốc, không có diễn tập quân sự với Hoa Kỳ và cũng không đi đầu một khối ASEAN thống nhất chống lại Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa thêm một dàn khoan vào khu vực lãnh hải tranh chấp và nói họ có kế hoạch đưa thêm khoảng 50 dàn khoan nữa trong những năm tới. Và đó là điều Trung Quốc đã và đang làm".
Điều gì sẽ xảy ra đối với chủ quyền của VN trên Biển Đông?
Những phân tích trên đã cho thấy sự phân hóa rõ ràng ở mức sâu sắc trong ban lãnh đạo Đảng CSVN về quan điểm trong vấn đề đối phó với áp lực bành trướng của Trung quốc. Đáng tiếc là xu hướng lấy lòng Bắc kinh thông qua việc duy trì chủ trương để làm sao Bắc Kinh không bị bực bội thêm nữa của phe bảo thủ thân Trung quốc của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng lại chiếm đa số áp đảo trong Bộ Chính trị. Vì người ta hy vọng với cái gọi là sự "nhẫn nại và nhún nhường và cần thiết thì nhượng bộ" sẽ có khả năng duy trì được hòa bình và sự tồn vong của Đảng CSVN. Nhưng họ đã quên mất tham vọng bành trướng của chính sách bá quyền Đại Hán của nhà nước Trung hoa từ ngàn đời nay và cho đến nay chính sách này đã quan trở lại trong cái vỏ bọc trỗi dậy trong hòa bình của Đảng CSTQ.
Cần phải khẳng định một cuộc chiến với quy mô lớn trên Biển Đông là điều khó có thể xảy ra vì nó không cho phép đối với Trung quốc, một quốc gia có nền kinh tế khổng lồ đang phát triển, mà việc khu vực Biển Đông lại trấn giữ trên con đường vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu của họ. Đó là lý do không cho phép họ phiêu lưu để xung đột có thể xảy ra, vì những cuộc tấn công đánh chiếm chủ quyền các đảo và bãi ngầm của đối phương mang tính chiến thuật rất dễ trở thành các cuộc xung đột lớn trên biển và trong khu vực. Tuy nhiên không có điều gì là chắc chắn cả, khi mà mới đây nhất Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã bày tỏ sự lo ngại của ông ta khi đặt vấn đề Hoa kỳ và Trung Quốc có thể móc ngoặc trong vấn đề Biển Đông, mà theo ông cho biết ông có cảm giác Trung Quốc đã móc ngoặc với Hoa kỳ, còn Hoa kỳ thì sợ hãi việc phản ứng quá mạnh ở Biển Đông. Người Việt nam đã bị Hoa kỳ bỏ rơi trong vấn đề mất quần đảo Hoàng sa sau cái bắt tay của Mao Trạch Đông và Nixon tại Bắc kinh năm 1972, thì chả có gì có thể đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra một lần nữa.
Một trong những nhận định được đánh giá cao của các học giả quốc tế gần đây khi cho rằng "Việt nam sẽ mất trọn Biển Đông nếu như nội bộ ban lãnh đạo của Việt nam không thống nhất được với nhau" và điều đó đã và đang xảy ra. Trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay không có chỗ dựa, không có đồng minh tin cậy ngoài kẻ thù của mình chính lại là người đồng chí tốt Trung quốc, do vậy họ đang lúng túng không tìm thấy lối thoát và điều đó đã buộc họ phải đi từ nhân nhượng này đến nhượng bộ khác trước áp lực của Bắc kinh. Và thử hỏi điều gì sẽ xảy ra khi Trung quốc triển khai rất nhiều các dàn khoan di động kiểu như giàn khoan HD-981 trong vùng lãnh hải Việt nam? Và trong trường hợp xấu nhất, khi Trung quốc tiến hành tập kích các đảo và bãi ngầm thuộc chủ quyền Việt nam trên Biển Đông như họ đã từng làm ở Hoàng sa năm 1974, đảo Gạc ma năm 1988 v.v... thì ban lãnh đạo Việt nam sẽ phải làm gì để gìn giữ và bảo vệ chủ quyền? Hay là họ tiếp tục im lặng và nhân nhượng đầu hàng không cho phép binh lính trên đảo nổ súng giữ đảo mà thay bằng lệnh cấm nổ súng như họ đã từng làm năm 1988 ở đảo Gạc ma?
Điều đó cho thấy với chính sách gặm nhấm từ từ từ nhiều chục năm nay của Trung quốc, nay lấn một ít, mai lấn thêm một ít, bằng đủ mọi thủ đoạn thì việc Trung quốc tiến hành tập kích cục bộ các đảo và bãi ngầm thuộc chủ quyền Việt nam trên Biển Đông là điều đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra là điều hoàn toàn có thực. Và từ đó vấn đề Việt nam mất hoàn toàn các đảo và bãi đá ngầm trong khu vực Biển Đông là nguy cơ đã lộ rõ và gần như chắc chắn. Ở đây chỉ còn là vấn đề thời gian nhanh hay chậm, nếu ban lãnh đạo Việt nam không nhanh chóng có những điều chỉnh chiến lược quan trọng.
Lẽ đời, một khi chúng ta càng nhũn nhặn, nhân nhượng đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác thì kẻ thù sẽ càng lấn tới. Trong vấn đề Biển Đông hiện nay cũng vậy, một khi ban lãnh đạo Đảng CSVN và chính quyền của họ đến lúc này cũng chưa phân biệt được rõ ai là bạn, ai là thù để có các đối sách kịp thời có hiệu quả mang tính chiến lược để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Nếu như vậy nguy cơ mất trọn Biển Đông là điều hoàn toàn có thể.
Ngoảnh sang nhìn cục diện chính trị của hai nước "đàn em" Lào và Campuchia ngày hôm nay đã bị Trung quốc thao túng ra sao thì không thể không giật mình. Bây giờ mới thấy họa mất nước của Việt nam sẽ rơi vào tay Trung quốc đã cận kề lắm rồi. Và khi đó chuyện Việt nam mất Biển Đông lại là chuyện nhỏ./.
Ngày 15 tháng 7 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
.
Bài bình luận gần đây