You are here

Lan man từ bộ phim “The Hunt” của Đan Mạch đến…Giải Cánh Diều Vàng ở VN!

Ảnh của songchi

Song Chi.

Trẻ con không nói dối. Người lớn hay nghĩ như thế. Và chính vì vậy, khi cô bé Klara, chỉ mới ở lứa tuổi mẫu giáo, nói với một nhân viên của trường rằng thầy giáo Lucas đã có hành vi thể hiện bộ phận sinh dục của mình và có những tình cảm khác lạ với cô bé, người lớn đã tin Klara. Không ai biết rằng những lời nói dối của Klara xuất phát từ nỗi tự ái, hờn dỗi rất trẻ con khi cô bé bộc lộ tình cảm quý mến thầy giáo nhưng được thầy nghiêm khắc và từ tốn “chấn chỉnh”. Còn những hành vi mà cô bé cố gắng mô tả rằng thầy giáo đã làm, lại từ những hình ảnh khiêu dâm mà cậu anh trai đã đưa cho cô bé xem.
Từ các nhân viên nhà trường, câu chuyện đến tai ba mẹ Klara, các phụ huynh khác, và lan ra cả cộng đồng đang chung sống trong một ngôi làng nhỏ bé, vốn rất bình yên ở Đan Mạch. Lucas, một người đã ly dị vợ, đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với con trai và có một người bạn gái, Nadja, chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, một người rất yêu trẻ và có biệt tài khiến cho những đứa trẻ yêu quý mình, đã bị cả làng xem như một kẻ bệnh hoạn, mắc chứng ấu dâm. Ngay cả sau đó, khi Klara thừa nhận đã nói dối, mẹ cô bé vẫn không tin, người lớn vẫn không tin.
Tình bạn của Lucas với Theo, cha của Klara bị tan vỡ, áp lực khiến anh phải chia tay Nadja, con trai anh cũng bị công khai tẩy chay. Mọi chuyện càng lúc càng trở nên căng thẳng hơn, và bạo lực đã xảy ra. Cho đến khi chính Theo nhận ra Lucas vô tội, thì Lucas đã phải trải qua những tháng ngày bị tổn thương nặng nề, và cũng chưa phải là đã hoàn toàn vượt qua được những dư chấn của sự việc, từ bên ngoài xã hội và ngay chính bên trong anh, nhưng không vì thế mà tình cảm của anh dành cho những đứa trẻ, kể cả Klara, có thể bị ảnh hưởng…
Bộ phim “The Hunt” (tiếng Đan Mạch: "Jagten")có đề tài, cốt chuyện đơn giản, bối cảnh là một làng quê nhỏ, không dàn dựng nhiều, ít tốn kém. Nhưng vẫn rất ám ảnh người xem. Các tình tiết được xây dựng một cách hợp lý với sự căng thẳng, kịch tính tăng dần, diễn xuất của các diễn viên, kể cả của cô bé Annika Wedderkopp vai Klara, chân thực và thuyết phục. Mở một cái ngoặc, đóng vai Lucas là Mads Mikkelsen, một diễn viên rất nổi tiếng của Đan Mạch, từng được đề cử hoặc đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Nhưng với số đông khán giả không phải là người Đan Mạch, họ có thể sẽ nhớ đến anh hơn trong vai Le Chiffre, nhân vật phản diện sắc nét trong bộ phim “Casino Royal” sản xuất năm 2006, với Daniel Craig vai James Bond.
Không có gì lạ khi “The Hunt” đã được đề cử và đoạt nhiều giải thưởng khác nhau tại hàng loạt liên hoan phim lớn trên thế giới, trong đó có giải Best Foreign Independent Film, Best Danish Film, Best Actor tại British Independent Film Awards 2012; Best Actor tại Cannes Film Festival 2012; Best Screenwriter tại European Film Awards 2012 và là 1 trong 5 phim được đề cử giải Best Foreign Language Film tại Oscar lần thứ 86, 2014.
Lại mở thêm một cái ngoặc thứ hai, điện ảnh Đan Mạch đã 10 lần được đề cử Oscar, trong đó có 3 lần đoạt giải, với các phim "Babette’s Feast" (1987), "Pelle the Conqueror" (1988), "In a Better World" (2010).
Đan Mạch cũng như các quốc gia Bắc Âu khác, có đời sống xã hội rất ổn định, bình yên. Bình yên đến nỗi có lẽ lắm lúc, từ các nhà văn cho tới nhà làm phim chẳng biết tìm đâu ra đề tài để sáng tác! Họ phải đi vào những đề tài tạm gọi là nhỏ như “The Hunt” hay những bị kịch dữ dội sâu bên trong nội tâm con người như “Breaking the Waves”, “Dancer in the Dark” hay mới đây nhất, “Nymphomaniac” của đạo diễn Lars Von Trier.
Chẳng bù cho VN! Những người làm nghề sáng tác ở các nước Bắc Âu hẳn sẽ phải thèm muốn, ganh tị với các đồng nghiệp ở VN khi mà trong cuộc sống hàng ngày đã có khối đề tài, câu chuyện hay. Nhà văn cho tới người làm phim nhiều khi chẳng cần phải bịa ra, cứ lấy từ trong đời thường, hoặc từ báo chí, truyền thông, đã có biết bao nhiêu cảnh đời, số phận, tình tiết có thể làm thành những tác phẩm hay. Vậy mà, không dám đụng tới văn học, chỉ nói riêng phim ảnh, VN vẫn rất hiếm khi có phim coi được, chứ chưa nói hay, càng chưa nói đến khả năng đi tranh giải tại Oscar, Cannes, Venice…
Như vậy vấn đề không phải là thiếu đề tài, cũng chưa chắc đã là thiếu tiền.
Một sự ngẫu nhiên, khi vừa xem xong bộ phim “The Hunt” chưa bao lâu, người viết bài lại đọc được những thông tin xung quanh lễ trao giải thưởng Cánh diều Vàng 2014 tại VN. Có vẻ như không lấy gì làm vui, từ chương trình, chất lượng phim tham gia, cho đến chất lượng phim đoạt giải cao nhất. Có thể kể ra đây một số bài viết đăng trên các tờ báo trong nước: “Giải Cánh diều vàng 2014: Thiếu vắng phim nghệ thuật!” (Lao Động), “Giải Cánh Diều 2014: Bốn ngày, gần chục phim thảm họa” (Tiền Phong), “Nhàm chán vì “thảm họa” điện ảnh”(VTC), “Cánh diều vàng…đứt dây” (Petrotimes), “Giải Cánh diều quay ngoắt 180 độ” (Người Lao Động), “Thần tượng” và bệnh phim Việt” (Tiền Phong) v.v…
Tự nhiên lẩn thẩn nghĩ nếu một kịch bản phim như “The Hunt” đem đi chào hàng ở VN, có thể có cơ hội làm thành phim không? Chắc chắn là không. Thứ nhất, với các hãng phim nhà nước, thì một đề tài, câu chuyện như “The Hunt” sẽ bị coi là tầm thường, không có gì (!). Các hãng phim nhà nước thường chỉ đặt hàng những bộ phim mà dân trong nghề gọi là “phim cúng cụ”, nghĩa là phim làm về những đề tài có tính chất tuyên truyền cho nhà nước, hoặc để kỷ niệm, tưởng niệm một ngày lễ lớn, một sự kiện cách mạng nào đó.
Cũng có khi các hãng phim nhà nước duyệt cho những bộ phim được gọi là “phim nghệ thuật”, nhưng cái khổ ở đây là những bộ “phim nghệ thuật” đó cũng chưa hay, vấn đề không nằm trong đề tài, hay kinh phí (dù mọi người vẫn cứ hay kêu ca không có tiền làm phim hay) mà nằm trong cái đầu của chính người làm phim-từ người viết kịch bản, đạo diễn cho tới người chịu trách nhiệm kiểm duyệt, chấp nhận cho kịch bản A,B,C…được sản xuất.
Chưa nói đến bộ phận kiểm duyệt, chính những người sáng tác cũng còn mãi loay hoay thế nào là phim nghệ thuật (!), nhiều lúc, những cái mà chúng ta sáng tác ra lại giả, dở hơn thực tế cuộc sống rất nhiều, hoặc nhiều lúc, cứ tưởng rằng sáng tạo, đột phá, là phải lao vào những đề tài như đồng tính hay khai thác những cảnh nóng trên phim, chẳng hạn.
Trở lại với điện ảnh Đan Mạch, một quốc gia chỉ có hơn 5 triệu dân và không phải thuộc loại có bề dày nếu so với nhiều nền điện ảnh lớn khác của thế giới, những người làm phim Đan Mạch có thể đi vào những đề tài đơn giản như “The Hunt” nhưng khi cần táo bạo, dữ dội, chẳng hạn, khi khai thác đời sống tình dục trên phim, liệu ở VN có dám làm những cảnh trần trụi đến tận cùng, không chút ngần ngại, không chút định kiến, kiểu như “Nymphomaniac” của Lars Von Trier và khá nhiều phim thuộc loại này của các đạo diễn Đan Mạch?
Tất nhiên là những bộ phim dữ dội về những khía cạnh khác nhau trong đời sống tình dục của con người, đặc biệt chứng nghiện sex, như “Nymphomaniac” không bao giờ được phép sản xuất, phát hành ở VN. Nhưng chưa cần nói đến bộ phận kiểm duyệt, chính những rào cản trong tư duy cũng đã khiến người sáng tác tự kiểm duyệt, tự biên tập hoặc có những cái nhìn chưa thật thoải mái để có thể làm những bộ phim như vậy. Vậy thì cái mà chúng ta cho là táo bạo, sáng tạo trong cảnh nóng, hay đề tài đồng tính, thực tế chả ăn thua gì so với các nước khác. Trong khi đời sống ở VN có quá nhiều đề tài, câu chuyện hay thì chúng ta lại không khi thác được.
Còn đối với các hãng phim tư nhân, những đề tài, câu chuyện như “The Hunt” lại càng không bao giờ được họ đồng ý bỏ tiền ra để làm. Tại sao? Các nhà sản xuất phim tư nhân ở VN luôn luôn đặt yêu cầu trên hết là phải có khách, phải từ thu hồi vốn cho đến có lãi, với người làm phim. Nếu bạn đưa một kịch bản nào đó cho các hãng phim tư nhân, họ sẽ yêu cầu bạn “phải có chiêu, trò” để câu khách.
Chiêu, trò ở đây có thể là phải luôn luôn chạy theo những món ăn mới, từ thể loại, đề tài, hết phim hài thì là phim hành động, rồi võ thuật, cổ trang, kinh dị, phim ma…Phim hài thì phải ra sức chọc cười khán giả, với sự có mặt của các nghệ sĩ hài tên tuổi, phim hành động đấm đá, đấu võ, các màn bạo lực, phim tình cảm với các cảnh cởi, nóng, và sẽ thu hút khán giả hơn nếu làm về những đề tài như giới showbiz, người mẫu, ca sĩ, thời trang, những cảnh ăn chơi vũ trường, nhà lầu xe hơi, quần áo lượt là, hoặc giới tuổi teen nhí nhố…
Thêm một nguyên tắc bất di bất dịch: phải có sự góp mặt của người nổi tiếng, có thể là diễn viên nổi tiếng, ca sĩ nổi tiếng, hot girl, hot boy, danh hài…bất kể họ có hợp vai hay không. Phải có những màn dàn dựng hút mắt v.v…
Cuối cùng là khán giả, thường ở VN siêng đến rạp là giới trẻ, vốn quen được/bị các nhà làm phim dụ đến rạp bằng các chiêu trò như vậy, cũng sẽ không bỏ tiền để coi những bộ phim không có người đẹp, không có các yếu tố câu khách như…“The Hunt”.
Trong một môi trường với những quan niệm làm phim, thưởng thức phim, kiểm duyệt, đánh giá phim như thế, phim VN bị chia thành hai loại, hai dòng rõ rệt gọi là phim nhà nước, “phim nghệ thuật” (tự xưng, trong ngoặc kép) và phim tư nhân, phim giải trí. Nhưng cái đáng nói là phim nghệ thuật lại chưa đạt đến mức nghệ thuật, phim giải trí cũng chưa thật sự đã đời con mắt, xứng đồng tiền. Phim dở thì nhiều, có những phim còn bị báo chí, dư luận gọi là phim thảm họa, nên cứ mỗi lần liên hoan phim, giải Bông Sen, Cánh diều…Ban tổ chức lại phải vơ vét tất cả phim vào tham dự cho đông vui một chút rồi cuối dùng đành trao giải cho phim nào tạm gọi là đỡ dở hơn một chút!
Có lẽ hai điều trước mắt mà chúng ta phải làm, và cũng không quá khó khăn, đó là nâng cao thị hiếu xem phim của khán giả, như trong bài “Bắt đầu từ việc được xem phim hay” mà người viết bài này đã đề cập (để không còn có thể đổ thừa vì thị hiếu của khán giả như thế nên phải làm phim như thế) và thay đổi quan niệm làm phim, thế nào là phim hay, thế nào là phim nghệ thuật, thế nào là đề tài lớn, nhỏ…bởi không có đề tài dở hay tầm thường, chỉ có những kịch bản dở và phim dở mà thôi.
Thay đổi quan niệm làm phim còn là thôi chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài trong khi nhân vật thì mờ nhạt không sức sống, hoặc ngược lại, cứ “âm mưu” rao giảng một thông điệp gì đó hết sức to tát trong khi người xem phim đâu cần ai phải dạy dỗ họ!