You are here

Thả tù nhân: chẳng mất gì mà đạt mục đích

Lê Diễn Đức

 
Trong đầu tháng Tư, chỉ trong vòng một tuần lễ, ba người bất đồng chính kiến nổi tiếng được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bất ngờ trả tự do: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi.
 
Truớc đó ngày 21/3/2014 thầy giáo Đinh Đăng Định và ông Nguyễn Hữu Cầu cũng được đặc xá.
 
Điều đáng chú ý là thầy giáo Đinh Đăng Định được đặc xá vì tình trạng sức khoẻ hết sức nguy kịch và thầy đã từ trần sau đó vào tối ngày 3 tháng Tư. Còn  ông Nguyễn Hữu Cầu, cựu đại úy quân lực Việt Nam Cộng, đã ngồi tù với kỷ lục thế kỷ: 37 năm.
 
Riêng đối với Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi, không hề có lệnh đặc xá mà được trả tự do trước thời hạn. Ông Cù Huy Hà Vũ trước 3 năm rưỡi, Nguyễn Tiến Trung trước hơn 2 năm và ông Vi Đức Hồi trước hơn một năm.
 
Tất cả những người nêu trên, từ nhiều năm nay đã được chính phủ Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức nhân quyền quốc tế gây áp lực mạnh mẽ, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho họ vì họ không có tội và Việt NAm đã vi phạm các công ước quốc tế đã ký kết. (Trừ Nguyễn Tiến Trung, người đã thừa nhận sự giúp đỡ "đấu tranh dân chủ" từ nước ngoài, "ăn năn" về hành động của mình và tuyên bố từ bỏ "Tập hợp Thanh Niên Dân chủ" và Đảng Dân Chủ Việt Nam, chấm dứt các hoạt động "chống Nhà nước").
 
Động thái của nhà cầm quyền rõ ràng cho thấy một chính sách nhân nhượng tạm thời nhằm đạt mục đích nào đó, chứ không phải có chuyển hướng tư duy hay thay đổi gì có lợi cho tiến trình dân chủ hoá.
 
Trong đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam đang vướng một số vần đề cốt yếu trong đó có vấn đề nhân quyền.
 
Nếu tham gia TPP, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP và xuất khẩu lớn, sẽ nhận được nhiều lợi thế, cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nhiều hơn các thị trường trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng...
 
TPP cũng sẽ hỗ trợ mục tiêu chiến lược của Việt Nam nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
 
Việc Việt Nam tham gia TPP có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp Mỹ, vì nó sẽ thúc đẩy lòng tin của giới đầu tư và tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn tại đây.
 
Việc tha tù nhân cũng nằm vào thời gian tháng 4 khi Tổng thống Barack Obama công du một số nước châu Á và nhiều người hy vọng TPP sẽ được ký vào thời điểm ngay sau đó.
 
Tháng trước, trong Thông điệp Liên bang, Barack Obama đã yêu cầu quốc hội trao cho ông Quyền thúc đẩy thương mại (TPA). TPA sẽ cho phép Obama đệ trình các hiệp định thương mại lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua mà không cho phép sửa đổi bất cứ điều khoản nào trong hiệp định này. Nếu Barack Obama được trao TPA, các bên sẽ không phải lo khả năng các nghị sĩ Mỹ đòi sửa đổi các điều khoản trong TPP theo hướng khó đồng thuận.
 
Cũng vào ngày 3 tháng 4 tại quốc hội Mỹ có cuộc điều trần về TPP do Ủy Ban Ways and Means tổ chức.
 
Vấn đề nghiệp đoàn độc lập là chủ đề lớn của TPP đối với Việt Nam. Dân Biểu Lewis cho hay, nhiều cư dân thuộc địa phận của ông đã đến Washington DC tuần trước để đặt vấn đề Việt Nam có mặt trong TPP.
 
Ngày 7 tháng 4, tổng liên đoàn lao động Mỹ, AFL-CIO nói Mỹ hãy đợi sau khi Việt Nam đã cải tổ để tôn trọng quyền nghiệp đoàn rồi mới giảm thuế nhập cảng cho hàng hóa từ Việt Nam.
 
Thả tù nhân cũng là món quà cho cuộc thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy, từ ngày 16 đến ngày 20/4, mà theo nhận định của báo chí chính thống, sẽ mở ra một tiềm năng mới trong quan hệ Việt-Mỹ.
 
Tóm lại tháng Tư la tháng có những cú huých quyết định cho Việt Nam tham gia TPP. Trong hoàncảnh kinh tế tệ hại hiện nay, TPP có thể là cứu cánh cho Việt Nam trong những năm tới và Việt Nam rất cần những ân huệ của Hoa kỳ để có thời gian trì hoãn cho tới lúc có thể đạt được tất cả các cam kết.
 
Thả 5 tù nhân nhưng sự rõ ràng nhà cầm quyền có sự lựa chọn rất kỹ. Ngoài hai trường hợp đặc biệt được đặc xá Đinh Đăng Định và Nguyễn Hữu Cầu, với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chẳng biết có thảo thuận riêng biệt gì không, nhưng anh bị vô hiệu hoá bằng trục xuất ngay lập tức qua Mỹ một cách thầm lặng. Còn Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi đều đã chịu án tù quá bán, nếu không nói là sắp hết hạn. Hơn nữa, trả tự do nhưng họ vẫn chịu quản chế tại gia tới 3 năm nữa.
 
Còn rất nhiều những người bất đồng chính kiến khác đáng được trả tự do như Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù), Nguyễn Văn Hải (12 năm tù), Tạ Phong Tần (8 năm tù), Đỗ Thị Minh Hạnh (7 năm tù), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm tù), Đoàn Huy Chuơng (7 năm tù), Việt Khang (3 năm tù), Hồ Thị Bích Khương (5 năm tù), Bùi Thị Minh Hằng (bị bắt giam vô cớ và chờ ra toà vì một lý do phi lý "gây rối trật tự giao thông"), v.v...
 
Trong khi đó, ngày 13 tháng Tư năm 2014, an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã hành hung thô bạo, cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang của Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam. Từ việc làm này, tôi không hề tin ở bất cứ thiện chí nào của nhà cầm quyền Việt Nam. Bất kỳ ai, nếu có hại và tạo ra nguy cơ cho quyền lực đều bị trấn áp.
 
Đợt thả tù nhân vừa qua thực sự là một sự đổi chác không hơn không kém và sự đổi chác này mang lại lợi ích cho chế độ cộng sản. Họ chẳng mất gì, chế độ vẫn vậy và tiếp tục tồn tại, những người được tự do ở lại trong nước vẫn bị quản chế và họ có thể bắt lại bất kỳ khi nào họ thích.
 
Trên tường nhà Facebook, nhà báo Đoan Trang viết:
 
"Thả ồ ạt thế này chắc là để chứng minh là giá tù nhân chính trị ở Việt Nam rất là rẻ, trao đổi mấy người tù nổi tiếng mới ngang giá một tí lợi ích kinh tế nào đấy, "ba đồng một mớ tù nhân" chứ gì".

"Chừng nào tôi (và hàng triệu người như tôi) chưa có khả năng dùng lá phiếu của mình để quyết định cương vị lãnh đạo của các ông, chừng đó tôi còn không tin các ông và chẳng coi các ông ra gì đâu, cả về tài năng lẫn nhân cách".
 
Không có gì chính xác hơn!
 
© Lê Diễn Đức - RFA Blog