You are here

Ghi chép về chuyến đi Mỹ: 8. Đường tới Mỹ

Dù lý do nào thì việc tụi mình sang Mỹ cũng nói lên sự thay đổi đáng kể không khí chính trị ở Việt Nam. Xuân Diện nói với mình, bây giờ chứ trước đây anh trở về thì họ đã đưa anh thẳng vào nhà giam rồi chứ không chỉ thẩm vấn anh như thế đâu..
Vâng, cách đây ít năm, làm gì có chuyện một đoàn điều trần từ Việt Nam đến 6 người sang Mỹ để phát biểu lên chính kiến của mình cho dù có “vượt vòng vây” bằng nhiều cách. Đó là xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Người ta đi 10 bước, mình chậm thì cũng bước lấy 1 bước chứ, chẳng lẽ đứng yên hay thụt lùi về thời kỳ đen tối đến rùng mình. Đó là kết quả đấu tranh, phấn đấu rất gian nan cho tự do, nhân quyền, dân chủ của mấy thế hệ từ BácTrần Độ, Trần Xuân Bách cho đến Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế… và đặc biệt, càng thế hệ sau càng đông đảo: Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nhiên, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Văn Trội, Trần Anh Kim, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Quốc Quân, Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh…nhiều lắm, xin lỗi vì không không thể kể hết ra ở đây. Những người con ưu tú ấy đã mở đường cho mình sang thế giới tự do ngày hôm nay, trong đó có Nguyễn Phương Uyên, đứa con gái can trường mà mình vô cùng yêu quý.
Thế là mình đang bay tới Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên trong thế giới tư bản. Internet thật diệu kỳ. Nếu cứ theo thông tin một chiều như trước đây thì có cho kẹo, mình cũng chẳng dám đến Hàn Quốc, chứ chưa nói tới Hoa Kỳ, “hang ổ của chủ nghĩa tư bản bóc lột” vì nó khủng khiếp quá.
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Bắc Triều tiên đã tấn công Hàn Quốc, có lúc đã kiểm soát tới 90% lãnh thổ Triều Tiên nhưng rồi Hàn Quốc được quân đội Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo đã đẩy Bắc Triều Tiên ngược trở lại vĩ tuyến 38. Trung quốc cũng huy động khoảng 3 triệu lượt quân giúp Bắc Triều Tiên. Cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã gây nên bao đau thương cho nhân dân bán đảo Triều Tiên. Ấy là sau này mình mới hiểu thế chứ hồi còn học sinh, qua sách vở, báo chí, mình cứ tưởng là Lý Thừa Vãn vượt vĩ tuyến 38 tấn công Bắc Triều Tiên.
Có bài hát ca ngợi cuộc chiến đấu chính nghĩa của… Bắc Triều Tiên, giai điệu rất hay, mình còn nhớ lõm bõm qua lời hát của người lớn khi ấy:
“Xuân về trên đất nước Triều Tiên anh dũng, hoa đào đỏ thắm ven sông, những cô gái Triều Tiên áo trắng…
Ông Tố Hữu viết:
"Giặc bốn bề lửa khói
Xác ai nằm ngổn ngang

Anh của em đã đến đây rồi
Anh Chí nguyện con Bác Mao đã đến
Anh đã đến bên nôi em cháy dở
Với cha em giết hết loài man rợ…"
(Em bé Triều Tiên ơi)
Nhưng trên thực tế, giặc mà ông ta nói tới trong cuộc chiến tranh này chính là Kim Nhật Thành. Có đời thủa nhà ai đi xâm lược mà gọi người bị xâm lược là giặc không hở giời.
Lần đầu tiên ra nước ngoài (trừ hồi đi bộ đội có xuất cảnh sang … Lào) nên mình cũng lo lo. Thành ngữ có câu "nhà quê ra tỉnh", còn mình thì nhà quê ra thế giới. Tụi trẻ con nhà mình dọa, coi chừng bố lên nhầm máy bay sang Châu Phi thì chết. 
Các cháu tiếp viên của Korean Air lúc nào cũng thường trực trên môi nụ cười tươi tắn. Các cháu tô son đỏ chứ không như diễn viên trong phim Hàn một thời đã dấy lên mốt môi trầm ở Việt nam. Mình để ý người Hàn Quốc nói nhanh ríu rít như tiếng chim, âm tiết cuối cùng kéo dài và cao vút lên.
Có vẻ như gần hết chặng đường, nhân viên hàng không phát cho mỗi người một mảnh giấy nhưng mình và một số người không thấy phát nên mình đoán là tờ khai hải quan cho những người nhập cảnh vào Hàn Quốc. Nghĩa là nhân viên trên máy bay đã nắm chắc số ghế nào vào Hàn, số ghế nào quá cảnh.

Sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, sân bay tốt nhất thế giới (Ảnh: Giáo Dục VN)
Xuống sân bay quốc tế Incheon Seoul, mình cứ theo dòng người ra cửa. Con gái cẩn thận chuẩn bị sẵn cho mình những câu nhờ cậy quen thuộc bằng ba thứ tiếng Việt- Hàn - Anh nhưng mình không dùng đến. Bà xã đã ở Hàn 3 tháng, nói anh cần gì cứ hỏi, bất kể ai họ cũng tận tình chỉ dẫn, chứ không như bên mình đâu.
Cổng ra máy bay đã ghi trên vé, giờ mình chỉ cần tìm khu vực quá cảnh. Mình túm lấy một ông, vẽ chữ transit vào lòng bàn tay rồi chìa ra. Ông ta ra hiệu cho mình chờ một chút để điền vào tờ khai hải quan. Thì ra ông ấy chỉ tới Seoul. Ông ta đưa mình đi một đoạn thì mình nhận ra lối đến khu vực quá cảnh. Mình ra hiệu cho ông ấy quay lại nhưng ông ta không yên tâm, dẫn mình đi một hồi nữa, tới cửa kiểm tra an ninh rồi mới giơ tay tạm biệt mình.
Cả khi đi và về, mình chỉ phải hỏi mỗi lần ấy. Hôm 11/6 đi Bắc Giang thăm bác Tô Oanh với Hạnh (Liberty), nàng hỏi mình:
-Anh đi với ai? 
-Một mình chứ với ai. 
Nàng tròn mắt:
-Hả? Đi một mình? Thế sao anh vẫn sang tới nơi được?
-Vâng, chỉ mỗi chị thạo. Chẳng lẽ em lạc xuống biển.
Chắc là sợ mình mặc cảm, nàng an ủi:
- Thằng con em á, trước khi ra nước ngoài học, em phải tập cho nó đi máy bay nội địa mấy lần để quen dần đấy.
Bây giờ mình mới quan sát, thấy sân bay sạch bóng và rộng. Tìm đến cổng ra máy bay rồi, thời gian quá cảnh còn quá dài, mình lang thang đi lại, nghiêng ngó. Thấy phòng hút thuốc lá, chợt nhớ ra từ tối hôm qua đến giờ, chưa hút điếu thuốc nào, mình liền vào. Mình vừa hút thuốc, vừa nói chuyện với mấy ông Việt Kiều ở Mỹ. Phòng đủ rộng, bài trí đẹp. Mình ngồi khoảng 30 phút đã có hai lần nhân viên vào dọn tàn thuốc. 
Quay trở lại phòng chờ. Nơi chờ quá cảnh bố trí rất nhiều ghế, toàn ghế mềm và đủ dài để có thể nằm. Thời gian đợi bay tiếp thì lâu, mình liền nằm ra ghế tranh thủ ngủ. Vừa chợp mắt thì Gia Minh, đài RFA gọi điện phỏng vấn.
Sau 14 giờ bay tiếp thì máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Washington Dulles.
Thủ tục nhập cảnh cũng đơn giản. Mình với gã nhân viên an ninh, chẳng đứa nào hiểu đứa nào nói gì. Mình đưa ráo cả cái cặp có kẹp mấy tờ giấy cho gã đọc nhưng gã không mở ra. Mình định ném luôn cái ba lô con con về phía gã cho gã muốn làm gì thì làm nhưng gã đã tươi cười ra hiệu cho mình đi…
Mình nghĩ, người đi đón sẽ chờ mình ra khỏi ga hàng không. Nhưng đang còn đi trong nhà ga thì từ xa, đã thấy có người gọi tên mình. Tất nhiên, tụi mình chưa gặp nhau bao giờ (và cũng chưa hề nói chuyện với nhau qua internet). Chắc chắn anh nhận ra mình qua ảnh. Anh giới thiệu tên là Huy, nói có nhiệm vụ đi đón mình. 
Mình còn đang ngỡ ngàng thì anh đã tặng hoa cho mình. Rồi Chân Như, Diễm Thi, phóng viên của Đài Á Châu tự do ào đến chúc mừng, làm phỏng vấn. 
Vậy là mình đặt chân đến Nước Mỹ thật rồi.

19/6/2014
NGUYỄN TƯỜNG THỤY