Lê Diễn Đức
Cù Huy Hà Vũ với vợ Nguyễn Thị Dương Hà và bà Jenifer L Neidhart de Ortiz, đặc trách nhân quyền ở Toà Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam, tại phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014 - Ảnh: BPSOS
Còn nhớ trước ngày 4/4/2011, ngày toà sơ thẩm xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, tôi đã viết bài về anh và trên facebook kêu gọi mọi người tới tham dự phiên toà.
Những người tới toà hôm ấy khá đông, có nhiều anh chị em từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Công an, an ninh dày đặc đã ngăn cản và bắt giữ nhiều người, trong đó có bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân.
Phiên toà diễn ra nhanh chóng, cẩu thả, được xử theo phương án bỏ túi và tuyên án Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù và 3 năm quản chế.
Phiên toà đã bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Đài truyền hình VTV cũng làm một phóng sự bêu xấu anh, nhưng ngay sau đó đã bị dư luận vạch trần là bôi bác, dối trá, lừa bịp.
Nhà giáo Phạm Toàn nói “đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục”. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, “Một phiên tòa làm mất thể diện quốc gia”. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì nhận định “Đã có quá nhiều lời chê trách, bực bội, thậm chí chửi bới đốp chát về một phiên tòa gọi bằng công khai mà chẳng ra công khai, gọi bằng dân chủ mà chẳng ra dân chủ, được trình diễn ngay giữa một Thủ đô bắt buộc phải có cách ứng xử văn hóa thế mà rõ là thiếu văn hóa thậm tệ”.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh "nghe các đài và bản tin điện tử của rất nhiều nước chỉ trích Việt Nam mạnh quá" đã "cảm thấy xấu hổ!”. Còn Giáo sư Ngô Bảo Châu phải chua chát nói rằng, “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.
Thế nhưng phiên toà phúc thẩm ngày 2/08/2011, đúng như dự đoán, vẫn giữ y án.
Đã có thư kiến nghị được ký kết bởi hàng ngàn trí thức, đồng bào trong và ngoài nước gửi các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và nhà nước CHXHCN Việt Nam, đòi trả tự do cho anh. Bản kiến nghị là một minh chứng rõ ràng rằng, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không có tội.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã được Tổ chức Ân xá Quốc tế công nhận là tù nhân lương tâm. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho anh vì cho rằng việc bắt và kết án anh là trái với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Việc kiện Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một việc làm chưa có tiền lệ, đã cho thấy sự đúng đắn và chính xác. Dự án Bauxite Tây Nguyên càng ngày càng bộc lộ sự vội vã, bê bối, chạy theo lợi ích nhóm, thiếu sự tinh toán kỹ lưỡng, lâu dài, mức lỗ có thể tới năm 2020, chưa kể tác hại tới môi sinh và nguy cơ về an ninh quốc phòng.
Kể từ lúc anh bị bắt ngày 5/11/2010 tại khách sạn với một lý do khôi hài và lố bịch vì "hai bao cao su đã qua sử dụng" đến ngày anh được trả tự do, ngày 6 tháng 4 năm 2014, là gần ba năm rưỡi, có nghĩa rằng anh được ra trước thời hạn một nửa thời gian, không phải do đặc xá mà đi Mỹ chữa bệnh.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và ngay lập tức bị phóng thích qua Mỹ, không là ngoại lệ. Trong giai đoạn gần đây đã có các trường hợp tương tự như ông Đoàn Viết Hoạt hay bà Trần Khải Thanh Thuỷ.
Ông Đoàn Viết Hoạt, sau 5 năm thi hành án phạt tù, đã đệ đơn lên Chính phủ Việt Nam xin ra tù trước thời hạn để xuất cảnh đi Mỹ đoàn tụ gia đình và tự nguyện cam kết từ bỏ mọi hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam. Được nhà cầm quyền chấp nhận, ông được đặc xá tha tù trước thời hạn và qua Mỹ ngày 01/09/1998. Tuy nhiên khi đã định cư ở Mỹ, ông Hoạt đã hành động khác.
Bà Trần Khải Thanh Thuỷ là thành viên của Đảng Việt Tân, được Việt Tân bảo lãnh và sang tới San Fransisco tại phi trường đuợc đón tiếp nồng nhiệt.
Có nhiều thứ khó lý giải. Lý do đưa ra, được dư luận và truyền thông nói tới là đi chữa bệnh, cũng không thuyết phục. Bởi vì Cù Huy Hà Vũ có vấn đề về tim và huyết áp cao nhưng thực sự chưa ở mức nghiêm trọng bằng những tù nhân lương tâm khác như linh mục Nguyễn Văn Lý, Tạ Phong Tần hay Đỗ Thị Minh Hạnh.
Phóng thích vào ban đêm (chủ nhật 6 tháng Tư) rồi đẩy ngay lập tức qua Mỹ, không một lời tạm biệt nơi cố hương, lặng lẽ, là thể hiện một hành động thiếu minh bạch, mờ ám. Thông tin Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và tới Mỹ cũng được đưa ra từ dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.
Một điều khác thường là không một thân hữu, bạn bè nào ra đón ở phi trường tại Washington DC, còn các cơ quan truyền thông như RFA hay VOA cũng chỉ nghe xác nhận qua giới thẩm quyền.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tới Mỹ cũng lặng yên như việc phóng thích. Chưa gặp bất kỳ ai, chưa gặp các cơ quan báo chí truyền thông, một điều hiếm hoi, trong khi được biết Cù Huy Hà Vũ chuẩn bị gặp mặt Bộ Ngoại giao và các nhà hành pháp Mỹ. Lý do phong thích thật sự đều bị tiết kiệm tối đa, từ phía Mỹ cũng như phía Việt Nam.
Rõ ràng, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chinh kiến nổi tiếng, với nhân thân đặc biệt của mình, rất có thể đã được Mỹ chọn làm con bài trong toàn cuộc chơi.
Hiệp ước Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP? Rất có thể. Dự luật về Nhân quyền chế tài các nhân vật cộng sản Việt Nam của dân biểu Ed Royce? Rất có thể!
Trong tất cả sự thể nêu trên cho thấy cuộc ra đi của Cù Huy Hà Vũ là một sự thoả thuận, hay đúng hơn là một sự mặc cả, một bên là nhà cầm quyền Việt Nam, một bên là gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một bên thứ ba là chính phủ Mỹ.
Lý do đi chữa bệnh chẳng qua là để cứu vãn sự sĩ diện và làm mát mặt cho nhà cầm quyền Việt Nam, chẳng hề có chủ nghĩa nhân đạo gì ở đây. Thực chất, nhà cầm quyền trả tự do cho anh là đã thừa nhận anh vô tội.
Nếu mà chỉ đi chữa bệnh thì bệnh khỏi thì phải trở về Việt Nam (cơ hội này rất khó), nên có thể còn có sự cam kết khác của gia đình Cù Huy Hà Vũ - đó là là sự im lặng. Nhưng liệu một người như Tiến sĩ Vũ có thể im lặng mãi?
Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ủng hộ những tiếng nói và việc làm của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhưng khó có thể giang vòng tay ấm áp cho một người vẫn ngưỡng mộ ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp. Do đó, đất Mỹ không phải là nơi mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có thể phát huy được con đường tranh đấu của mình.
Dù sao thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã vì lên tiếng nói cho công bằng, lẽ phải của xã hội mà đã phải chịu hoàn cảnh tù ngục ba năm rưỡi. Kể cả việc anh chấp nhận đi chữa bệnh, từ bỏ cuộc tranh đấu, thì cũng không có gì đáng trách. Mỗi một giai đoạn, con người đóng góp một việc trong sức lực của mình. Cám ơn anh những điều anh đã làm. Chúc anh an lành trong những ngày điều trị bệnh trên đất Mỹ.
Trên trang Facebook chị Phuong Dang Bich viết một status rằng, không phải Tổ quốc và nhân dân đã xoá án cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, như anh tuyên bố sau phiên toà, mà chính phủ Mỹ là người xoá án cho anh!
Một cái gì đó có vẻ xót xa, nhưng có lẽ là như vậy!
© Lê Diễn Đức
Bài bình luận gần đây