Ngày 3 tháng 5, ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Điều đó cũng đồng nghĩa với ngày 3 tháng 5 hằng năm, thế giới tôn vinh nền báo chí tự do, cổ xúy cho những chủ trương nhằm mở rộng tự do cho các nhà báo trong vấn đề tác nghiệp, viết lách, phản ánh sự kiện và chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra, tôn vinh sự thật, tôn vinh tính khoa học của báo chí… Và đương nhiên, trong ngày này, những nhà báo có thể mời nhau cà phê, dắt nhau ra quán nhậu hoặc làm một việc gì đó ý nghĩa để tự thấy mình xứng đáng với nghề cầm bút. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác!
Cái khác đầu tiên, ngày Tự Do Báo Chí không được tôn vinh ở Việt Nam mà người ta chỉ nhắc đến nó như một lời nhắc nhở có tính răn đe các nhà báo rằng: Các ông, các bà (hoặc là chúng mày) cứ viết, cứ tự do nhá. Nhưng phải nhớ là tự do trong khuôn khổ của Đảng (chúng tao) đã đề ra, đừng có mà léng phéng đua đòi bọn tư bản giãy chết!
Chính bởi cái khác này mà thay vì người ta liên hoan, vui chơi thoải mái để mừng cái ngày mà sự tự do tác nghiệp của cánh phóng viên được tôn vinh, tôn trọng thì ở Việt Nam, những tay cầm bút nhà nước lại tha hồ múa bút để ca ngợi nền báo chí Việt Nam tự do hoặc im mồm như con hến để khỏi bị vạ. Tỉ như “dưới sự lãnh đạo sáng suốt và thiên tài của Đảng, nền báo chí của chúng ta đã phát triển đến đỉnh cao, mang tính khoa học cao, đạt được tự do báo chí cao, thực hiện sứ mệnh của người cầm bút cao…”
Và cứ như thế, cái gì cũng đạt ở ngưỡng cao mà phang tới.
Còn một điểm này, nếu như đây là ngày mà cánh cầm bút trên các quốc gia tự do cảm thấy hãnh diện vì mình đã từng có đôi lần hoặc mãi mãi tác nghiệp vô tư, không vì bất cứ sự tư lợi hay thế lực nào tác động đến bài viết của mình… Thì ở Việt Nam, những ai ăn mừng ngày này sẽ có chuyện. Có chuyện gì thì cũng không khó nhận biết lắm.
Trước tiên, ở Việt Nam, ai có thể ăn mừng ngày Tự do báo chí? Câu trả lời chắc chắn là không có bất kì một tay cầm bút nhà nước nào lại nghĩ đến chuyện ăn mừng ngày này nếu như cơ quan của ông/bà, cô/cậu này không đứng ra tổ chức. Nhưng cũng chắc chắn rằng chẳng có tờ báo nhà nước nào đủ liều lĩnh đứng ra tổ chức ăn mừng ngày này nếu không cò sự chỉ đạo từ bên trên. Mà một khi đã có chỉ đạo thì hình thức cũng như nội dung ăn mừng của nó ra sao chắc không cần đoán thêm làm gì cho mệt đầu!
Vậy những người nào có thể ăn mừng ngày Tự Do Báo Chí? Có chăng là những nhà báo tự do, không nằm trong guồng máy báo chí nhà nước, các blogger và những người tuy không trực tiếp cầm bút nhưng lại luôn giữ tâm thế tự do và cổ xúy cho nền báo chí tự do nói riêng và tự do cho con người nói chung. Những người này có đủ tư thế, tư cách và tâm tư để ăn mừng ngày này. Nhưng, nếu họ ăn mừng một cách công khai, chuyện gì sẽ xãy ra?
Họ sẽ bị an ninh theo dõi, rình rập, và rất có thể, trong một dịp nào đó, an ninh lại ập vào nhà họ hoặc phòng trọ của họ với tang chứng hoặc là vài cái bao cao su đã qua sử dụng, vài bọc chứa bột trắng, vài băng video có nội dung “phản cảm”, “phản động”… Và đó là điều hoàn toàn có thể xãy ra, không hề tưởng tượng hay nói quá một chút nào vì chuyện này không phải chưa từng xãy ra ở Việt Nam.
Tại sao những người cổ xúy cho tự do, dân chủ và tự do báo chí lại có thể bị hại? Câu hỏi này có vẻ như thừa một khi đặt nó trong bối cảnh Việt Nam cùng với hệ thống nhà nước độc tài Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, đây là câu hỏi cần được đặt ra nghiêm túc vì trong bối cảnh hiện tại, chế độc Cộng sản Việt Nam dù muốn hay không muốn cũng đã lún quá sâu vào hai tình trạng: Ẵm tiền của tư bản và; Nô lệ cho Cộng sản đàn anh.
Vì đã ẵm tiền của tư bản quá nhiều, nợ nần chồng chất, mọi dự án của nhà cầm quyền đều mau chóng trở thành con tàu há mồm nằm chờ sự tài trợ của “bọn tư bản giãy chết” và một khi muốn có tiền, nhà cầm quyền Cộng sản phải chấp nhận một số điều kiện của thế giới tư bản, ví dụ như các công ước về quyền con người, các thỏa thuận, hiệp ước về tự do báo chí, tự do ngôn luận cùng nhiều qui định có tính bắt buộc khi bắt tay làm ăn với tư bản.
Đặc biệt, khi ghé chân vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vấn đề quyền tự do cho công dân càng trở nên nhạy cảm ở Việt Nam. Và đương nhiên cái ghế ở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chẳng khác nào tấm bảng “tiết hạnh khả phong”. Một bà chồng chết, lòng rạo rực muốn đi thêm bước nữa, đùng một cái nhà vua ban cho tấm bảng “tiết hạnh khả phong” treo giữa nhà, có muốn cưới chồng cũng không xong. Liên tưởng đến nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, đùng một cái, bị giao cho cái ghế ở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mọi tham vọng trấn áp, dẹp bỏ các thành phần đấu tranh dân chủ, tự do… nghe ra khó khăn hơn nhiều. Lại phải tính đi tính lại các thủ đoạn cho hợp lý với cái ghế lỡ ngồi lên.
Đó là chưa nói đến việc gia nhập WTO trước đây rồi thêm cố gắng để vào TPP. Tất cả những chỗ này là vòng đai lửa cho kẻ độc tài không biết tôn trọng tự do của nhân dân. Bây giờ, nếu như các nhà báo, nhà hoạt động tự do lên tiếng, cổ xúy cho tự do và tiếp tục nêu ra những cái xấu của chế độ, đặc biệt l;à sự toa rập, đi đêm với Cộng sản đàn anh Trung Quốc, bán đứng lãnh thổ, lãnh hải quốc gia… thì chế độ Cộng sản không những bẽ mặt với thế giới mà còn thêm bị cô lập và đặc biệt là một khi nhân dân nhận ra vấn đề, chính nhân dân sẽ cô lập nhà nước Cộng sản.
Một khi nhân dân được các nhà báo tự do, các nhà đấu tranh dân chủ khai trí, chắc chắn hệ quả của nó sẽ khó mà lường. Nhất là khi nhân dân nhận thức được quyền tự do ngôn luận là quyền tối thiểu và căn bản đã được hiến định cho mỗi công dân và nghiễm nhiên mỗi công dân tự biến mình thành một chiến sĩ thông tin thì lúc đó, khó mà đoán trước chuyện gì sẽ xãy ra. Hàng loạt hệ quả và hiệu ứng từ phía nhân dân sẽ nhanh chóng tạo thành những đợt sóng. Việc phá tan thành trì Cộng sản sẽ không tính trên đơn vị ngày mà được tính trên đơn vị phút và giây.
Chính vì thế, dù muốn hay không muốn, ngày Tự Do Báo Chí sẽ là ngày cừu thù của nhà nước Cộng sản. Vì thứ họ cần và muốn xây dựng không phải là nền báo chí tự do mà là một bầy cừu biết hóng hớt và tung hô họ!
Bài bình luận gần đây