Việc chửi bới nhau giữa người với người trong khi ăn có lẽ xuất hiện từ khi con người biết … ăn, nghĩa là từ cái thời mò cua bắt ốc săn thú trong hang động con người đã giành giật miếng ăn để sống. Tính cách ấy xã hội hôm nay có một từ rất hay là “bầy đàn”. Nó minh họa đầy đủ cộng đồng của người tiền sử, hợp lại thành bầy đàn để sống còn và cho tới vài triệu năm sau tính chất bầy đàn ấy được dùng để ám chỉ những hành vi của thời kỳ hang động và dĩ nhiên không ai chấp nhận trong xã hội ngày nay.
Ăn để sống được con người thực hành triệt để là quy luật của tạo hóa, nhưng sống để ăn thì hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người, mỗi cộng động xã hội, thậm chí mỗi nước.
“Sống để ăn” nói lên được cá tính của từng người. Ăn ngon là nhu cầu cao nhất của con người và nhu cầu ấy không thể bàn cãi. Tuy nhiên nếu cái “ngon” phải được đánh đổi bằng giá trị cao hơn món ăn, như tiền: khi quá mắc, như vị trí ăn: quá dơ bẩn, như không gian ăn: tối tăm, ẩm thấp hay ồn ào quá mức chịu đựng, hay tệ hơn, thái độ phục vụ: phải đánh đổi bằng cả giá trị con người thì dù ngon cách mấy cũng khó có ai chấp nhận.
Vậy mà tại Hà Nội, nơi rất nhiều người muốn được gọi là Tràng An, cái nôi văn hóa của cả nước lại đang có hàng ngàn người chấp nhận những yếu tố tiêu cực để được ăn ngon. Ngon bất kể lời ăn tiếng nói của người bán món ăn ấy công khai xem họ là những con lừa, hay tệ hơn, những con heo thèm ăn bất kể cái chuồng của nó dơ tới mức nào qua miệng lưỡi của người bán. Gọi họ là heo, họ cười. Gọi họ là nỡm, họ cười miễn sao có ăn, thỏa mãn tuyến nước bọt đang chực trào ra khi nghe mùi bún chửi, cháo mắng, ốc lắm mồm…
Thực phẩm là thức ăn nói chung, nhưng cách ăn như vậy phải gọi đích danh là “gia súc”.
Người này ăn bị chửi về kể lại với người khác toàn bộ câu chuyện để rồi kết thúc bằng một cái lắc đầu tiếc rẻ: “nhưng sao mà món ăn của họ ngon thế!” Câu tiếc rẻ ấy kéo theo sự tò mò cho người nghe và không chóng thì chầy người nghe ấy nếu không ý thức được thức ăn ấy chỉ nên dành cho gia súc cũng tự nguyện làm theo trong một ngày nào đó khi chữ “ngon” cứ văng vẳng bên tai. Và một cộng đồng nói, nghe, bắt chước, làm theo hình thành. Hình thành dưới phạm trù “bầy đàn” đúng nghĩa.
Có người cho rằng thói quen này phát xuất từ thời xin cho của hợp tác xã và nói rộng ra từ thời bao cấp, khi tem phiếu còn thống trị phân nửa đất nước. Nói thế chỉ đúng một phần và với một số rất ít, chỉ những người già, trực tiếp sống trong thời kỳ ấy còn người trẻ hơn, sinh ra sau khi chế độ tem phiếu đã tuyệt chủng thì lập luận này không thể tồn tại.
Chỉ có thể giải thích: Họ là những người còn nguyên cá tính bầy đàn, chỗ nào có món ăn được đồn đãi là ngon thì họ tìm đến bất kể giá nào.
Hai nữa, họ muốn chứng tỏ mình biết thưởng thức món ăn để khi có ai hỏi thì sẽ hãnh diện mà nói rằng tôi đã từng ăn ở đó và cũng không quên lên án kẻ bắt họ ăn luôn những thứ nhơ bẩn từ mồm của người bán.
Tâm lý ấy phát xuất từ nghèo khó chỉ một bước đổi đời. Thăm thẳm trong tận cùng ký ức của họ một sự ức chế thiếu ăn nặng nề nằm sâu trong huyết quản. Họ phải ăn để bù lại tháng ngày trước đó cả gia đình không được ăn. Ăn để trả thù và ăn để khẳng định đẳng cấp. Bất hạnh một nỗi, lỗ hổng nhân cách mà xã hội tạo ra trong nhiều chục năm không thể kéo những người háo ăn ấy về lại bản chất căn bản của con người: sự giận dữ cần thiết khi ai đó làm mình xấu hỗ.
Để tránh khỏi phải xấu hỗ nhưng vẫn được ăn là một bài báo dạy những người háo ăn này. Với cái tựa “Bí kíp ăn ngon mà không bị lườm, chửi, xếp hàng ở Hà Nội”
Không còn một ê chề nào lớn hơn như thế. Nó làm người đàng hoàng thấy như bị tát vào mặt. Nó tương tự như: Bí kíp tránh bị bắt quả tang khi hiếp dâm, bí kíp nghe người khác chửi mà vẫn vui vẻ, bí kíp ăn mặn nhưng không khát nước…những cái gọi là bí kíp ấy đang hô hào cho lớp trẻ tiếp tục tới những chỗ bún quát, cháo chửi, ốc lắm mồm hóng mõm lên chờ chủ quán phân phát thực phẩm rất ư là gia súc.
Những bí kíp ấy là gì: đổi sẵn bạc lẻ khi ăn kem Trang Tiền. Khi tới Ốc lắm mồm Hồ Đắc Di không mở mồm đòi hỏi chi nhiều. Tránh xếp hàng tại phở Bát Đàn bằng cách ngồi quán cà phê bên cạnh rồi bỏ thêm 5 ngàn để quán cà phê mua phở giúp.
Những thứ gọi là bí kíp ấy làm người ta thắc mắc sao lại có loại phóng viên như thế nhỉ? Hay là vì quá muốn dân Hà Nội làm người Tràng An nên tờ báo phải huy động một bài viết non nớt và đậm mùi như thế?
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Trời ạ! Câu ca dao này có gì hay mà mọi người cứ lấy ra bơm cho nhau mãi thế?
“Chẳng thơm”: thì ông cha ta đã xác định nó chỉ là hoa giấy, hoa giả nhưng lại dựa vào hoa nhài để thơm lây, một câu ca dao thấm thía đến mức lạnh lùng.
“Dẫu không thanh lịch”: đấy, anh chị là dân tứ chiến tụ về, là giai cấp công nhân nghèo xác xơ, là tiện dân buôn tần bán tảo nhưng anh chị là người Hà Nội thì cũng chẳng sao, cứ lấy hai chữ Tràng An ra mà che mặt lại. Che lại cho thơm hai tiếng Tràng An vốn xuất phát từ Tầu.
Viết tới đây tôi lại thấy may cho mình. Trên tấm chứng minh nhân dân nơi sinh không ghi chữ Tràng An, nếu không chắc lại xin ra khỏi cái quốc tịch Hà Nội.
Bài bình luận
Tạp tục của dân bắc kỳ cs.